Biến hắn thành một tên khốn.
Không chỉ khốn nạn không đâu. Biến hắn thành một kẻ khiến bạn ghê tởm khi đọc.
Viết một kẻ phản diện mà nhân vật chính ghét thì dễ ẹt. Thảm sát cả nhà anh ta, lấy cắp hết tiền bạc, thiêu cháy ngôi làng nơi anh ta ở, abcxyz.
Cái khó ở đây là viết một tên phản diện đầy hấp dẫn, kẻ có thể khiến độc giả ngừng đọc và nghĩ
“Trời đất, tên này THỰC SỰ khốn nạn đấy!”
Hãy lấy Tom trong “Gatsby vĩ đại” làm ví dụ.
Tom là chồng của Daisy, tình yêu đích thực của cuộc đời Gatsby.
Tom cũng thường xuyên lừa dối vợ mình, là một tên phân biệt chủng tộc và còn thường xuyên sử dụng sự hung hăng, bạo lực và cả phong thái đầy đáng sợ của mình để làm lợi cho bản thân.
Đúng đó, Tom là một tên xấu xa.
Nhưng tại sao chúng ta lại ghét Tom?
Chúng ta ghét Tom bởi vì chúng ta biết Gatsby.
Chúng ta biết Gatsby bởi vì Nick Carraway là một người kể chuyện tuyệt vời; anh ấy có một góc nhìn hết sức cá nhân về Gatsby. Carraway coi Gatsby như một con người và sau đó là một người bạn chứ không phải là một kẻ có vai vế với một quá khứ bí ẩn.
Chúng ta biết Gatsby yêu Daisy. Chúng ta cũng biết rằng tuy Gatsby hơi khác thường, anh ấy cũng có một trái tim lương thiện và một góc nhìn gần như phi thực tế về thế giới và cả tình yêu của mình với Daisy. Bạn không thể không thích Gatsby được chính vì những điều mà Nick đã chứng kiến xuyên suốt cuốn tiểu thuyết.
Cũng vì điều trên, ta cũng không thể không ghét Tom được.
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết này xoay quanh mục tiêu của Gatsby: chiếm lấy trái tim của Daisy bằng mọi cách có thể. Chúng ta biết được quá khứ của họ và cảm xúc thật của Gatsby về cô ấy. Thông qua đôi mắt của Carraway, người đọc cũng có được một cái nhìn độc nhất về Gatsby.
Sau một thời điểm nhất định, việc đồng cảm với Gatsby và cuộc đấu tranh của anh ấy trở nên thật dễ dàng. Anh chàng này đang trên một cuộc hành trình giành lấy người phụ nữ trong mơ của mình; không hơn không kém.
“Gatsby này, Gatsby nọ. Thế còn Tom thì sao”
Rồi ,rồi. Tôi đang đến đó đây.
Khi chúng ta đã biết về Gatsby rồi, Tom thậm chí còn khốn nạn hơn trước nữa.
Việc ngoại tình của Tom còn trở nên tồi tệ hơn trước khi người đọc biết Gatsby yêu Daisy như thế nào; Gatsby chắc chắn sẽ đối xử với Daisy tốt hơn Tom!
Cách nói đầy thô lỗ và kém hấp dẫn của Tom tương phản hoàn toàn với cách nói chuyện đầy uyển chuyển và khác biệt của Gatsby.
Chúng ta thấy được cách Tom đối xử với những người mà hắn ta tiếp xúc xuyên suốt cuốn tiểu thuyết và không thể không tức giận được.
“Tại sao Tom vẫn ở bên cạnh Daisy vậy!? Thật không công bằng!”
Đúng rồi. Điều cuối cùng biến Tom trở thành một kẻ phản diện tuyệt vời; đoạn kết không hề công bằng chút nào.
Tom đã đạt đến đỉnh cao của sự khốn nạn sau khi cuốn tiểu thuyết kết thúc.
Gatsby thì thất bại trong việc có được tình yêu của Daisy và cuộc hành trình của anh ấy đã trở nên vô nghĩa. Cái chết của Gatsby chính là hậu quả của cái mục tiêu phi thực tế đó. Dù cho có làm gì đi chăng nữa, anh ấy và Daisy sẽ không bao giờ đến được bên nhau do những thứ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Gatsby.
Tom ư? Hắn ta chuyển đi với Daisy và chẳng bao giờ phải đối mặt với những hậu quả đến từ hành động của mình. Về cơ bản, hắn ta đã “hạ cánh an toàn”.
Chúng ta đều đã hi vọng rằng Daisy sẽ bỏ chạy cùng với Gatsby, Tom sẽ chết bằng một cách nào đó và tất cả đều sẽ sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Tuy nhiên, “Gatsby vĩ đại” không phải là một câu chuyện hạnh phúc, nơi mà người anh hùng cửa dưới của chúng ta đánh bại được tên phản diện.
“Gatsby vĩ đại” làm ta liên tưởng đến đời thực, nơi mà một vài kẻ khốn nạn giành được chiến thắng cuối cùng trong khi nhiều thứ chẳng bao giờ đi đúng hướng đối với người tốt (độc giả).
Những nhân vật phản diện như Tom thật dễ để ghét bởi vì họ giống y hệt những người mà chúng ta ghét nhất trong cuộc sống: Những kẻ khốn mà ta không thể đánh bại được dù cho có cố gắng đến chừng nào đi nữa.
Theo: Phạm Tuấn Việt