– PHẦN 1 –
Là một người làm nghề pháp y, điều mà tôi không mong muốn xảy ra nhất đó chính là “đụng mặt” người quen khi đang làm việc. Mới ngày hôm qua thôi vẫn còn cười chào với nhau, vậy mà hôm nay đã nhìn thấy đối phương nằm bất động dưới sàn, cảm giác đó… thật sự rất tệ. Tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều xác chết, thế nhưng tất nhiên sẽ chẳng thể biết được dáng vẻ của họ khi còn sống như thế nào, họ đi đứng, chớp mắt, nói chuyện ra sao. Điều đó tựa như bức tường ngăn cách giữa chúng tôi, và đồng thời cũng chính là tấm lá chắn giúp tôi tránh được những ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý. Nhưng nếu “đụng mặt” người quen thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Tỷ lệ gặp phải người quen chẳng phải là cao, ấy thế mà pháp y Trương lại không tránh khỏi.
____________________
Tối hôm đó, khi đang ăn dở bữa tối, tôi và pháp y Trương phải dừng đũa, vội vàng chạy tới khu Thịnh Cảnh ở Đông Thành.
Khi chúng tôi đến, cảnh sát đã đứng đợi ở cửa từ trước. Cầu thang dẫn lên tầng 17 của tòa chung cư đã bị người dân vây kín, nhưng khi vừa nhìn thấy chúng tôi, mọi người đều chủ động lùi bước tạo thành con đường nhỏ ở giữa cho cảnh sát đi qua.
Liếc nhìn qua, trước mặt tôi là cánh cửa căn hộ có gắn chống trộm màu đỏ sẫm, cùng với chiếc tay nắm cửa và những mảnh vụn của khoá rơi đầy dưới mặt đất, khung cửa dường như cũng bị biến dạng bởi một lực tác động rất mạnh nào đó.
“Là do em rể của nạn nhân phá”, cảnh sát giải thích.
Nhìn theo ánh mắt của cảnh sát, tôi trông thấy một người đàn ông tầm 40 tuổi đang ngồi sụp ở chỗ cầu thang thoát hiểm. Ông ấy ngước đầu lên nhìn tôi, sắc mặt không được tốt cho lắm.
“Hôm nay nhà tôi có việc nên cả gia đình đã hẹn nhau tụ tập ăn uống, ấy thế mà vợ tôi gọi điện cho anh trai mãi không được, gọi cho chị dâu cũng thấy tắt máy.”
Thấy vậy, cô vợ liền bảo chồng mình – em rể nạn nhân tới xem tình hình thế nào. Khi tới nơi, anh ta gõ cửa mãi mà không thấy động tĩnh gì nên đã gọi thêm mấy người họ hàng nữa cùng đến.
“Phản ứng đầu tiên của chúng tôi đó là cho rằng gia đình ba người này có khả năng đã gặp phải chuyện chẳng lành, sợ rằng bị trúng độc khí gas.” Nghĩ vậy, mọi người liền báo cảnh sát đề phòng, thậm chí còn gọi cả xe cấp cứu.
Trước sự chứng kiến của cảnh sát và bác sĩ, em rể nạn nhân đã phá cửa. Sau đó, mọi người cùng lũ lượt vào trong xem xét tình hình, thế nhưng vừa vào đến nơi, cảnh sát đã bắt tất cả mọi người lui ra ngoài.
Bởi vì, trước mặt họ là thi thể của người đàn ông chủ nhân căn nhà đang nằm ngay trong phòng khách.
“Trong nhà chỉ có mình người này thôi à?” Pháp y Trương hỏi.
Cảnh sát lắc đầu: “Người nhà nạn nhân nói, gia đình ba người họ có lẽ đều ở trong nhà.”
Dù đã cách một lớp cánh cửa chống trộm, nhưng tôi vẫn có thể ngửi thấy mùi tanh của máu cùng mùi thối rữa phảng phất bốc ra.
Màu sàn gỗ ở cửa ra vào thẫm hơn những chỗ khác, đó là một vũng máu. Từ vũng máu đó là một vệt máu rộng khoảng nửa mét, kéo dài từ phòng khách tới phòng tắm, hình dáng của nó tựa như con mãng xà đang oằn mình trên sàn nhà, tạo ra một hình chữ “S”.
Người đàn ông chết ở phòng khách lại không nằm cạnh khu vực có máu, ông ấy ước chừng 50 – 60 tuổi, má hóp lại xanh xao, nằm đó với tư thế vô cùng kỳ lạ, nửa thân trên ở ngoài phòng khách, nửa thân dưới ở trong phòng ngủ. Hai tai ông đang đeo ống nghe tim mạch, đầu còn lại của ống nghe để trong vòng bít máy đo huyết áp, tay nạn nhân nắm hờ quả bóp cao su của máy đo huyết áp.
Đôi mắt đang mở của nạn nhân mờ đục như phủ một lớp sương bụi, lỗ mũi và xung quanh miệng thậm chí còn dính lớp màng màu vàng, giống như cháo gạo kê bị khô lại.
Trực giác nói với tôi rằng, những thứ đó không chỉ đơn giản là thức ăn.
Tôi ngẩng đầu nhìn sang pháp y Trương, ông ấy chắp tay sau lưng, đứng bất động nhìn chằm chằm vào mặt nạn nhân, cực kỳ tập trung. Một lát sau, pháp y Trương bỗng ngồi thụp xuống, cúi gầm sát mặt nạn nhân.
Mặt ông tái hẳn đi, hai vai và tay không ngừng run lên. Tôi nhẹ nhàng vỗ vai pháp y Trương, hỏi: “Anh thấy mệt hả?”
Pháp y Trương lắc đầu thều thào đáp: “Không sao… Không có gì đâu.” Thế nhưng miệng ông lại run lẩy bẩy, chỉ vào nạn nhân và nói: “Người này… tôi quen.”
Nạn nhân là Trần Vũ, phó chủ nhiệm khoa A của bệnh viện, vợ ông là sếp của một công ty nhà nước, còn con gái đang học thạc sĩ tại một trong những trường đại học hàng đầu thế giới ở Mỹ, có thể nói đây chính là một gia đình chuẩn “mẫu”.
Phòng pháp y và bệnh viện chỗ Trần Vũ làm việc cũng được coi như “hàng xóm” của nhau. Năm ngoái, pháp y Trương còn ăn cơm cùng mấy vị bác sĩ chơi thân, và lần đó, Trần Vũ ngồi ngay trước mặt anh.
“Không sai, đây chính là lão Trần! Nhưng hồi trước anh ta đâu có gầy như vậy!” Giọng pháp y Trương khàn đi, ông ho một cái rồi nói tiếp: “Tôi quen lão Trần bao lâu nay, cũng không hề biết anh ta sống ở đây.”
“Trong này vẫn còn hai người nữa!” Nhân viên giám định đứng trước cửa phòng tắm, giọng nói toát lên vẻ gấp gáp.
Tôi hít một hơi thật sâu, sau đó men theo vết máu đến trước cửa phòng tắm, càng tới gần, mùi hôi thối của xác chết phả ra từ bên trong lại càng rõ ràng và nồng nặc hơn.
Trên nền phòng tắm là một lớp chăn bông màu trắng, dưới lớp chăn ấy lộ ra bốn cái chân.
Tôi lại gần, nhẹ nhàng nhấc lớp chăn lên.
Trước mắt tôi là hình ảnh người mẹ nằm trên, cô con gái nằm dưới, tư thế họ nằm tưởng chừng như cô con gái gục đầu vào vai mẹ và hai người họ chỉ đang ôm nhau ngủ thôi vậy. Thế nhưng… đầu của hai mẹ con đều nhuốm máu.
Đây là vụ thảm sát cả gia đình.
Trên bồn rửa tay của nhà tắm còn có một cái búa đầu tròn.
Đầu búa tròn sáng bóng, cán búa màu gỗ còn rất mới, xung quanh nhãn búa và đường viền nơi giao nhau giữa đầu và cán búa vẫn còn dính một chút màu đỏ nhạt.
“Vị trí đánh khá thấp”, pháp y Trương nhìn vào vết máu bắn ra còn dính lại trên bồn rửa tay và nói.
Tôi bỗng nhớ tới cái tủ để giày âm tường ở cửa ra vào, nên vội vàng chạy qua xem, phát hiện vết máu dính lên tủ cũng ở vị trí rất thấp. Không kìm được mà thở dài lấy một hơi. Điều này chứng tỏ rằng, sau khi đánh hai mẹ con ngã ra sàn, hung thủ vẫn tiếp tục xuống tay với nhiều nhát búa khác.
Ở gần vùng đầu của hai mẹ con, chúng tôi phát hiện ra vài vết chân máu.
“Là một người đàn ông”, nhân viên giám định cầm thước đo và nói: “Ngoại trừ cánh cửa ở phía ngoài ra, thì tất cả cửa sổ hay cửa ra vào đều không có dấu vết bị đập phá, trong nhà cũng không hề có bất cứ dấu hiệu bị lục lọi nào.”
Ngụ ý trong lời nói của nhân viên giám định đã quá rõ ràng – Cậu ấy nghi ngờ rằng chính người bố đang nằm trên sàn nhà kia đã ra tay giết chết vợ và con gái mình.
“Anh ấy không phải là người hung tợn như vậy!” Pháp y Trương không dám tin, lặp lại câu nói này tận ba lần.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, đồng nghiệp của tôi đã tìm thấy thư tuyệt mệnh của Trần Vũ để trên kệ TV. Đó là mấy tờ giấy A4 được kẹp lại, cuối mỗi trang đều có mũi tên chỉ dẫn ngụ ý lật sang trang sau.
Tôi xem sơ qua một chút, bên trong thư Trần Vũ đã kể về động cơ anh ta giết chết vợ và con gái và nguyên nhân tự sát của mình.
Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện thêm một phong thư màu trắng được để dưới gối của Trần Vũ, bên trong phong thư đó là tờ giấy A4 được phủ kín bởi những nét chữ thanh mảnh. Không đề tên, không ghi ngày tháng, chỉ vỏn vẹn một dòng tiêu đề: “Có lẽ đây chính là thư tuyệt mệnh nhỉ?”
Phải chăng bức thư ấy là của một cô gái.
Chúng tôi chưa thể khẳng định rằng, hai bức thư này đã tồn tại bao lâu rồi.
Đèn trong phòng giải phẫu sáng trưng, tiếng quạt thông gió chạy vù vù xé tan màn đêm yên tĩnh. Trên sàn nhà là ba túi thi thể màu vàng, tôi sợ rằng pháp y Trương sẽ cảm thấy khó chịu trong lòng khi phải đối diện với người quen, nên đã chủ động yêu cầu đảm nhận nhiệm vụ khám nghiệm sơ bộ.
Pháp y Trương không nói gì, chỉ xua xua tay, ý rằng cứ để ông ấy làm.
Tôi biết ông ấy không muốn tin rằng, người giết chết cả gia đình đáng thương kia lại chính là Trần Vũ – người ông quen. Hơn nữa, hiện vẫn chưa có kết quả kiểm định chữ viết của hai bức thư được tìm thấy ở hiện trường, vậy nên bây giờ đã kết luận như vậy quả thực vẫn còn quá sớm.
Pháp y Trương nhìn chằm chằm Trần Vũ đang nằm trên bàn giải phẫu, ông cứ nhìn như vậy suốt trong 2 phút, mãi chẳng động tay. Rồi bỗng nhiên, ông thở dài ngao ngán: “Bình thường tôi cũng cảm thấy Trần Vũ khá phiền toái, thế nhưng chẳng ngờ anh ta lại ra đi sớm thế.”
Trong mắt pháp y Trương, Trần Vũ là một người rất cố chấp, không bao giờ chịu nhận mình sai.
Một mùa hè nọ, ông đang bận việc ở cơ quan, Trần Vũ bỗng gấp gáp xông vào cửa phòng pháp y, hô hoán: “Pháp y Trương! Anh mau ra đây xem, có một đám nhóc đang gây sự ở chỗ tôi.”
Nghe vậy, pháp y Trương vội vàng dừng công việc đang làm, cùng Trần Vũ chạy ào vào một căn phòng nọ của bệnh viện.
Bên trong căn phòng là cuộc ẩu đả giữa ba tên tóc vàng xăm trổ đầy mình và một vị bác sĩ, hai bên không màng tất cả mà lao vào gây hấn với nhau, tuy nhiên có thể thấy vị bác sĩ kia yếu thế hơn hẳn, thậm chí hai người bảo vệ đứng bên cạnh cũng không có cách nào tách bọn họ ra được.
“Dừng tay, tôi là người bên Cục Cảnh sát đây.” Pháp y Trương nói lớn.
Ba tên kia dừng tay, liếc nhìn pháp y Trương mấy giây, có lẽ thấy ông ấy cường tráng, trông vô cùng khí thế, nên vội vàng thanh minh mấy câu rồi chuồn mất.
Sau khi xảy ra chuyện này, Trần Vũ khen pháp y Trương không ngớt lời, từ đó về sau cứ xảy ra cuộc xô xát nào với bệnh nhân, Trần Vũ liền chạy ngay sang chỗ pháp y Trương cầu cứu.
“Tôi đã dặn lão Trần mấy lần rồi, rằng gặp chuyện gì thì cứ gọi 110, nhưng anh ta chẳng nghe bao giờ, toàn chạy thẳng đến tìm tôi.” Pháp y Trương có chút bất lực.
Trần Vũ cho rằng pháp y Trương “có tác dụng” hơn là Cục Cảnh sát, vậy nên ai nói gì cũng không chịu nghe.
Một đêm nọ, 120 đưa đến bệnh viện một người bị thương do ngã từ trên cao xuống, sau khi cấp cứu hơn 1 tiếng đồng hồ, cuối cùng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. May rằng người nhà bệnh nhân hiểu chuyện, nên chẳng khóc lóc đòi bồi thường gì, chỉ muốn nhanh chóng xử lý thi thể.
Các bác sĩ và y tá bệnh viện thấy vậy liền thở phào nhẹ nhõm, tuy nhiên Trần Vũ thì lại vội vàng nhấc điện thoại gọi cho pháp y Trương, gấp gáp nói: “Trên người bệnh nhân có rất nhiều vết thương, tôi nghi ngờ là bị hại chết.”
Nghe vậy, Pháp y Trương liền chạy ngay tới bệnh viện.
Trần Vũ chỉ vào mấy vết thương trên người nạn nhân nói: “Mấy vết thương đó hẳn là do bị người khác đánh, hung khí có thể là gậy sắt.”
Pháp y Trương nhìn qua thi thể, không giống bị tổn thương do người khác gây ra dẫn đến tử vong, nhưng Trần Vũ cứ một mực khẳng định rằng những vết thương đó là do bị đánh đập mà ra, thế nên pháp y Trương đành để ông ta báo cảnh sát.
Cảnh sát tới điều tra khám xét chỗ nạn nhân bị ngã lầu, thậm chí còn trích xuất cả camera, thế nhưng cuối cùng vẫn đưa ra kết luận loại trừ khả năng bị người khác sát hại.
Bớt một vụ án giết người là chuyện tốt, nhưng nghi ngờ của Trần Vũ lại khiến người nhà nạn nhân nổi đóa. Họ chỉ vào Trần Vũ và pháp y Trương mà mắng: “Mấy người chỉ giỏi bày trò, tìm cách khiến người dân chúng tôi khổ thôi!”
Pháp y Trương bị người nhà nạn nhân mắng đến đỏ cả mặt, còn Trần Vũ đứng một bên thì vẫn cứ khăng khăng cho rằng mình đúng.
Nhưng giờ đây Trần Vũ chẳng thể cố chấp như vậy được nữa rồi.
Bụng ông hóp lại, xương sọ, xương quai xanh, từng cái đều hiện rõ mồn một, thậm chí còn có thể đếm được bằng mắt thường.
Chúng tôi phát hiện, ông ấy chẳng mắc bệnh gì nghiêm trọng, ngoại trừ việc tim và màng ngoài tim bị dính vào nhau.
“Tim anh ta cũng có vấn đề ấy hả?” Pháp y Trương có chút ngạc nhiên.
Trần Vũ là chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật tim, ấy vậy mà lại không thể tự chữa được cho bản thân.
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Trần Vũ vẫn phải đợi tới khi có kết quả xét nghiệm ngộ độc và bệnh lý, còn nguyên nhân cái chết của vợ con ông ta thì lại rõ ràng hơn nhiều – đầu hai mẹ con bị vỡ.
Tôi nghe pháp y Trương kể lại, khi còn sống, Trần Vũ vẫn thường xuyên khoe với mọi người trong văn phòng rằng vợ mình thông minh đảm đang, còn con gái thì xinh xắn giỏi giang: “Mấy năm trước, mỗi khi nhắc đến con gái mình là mặt mày lão Trần lại hớn hở, cười không ngớt.”
Chẳng ai có thể ngờ rằng, cô bé xinh xắn, tài giỏi, luôn khiến bố tự hào khi còn sống ấy, nay lại nằm ở đây với bộ dạng thảm thương đến vậy.
Vùng trước trán và đỉnh đầu của cô bị vỡ nát.
Sau khi xử lý sạch những vết máu và lọn tóc vàng xoăn trên trán, tôi đếm được tới 11 vết đánh.
Từ những vết thương phân bổ trên đầu, có thể cơ bản nhận định rằng đều do bị đập trực tiếp vào mà nên.
Pháp y Trương trông thấy bộ dạng máu me be bét của cô bé, không kìm được sự đau lòng, nói: “Nếu việc này thật sự là do lão Trần gây ra, vậy thì ông ta cũng quá nhẫn tâm rồi.”
Con gái của lão Trần tên Trần Hân Dư, năm nay 29 tuổi, chưa kết hôn, là một cô gái đa tài đa nghệ lại yêu cái đẹp.
Trong phòng khách nhà cô ấy có một cây đàn piano, góc tường trong phòng ngủ dựng một chiếc đàn guitar, ngoài ra, trong phòng còn có mấy chiếc thùng giấy đựng toàn là sách và một quyển “Ship of Theseus” rất dày để trên cùng.
Pháp y Trương nói, tuy rằng kinh tế nhà Trần Vũ cũng chỉ ở mức khá, nhưng phí học piano và mấy lớp năng khiếu đều rất cao. Từng có một đồng nghiệp hỏi Trần Vũ bỏ nhiều tiền ra thế có đáng không, ông ta liền đáp: “Tôi chỉ có một cô con gái, đương nhiên phải toàn tâm toàn sức nuôi dưỡng nó rồi.”
Đồng nghiệp cười mà trêu rằng: “Có chăm con gái tốt đến thế nào, sau này rồi “vịt giời” cũng cắp cánh đi lấy chồng thôi.”
Trần Vũ khi đó chẳng nói năng gì, nhưng từ đó về sau đều không thèm nói chuyện với người đồng nghiệp ấy.
Trong mắt pháp y Trương, những thứ khác của lão thì không nói, riêng cách ông ta đối xử với con gái thì chẳng có gì phải bàn cãi.
Nhưng khi thanh tra hiện trường, chúng tôi bỗng phát hiện một quyển sổ ghi chép, cuốn sổ đã một phần nào tiết lộ mối quan hệ gượng gạo gần đây của hai bố con nhà này.
Trong quyển sổ có hai loại chữ viết, có lẽ chính là những mẩu tin nói chuyện thường ngày giữa hai bố con mấy ngày gần đây.
“Con thèm ăn dâu.”
“Chiều bố ra ngoài mua cho.”
Trước đây vẫn là cặp bố con gần gũi, thân thiết với nhau, ấy thế mà ngay cả việc nói chuyện hàng ngày, bây giờ hai người họ cũng phải viết ra giấy.
Trên bàn trang điểm của Trần Hân Dư để vô số chai lọ mỹ phẩm, đầu giường còn dán một tờ thực đơn giảm cân, ghi chép lại thói quen ăn uống mấy ngày gần đây, tất cả đều toát lên vẻ yêu đời.
Trong bức thư có ghi: “Có lẽ đây chính là thư tuyệt mệnh nhỉ?”, chữ viết này là của Trần Hân Dư, trong đó còn chép một câu nói thế này: “Rõ ràng mình cũng muốn sống bằng cả trái tim mà, rõ ràng mình cũng rất muốn dùng nỗ lực của bản thân để sưởi ấm trái tim của mọi người xung quanh, rõ ràng mình cũng rất chân thành để trò chuyện với số mệnh và cuộc sống, rõ ràng mình cũng muốn tận hưởng mọi sự đẹp đẽ của thế giới này kia cơ mà…
…Nhưng tại sao, tại sao mình lại muốn kết thúc cuộc sống này đến vậy cơ chứ?”
Chúng tôi phát hiện có tất cả sáu hình xăm trên người Trần Hân Dư, lần lượt ở sau hai tai, hai bên ngực, xương quai xanh bên trái và cả đằng sau lưng. Mười ngón tay của cô sơn màu hồng đậm.
Nếu dùng con mắt truyền thống của một thành phố nhỏ để đánh giá, thì có thể kết luận rằng Trần Hân Dư là một cô gái khá “sành điệu” và có chút khác biệt.
“Dạo gần đây tôi có gặp lão Trần mấy lần, nhưng có vẻ như anh ta không muốn nhắc đến con gái cho lắm”, pháp y Trương nói.
Ai quen với lão đều biết, Trần Vũ nuôi dưỡng con gái giống như cách người ta nuôi dưỡng một bông hoa quý vậy.
Ông ta cảnh cáo con bé không được làm những việc không liên quan đến học hành, đặc biệt là không được yêu sớm. Mặc dù đặc thù công việc vốn bận rộn, Trần Vũ chẳng thể ngày ngày kè kè bên con, thế nhưng dù là khi có ca trực đêm đi chăng nữa, chỉ cần rảnh ra là ông ta sẽ gọi điện hỏi xem con đang làm gì: “Làm bài tập chưa? Luyện đàn chưa?”
Từng có một khoảng thời gian, hễ điện thoại ở nhà reo lên là Trần Vũ sẽ chạy vội tới nghe máy, xem xem người gọi liệu có phải tìm con gái mình không. Nếu đối phương là nam, Trần Vũ sẽ trả lời rằng Hân Dư không có thời gian, sau đó lập tức cúp máy.
Bạn cùng lớp với Trần Hân Dư cũng có người là cảnh sát dân sự, khi nghe anh ta thuật lại những lần gọi điện thoại cho Hân Dư năm đó, dường như trong giọng vẫn còn đọng lại chút sợ hãi.
Từ khi con học tiểu học, chỉ cần có thời gian, Trần Vũ sẽ đưa đón con gái đi học. Cho tới tận khi học lên cao hơn, con bé mới bắt đầu tự đến trường, thế nhưng Trần Vũ vẫn sẽ âm thầm đi đằng sau cho tới khi cô bé bước vào cổng trường mới thôi.
Thỉnh thoảng ông ta cũng sẽ lượn lờ gần trường xem tình hình con gái thế nào. Nếu phát hiện trên đường cô chào hỏi hay nói chuyện với ai, về nhà chắc chắn ông sẽ hỏi cho ra nhẽ. Nếu đối phương là nam, bộ câu hỏi sẽ lại càng cặn kẽ chi tiết hơn.
Trần Vũ vốn là con trong nhà làm ngành y có tiếng trong vùng, nhà ông có sáu chị em nhưng chỉ có ông là con trai.
Đêm giao thừa đầu tiên sau khi con gái ra đời, Trần Vũ dẫn vợ con về nhà bố mẹ ăn Tết. Lúc đầu, bố ông còn bế cháu gái thơm hôn, cưng nựng, nhưng đến khi đã ngấm rượu vào thì dường như trở thành người khác, chẳng nói năng gì, chỉ chăm chăm nốc rượu, đến cuối buổi còn ném ly rượu xuống sàn, vỡ tan tành. Chắc hẳn ông ấy không hài lòng với việc đứa cháu nội của mình lại là một bé gái.
Trần Vũ biết rõ ý của bố, nhưng ông và vợ đều là công chức nhà nước, chỉ có thể sinh một con nên đã hạ quyết tâm sẽ nuôi dạy con cái thật tốt.
Nhiều năm trôi qua, Trần Hân Dư vẫn luôn ưu tú, cô thi được vào một trường đại học tốt trong nước. Khi cô nhập học, Trần Vũ đã lái xe mấy trăm kilomet đưa con gái đến trường. Ông ta ở lại mấy hôm trong khách sạn gần trường của con, mua nào là chậu rửa mặt, chăn màn, quạt điện, thậm chí còn mua cả máy giặt.
Bạn cùng phòng ai nấy đều cực kỳ ngưỡng mộ Trần Hân Dư, thế nhưng ngược lại so với mọi người, cô lại cảm thấy xấu hổ với điều đó.
Điều khiến cô cảm thấy ngưỡng mộ hơn cả đó chính là những bạn tự mình lên đây nhập học: “Sinh viên đại học là phải hoàn toàn tự lập như vậy mới phải.”
Mặc dù không thể tự lập về các quyết định và hành động trong cuộc sống, nhưng tâm trí Trần Hân Dư đã sớm tự lập từ lâu.
Trong bức thư nghi là lời trăn trối của cô, tôi còn nhớ rõ một câu: “Có lẽ cũng bởi vì gia đình mình quá đỗi nghiêm khắc, gò bó, thế nhưng nếu mình thật sự mạnh mẽ, trưởng thành và quyết đoán, vậy thì còn phải để tâm điều gì nữa?”
– CÒN TIẾP –