JOACHIM VON RIBBENTROP, CÂU CHUYỆN VỀ MỘT HỌC SINH YẾU KÉM ĐÃ TRỞ THÀNH NGOẠI TRƯỞNG CỦA ADOLF HITLER

JOACHIM VON RIBBENTROP, CÂU CHUYỆN VỀ MỘT HỌC SINH YẾU KÉM ĐÃ TRỞ THÀNH NGOẠI TRƯỞNG CỦA ADOLF HITLER

Joachim von Ribbentrop (1893 – 1946) là một nhân vật nổi bật trong chính quyền của Đức Quốc xã, nhất là trong giai đoạn ông ở vị trí người lãnh đạo Bộ Ngoại giao Đức. Tầm nhìn lãnh đạo và sự hiểu biết của Ribbentrop đã góp phần định hình các liên minh đối lập nhau giữa các quốc gia để chuẩn bị cho Thế chiến II, cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại.

Ullrich Wilhelm Friedrich Joachim sinh năm 1893 ở Wesel, nước Phổ, là con trai thứ hai của Richard Ullrich Friedrich Wilhelm Ribbentrop (1859 – 1941), một sĩ quan trong quân đội của Vương quốc Phổ và Đế chế Đức. Anh ta là một vận động viên giỏi, một người chơi vĩ cầm giỏi nhưng là một học sinh kém. Năm 1910 Joachim và anh trai Lothar chuyển đến Canada để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh.

Khi Thế chiến I bắt đầu năm 1914, Ribbentrop rời khỏi Canada, lúc đó đang thuộc Vương quốc Anh để đến nước Mỹ trung lập rồi từ đó trở về Đức trên một con tàu của Hà Lan, thoát khỏi sự phong tỏa trên biển của Hải quân Hoàng gia. Người anh Lothar ốm yếu của Ribbentrop ở lại Canada và sau đó chuyển đến Thụy Sĩ, nơi anh ta qua đời năm 1918.

Ở Đức, ông gia nhập trung đoàn khinh kỵ binh Thuringian, được thăng cấp Trung úy và được trao thưởng Huân chương Thập tự Sắt vì lòng dũng cảm trước khi được điều động sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau chiến tranh, Ribbentrop giải ngũ năm 1919 và mở công ty kinh doanh rượu vang Pháp. Giữa những năm 1920, doanh nghiệp của Ribbentrop là là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ở Đức trong ngành kinh doanh này. Thông qua kỹ năng kinh doanh cũng như khả năng thông thạo ngoại ngữ của mình, anh ta trở nên rất giàu có trong thời gian không lâu.

Là một thương gia, Ribbentrop ít quan tâm chính trị cho đến năm 1932, khi Đảng Quốc xã trỗi dậy ở Đức. Ribbentrop gia nhập Đảng Quốc xã ngày 1/5/1932 với số thẻ thành viên là 1.199.927. Ribbentrop đã sử dụng các mối quan hệ xã hội của mình để kết nối quan hệ giữa Hitler với các nhân vật có ảnh hưởng ở Berlin, giúp ông ta thuận lợi hơn trên con đường chính trị. Ribbentrop sau đó trở thành cố vấn chính sách đối ngoại của Hitler.

Từ năm 1936 – 1938 Ribbentrop là đại sứ Đức tại London. Quãng thời gian làm đại sứ của Ribbentrop đã không suôn sẻ ngay từ khi bắt đầu khi ông chào đón nhà vua với khẩu hiệu “Heil Hitler” trong buổi lễ nhậm chức của ông trước các quan khách và Hoàng gia Anh. Ribbentrop đã dành phần lớn thời gian của mình ở Anh để yêu cầu nước chủ nhà ký liên minh chống Quốc tế Cộng sản với Đức và trả lại các thuộc địa cũ của Đức ở Đông Phi. Tháng 3 năm 1937 Ribbentrop có bài phát biểu tại Leipzig, trong đó ông tuyên bố rằng sự thịnh vượng kinh tế của Đức sẽ được thỏa mãn “thông qua việc khôi phục các tài sản thuộc địa cũ của Đức hoặc bằng phương tiện sức mạnh riêng của người Đức”. Đối với người Anh, đó là một dấu hiệu đe dọa rõ ràng.

Hitler đã bổ nhiệm Ribbentrop làm Bộ trưởng Ngoại giao vào ngày 4 tháng 2 năm 1938 thay thế cho Konstantin von Neurath, người theo đường lối ôn hòa hơn Ribbentrop và đã chỉ trích các kế hoạch chiến tranh của Hitler. Trái ngược với sự thận trọng của Neurath, Ribbentrop dứt khoát ủng hộ tiến hành chiến tranh vào năm 1938 và 1939.

LIÊN KẾT VỚI LIÊN XÔ CÙNG CHIA ĐÔI CHÂU ÂU

Sau khi quân Đức thôn tính Tiệp Khắc vào ngày 15 tháng 3 năm 1939, vi phạm Hiệp ước Munich khiến chính phủ Anh không còn tin vào các cam kết hòa bình của Hitler và tìm cách đàm phán với Pháp và Liên Xô để ngăn chặn Đức nhưng phía Liên Xô lúc này không còn muốn liên minh với Anh và Pháp mà họ đã có kế hoạch khác. Tháng 4 năm 1939, Liên Xô đã bí mật thương lượng với Đức rằng họ đồng ý chia đôi lãnh thổ Ba Lan. Ngày 14 tháng 8 năm 1939, Liên Xô mời Ribbentrop đến thăm Moscow. Ribbentrop đến đó vào ngày 22 tháng 8 và ký hiệp ước bí mật Ribbentrop – Molotov với ngoại trưởng Liên Xô Molotov dưới sự chứng kiến của Stalin ngày 23 tháng 8 năm 1939 trong đó có điều khoản trung lập của Liên Xô trong trường hợp chiến tranh xảy ra ở Tây Âu. Khi đã bảo đảm an toàn ở phía đông, một tuần sau, Đức tấn công Ba Lan và chiến tranh bùng nổ.

KÝ KẾT HIỆP ƯỚC BA BÊN CÙNG VỚI Ý VÀ NHẬT

Vào ngày 27 tháng 9 năm 1940, Đức, Ý và Nhật đã ký Hiệp ước Ba bên dưới sự chủ trì của Ribbentrop. Không lâu sau các nước Hungary và Bulgaria cũng tham gia hiệp ước này. Tuy nhiên Hitler và Ribbentrop đã thất bại trong việc thuyết phục Tây Ban Nha và chính quyền Vichy ở Pháp tham gia chiến đấu chống lại Vương quốc Anh.

Thời gian Ribbentrop làm Bộ trưởng Ngoại giao có thể được chia thành ba thời kỳ. Trong giai đoạn đầu tiên từ 1938 đến 1939, ông đã cố gắng thuyết phục các quốc gia khác liên minh với Đức cho cuộc chiến sắp tới. Trong lần thứ hai, từ 1939 đến 1943, Ribbentrop đã cố gắng thuyết phục các quốc gia khác tham gia cuộc chiến tranh về phe Đức hoặc ít nhất là trung lập thân Đức. Trong giai đoạn cuối, từ năm 1943 đến năm 1945, anh ta có nhiệm vụ cố gắng giữ các đồng minh của Đức đừng rời bỏ họ.

Trong thời kỳ chiến tranh, vai trò của Ribbentrop và Bộ Ngoại giao giảm sút đáng kể vì lúc này nước Đức và các đồng minh hầu như phải chiến đấu vói cả thế giới.

BỊ BẮT VÀ XÉT XỬ

Ngày 14 tháng 6 năm 1945, Ribbentrop bị bắt bởi những người lính Anh ở Hamburg. Sau chiến tranh, Ribbentrop đã bị truy tố trước phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Nuremberg và cuối cùng bị kết án tử hình. Ribbentrop bị treo cổ vào ngày 16 tháng 10 năm 1946. Cho tới phút cuối, Ribbentrop vẫn không cho thấy ông hối hận về những gì mình đã làm.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *