LỚN RỒI BẠN MỚI NHẬN RA NHỮNG KIỂU NGƯỜI NÀO KHÔNG NÊN TIẾP XÚC NHIỀU?

1. Người lúc nào cũng nói đạo lý

Rõ ràng bạn mới là người đang muốn tâm sự, thổ lộ tâm tình, thế nhưng một lúc lại biến thành “giảng đường” dành riêng cho ai kia thao thao bất tuyệt. Người ta mới nói được mấy câu là sẽ đem hết những lời bạn muốn nói, tâm tình của bạn quẳng đi đâu mất. Giống như Trương Giai Vĩ từng nói: “Giúp đỡ người khác là khi bạn suy nghĩ cho họ, làm phiền người khác là khi bạn chỉ nghĩ cho chính mình”.

Hành động luôn luôn nói đạo lý về bản chất chính là hi sinh cảm xúc của người khác để thỏa mãn bản thân. Điều đáng sợ hơn đó là những người này sẽ luôn dùng lí do “muốn tốt cho chúng ta” để từ đó dần dần đưa ta vào một “biển đạo lý”.

Tôi nhớ có một lần tôi đến nhà dì ăn cơm. Hôm đó bài kiểm tra môn toán của em họ vừa có điểm. Em ấy làm bài rất tốt, lần đầu được hơn 95 điểm. Tuy nhiên dì tôi lại nói: “Lần này điểm cũng tạm được, nhưng phải tiếp tục giữ vững phong độ, cố gắng hơn nữa, một bài kiểm tra tốt sẽ không nói lên được gì hết. Con xem Tiểu Ưng nhà bên đi, lần nào nó cũng được 90 điểm hết, con còn phải cố gắng nhiều hơn”.

Em họ tôi đơn giản là muốn được mẹ khen ngợi một chút mà thôi, tôi nhìn ánh mắt sáng rực đầy hy vọng của em ấy dần dần trở nên ảm đạm, cuối cùng em ấy cúi đầu không nói gì nữa.

Những câu nói đạo lý mà họ nghĩ là rất đúng lúc thực ra lại vừa hay ngăn cản dòng cảm xúc cũng như cảm nhận của người khác, nhu cầu được tâm sự dần dần không được đáp ứng. Hành động không ngừng nói đạo lý như vậy dần dà sẽ bóp chết một mối quan hệ.

Nói chuyện làm tổn thương người khác, rồi lại dùng những lí do như “Tính tôi là như vậy”, “Tính tôi có hơi thẳng thắn”,…để làm lá chắn

2. Những người như thế này nhìn thì có vẻ như rất “thật lòng”, nhưng thực ra lại cực kỳ ích kỷ, không hề quan tâm đến cảm nhận của mọi người xung quanh.

Rõ ràng có thể dùng những câu từ mà người khác dễ tiếp thu hơn nhưng họ cứ phải nói mấy lời sắc lạnh. Ví dụ như kiểu: “Xin lỗi bà cơ mà tui nói thật lòng cái này bà đừng có để bụng nha, hôm nay bà makeup đậm thật á, mặt trắng y như bức tường vậy, ha ha ha”. Lời của người ta có nghĩa là: Tui có thể mắng bạn, nhưng bạn không được ghim tui, nếu bạn mắng tui là bạn sai rồi, bạn xin lỗi tui đi.

Xin lỗi nha, tôi đây cực kỳ nhỏ nhen nên tôi cứ ghim đấy.

Nếu mà bạn cứ mở miệng ra là nói mấy lời khó nghe vậy thì tốt nhất là đừng có nói gì nữa, lẽ nào bố mẹ không dạy bạn phép lịch sự cơ bản là gì hay sao?

Cái mà những người kiểu này nghĩ là “lời thật lòng”, “lời nói thẳng thắn”, thực ra là chỉ có mình họ nghĩ như vậy thôi, từ trước đến nay họ không hề bỏ ra một giây nào để nghĩ xem người khác có chấp nhận nổi mấy lời nói đó hay không.

Chúng ta phải học cách khống chế lời nói của bản thân, học cách đặt mình vào vị trí của người khác, đó là nền móng cơ bản nhất để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhau.

3. Người luôn vô thức phủ nhận người khác

Khi dạy đệ tử chọn bạn bè, trong “Luận Ngữ” có viết: “Quân tử thường qua, tiểu nhân vô thác. Quân tử trách kỷ, tiểu nhân trách nhân”. Câu này có nghĩa là, người luôn trách móc lỗi sai của người khác còn bản thân lúc nào cũng đúng thì chắc chắn không phải kiểu người tốt đẹp, nên tránh xa.

Kiểu người này lúc nào cũng muốn dùng lý lẽ để cãi thắng bạn cho bằng được, họ cũng không chịu để ai vào mắt bao giờ, càng không bao giờ muốn thừa nhận người khác giỏi hơn mình, hay có gì hay ho hơn mình. Ví dụ kiểu như:

Đối thoại 1:

“The Moon and sixpence” hay lắm đó, tác phẩm kinh điển của William Somerset Maugham, nên thử đọc á mọi người.

Không phải chứ, tác phẩm tiêu biểu của ông ấy phải là “Of Human Bondage”, chắc là bà chưa từng đọc đúng không?

Đối thoại 2:

Bảng mắt này đẹp thật đó, không hổ là Pecfect Diary.

Bà chưa dùng thử của Colourpop đúng không?

Kiểu người như thế này sẽ thông qua cách không ngừng phủ nhận người khác để cố chấp bảo vệ cho quan điểm giá trị và cảm giác chính nghĩa trong lòng họ. Một khi mà mấy người này làm lãnh đạo hay cấp trên thì cấp dưới mỗi ngày đều phải khổ sở.

4. Người lúc nào cũng than phiền đủ thứ

Kiểu người này lúc nào cũng chỉ biết đến những chuyện trước mắt, suốt ngày quan tâm đến mấy chuyện vặt vãnh linh tinh. Họ sẽ là kiểu chi chăm chăm nhìn vào những mặt đen tối của cuộc đời, còn những điều tốt đẹp có xuất hiện họ cũng sẽ nhắm mắt làm ngơ. Ví dụ lúc cùng nhau đợi xe bus, xe mà chưa tới là họ bắt đầu chê trách hệ thống giao thông, than phiền thời tiết hôm nay không tốt, than tới than lui, làm cho bạn đứng bên cạnh cũng không biết nói gì hơn. Lên được xe rồi lại chê điều hòa trong xe không mát, tài xế lái xe tệ quá, lái xe tệ vậy mà lương còn cao hơn họ phải làm việc vất vả,….Kết bạn với những người như thế này rất dễ làm cho tâm trạng bạn bị ảnh hưởng xấu theo. Điều làm chúng ta “cạn lời” hơn là, mặc dù mỗi ngày họ đều chê trách môi trường sinh sống, làm việc xung quanh thế nhưng họ cũng không muốn thay đổi môi trường này tí nào. Bởi vì họ dành quá nhiều năng lượng cho việc than trách rồi, dẫn đến năng lực hành động của họ giảm xuống rất nhiều. Bạn có tin không, cho dù bạn có muốn đốc thúc họ, ở sau lưng đẩy họ tiến về phía trước thì họ vẫn sẽ như cũ, không có gì thay đổi. Muốn ở cạnh những người như vậy thì phải có tố chất tâm lý mạnh mẽ. Tôi thì chịu thua đó.

5. Vui vẻ hòa nhã với người ngoài, khó chịu với người nhà

Dựa vào cái gì mà những người yêu thương bạn nhất, đối xử với bạn tốt nhất lại phải chịu đựng những mặt tính cách xấu của bạn? Có rất nhiều người, khi ở cạnh người ngoài thì cười cười nói nói, về nhà lại khó chịu, thiếu kiên nhẫn với người thân.

Đi ngoài đường chúng ta rất dễ dàng bắt gặp tình trạng kiểu như, một giây trước: “Ôi chào Vương tổng, lần hợp trác trước đây của chúng ta quả thật rất thuận lợi, ha ha ha”. Giây sau thì biến thành: “Sao hả, lại làm cái gì nữa rồi”. Ôi trời, chắc chắn là người nhà hoặc là cấp dưới gọi đến nên bị ăn mắng đó mà. Nhiều người hễ nói chuyện với những người thân quen nhất là chỉ có nhăn nhó, khó chịu.

Tuy nhiên những điều nhỏ nhặt mà chúng ta hay bỏ qua như thế thực ra sẽ giúp ta hiểu rõ nhất về một người. Chúng ta cả ngày ở ngoài bôn ba mệt mỏi, phải chịu rất nhiều uất ức, khi trở về nhà muốn tìm chút an ủi, điều đó là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, muốn được “bồi thường” về mặt cảm xúc lẫn tâm hồn không có nghĩa là bắt người nhà phải nghe những lời khó nghe hay chịu đựng sự hằn học. Không nên vì người nhà sẽ luôn luôn ở cạnh ta dù có chuyện gì xảy ra mà đối xử với họ không tốt.

Nếu như thân thiết với kiểu người này, mỗi khi họ không vui là sẽ lấy bạn làm chỗ trút giận.

6. Những người đạo đức giả, thích dạy đời người khác

Kiểu người như vậy thì trên mạng rất nhiều, mỗi lần mà có sự việc gì hot, có drama gì là nhóm người này sẽ đồng loạt “xuất quân”.

Họ khoác lên mình tấm áo choàng mang tên “chính nghĩa” và “đạo đức”, rồi ngang nhiên cướp đi những quyền cơ bản của người khác. Tôi vẫn nhớ lúc tôi học Đại học, hồi đó tôi mới tập dùng Weibo, tôi có bình luận dưới một bài đăng là: Chắc là họ có nguyên nhân gì mới làm như thế, nên đợi mọi chuyện rõ ràng đã rồi hẵng phán xét. Kết quả là hôm sau có một đống người trả lời bình luận đó của tôi, còn nhắn tin nặc danh nữa, lôi đủ tám đời tổ tông nhà tôi lên, quăng đủ loại bộ phận vào mặt tôi. Họ làm tôi sợ phát khiếp, mấy ngày tiếp theo không dám lên mạng.

Thế nhưng những người này ở ngoài đời thực sẽ xây dựng cho bản thân hình tượng công dân tốt, mẫu mực. Tôi sẽ “dịch” lại mấy câu họ nói cho mọi người nghe thử.

“Là vì chúng tôi muốn tốt cho cậu thôi” -> Lời tôi nói là chân lý, cậu bắt buộc phải nghe.

“Anh ấy làm như vậy cũng là vì bất đắc dĩ thôi”-> Bắt buộc phải bỏ qua cho người ta, sau đó muốn trốn đi đâu khóc lóc tủi thân thì kệ cậu.

Cảm nhận và tâm tình của người khác ở trước mặt những người này đều biến thành thứ vô giá trị.

Ngoại trừ gia đình, vợ chồng và chính mình ra, bạn bè cũng là người đồng hành và ảnh hưởng đến ta rất nhiều. Vậy nên bạn bè tốt nhất vẫn là nên quan tâm chất lượng hơn số lượng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *