Tòa án Tối cao Cộng hòa Croatia năm 2016 ra thông báo, chính thức chấp thuận giải quyết đơn đề nghị của công dân Aleksandar Broz 75 tuổi, con trai của cố lãnh đạo Liên bang Nam Tư Josip Broz Tito (1892-1980), thay mặt các hậu duệ yêu cầu được trả lại tài sản thuộc quyền sở hữu của người quá cố.
Theo đơn tường trình, sau khi Nguyên soái Josip Tito, Chủ tịch Liên đoàn Những người Cộng sản Nam Tư (SKJ) kiêm Tổng thống Cộng hòa Liên bang XHCN Nam Tư (SFRY) từ trần vào tháng 5/1980, xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan từng bị lãnh tụ Tito chỉ trích kịch liệt lập tức trỗi dậy, tạo tiền đề cho cuộc nội chiến chia rẽ đất nước Nam Tư sau này; cùng với đó là trào lưu lên án chủ nghĩa sùng bái cá nhân dưới thời Tito, quy chụp ông là “nhà độc tài”, “tham nhũng có hệ thống”… trong đó có cả việc dùng quyền lực để có được số tài sản khổng lồ.
Dưới áp lực của những kẻ muốn xóa bỏ vai trò thống lĩnh của Nguyên soái Tito, người từng lãnh đạo tổ chức kháng chiến Nam Tư chống lại sự chiếm đóng của quân đội Đức, cũng là phong trào du kích tiêu biểu nhất ở châu Âu trong Thế chiến II, người kế nhiệm Tito là ông Cvijetin Mijatovic (1913-1993), Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Liên bang Nam Tư đã ra sắc lệnh niêm phong tài sản của Tito trong đó có cả bộ sưu tập gồm 119 huân, huy chương các loại do 60 quốc gia trên thế giới trao tặng, cũng như gần 100 bất động sản nằm rải rác trên lãnh thổ 6 nước cộng hòa trong thành phần Liên bang Nam Tư.
Lúc đó bà quả phụ Jovanka Broz (1924-2013), là vợ kế đã cùng với con trai út của chồng là ông Aleksandar Broz thay mặt những hậu duệ của Tito, đệ đơn lên Tòa án Tối cao Liên bang Nam Tư yêu cầu kịp thời can thiệp, trả lại toàn bộ số tài sản bị phong tỏa cho những người thừa kế hợp pháp. Nhưng cuộc nội chiến kéo dài xâu xé đất nước Nam Tư sau đó đã cản trở giới tư pháp xem xét lá đơn. Sau khi cuộc chiến Nam Tư kết thúc, lần lượt các quốc gia độc lập mới là Bosna và Herzegovina, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia đều đi đến quyết định bãi bỏ việc niêm phong tài sản của cố lãnh tụ Tito, bàn giao lại cho các hậu duệ trực hệ được toàn quyền quản lý. Duy nhất chỉ có Croatia, cũng là quê hương bản quán của Tito lại lần lữa trong việc đưa ra quyết định cuối cùng, một mặt do vấp phải nạn trì trệ quan liêu cùng với sự phản đối dai dẳng của các thế lực muốn “triệt tiêu” hình ảnh của Nguyên soái Tito.
Bất chấp những rào cản nêu trên, trong vai trò của một cơ quan độc lập, Tòa án Tối cao Croatia vẫn tiếp tục xử lý hồ sơ tồn đọng, xúc tiến việc nghiên cứu tỉ mỉ tài liệu lưu trữ liên quan đến lá đơn của gia đình Tito. “Kết quả khách quan cho thấy một phần tài sản do Tito tự bỏ tiền túi ra mua lúc sinh thời; phần lớn các bất động sản còn lại như biệt thự, nhà vườn, căn hộ… được chính quyền các địa phương thuộc thể chế SFRY tự nguyện hiến tặng, kèm theo văn bản được công chứng có giá trị pháp lý mang tính hợp pháp đích thực”, bản thông báo của Tòa án Tối cao chỉ rõ, do vậy Hội đồng thẩm phán đi đến quyết định cuối cùng là đáp ứng thỏa đáng yêu cầu của nguyên đơn.
Theo giới chuyên viên tài chính thì số bất động sản do Tito để lại có giá từ 20-30 triệu euro theo thời giá hiện nay. Còn bộ sưu tập gần 120 huân, huy chương các loại của Nguyên soái Tito phải nói là vô giá. Riêng tấm Huân chương Suvorov hạng Nhất bằng vàng ròng có giá lên tới cả triệu USD, được Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô trao tặng cho vị chỉ huy du kích Tito vào đầu tháng 10/1944. Lịch sử ghi nhận chỉ có 3 người vinh dự được nhận phần thưởng cao quý này; ngoài Nguyên soái Josip Tito là Joseph Stalin (1878-1953) và Georgi Zhukov (1896-1974).
Được biết, ông Aleksandar Broz là một nhà hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp, từng giữ chức vụ Tham tán Công sứ trong phái bộ ngoại giao Nam Tư ở Liên Xô và Ai Cập. Từ năm 2004 đến 2009 trước khi nghỉ hưu, ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Croatia tại Indonesia. Thay mặt gia đình cùng với bà Svetlana Broz là cháu ngoại của Nguyên soái Tito, con trai út Aleksandar đã tiếp nhận bản thông báo chính thức từ cơ quan tư pháp cao nhất, cũng là quyết định cuối cùng của Tòa án Tối cao Croatia tại trụ sở ở thủ đô Zagreb.
Hình dưới: Chứng chỉ Huân chương Suvorov thuộc bộ sưu tập của cố lãnh tụ Tito.