khan-cap-cung-ung-vac-xin-tiem-chung-mo-rong

Khẩn cấp cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng

Trước tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng trầm trọng, yêu cầu đặt ra là phải khẩn cấp có giải pháp đảm bảo đủ nguồn cung ứng vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng đã buộc không ít người phải tiêm dịch vụ với chi phí đắt đỏ
Tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng đã buộc không ít người phải tiêm dịch vụ với chi phí đắt đỏ

Nguy cơ dịch chồng dịch vì thiếu vắc-xin

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đang thiếu một số loại vắc-xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng, như vắc-xin DPT (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván); vắc-xin 5 trong 1 (phòng bệnh viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván và phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib), nên việc bảo đảm có vắc-xin sớm nhất là một nhiệm vụ cấp bách.

Đối với những loại vắc-xin sản xuất trong nước, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vắc-xin của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023.

Tại Thanh Hóa, việc thiếu vắc-xin 5 trong 1 xảy ra từ cuối năm 2022 và từ tháng 2/2023, không còn vắc-xin này. Đối với vắc-xin 3 trong 1 thì bị gián đoạn cung ứng từ tháng 3/2023 đến nay. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh đang thiếu hơn 81.000 liều vắc-xin DPT-VGB-Hib (5 trong 1) và hơn 64.000 liều vắc-xin DPT (3 trong 1) phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván để tiêm cho trẻ.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), không có vắc-xin khiến việc tiêm chủng không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ vắc-xin, không đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Bộ Y tế kiến nghị giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2024.

Được biết, trong nhiều năm qua, ngành y tế triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng phòng 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trong cả nước, gồm viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản.

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình Mục tiêu y tế, dân số do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện mua sắm tập trung vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng, ký hợp đồng với nhà cung ứng cấp phát cho các địa phương thực hiện.

Giai đoạn 2021-2022, do không còn Chương trình Mục tiêu y tế, dân số, một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và không có nội dung mua vắc-xin, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương và các địa phương.

Rõ ràng, việc thiếu vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ không phải vì thiếu kinh phí, mà do cơ chế chính sách chưa phù hợp, do thay đổi cách làm, dẫn đến lúng túng từ nhiều phía. Hệ quả là, rất nhiều trẻ em phải trì hoãn việc tiêm chủng hoặc chuyển sang tiêm chủng dịch vụ với chi phí đắt đỏ.

Khẩn cấp cung ứng vắc-xin

Hiện có rất nhiều bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, mà biện pháp tối ưu là tiêm vắc-xin để nâng cao miễn dịch của cơ thể, ngăn ngừa bệnh. Để đảm bảo nguồn cung vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho các địa phương, ông Lê Thành Công, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã tổng hợp nhu cầu đăng ký vắc-xin tiêm chủng mở rộng những tháng còn lại năm 2023 và đến tháng 6/2024, đồng thời đề xuất phương án bảo đảm cung ứng vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 và 2024.

Theo đó, các vắc-xin sản xuất trong nước, gồm DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván); uốn ván hấp phụ (TT); phòng lao đông khô (BCG); uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td); viêm não Nhật Bản; viêm gan B; sởi; sởi-rubella; bại liệt (bOPV) và Rota được giao cho Bộ Y tế.

Bộ Y tế sẽ tổng hợp nhu cầu của các địa phương, thực hiện đặt hàng, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vắc-xin gửi Bộ Tài chính; các tỉnh, thành phố ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước; Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng.

Đối với vắc-xin nhập khẩu (gồm 3 loại), thì vắc-xin bại liệt IPV đã có đủ cho nhu cầu năm 2023 và 2024 từ nguồn viện trợ và sẽ cấp phát cho địa phương. Còn vắc-xin 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib), Bộ Y tế thực hiện việc mua sắm theo hình thức đàm phán giá, các địa phương đăng ký số lượng và đơn vị mua sắm tập trung của Bộ Y tế tiến hành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung. Các địa phương sẽ ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp từ nguồn ngân sách địa phương…

Để đảm bảo cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ Điều 22, Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đấu thầu, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ để áp dụng mua sắm vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng với hình thức chỉ định thầu, đấu thầu, đàm phán giá, đặt hàng.

Theo yêu cầu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế, theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, khẩn trương chỉ đạo, thực hiện ngay các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu vắc-xin trước ngày 24/6/2023.

Ngày 10/6/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc ngay với các đơn vị sản xuất trực thuộc Bộ Y tế để cung ứng vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng; làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp, nhập khẩu để thương thảo, thực hiện cơ chế mua sắm trước, trả tiền sau.

Về phía các bậc phụ huynh, theo các chuyên gia y tế dự phòng, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho con em mình. Bên cạnh đó, phải nâng cao khả năng phòng, chống bệnh tật bằng biện pháp tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ, cố gắng bố trí ngân quỹ cho trẻ được tiêm dịch vụ khi vắc-xin trong chương trình đang bị gián đoạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *