Lương thực luôn là vấn đề then chốt của quân đội. Lịch sử đã chứng minh những đạo quân khổng lồ có thể tan rã nhanh chóng thế nào nếu không được tiếp vận lương thực kịp thời. Thời trung cổ có nhiều cách đặt ra để đảm bảo nguồn cung ứng lương thực cho một đội quân viễn chinh. Lương thực cần được phơi khô, xử lý chống vi khuẩn bằng muối hoặc khói và cất giữ trong các kho chứa chuyên dụng. Khi hành quân cần huy động một lượng nhân lực lớn để vận chuyển lương thực và một đội quân hộ tống để bảo vệ tuyến cung ứng. Ngoài ra việc cướp bóc lương thực từ các kho chứa của quân địch hoặc từ thường dân trong vùng chiếm đóng cũng là một giải pháp tình thế.
Ngoài các cách đó ra ta cũng không thể quên việc chuẩn bị những khẩu phần ăn khẩn cấp mà mỗi cá nhân có thể đem theo. Những khẩu phần này được gọi là lương khô, được thiết kế để cung cấp đủ năng lượng nhưng cũng đủ nhẹ để không làm cản trở việc hành quân. Lương khô sẽ được dùng trong trường hợp bị vây hãm, khi phải tiến quân nhanh thần tốc hoặc khi tuyến lương thực bị gián đoạn. Được biết rằng người Mông Cổ sử dụng lương khô là sữa chua và thịt sấy khô treo ở cổ ngựa, nhờ thế họ có thể tiến hành những chiến dịch ở khoảng cách kỷ lục.
Trong sách Hổ Trướng Khu Cơ – cuốn sách binh pháp thế kỷ 17 do tướng quân Đào Duy Từ viết ra có ghi chép lại nhiều phương pháp chế tạo lương khô truyền thống cho quân đội như sau:
1 Khi bình thường mỗi người lính đem 2 cân gạo, sao vàng 1 cân, giã nhỏ làm bột 1 cân. Bọc riêng 5 lạng, lấy 5 lạng dùng dầu thơm làm bánh hấp chín, 5 lạng dùng rượu ngon tẩm phơi khô, khi nào tẩm không thấm nữa mới thôi, nghiền nhỏ bọc riêng, 5 lạng dùng muối hòa dấm tẩm phơi, cũng không thấy thấm nữa mới thôi, nghiền nhỏ, bọc riêng. Trong khi hành quân, không bị giặc vây rất khẩn thì không cho dùng, ra quân phải mang theo, quên đeo thì cũng bị tội như mất binh khí.
2 Dùng gạo một thạch (72 kg = 10 đấu), đem chưng chín lên, rồi bỏ vào nước tương mà ngâm, dùng lửa sấy khô, lại chưng lại sấy, làm thế mươi lần, có thể còn độ 2 đấu (14 kg). Mỗi lần chỉ lấy ăn một lẻ (1/10 đấu) to, trước lấy nước nóng mà ngâm, đợi cho trương lên, rồi sau đem nấu ăn. Mỗi người có thể ăn được 50 ngày.
3 Như lúc gay go lắm thì các đồ quân trang bằng da cũng có
thể nấu ăn để cứu đói được.
4 Mỗi người đem đi nửa cân vừng, gặp lúc khát thì nhấm 30
hột là khỏi khát ngay; cũng có thể đem ô mai thay thế.
5 Mỗi người mang theo một quả bầu hay ống tre, túi da, có thể
chứa độ 2 cân nước.
6 Các thứ bánh bột, cơm nắm, túi miến: Bánh bột dùng bột gạo làm, hoà vào nước sôi làm thành bánh, dày một phân,
đợi nguội cắt vuông như con cờ, phơi khô cất đi. Khi ở dinh trại
thì dùng nước nóng ngâm mà ăn, khi đi đường và trong chiến
trận thì ăn khô, vị ngon mà khỏi khát, hơn các thứ bánh tạp. Cơm nắm và túi miến thì đều làm theo phép thông thường, duy phải phơi cho rất khô, để có thể đem đi và để lâu.
7 Muối 3 đấu, đem trộn với gạo, bỏ vào trong nồi, dùng
than lửa rang, làm cho săn lại không tan, mỗi người có thể ăn
được 50 ngày, đem đi tháng hè thì hợp
8 Cách làm thuốc viên chống đói: Hạt vừng đen 1 cân, Đậu đen 1 cân, Long cốt 5 đồng cân, Ô đầu 1 đồng cân. Táo hồng 1 cân, Xích thạch chi 5 đồng cân. Phòng phong 5 đồng cân. Các vị trên này tán nhỏ ra, luyện mật làm hoàn to bằng viên đạn, lấy chu sa làm áo, mỗi lần dùng một viên, uống nước lã tống xuống, được một ngày không đói.