Trong bối cảnh khó khăn chung, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, Top 6 ngành được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tiềm tăng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất bao gồm: Ngân hàng, Sản xuất thực phẩm, Điện, Dầu khí, Du lịch và Giải trí, Xây dựng và Vật liệu.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn
Cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng giá thấp
Theo khảo sát của Vietnam Report, mặc dù tất cả các ngân hàng thương mại đều điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận so với năm 2022, đây vẫn là ngành có mức điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận ít nhất.
Ngân hàng là ngành có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, với tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất trong năm 2023 cao nhất, đạt 75,7%, tăng đáng kể so với mức 46,2% của năm 2022. Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
Top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023
Cơ hội tích sản cổ phiếu ngành Điện
Sau ngân hàng, Vietnam Report đánh giá cao ngành Điện – một ngành phòng thủ. Tiềm năng ngành này đã vươn lên lọt top ngành hot nhất năm 2023 với 50,0% số chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá có nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn so với các ngành khác (+19,2% so với kết quả khảo sát cách đây một năm).
Đà tăng của nhóm ngành Điện bắt đầu từ khi mở cửa sau COVID-19, lượng điện tiêu thụ tăng khi các nhà máy dần đi vào động. Đáng chú ý, Dự thảo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050) đã chính thức được phê duyệt vào ngày 15/5 vừa qua được nhiều chuyên gia nhận định là động lực thúc đẩy mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp điện.
Xây dựng và vật liệu xây dựng hưởng lợi từ đầu tư công
Top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023 còn có sự góp mặt của Xây dựng và vật liệu với niềm tin vào việc hưởng lợi trực tiếp từ các dự án đầu tư công của Chính phủ.
Hiện nay, một số doanh nghiệp trong mảng hạ tầng đang triển khai các cao tốc trong giai đoạn 1 hoặc các nhà máy công nghiệp, dự án hạ tầng khác được kỳ vọng hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công.
Theo đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến những thông tin trên được kỳ vọng là “bến đỗ” an toàn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, phải nhìn nhận vào thực tế, triển vọng ngành Xây dựng và vật liệu xây dựng đang phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cơ hội bứt phá cho ngành Du lịch và giải trí
Ngành Du lịch và Giải trí có tiềm năng bứt phá mạnh sau COVID-19, đặc biệt với những biện pháp nới lỏng các quy định nhập cảnh du lịch, cấp thị thực điện tử (e-visa) và lực đẩy từ dòng khách ngoại, trong đó có Trung Quốc sau khi quốc gia này mở cửa trở lại.
Theo ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, thị trường quốc tế đang dần hồi phục. Nếu tình hình không có gì thay đổi, thị trường inbound có thể phục hồi hơn 50% so với năm 2019, tức khoảng trên 8 triệu khách.
Triển vọng của doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn
Luật Dầu khí sửa đổi tạo hành lang pháp lý mới giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua vào tháng 11/2022 và có hiệu lực vào ngày 1/7/2023.
Những điểm mới này đặt ra kỳ vọng giúp bao quát chặt chẽ hơn, hiện thực hóa công tác triển khai, tăng độ linh hoạt thuận lợi, tương thích với luật quốc tế, tăng tổng vốn đầu tư, khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai trong bối cảnh các mỏ hiện nay đang có sự cạn kiệt.
Bên cạnh đó, Dự án lô B – Ô môn sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho nhiều doanh nghiệp niêm yết trong chuỗi giá trị ngành Dầu khí tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thị trường ngành sản xuất chế biến thực phẩm ngày càng mở rộng
Giá trị sản xuất của ngành Sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tầm quan trọng của ngành trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, tỷ trọng giá trị sản xuất cao cho thấy, ngành Sản xuất, chế biến thực phẩm có nhiều thế mạnh với nhiều thương hiệu lớn, có uy tín, thị trường ổn định và có khả năng cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp nước ngoài và còn nhiều dư địa cho sự phát triển.
Đặc biệt, sau khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực, ngành Sản xuất chế biến thực phẩm sẽ được mở ra một thị trường tiêu dùng và đầu tư rộng lớn hơn.
Trong nhiều năm qua, đây luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển với tốc độ tăng trưởng được dự báo từ 5-6%/năm trong giai đoạn 2020-2025 như nhận định và đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế.
Vietnam Report cho rằng, kịch bản về một sự đột phá của bất kỳ nhóm ngành nào trên thị trường chứng khoán sẽ khó xảy ra. Top 6 kể trên là những ngành được đánh giá ổn định và có cơ hội có nhiều cổ phiếu khởi sắc hơn so với mặt bằng chung chưa tích cực của các ngành còn lại.
Hiện tại, phần lớn đều kỳ vọng lớn vào loạt chính sách hỗ trợ từ các bộ, ban ngành từ các chính sách tài chính cho đến tiền tệ dần thẩm thấu và phát huy hiệu quả để tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên từ những quý sau của năm.
Minh Lâm
Nguồn Tạp chí Tài chính