Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được dạy dỗ rằng “Điều này là đúng, điều này là sai”. Viết chữ phải viết bằng tay phải, không được viết bằng tay trái. 1+1=2 chứ 1+1 không thể nào bằng 1 được.
Cái lồng chim từ thế mà hình thành.
Lớn lên một chút, chúng ta đã được so sánh với các kiểu mẫu thế lực phía trước. Chúng ta phải giống con ông A, cháu bà B. Người ta học giỏi, người ta đỉnh cao, người ta tài năng. Tại sao cùng với độ tuổi của mình, người ta đã được như thế – còn chúng ta lại không? Cái lồng lớn dần một chút.
Đến độ tuổi giao thoa giữa tuổi tập tễnh và tuổi trưởng thành – giữa quyết định sống còn của cuộc đời, của nổi loạn tuổi 17. Chúng ta cũng được hướng dẫn “Con nên làm kỹ sư, bác sĩ – hay ít nhất nghề nào nhiều tiền và ổn định” Những thứ phù du và viển vông, tốt nhất nên bỏ. Chúng ta như những con chim điên loạn, bay một cách vô định hướng trong cái lồng ấy một cách bất lực – nhìn ra bầu trời xa xăm mà nước mắt tự rơi.
Rồi – chúng ta cũng yên lòng vì câu động viên “Ráng đi, rồi thành công chúng ta sẽ được tự do”.
Những tưởng là như thế, trở thành người lớn. Chúng ta vẫn là những con chim trong cái lồng, của sự mưu sinh, của những tính toán, của việc sao phải thành công trong sự nghiệp, làm sao để người khác công nhận. Cái lồng bây giờ không phải do ai tạo ra, mà do chính chúng ta tạo ra trong đầu. Cái lồng trong môi trường làm việc, cái lồng trong quan hệ xã giao, cái lồng trong tình yêu. Đó là cái lồng của sự trách nhiệm, của sự trưởng thành.
Vốn dĩ – chúng ta luôn là con chim trong cái lồng. Chúng ta lớn lên, môi trường to ra – cái lồng cũng lớn theo. Nhưng chẳng bao giờ – nó đủ không gian cho một con chim sải cánh cả.
Trí Minh Lê