MỘT THANH NIÊN TÂY ĐỨC ĐÃ QUA MẶT TOÀN BỘ HỆ THỐNG PHÒNG KHÔNG HÙNG MẠNH CỦA LIÊN XÔ ĐỂ ĐÁP MÁY BAY XUỐNG QUẢNG TRƯỜNG ĐỎ NHƯ THẾ NÀO?
Ngày này 33 năm trước, ngày 28/5/1987, một chàng trai 19 tuổi người Tây Đức đã khiến cả thế giới choáng váng khi chọc thủng mọi hệ thống phòng không của Liên Xô và đáp máy bay xuống Quảng trường Đỏ. Chàng trai đó là Mathias Rust, người đã một mình lái chiếc máy bay một động cơ Cessna chinh phục quãng đường hơn 750km, đi qua mọi lá chắn phòng không của Liên Xô và hạ cánh ngay trước Quảng trường Đỏ trong sự sững sờ của tất cả mọi người.
Lúc đó là vừa qua 19:00 tối 28/5/1987 một chút.
Ý TƯỞNG ĐIÊN RỒ TỚI LIÊN XÔ
Ý tưởng bay tới Liên Xô xuất phát từ một năm trước, khi Rust xem tivi tại nhà cha mẹ ở Hamburg, Tây Đức. Khi đó, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Reagan và người đứng đầu Liên Xô đã kết thúc trong bế tắc và chàng thanh niên có đam mê chính trị này cảm thấy muốn làm một điều gì đó để thay đổi chuyện này.
“Tôi cho rằng mình có thể dùng máy bay để xây dựng cây cầu hình ảnh giữa Đông và Tây, vì tôi muốn chứng minh là có rất nhiều người ở châu Âu muốn hai phía cải thiện quan hệ”. – Rust nói
Ngày 13/5/1987, Rust nói với cha mẹ sẽ thực hiện một chuyến đi tới bắc Âu để tích lũy giờ bay, nhằm có được bằng phi công chuyên nghiệp.
Sau khi thuê được chiếc máy bay một động cơ Cessna 172 Skyhawk và chuẩn bị mọi thứ cần thiết, bao gồm vài thùng nhiên liệu, Rust bắt đầu hành trình bay đến nước Nga. Chiếc máy bay nhỏ do Rust cầm lái cất cánh từ sân bay ở Hamburg (Đức) vào ngày 13/5/1987
Chặng dừng chân đầu tiên là quần đảo Shetland (Scotland), rồi quần đảo Faroe (nằm giữa vùng biển Na Uy và phía bắc Đại Tây Dương). Mỗi nơi Rust nghỉ lại một đêm. Sau đó, anh bay tiếp đến thủ đô Reykjavik (Iceland) và TP.Bergen (Na Uy) trước khi đến Helsinki (Phần Lan) vào ngày 25/5. Rust nghỉ vài ngày ở điểm cuối cùng để quyết định liệu mình có đủ dũng cảm để thực hiện kế hoạch hay không. Rust hoàn toàn có lý do để lo lắng vì Liên Xô có hệ thống phòng không lớn nhất thế giới. Chưa đầy 5 năm trước đó, một chiếc máy bay dân dụng của Hàn Quốc bị bắn rơi khi đi lạc vào không phận Liên Xô, khiến toàn bộ 269 người trên khoang thiệt mạng.
“Tôi đã cân nhắc về các rủi ro và cuối cùng tôi đã đi tới kết luận, vẫn tiến hành”, Rust nhớ lại.
Sáng 28/5, Rust thông báo với đài kiểm soát không lưu ở Helsinki về việc sẽ đi tới Stockholm, Thụy Điển. “Nửa giờ trước khi khởi hành, tôi có quyết định cuối cùng. Tôi đổi hướng 170 độ và tiến thẳng về Moscow”.
VƯỢT LƯỚI PHÒNG KHÔNG, HẠ CÁNH XUỐNG QUẢNG TRƯỜNG ĐỎ
Rust điều khiển chiếc Cessna bay vào không phận Liên Xô, qua ngả Estonia. Chỉ trong vòng vài phút, máy bay của Rust bị hệ thống radar Liên Xô phát hiện. Ngay lập tức, hệ thống tên lửa đất đối không chĩa về phía chiếc Cessna song không hành động vì chưa được phép khai hỏa. Chưa đầy 1 giờ sau, một chiếc chiến đấu cơ MiG-23MLD do trung úy phi công A. Puchnin tiếp cận Rust. “Chiếc máy bay vượt qua bên trái tôi với khoảng cách gần đến mức tôi có thể nhìn thấy 2 viên phi công ngồi trong buồng lái. Dĩ nhiên, tôi thấy cả ngôi sao đỏ ở cánh máy bay”- Rust kể lại.
May mắn cho Rust là thay vì tấn công, chiếc máy bay lướt ngang qua và biến mất vào đám mây. Phía Liên Xô khi đó tưởng nhầm rằng đó là chiếc máy bay của phe mình đang tìm kiếm chiếc trực thăng bị rơi một ngày trước đó. Trung úy A. Puchnin đã nhầm máy bay của Rust với một chiếc Yakovlev Yak-12 của Liên Xô. Máy bay Rust còn xuất hiện trên radar vài lần nữa nhưng thời điểm đó cũng đang diễn ra các chuyến bay diễn tập quân sự trong vùng khiến giới chức phòng không Liên Xô không mấy quan tâm đến chiếc Cessna. Ngoài ra, một số người còn cho rằng Rust là sinh viên Liên Xô đang tập lái máy bay nên có thể đã quên bật máy điện đàm vô tuyến.
Đến khoảng 19 giờ, Rust vào đến không phận Moscow. Kế hoạch ban đầu là đáp máy bay xuống Điện Kremlin. Thế nhưng, Rust đã đổi ý vì tin rằng nếu hạ cánh xuống đó, phía sau bức tường của Điện Kremlin, anh sẽ bị bắt ngay lập tức và toàn bộ vụ việc có thể bị Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) bưng bít. Rust bay lượn vòng trên Quảng trường Đỏ và quyết định chọn nơi tốt nhất để đáp là cây cầu Bolshoy Moskvoretsky cách Điện Kremlin không xa. Rust cố hạ cánh an toàn và điều khiển máy bay chạy vào Quảng trường Đỏ. Mọi người bắt đầu túm tụm quanh chiếc Cessna và chào hỏi Rust. Nhiều người thậm chí còn xin chữ ký khi biết Rust đến từ Đức. Thế nhưng trái với suy nghĩ ban đầu của Rust rằng anh sẽ nhanh chóng bị cảnh sát bắt giữ, mãi đến gần 2 tiếng đồng hồ sau, các binh sĩ gần đó mới đến giải tán đám đông và đưa Rust đến trụ sở KGB
HẬU QUẢ CHUYẾN BAY CỦA RUST
Rust phải ra hầu tòa tại Moscow với các cáo buộc vi phạm luật Hàng không, xâm nhập trái phép lãnh thổ Liên Xô. Theo tờ The National Interest, Rust bị kết án 4 năm tù giam vào ngày 4.6.1987. Thế nhưng, viên phi công liều mạng này được ân xá và trao trả về Đức vào ngày 3.8.1988. Đây là hành động thể hiện thiện chí của Liên Xô dành cho phương Tây theo sau việc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev cùng ký hiệp ước loại bỏ mọi vũ khí hạt nhân tầm trung ở châu Âu.
Tuy nhiên, những gì chàng thanh niên người Đức đã làm lại tạo ra một cú sốc lớn với Moscow và cả thế giới. Bởi vì chuyến bay của Rust dường như là một đòn giáng mạnh vào chính quyền của chế độ Xô Viết, nó là nguồn gốc của nhiều trò đùa. Trong một thời gian sau vụ việc, Quảng trường Đỏ được người dân Moscow gọi đùa là Sheremetyevo-3 (Sheremetyevo-1 và -2 là hai ga hàng không tại sân bay quốc tế chính Sheremetyevo của Moscow).
Chuyến bay của Rust đã làm tổn hại đến danh tiếng của quân đội Liên Xô. Điều này cho phép Gorbachev loại bỏ nhiều đối thủ mạnh nhất trong phe tướng lĩnh bảo thủ đang cản trở quá trình cải tổ Perestroika của ông. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Sergei Sokolov và người đứng đầu Lực lượng Phòng không Liên Xô, Nguyên soái Alexander Koldunov đã bị cách chức cùng với hàng trăm sĩ quan khác. Đây là đợt thanh trừng sỹ quan lớn nhất trong quân đội Liên Xô kể từ thời Stalin.