TẠI SAO NGƯỜI TRẺ NGÀY NAY LẠI BUỒN NHƯ THẾ?

Tôi nhớ có lần đi siêu thị và thấy cherry được giảm giá đặc biệt, tôi và bạn gái đứng đó nửa tiếng đồng hồ, chọn ra hai túi lớn loại ngon từ đống đồ thối.

Nhưng lúc tôi cầm 2 túi cherry đi cân, tôi mãi mãi không bao giờ quên được ánh mắt của cô nhân viên đó.

Ánh mắt đó chứa đầy sự khinh thường, dường như đang chất vấn tôi: “Nghèo như vậy còn không biết xấu hổ mà tới mua trái cây.”

Tôi xấu hổ cúi thấp đầu xuống, không dám nhìn cô ấy, thậm chí không có sức để lấy lại trái cây, bởi vì tôi cảm thấy suy nghĩ của cô ấy không sai.

Hẹn hò với bạn gái mấy năm, Tết năm nay tôi đến nhà ra mắt bố mẹ cô ấy.

Trước khi đi tôi đã làm một việc quá khả năng mình. Tôi đã dùng tiền lương một tháng mua một ít trà ngon và rượu vang, còn nhờ bạn mua một ít mỹ phẩm từ nước ngoài.

Cả bố và mẹ cô ấy đều rất hiền lành, lúc ăn cơm không ngừng gắp thức ăn cho tôi, nói tôi ăn nhiều một chút.

Cuối bữa ăn, bố cô ấy rốt cuộc cũng nói: Chàng trai, cháu cũng rất tốt. Nhà chú đây gả con gái chứ không bán con gái, sính lễ cháu cứ đưa tùy ý, dù sao sau khi kết hôn, cô chú đây cũng trả lại cho hai đứa. Nhưng cháu nhất định phải có một căn hộ ở Tây An, cô chú chỉ có một đứa con gái, không muốn thấy con bé ngay cả một căn nhà cũng không có.

Tôi dùng ánh mắt kiên định nhìn chú ấy rồi nói: Chú yên tâm, cháu nhất định sẽ cố gắng.

Nhưng chỉ có bản thân tôi biết, lương tháng 6.000 tệ (~21.5 triệu), mà căn hộ rẻ nhất ở Tây An cũng phải 100 vạn (~3.5 tỷ), còn là căn hộ bàn giao thô…

Hồi cấp 3, tôi có một người bạn thân, có buổi đêm tôi lên cơn sốt, cậu ấy cõng tôi chạy một mạch 2km đến bệnh viện.

Mấy hôm trước, cậu ấy nhắn tin cho tôi, nói rằng gần đây gặp chút khó khăn, hỏi chỗ tôi còn tiền không, cho cậu ấy mượn một thời gian.

Tuy nhiên hai hôm nay, bên A đã khất nợ phần tiền còn lại, tôi dựa vào phần đồ ăn ngoài rẻ nhất để sống qua ngày.

Nhìn chằm chằm wechat đến ngẩn người, nhớ lại hình ảnh đêm đó cậu ấy nhễ nhại mồ hôi, lại nhìn căn phòng trọ mốc meo, cuối cùng tôi cũng không kìm nén được nữa mà bật khóc nức nở.

Tôi đã từng muốn thay đổi thế giới, nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng tôi thậm chí không có khả năng thay đổi cuộc sống của mình.

Còn nhớ lúc học đại học, trong lớp có một đàn anh, bởi vì trượt môn nhiều nên trường yêu cầu lưu ban một năm.

Anh ta là một sinh viên, mang theo một cái túi 30.000 nhân dân tệ, thuốc lá anh ta hút cũng đắt hơn của giảng viên một số 0. Quần áo trên người không hề có một chữ tiếng Trung, 3 chữ “phú nhị đại” thiếu điều được khắc trên mặt anh.

(*) phú nhị đại: là một thuật ngữ tiếng Trung được dùng để chỉ đến thế hệ con cái của giới nhà giàu mới nổi tại Trung Quốc.

Sau khi lưu ban, anh ta vẫn không hối cải, ngày ngày ngâm mình ở hộp đêm, chiếc giường trong ký túc xá như món đồ trang trí.

Khi đó, tôi tích cực tham gia hội học sinh, làm ủy viên, tham gia các cuộc thi, vì vậy từ đáy lòng tôi đã khinh thường loại người này, tôi cảm thấy anh ta lãng phí tương lai của mình, không có trách nhiệm với cuộc đời.

Sau tốt nghiệp, tôi nhận mức lương 6.000 tệ, ăn chiếc bánh mà ông chủ vẽ ra, chịu đựng đủ các kiểu sai khiến của mấy vị cấp trên kém cỏi, sống với dáng vẻ của con vật nuôi trong xã hội.

Còn vị phú nhị đại suốt ngày ăn chơi kia, đã biến mình thành một doanh nhân địa phương nổi tiếng và một thanh niên xuất sắc. Mấy vị lãnh đạo nhìn thấy anh ta đều mỉm cười.

Có người nói, người trẻ bây giờ chẳng có tí dũng cảm nào cả, rõ ràng có thể khởi nghiệp làm chủ, nhưng lại đi làm thuê, trong những năm tháng nhiệt huyết nhất lại chọn lựa mục nát.

Nhưng người nói những lời này đâu biết, phú nhị đại khởi nghiệp thất bại, lùi một bước chính là trời cao biển rộng, về nhà thừa kế gia nghiệp; còn tôi khởi nghiệp thất bại, lùi một bước chính là vực sâu vạn trượng, ngay cả cơ hội về nhà làm ruộng cũng không có.

Tôi còn nhớ rằng có lần tài liệu của khách hàng có vấn đề, công ty bắt đầu tăng ca cả đêm, lúc tan làm cũng đã mười một giờ.

Tôi đói đến nỗi da bụng dán sát da lưng, thất thểu bước vào tiệm mì, gọi một bát rồi lăn ra ngủ như không có ai ở bên.

Kết quả lúc mơ mơ màng màng nghe thấy ai đó gọi tên mình, ngẩng đầu lên thì thấy là chủ quán, hóa ra cơm đã xong rồi, bên trong có thêm một quả trứng và mấy miếng thịt bò.

Ông chủ vừa lấy nước cho tôi vừa nói: Tôi thêm cho cậu một quả trứng và một ít thịt bò. Người trẻ các cậu liều mạng quá, lúc kiếm tiền cũng phải nhớ chăm sóc tốt cho bản thân mình.

Tôi kìm nén không để nước mắt tuôn rơi, hơi nóng bát mì bốc lên, đó là bát mì ngon nhất tôi ăn trong cuộc đời mình.

Mặc dù cuộc sống rất khó khăn nhưng tôi không từ bỏ, vì tôi cảm thấy người bình thường cũng có niềm vui của mình.

Dù ghen tị với người giàu nhưng tôi không hề oán hận sự giàu có, vì tôi biết rằng đó là tài sản do 4 đời nhà người ta tích lũy được.

Với tư cách là một người trẻ, tôi không hề ngại gian khổ, tôi cố gắng để ôm lấy công việc 996(*), mỗi ngày đều bán linh hồn mình.

(*)Văn hóa 996 chính là cách người dân Trung Quốc ám chỉ lịch làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối liên tục 6 ngày trong một tuần.

Nhưng tôi chỉ sợ những người lớn tuổi sẽ hỏi tôi: Tại sao đang còn trẻ mà lại đau buồn thế?

Cuộc đời giống như tòa núi cao, có người đứng trên đỉnh núi tương lai xán lạn, như ánh sao rực rỡ, cũng có người bị đè dưới chân núi, cố gắng hết sức chỉ có thể thở một hơi.

Hy vọng xã hội này có thể thấu hiểu và bao dung hơn đối với những người trẻ tuổi dưới chân núi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *