Tác giả: Vũ Trọng
Sống độc thân và cuộc sống cô đơn có khác nhau. Sống độc thân đó là cuộc sống một mình, cuộc sống người ta lựa chọn theo một quan điểm cá nhân.
Cuộc sống cô đơn, lại là một giải pháp tình thế bắt buộc, do một hoàn cảnh nào đó người ta phải sống một cuộc đời cô đơn buồn tủi và bất hạnh…
Ông Khả đang sống độc thân. Có nhiều người cho rằng đa số đàn ông sống độc thân sẽ trở nên khốn khổ tàn tạ, còn đưa hình ảnh minh họa như một con gà trống bị nhúng bùn(!). Ông Khả thì không, một ngàn lần như vậy. Ông lựa chọn sống một mình, không phải đã một vài năm mà đã hơn mười năm rồi, và ông hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Ông cũng đã trải qua cuộc sống hôn nhân gia đình, phải chăng đó là một cuộc hôn nhân không may mắn. Cuộc sống đó luôn tiềm ẩn trong ông những bất hòa, căng thẳng, bí bích như sống trong cực hình.
Dạy bảo con cái rất khó khăn khi vợ chồng ông luôn bất đồng. Lẽ tự nhiên con cái chúng sẽ theo đòi cái dễ dàng như vật ký sinh, cái có sẵn, sống dựa, thiếu kỹ năng sống tự lập. Thiếu hụt hẳn ý chí phấn đấu.
Câu chuyện nào rồi cũng có hồi kết. Trong dự cảm ông biết cuộc đời sẽ đi về đâu?
Sau khi hoàn thành trách nhiệm của một người đàn ông, cộng vào đó là sự phản bội của người vợ… Ông Khả quyết định chia tay. Cho đến bây giờ sau hơn 10 năm ông vẫn cho rằng đó là một quyết định khó khăn nhưng đúng.
Trong giấy tờ có tính pháp lý ông không đòi hỏi bất cứ tài sản gì, nghĩa là ra đi tay trắng. Điều đó nói lên – Cực chẳng đã, đến thế là cùng… Nhưng không! Đã ba lần ông quay trở lại đoàn tụ gọi là “Tái hôn” song tình hình không được cải thiện. Ông phải trả giá đắt cho những lần như vậy. Đổi lại ông hiểu được sự hiểu biết và có giáo dục quyết định hành vi của người ta.
Nếu còn chần chừ, tuổi già ập đến ông sẽ không còn vốn thời gian kịp làm được gì nữa… Ông không thể ở lại mà tranh giành của cải hơn thua bất tận…
Qua những lần va chạm và cay đắng như vậy, cũng là những bài học quí cho những năm tháng ông sống một mình. Ông cảm ơn cả nỗi cay đắng.
Sống một mình ông có thời gian suy ngẫm: – Trong cảm xúc và suy nghĩ của con người có tích cực và tiêu cực, nhưng xu hướng nghiêng về tiêu cực. Trong đầu óc luôn chứa chất những điều buồn phiền, để rồi suốt ngày tự dằn vặt, tự làm khổ chính mình, điều tồi tệ là lại làm nô lệ cho những cảm xúc đó.
Hiểu biết được tâm lý như vậy, ông muốn có cảm xúc tích cực luôn ngự trị thì phải tu tập rèn luyện không ngừng nghỉ từng giây từng phút. Niềm vui có trong những việc làm phục vụ chăm sóc bản thân, chắt chiu gom góp những niềm vui nho nhỏ hàng ngày. Nhận một lời chào, một nụ cười của trẻ thơ cũng cho ông niềm vui lắm rồi.
Hàng ngày ta có bao nhiêu là những cảm xúc suy nghĩ chứa chất trong lòng. Nhưng kiểm lại phần lớn là những suy nghĩ vô ích. Phải kiên quyết tu tập để gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tích lũy những điều vui như trong một ngân hàng vui để đến khi buồn ta xuất ra tự động viên mình, đó là cách tốt nhất tự ta hóa giải những nỗi buồn – Chinh phục: – Trước hết ta phải chiến thắng chính bản thân mình, đó không phải là điều gì khó hiểu.
Trở lại bản thân ông Khả. Lần cuối cùng dứt áo ra đi, nói một cách ví von: – Ra đi từ mặt đất, phải ở nhờ nhà người bạn, sau 5 năm phấn đấu, ông đã vươn lên chinh phục đỉnh cao Fansipan. Bằng cách nào? Bằng cách sống tích cực, tự mình cứu lấy mình, bằng lao động với một thần thái tích cực say mê…
Ông đã có căn nhà và sổ tiết kiệm chung thân. Trong một ngày ông xây dựng một lịch thời gian gần như là một kỷ luật tự mình đề ra:
Ngủ dậy sớm, đun nước pha trà thảo mộc uống một ly, sau đó ra trước thềm nhà thực hiện động tác Dịch cân kinh 15 phút, vào giường xoa bóp theo phương pháp Cốc Đại Phong và xoa gan bàn chân cho nóng lên. Sau đó đi ăn sáng, luôn thay đổi theo sở thích, quán nào ngon sạch thì đến, tiếp theo đi quán cà phê quen thuộc.
Tiếp tục qua chợ mua đồ ăn, ăn cá nhiều hơn. Món cá kho của ông cũng đã chinh phục nhiều người khó tính. Nghĩa là cá to cắt lát cỡ bao diêm tẩm ướp với hàng chục thứ gia vị, kho điện từ 5 đến 6 tiếng. Hôm nào mải vui về trễ cứ việc cắm cơm luộc rau ăn với cá kho cũng tuyệt.
Ông lại tự vẽ ra những công việc để bận rộn, có ngày mua hến về nấu canh, hoặc cua đồng về giã rồi lọc, nấu bát canh truyền thống rất bắt mắt… Chỉ có những công việc như vậy là hết buổi sáng. Ông cố tình tạo ra những việc vặt, phải đi lại một chút, phải cố gắng một tý, không nên tiện ích quá làm cho cơ thể trở thành ỳ.
Sau khi ngủ trưa, chỉ chợp mắt đến 14 giờ, đánh xe ra tán gẫu với mấy ông cũng về hưu, đến 17 giờ về lại bận rộn làm bữa. Trong bữa chiều, uống hai ly rượu thuốc thượng hạng, sau đó đánh răng rồi đi tản bộ 2 km. Đi bộ và xoa bóp, ông cũng đặc biệt chú ý thần thái trong khi tập. Loại bỏ những cảm xúc, tập trung vào từng bước chân…
Khi đi ngủ hãy chọn cho mình một tư thế tốt nhất để đưa ta vào giấc ngủ êm đềm. Cũng có khi khó ngủ, thì ta thiền. Chú tâm theo dõi hơi thở ra vào chánh niệm…
Một ngày bình thường trôi qua với ông như vậy đấy.
Trước kia còn có gia đình ông chỉ có 51 kg thể trạng và kèm theo nhiều bệnh tật, nay ông 61kg không tăng không giảm, chỉ còn kèm theo di chứng thần kinh tim từ thời kỳ hôn nhân.
Nói về thần thái bây giờ? Ngày đầu tiên, ông tham gia hội thân thiện Tây Nguyên. Các bạn muốn biết tuổi tác: Ông nói: – Các bạn cho mình bao nhiêu tuổi cũng xin cảm ơn! Mọi người không chịu. Cuối cùng ông vẽ ra một trò vui. Phát ra năm tờ giấy nhỏ xin 5 bạn dự đoán tuổi của ông ghi vào đây. Kết quả cả năm dự đoán đều sai ít hơn tuổi thực, sai số cao nhất ít hơn 7 tuổi, 5 tuổi và 3 tuổi. Sau đó ông đưa chứng minh nhân dân để chứng minh tuổi thực, các bạn cười: – Như vậy ông là người cao tuổi nhất trong hội, điều mà ông không thích chút nào.
Thật vậy cuộc sống tự do tích cực, sống hài hòa, dự cảm và tránh xa những việc gây bất ổn cho bản thân. Quên tuổi tác và biết buông bỏ.
Các bạn thân mến! Tính gì thì tính vẫn có ngõ cụt mà ta không thể tính hết được vì nó ở ngoài tầm tay, thuộc về xã hội:
Nay ông đã già và còn sẽ già hơn nữa đến nỗi không tự chăn sóc được cho bản thân, hoặc đổ bệnh nan y… Tính sao đây? Có tiền vào nhà dưỡng lão để không phiền lụy con cái? Viện dưỡng lão nào thích hợp, hiện nay giá trung bình trên dưới 10 triệu một tháng, điều kiện sinh hoạt tập thể, ăn uống tập thể theo một thực đơn thống nhất, đến tắm rửa cũng tập thể, muốn đi ra ngoài phải trình báo tỷ mỉ, mất tự do… Xét ra không phù hợp… Hoặc là thuê người chăm sóc, hoặc làm bạn với người thực sự thương mình… Ông rất mong có người tư vấn.
Còn cái chết! Là tất yếu, ta có tránh, có sợ thì cái chết vẫn đến, thế thì hãy đón nhận không có gì đáng sợ cả. Chết là hết, sống không ra hồn mới là đáng sợ. Người ta bày đặt cúng bái, làm ma to cũng chỉ vì người sống còn lại với nhau chứ người chết thì còn biết gì?
Ông dự tính: – Chết đem hỏa thiêu, tro cốt rắc xuống sông, biển. Không phúng điếu phiền hà. Thực hiện thờ cúng theo truyền thống, sau 49-100 ngày bỏ tang, bỏ giỗ hàng năm, nếu có thuận lợi thì tổ chức kỷ niệm tưởng nhớ là được không thì thôi…
Chuẩn bị cho cái chết khi còn sống là việc tự nhiên không phải là ý nghĩ tiêu cực, chính là để cho cuộc sống an yên hơn nữa mà thôi. Khi chết ta còn giải thoát cho cả những người đang sống.
Bài viết hoàn toàn không cổ súy cho việc ly hôn, nhất là cánh đàn ông. Cũng chỉ là một nét của kỹ năng thích ứng sống.