Dành cho những người muốn tập viết từ con số 0 nhưng không dành cho người lười đọc.
(Mình chia sẻ lại bài viết gần 1 năm trước về kinh nghiệm viết lách cho bạn nào đang tìm kiếm)
Sau sự hưởng ứng của bài viết “Khi viết lách trở thành thói quen” thì ngày hôm nay mình sẽ đúc kết những trải nghiệm của mình sau khi rèn luyện thói quen viết lách trong gần 8 tháng, cũng như tổng hợp lại kinh nghiệm cho những bạn muốn viết nhưng chưa có động lực hoặc chưa biết nên bắt đầu từ đâu để làm chủ con chữ.
8 tháng trước đây, mình nhận quyết định thôi việc sau 3 tháng làm việc tại một nơi mình coi đó sẽ là nơi mình rèn luyện để trưởng thành và gây dựng sự nghiệp, bởi mình biết chắc rằng việc học của mình lúc bấy giờ cũng không còn quá quan trọng nữa.
Mình xin phép nói sơ qua về việc học, chuyện học đại học của mình lúc đó không mấy khả quan, ai cũng biết rằng để được vào trường đại học Bách Khoa Hà Nội là không dễ dàng gì, nhưng chỉ sau nửa năm học đại học mình đã biết rõ mình không muốn trở thành một người kỹ sư mà trước đây mình từng ao ước. Để cứu vớt cho sự lạc lối trên đại học như vậy, mình chọn tìm kiếm đam mê, tìm kiếm cái nghề mà mình thích bằng những công việc bán thời gian bên ngoài, cho đến nay mình cũng đã may mắn được trải nghiệm qua 6 môi trường làm việc khác nhau trong 2 năm rưỡi học đại học.
Quay lại thời điểm mình bị thôi việc, bạn có thể hiểu cảm giác lúc đó của mình như một kẻ thất tình khi nhận lời chia tay của người bạn hết mực thương yêu, sau một thời gian cố gắng để níu kéo cô ấy. Mình lúc đó thất vọng về bản thân nhiều lắm, tại sao mình không thêm một chút cố gắng, thêm một chút cẩn thận, thêm một chút quyết tâm vượt qua khó khăn thì có lẽ mình đã vượt qua.
Thế rồi, mình dành hơn 1 tháng để tập tĩnh lại, học cách nhìn lại bản thân, nhìn lại những điều đã qua với những trải nghiệm, những sai lầm, những điều đã làm được hay còn dang dở. Mình tìm đến những cuốn sách dạy mình cách phản tư bản thân để đúc rút được những kinh nghiệm mà mình coi là xương máu, thật tốt nếu những điều đó sẽ giúp mình không phạm phải sai lầm tương tự trong tương lai. Nhưng mình cần một cách nào đó để lưu lại, để học cách diễn giải những dòng tâm sự, những suy nghĩ trong đầu mình thành một thứ gì đó hữu hình.
Và mình chọn viết, khi viết, mình sẽ lưu giữ lại kinh nghiệm, khi viết mình sẽ rèn luyện được cách để truyền tải suy nghĩ thành câu chữ, viết cũng chính là cách để mình xây dựng thương hiệu cá nhân trong thời kỳ xã hội đang chuyển mình không ngừng trên mạng xã hội. Thế rồi mình chợt nhận ra tại sao không chia sẻ những bài viết của mình với những người xung quanh, đó cũng là một cách để cho đi đấy thôi. Mình vẫn luôn ghi nhớ câu:
“Cuộc sống là cho đi và nhận lại, hãy tập cho đi khi mà bản thân chưa có gì, bạn sẽ nhận lại niềm vui và hạnh phúc”
Mình dường như đã tìm ra lý do đủ lớn để trả lời cho câu hỏi WHY? Khi bạn trả lời được câu hỏi vì sao mình muốn viết thì bạn đã thành công 50% rồi. Và hành trình viết lách của mình bắt đầu từ đây.
Bây giờ là phần theo mình nghĩ là thú vị nhất.
Muốn làm bất kỳ việc gì, hay rèn luyện một thói quen nào cũng cần phải có mục tiêu, nhưng ở thời gian đầu tiên mục tiêu viết lách với mình thực sự là mơ hồ. Viết là chia sẻ, là cảm hứng thì cần quái gì mục tiêu. Suy nghĩ của mình lúc đó luôn quẩn quanh những câu hỏi là: Mọi người sẽ nghĩ gì về mình sau khi mình viết bài đăng lên mạng xã hội? Mọi người liệu có chê bai hay chọc ngoáy vào những thất bại mà mình chia sẻ? Mình nên bắt đầu như thế nào đây?…
Rất nhiều câu hỏi, nhưng nỗi sợ lớn nhất trong đầu mình lúc đó là sợ bị người khác đánh giá, sợ bị bạn bè chê cười, phân biệt, bởi xung quanh mình có mấy ai làm như vậy đâu. Mình có đắn đo suy nghĩ và quyết định đăng những bài viết đầu tiên của mình vào một tài khoản mạng xã hội phụ, nơi mình chỉ kết bạn với những người mình thực sự quen biết, điều đó giúp mình cảm thấy thoải mái và tự tin hơn.
Sau 3-5 bài viết đầu tiên, nhận được phản hồi, tích cực có, tiêu cực có, nhiều lúc đăng lên chỉ coi xem ai sẽ bình luận chê bai hay bới móc mình thôi. Những lời chê bai hay khen ngợi mình đều tiếp thu và sửa đổi, thời gian đầu khi đọc những nhận xét tiêu cực mình cũng hơi ấm ức nhưng mình không chọn đôi co với những lời bình phẩm đó vì mình biết rồi mình sẽ viết tốt hơn, và họ sẽ không còn nhận xét tiêu cực nữa.
Mình nghĩ sẽ có nhiều bạn hỏi thời gian đầu tiên này thì lấy ý tưởng ở đâu để viết. Về phía mình, đúng là thời gian bắt đầu viết thì cái gì cũng mới mẻ, cũng khó khăn và phải thử sai thật nhiều. Mình vốn dĩ không hề giỏi văn, vốn từ lại hẹp, nhất là với một dân kỹ thuật văn phong cứng nhắc, nhưng bù lại mình lại là một người có tính cách hướng nội, cho nên mình suy nghĩ rất nhiều, chiều sâu nội tâm nhiều cảm xúc. Chính vì thế mà mình ghi nhớ rất lâu những trải nghiệm đã qua để có thể hồi tưởng lại. Mình hay suy nghĩ về những điều xung quanh và về cuộc sống xung quanh chính bản thân mình – Đó là kho tàng vô tận về ý tưởng của mình.
Mình nhận ra rằng với những người mới bắt đầu để viết được tốt thì bạn hãy ở một mình, ở nơi ít ồn ào thì càng tốt, còn nếu được trong không gian như một quán café quen thuộc nơi mình thường lui tới thì đúng là môi trường lý tưởng để viết bài. Một nửa những bài viết từ trước đến giờ của mình được hoàn thành vào ban đêm hoặc tại một quán café nào đó. Người ta có câu: “ Tức cảnh sinh tình” cũng có cái lý của nó, hãy tạo môi trường phù hợp nhất với bạn để viết lách được tập trung nhé bạn.
Chắc chắn bạn sẽ gặp phải tình huống bí ý tưởng, có ý tưởng thì lại thiếu trải nghiệm để phân tích, vậy nên bạn cần phải đọc, phải quan sát và suy ngẫm nhiều hơn. Mình thường đọc những cuốn sách tiểu thuyết kinh điển, hay những cuốn hồi ký, thỉnh thoảng mình chọn xem lại những bộ phim sâu sắc đáng suy ngẫm, ngoài ra mình hay đọc bài viết của những tiền bối đi trước. Đó là những cách để mình kích thích bản thân suy ngẫm nhiều hơn, ý tưởng từ đó cũng tự động lóe lên để mình viết bài. Đôi khi những bài Review sách, review phim của mình lại là những bài viết được hưởng ứng nhiều.
Quay trở lại quá trình viết lách của mình, sau khoảng 10 bài và đã tự tin hơn, mình quyết định đăng bằng tài khoản Facebook chính, mình nhận được nhiều tương tác hơn (Tất nhiên rồi bởi list friend của mình có tới 2000 người bạn). Bạn bè hồi đầu cũng hay thắc mắc tại sao mình viết nhiều thế, đôi khi trêu chọc mình vì mình đang làm những việc mà ở cái tuổi 20 này, tuyệt nhiên là không có ai giống như vậy xung quanh mình. Không có gì khó hiểu, bởi nếu bạn làm một điều gì đó đi ngược lại với số đông, tự khắc bạn sẽ trở nên khác biệt, đôi khi bị phân biệt giữa đám bạn đồng trang lứa. Nhiều lúc mình cũng ngại, nhưng xung quanh mình cũng có rất nhiều người anh, người chị đi trước ủng hộ, vậy nên không việc gì mà mình phải sợ bị đánh giá từ những người không hiểu được những việc mình đang làm.
Mình viết về rất nhiều chủ đề, thời gian đầu viết chưa tốt, mình chọn review những cuốn sách đã và đang đọc, đó là điều dễ nhất. Sau đó mình viết về những trải nghiệm thất bại của bản thân trong công việc rồi rút ra những bài học xương máu. Rồi viết về phim, về những chủ đề mình gặp nhiều trong công việc và đời sống. Để nâng cao hơn, mình viết về những kỹ năng, tổng hợp kiến thức và kinh nghiệm của bản thân về một lĩnh vực mình đã có trải nghiệm (Như bài này là một dạng tổng hợp trải nghiệm) Phải công nhận thể loại cuối này khá là khó với mình bởi ngoài tường thuật lại mình còn phải tra cứu và bổ sung từ kiến thức trên mạng.
Nếu bạn là người bắt đầu từ con số 0, thì phần này là dành cho bạn.
Nhiều bạn sẽ hỏi rằng, em có ý tưởng, em có trải nghiệm đủ nhiều để viết rồi, nhưng khi đặt tay xuống bàn phím, em không thể viết được câu nên hồn. Mình cũng từng như vậy, ngồi nửa tiếng mà chẳng biết nên bắt đầu sao cho hợp lý, cứ viết ra rồi lại xóa đi thật mất công.
Với những người mới bắt đầu, bạn sẽ chưa quen với việc viết liền tù tì từ đầu đến cuối, mình thường tưởng tượng ra trong đầu trước những phần chính mà mình cần viết, bạn nên viết những phần chính rồi khai triển theo sẽ dễ dàng hơn. Tùy vào nội dung của bài và tính chất bài thì sẽ phân chia bố cục cho phù hợp. Thông thường một bài viết sẽ luôn có 3 phần là mở, thân, kết.
Những bài viết của mình đang tuân theo những phần sau:
Câu tiêu đề: Nên ngắn gọn khoảng dưới 10 từ
Câu tiêu đề phụ: Làm rõ nghĩa cho câu tiêu đề cũng như tạo tính tò mò cho người đọc
Phần mở: Nêu luận điểm
Phần thân: Phát triển luận điểm và đưa ra luận cứ chứng minh
Phần kết: Tóm gọn lại và đưa ra thông điệp
Lưu ý: Phần kết nên tạo tính đúc kết và nhẹ nhàng để người đọc cảm thấy bài viết có tính trọn vẹn.
Đó là bố cục cơ bản mình đang áp dụng, với những bài dài hơn thì mỗi ý lớn sẽ triển khai mở thân kết, điều đó sẽ giúp người đọc nắm được bố cục và đại ý của bài. Tuyệt đối không viết lan man và không phân tách đoạn rõ ràng, mình rất kị lỗi sai này. Chẳng có ai muốn đọc một bài dài ngoằng mà từ đầu đến cuối không một đoạn xuống dòng. Nếu sử dụng tốt việc phân tách các phần bạn hoàn toàn có thể tạo ra nhịp điệu cho bài, ngoài ra là những nút thắt bất ngờ, gây nên sự tò mò cho người đọc giữa những bước chuyển đoạn. Những câu mở đầu của mỗi đoạn cần có yếu tố kết nối đoạn bên trên, điều đó giúp bài viết có tính liền mạch và trơn tru hơn.
Việc mình đã xác định trước những phần chính khiến cho bài viết ít khi bị lan man và thiếu tính logic. Hơn nữa, trong lúc viết những phần dưới, mình phải luôn tìm cách để liên kết những chi tiết mà mình đã nêu ra bên trên, đó là cách tạo sự vững chắc cho nội dung bài, không có ý nào được viết ra mà không mang ý nghĩa. Quan trọng nhất, tất cả các câu của bài đều cộng hưởng với nhau để nêu bật thông điệp mà bài muốn truyền tải.
Có lẽ đọc đến đây nhiều bạn sẽ chưa hình dung ra những điều mình muốn nói. Dưới đây mình sẽ liệt kê từng bước ngắn gọn để bạn có thể bắt đầu ngay:
Một bài viết thành công là một bài viết
- Giới hạn cho nhóm người đọc xác định
- Có nội dung sắp xếp hợp lý
- Cách trình bày sáng sủa và thuyết phục
Quá trình viết một bài văn được chia làm 4 bước:
- Chuẩn bị: xác định đề tài, tính xem là bạn sẽ nhắm vào người đọc như thế nào, tìm kiếm tài liệu, thông tin
- Viết nháp: phát triển các ý, chủ điểm xuyên suốt bài…
- Xem lại: xem qua chủ điểm
- Đọc thử: tập trung vào những lỗi không thuộc về nội dung như chính tả, ngữ, ngắt đoạn…
Chuẩn bị (1):
- Tất cả các dạng bài viết (viết luận, bài thi học kỳ, báo cáo thí nghiệm…) đều nên tuân theo quy trình sau:
- Giới thiệu (mở bài)
- Xác định chủ đề (Hay còn gọi là câu tiêu đề)
- Nêu rõ luận điểm, hoặc mục đích bài viết trong 1 hoặc 2 câu văn.
Xác định người đọc của bài viết để tiếp cận họ
- Ai sẽ đọc bài này?
- Là thầy cô giáo chấm điểm hay sinh viên hướng dẫn?
- Bạn cùng lớp?
- Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bài viết chạm đến?
- Khách hàng tiềm năng?
- …
Lưu ý:
- Tạo cho bài viết một văn phong có hiệu quả nhất để tiếp cận người đọc
- Tìm giọng văn phù hợp nhất cho việc diễn đạt ý của bài viết đó.
- Phát triển các ý, liệt kê các tài liệu có thể dùng đến
- Thành lập danh sách các ý, từ quan trọng (khoảng 50 từ), những từ, cụm từ là nền tảng giúp giữ cho bài viết đi đúng chủ điểm viết và trách lạc đề.
- Lập danh sách từ các tài liệu và bài đánh giá về vấn đề bạn định viết.
- Đặt ra các mốc thời gian để hoàn thành bài viết
- Cân nhắc cả công đoạn biên tập, chỉnh sửa và thời gian phát sinh khác
Thời gian lấy cảm hứng:
- Không nên ngắt quãng bước này vì rất dễ mất mạch ý và cảm hứng
- Giữ danh sách các cụm từ, ý, sự kiện… để sau này có thể dùng tới
Tìm ý, thu thập thông tin, và ghi chép:
- Tư liệu, bài phỏng vấn, bài đọc, thí nghiệm, thông số, trang web, báo cáo….
- Những người có thể giúp đỡ: người hướng dẫn, trợ giảng, thủ thư tìm tài liệu, gia sư, chuyên gia hoặc người có nhiều kiến thức trong lĩnh vực này.
- Nguồn tài liệu: sách giáo khoa, tài liệu bổ sung, trang web, nhật kí, các bản báo cáo.
Sắp xếp
- Dàn ý, suy nghĩ…
- Quyết định xem bạn sẽ lập bối cảnh cho câu chuyện, hoặc bài viết ra sao….
- Xem thêm các định nghĩa ở mục một số thuật ngữ khi viết
Viết nháp (2):
Đoạn mở bài
- Giới thiệu chủ đề, xác định rõ người đọc.
- Thiết lập quan điểm hoặc ý kiến.
- Tập trung vào 3 ý chính.
Lập mạch diễn đạt từ đoạn này sang đoạn khác
- Câu chủ đề của từng đoạn, xác định vị trí của ý đó trong tổng thể toàn bài
- Những câu chuyển, cụm, hoặc từ ngữ ở đầu hoặc cuối đoạn để nối các ý với nhau (Xem thêm về các từ hoặc cụm từ chuyển ý)
- Không nên để đoạn văn chỉ có 1 hoặc 2 câu vì điều đó có thể tạo cảm giác bạn chưa đi sâu phân tích
- Liên tục chứng minh quan điểm của mình trong suốt cả bài.
- Đừng xao nhãng hoặc viết lệch trọng tâm chủ điểm.
- Đừng vội tóm tắt ở đoạn thân bài, tóm tắt là phần của đoạn kết bài.
- Sử dụng các đoạn trích dẫn, thông tin… để hỗ trợ việc trình bày các luận cứ, luận điểm.
- Giới thiệu rõ ràng, và giải thích các câu trích dẫn.
- Không nên dùng quá nhiều trích dẫn dài vì có thể, đoạn trích dẫn dài có thể ngắt quãng mạch ý của bài viết.
Kết luận
- Đọc lại đoạn mở bài, thân bài và bỏ ra một chỗ
- Tóm tắt, rồi kết luận quan điểm của bạn
- Nhắc qua ý của mở bài và thân bài
- Cân nhắc xem những đoạn ở cuối đã trình bày ngắn gọn các ý cần có chưa?
- Xem sự liên tiếp và quan trọng của các luận điểm
- Từ đó, kết luận một cách hợp lý và lôgic
- Sửa/viết lại đoạn mở đầu để hợp với đoạn thân bài và kết luận
Để bài viết như vậy ít nhất một buổi sáng hoăc 1 hoặc 2 ngày!
Xem lại một lượt (3)
Lưu thêm một bản, và chỉnh sửa bài viết với quan điểm khách quan
- Đọc to bài viết, và giả vờ như bạn đang đọc cho người nghe ngồi dưới. Bạn sẽ rất ngạc nhiên vì có thể bạn sẽ tìm thấy nhiều chỗ trong bài bạn muốn thay đổi!
- Nhờ ai đó đọc và xem qua bài viết, tốt nhất là người đó tương tự như đối tượng nghe bạn nhắm tới ban đầu, như vậy, bạn có thể kiểm tra xem là bạn đã đi đúng hướng cho đối tượng nghe và rà soát những lỗi trong bài mà bạn không để ý.
- Chỉnh sửa, viết lại đoạn nào đó nếu cần thiết, cũng nên đối chiếu với bản đầu tiên để xem các chỉnh sửa bạn vừa làm.
Đọc thử: (4)
Tìm lỗi chính tả hoặc ngữ pháp trong bài, chỉnh sửa lại những lỗi vặt.
Mẹo để viết tốt
- Tránh nhồi nhét quá nhiều từ và cố gắng đặt câu, đơn giản và chính xác.
- Không sử dụng ngôn ngữ hoặc từ vựng phức tạp.
- Cố gắng tránh sử dụng biệt ngữ.
- Hãy chú ý đến ngữ pháp và chính tả.
- Đừng lặp đi lặp lại vì nó có thể gây khó chịu cho người đọc.
- Sử dụng giọng nói chủ động trong việc hình thành câu thay vì giọng nói thụ động.
Trong viết lách bạn đừng nhầm lẫn giữa các ngôi kể, có 3 loại ngôi kể chính mà mình thường áp dụng trong bài viết như sau:
Ngôi kể số 1: Chính bạn sẽ đóng vai là người kể chuyện, kể về những trải nghiệm, cuộc đời của mình. Hãy sử dụng “Mình”, “Mình”, “Chúng mình”.
Với lựa chọn này, sẽ tạo độ tin tưởng, tính thực tế cao. Thường sử dụng để viết thư bán hàng hoặc câu chuyện để viết bài PR.
– Ngôi kể số 2: Người kể chuyện sẽ đóng vai trò là khách hàng hay đối tượng mục tiêu. Ngôi kể này thường sử dụng “bạn”, các bạn…
Đây là cách tương tác gần nhất với đối tượng mục tiêu, giúp họ nhìn thấy chính mình trong câu chuyện đó. Nhưng cách này bạn phải hiểu rất kỹ khách hàng của mình.
– Ngôi kể số 3: Người kể chuyện sẽ đóng vai trò là người đứng ngoài, chứng kiến diễn biến câu chuyện. Là người gián tiếp giúp độc giả, công chúng nhận ra thông điệp.
Một bài viết đi đúng hướng sẽ kết hợp được 4 tiêu chí cơ bản: Right people, right place, right time, right goals.
Right people (Đúng người): Một bài viết dành cho sinh viên, cá nhân ở tầm cao hơn sẽ ít quan tâm, hoặc những bài chia sẻ của những người ở tầm cao, chắc chắn sinh viên chưa hiểu đủ và hiểu sâu, không cảm nhận được thực sự cái hay của bài viết.
Một bài viết này hay hay không là khi bắt đầu viết, chúng ta phải biết chúng ta đang viết cho đối tượng nào. Một nội dung không thể đáp ứng cho tất cả mọi người, cho nên cần lựa chọn người đọc thật rõ ràng.
Right time (Đúng thời điểm) khi nhiều người đang chia sẻ liên tục thì chúng ta nên chờ khi nào thưa bài hơn rồi mới nên đăng bài, nhiều không hẳn là tốt, vì đọc nhiều sẽ bội thực, miếng ăn nhiều đâu phải miếng ăn ngon, ăn vừa đủ để còn cảm giác thòm thèm cho lần 2.
Một đặc điểm của trẻ con và người lớn, rất giống nhau, đó chính là ai cũng thích nghe kể chuyện (telling a story), câu chuyện từ trải nghiệm thực tế luôn ý nghĩa và mang nhiều bài học thú vị, và đồng thời, nêu được thông điệp muốn truyền tải đúng nội dung với mục đích đã đề ra (Right goals).
Right Place (Đũng chỗ): Nội dung cần đúng nền tảng, địa điểm đăng tải để tiếp cận với người đọc.
Quay trở lại trải nghiệm mà mình đang kể, khi mình đã viết ngoài 30 bài viết, mình cơ bản đã có kỹ năng viết tốt và nhanh hơn. Khi đó ngoài việc chỉ đang tạ trang cá nhân, mình chọn lan tỏa rộng hơn, mỗi khi viết xong một bài mình linh hoạt đăng lên những nhóm có định hướng phù hợp với nội dung bài. Ví dụ như những nhóm về đọc sách mình thường đăng những bài review sách, còn những nhóm viết lách thì mình có thể đăng bài về các chủ đề đa dạng. Bạn sẽ không thể tiến bộ nhanh nếu cứ mãi sống trong cái ao làng nơi bạn đang ở, hãy mạnh rạn tiến ra ngoài nếu muốn tiến bộ và lan tỏa giá trị tốt đẹp đến nhiều người khác nữa. Khi đó hãy mạnh mẽ đón nhận lời bình phẩm khen chê của cộng đồng, mỗi lời nhận xét sẽ giúp bạn thêm động lực cũng như hoàn thiện kỹ năng viết của mình, nhưng nhớ là đừng bao giờ mất thời gian đôi co với những bình luận tiêu cực không có tính xây dựng.
Đây là bài viết thứ 90 của mình, tiếc là chưa thể chạm mốc con số 100 như dự định ban đầu, nhưng không sao, chất lượng hơn số lượng. Mình biết rằng những bài mình viết trước đây quá nửa đều chưa đạt được sự ưng ý hoàn toàn từ mình bởi sau khi viết xong, mình không đọc lại cả bài quá 3 lần. Điều đó phần nào khiến cho nhiều bài viết chưa đạt tới mức hoàn chỉnh, nhiều khi đăng rồi đọc lại thấy chưa phù hợp rồi lại phải sửa, đó là điều mình cần phải cải thiện.
Nhưng bạn cũng nên nhớ điều rất quan trọng, không có bài viết nào viết ra lần đầu tiên là hoàn hảo, chính việc liên tục đọc lại và chỉnh sửa mới là điều khiến bài viết trở thành một nội dung hoàn chỉnh. Một lần chưa ưng thì 2 lần, 2 lần chưa ưng thì 3 lần, cứ như thế đến khi nào bạn thực sự ưng ý thì thôi.
Bạn cũng nên nhớ rằng dù sao đây cũng chỉ là một kỹ năng cần trang bị trong rất nhiều kỹ năng quan trọng cần bổ sung, thay vào đó bạn hãy coi viết lách là một thói quen hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Đừng quan trọng hóa vấn đề và tạo áp lực cho mình về việc viết hay và được nhiều người đón nhận ngay từ đầu mà làm ảnh hưởng đến học tập và công việc của mình.
Khoảng 10% bài mình viết khi đăng vào những nhóm phù hợp đã đạt được lượng hưởng ứng cao so với mặt bằng chung của nhóm, con số đó hoàn toàn có thể cải thiện trong tương lai khi mình nghiêm túc hơn với kỹ năng này. Nói thật là trong suốt nửa năm viết bài chia sẻ lên các nhóm, lượt theo dõi của mình tăng đến hơn 800 người, con số không phải lớn nhưng đó là cách để đo hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu cá nhân của mình bằng viết lách.
Nếu để nói mình sẽ viết đến bao giờ, thì có lẽ mình sẽ viết mãi, cho đến khi nào không thể viết được nữa thì thôi. Bởi đơn giản mình đã xây dựng được thói quen này từ nửa năm trước và nó đã trở thành một phần của mình, có lẽ mình nên bắt đầu đến với những thói quen tốt tiếp theo. Từng bước thật nhỏ, thật chậm, nhưng vững chắc, mình tin mình sẽ chạm đến những thành công mà mình đang hướng đến mỗi ngày.
Nếu bài viết có ích đối với bạn, đủ sức thúc đẩy bạn hành động thì coi như mình đã thành công và lan tỏa được phần nào giá trị đến cộng đồng. Hãy đặt câu hỏi nếu còn điều gì thắc mắc nhé, mình luôn sẵn sàng trả lời. Chúc bạn may mắn và thành công!