DỊCH DAO – BI THƯƠNG NGƯỢC DÒNG THÀNH SÔNG: CÓ MỘT THANH XUÂN VĨNH VIỄN DỪNG LẠI.

WARNING: Nội dung bài viết là ấn tượng về nhân vật Dịch Dao trong phim “Bi thương ngược dòng thành sông”, có đề cập tới sicde, không cổ suý hành vi tự làm hại bản thân, bạn đọc cân nhắc.

“Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy lần nữa.” – trích “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi”.

Tuổi thanh xuân với nhiều người có lẽ là quãng thời gian đáng nhớ nhất. Đó là những ngày “ăn chưa no, lo chưa tới”, xuất hiện những tình bạn keo sơn gắn bó, bắt đầu những rung động đầu đời, nơi mà xúc cảm hết sức đơn thuần và đẹp đẽ. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, bởi thanh xuân của họ chất đầy những bi thương, mà Dịch Dao không may lại là một số đó.


Có một bông hoa kiên cường, dũng cảm trước sóng gió cuộc đời

Dịch Dao là một nữ sinh 17 tuổi sống cùng mẹ trong căn nhà nhỏ chật chội, cũ kỹ tại khu phố dành cho dân lao động phổ thông. Cha cô mất sớm, mẹ làm công việc nhạy cảm, gia cảnh nghèo khó. Hoàn cảnh gia đình khó khăn tạo nên tính cách ít nói, trầm mặc của cô. Cuộc đời Dịch Dao đáng lý sẽ diễn ra một cách bình thường như bao nữ sinh trung học khác, nhưng nó đã bắt đầu rẽ hướng kể từ ngày Đường Tiểu Mễ – bạn học cùng lớp luôn ghen tị với sự quan tâm của trúc mã Tề Minh dành cho Dịch Dao – phát hiện ra bí mật căn bệnh của cô.

Sỉ nhục, lăng mạ, bịa đặt ác ý, nhét bút lông vào miệng, đổ thức ăn thừa, ném sơn vào người, dội nước từ trên tầng cao, bị trộm tiền… là tất cả những hành động ác ý bạn học nhắm vào Dịch Dao. Một Dịch Dao hiền lành nhút nhát nay lại càng thu mình bởi những trò bắt nạt đáng sợ ấy.

Tưởng rằng tháng ngày địa ngục của Dịch Dao vẫn sẽ tiếp diễn thì Cố Sâm Tây – cậu bạn có nụ cười rạng ngời xuất hiện như một tia sáng kéo cô khỏi vũng lầy tăm tối. Nhờ cậu bạn ấy, Dịch Dao vùng dậy đáp trả những chiêu trò vặn vẹo từ bạn cùng lớp, không còn ngồi yên chịu đựng mỗi khi bị bắt nạt, cũng mạnh mẽ học cách bảo vệ bản thân trước trò đùa bẩn thỉu của bạn học.

Phân cảnh cảm động nhất phim đối với mình, đó là khoảnh khắc mẹ Dịch Dao phát hiện con gái mắc bệnh. Bà không quát mắng, không đánh chửi cô như mọi khi, chỉ tát vào mặt tự trách bản thân đã hại con. Hình ảnh người mẹ kiên định dắt tay con gái đi thẳng qua khu dân cư trước ánh nhìn chòng chọc của bao người, phía sau là chiều tà rực rỡ, giống như ánh hào quang hy vọng, dấu hiệu về một khởi đầu mới tốt đẹp hơn cho Dịch Dao: chữa khỏi bệnh, cải thiện quan hệ mẹ-con, phát triển tình bạn gắn bó với Cố Sâm Tây.

Dù mạnh mẽ, bông hoa nhỏ vẫn bị nuốt chửng bởi hiện thực khắc nghiệt

Những tưởng cuộc đời Dịch Dao sẽ bước sang một trang mới, nhưng thực tế nhấn chìm cô một lần nữa. Và lần này, nó đã cướp đi sinh mệnh của cô.

Nếu “Bi thương ngược dòng thành sông” phát triển diễn biến như những bộ phim học đường ngọt ngào tươi sáng khác, có lẽ chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh một Dịch Dao rũ bùn đứng lên, rạng rỡ tràn đầy niềm tin vào tương lai. Thế nhưng hiện thực tàn khốc, Dịch Dao vẫn chỉ là một cô gái 17 tuổi quá non nớt trước những âm mưu độc ác, trước sự cay nghiệt của miệng lưỡi thế gian.

Hiểu lầm chồng chất hiểu lầm, oan ức bị định tội danh “g*** người” mà không thể thanh minh, chẳng còn ai ở bên tin tưởng, Dịch Dao rơi vào hố đen tuyệt vọng. Mặt trời nhỏ Cố Sâm Tây đau lòng trước sự ra đi của chị gái sinh đôi, cũng đang ôm ấp bảo vệ bản thân trong nỗi bi thương mà vô tình quên đi thế gian này còn có một Dịch Dao cũng đang run rẩy, thương tích đầy mình như con thú nhỏ bị dồn vào đường cùng.

Cuộc đời đã nếm đủ đắng cay, đôi mắt u ám không còn nhìn thấy chút tia sáng, nỗi đau chất đống dai dẳng trong từng cơn ác mộng hằng đêm, Dịch Dao chẳng thể chờ cơ quan điều tra đưa ra kết luận cuối cùng được nữa, cô chứng minh sự trong sạch của bản thân bằng lựa chọn cực đoan nhất. Trong lòng là bão tố, bi thương cuộn chảy khắp cơ thể, đến một giây phút trái tim không chịu nổi sức ép sẽ vỡ tan thành ngàn mảnh nhỏ. Và thế là có một cuộc đời đã bị nuốt chửng bởi sự nghiệt ngã của lòng dạ con người, có một tương lai đầy hoài bão đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 17, có một bông hoa nhỏ kiên cường đã vĩnh viễn lụi tàn.

Phân cảnh cuối phim, hình ảnh Dịch Dao đứng bên bờ sông chỉ trích những người bàng quan, vô cảm đối xử độc ác với cô có lẽ là nỗi lòng của rất nhiều bạn khi xem phim. “Chỉ là đùa cho vui thôi mà”, “Tôi có làm gì quá đáng đâu?”… những câu nói như gai nhọn đâm vào lồng ngực nạn nhân chi chít, rồi theo m.á.u đi khắp cơ thể, đau đớn tới ngạt thở. Đó là sự phẫn nộ, uất ức, bất lực của Dịch Dao, cũng là tiếng lòng của rất nhiều nạn nhân b.ạ.o l.ự.c học đường khác. Dịch Dao không biết ai là người đã hại c.h.ế.t Cố Sâm Tương, nhưng chắc chắn h.u.n.g t.h.ủ phải chịu trách nhiệm trước cái c.h.ế.t của cô chính là những con người tuyệt tình đó.

“Cô ấy t* t* nhưng đạo diễn lại cho lồng một đoạn nhạc nghe như là từng bước chân chạy tới mặt trời của riêng cô ấy vậy. Dịch Dao không t* t*, cô ấy chỉ là đi tìm đến ánh sáng mà cô ấy nhìn thấy được đó chính là GIẢI THOÁT.”

Đây là một bình luận trên Youtube về phân cảnh Dịch Dao nhảy sông t* t, xin được trích lại cho mọi người cùng đọc và cảm nhận. Đúng vậy, Dịch Dao không t s*t, cô chỉ bỏ lại hết tất cả những sợ hãi, dối trá, đốn mạt sau lưng, hướng về sự giải thoát. Ở nơi tận cùng của bi thương, cô đã nhìn thấy ánh sáng hạnh phúc phía cuối đường hầm.


B.ạ.o l.ự.c học đường vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi, từng phút, từng giây trên khắp thế giới, hiện diện và len lỏi trong từng mái trường, lớp học. Có biết bao người đã phải mang những nỗi đau đó theo suốt cuộc đời, và có biết bao Dịch Dao đã từng tồn tại.

“Bi thương giống như một con sông lớn, có thể nhấn chìm bạn, cũng có thể đưa bạn đến với ước mơ viễn phương. Nguyện tất cả thanh xuân đều có thể được đối xử một cách ấm áp nhất.”


Nguồn ảnh: google, pinterest.

Trích dẫn: phim “Bi thương ngược dòng thành sông” – bản điện ảnh 2018.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *