Naginata (薙刀 thế đao) là một vũ khí có cán dài với một lưỡi cong nhọn ở đầu, được rèn theo cách thức giống như kiếm truyền thống của Nhật Bản (nihontō). Naginata ban đầu được sử dụng bởi tầng lớp samurai của Nhật Bản thời phong kiến, cũng như ashigaru (lính bộ binh) và sōhei (nhà sư chiến binh).
Lưỡi đao naginata dài từ 30 cm đến 60 cm, nhưng cũng có loại dài 90 cm, có rãnh ở giữa. Lưỡi đao có hình thù tương tự như yển nguyệt đao (偃月刀) của Trung Quốc, nó có một đuôi dài (nakago) cắm vào cán đao và được cố định bằng một chốt gỗ gọi là mekugi đi qua một lỗ (mekugi-ana) ở cả đuôi lưỡi đao và cán đao, siết chặt bằng các đai kim loại.
Cán naginata làm bằng gỗ hoặc kim loại, dài từ 120 cm đến 240 cm và có tiết diện hình bầu dục. Có một số lượng rất nhỏ naginata siêu lớn, dài đến 3,6 mét. Tương tự như katana, naginata thường có một bộ phận bảo vệ (tsuba) giữa lưỡi đao và cán. Lưỡi đao có thể được tháo ra để sửa chữa hoặc thay mới. Khi không sử dụng, lưỡi đao sẽ được bọc bằng một vỏ gỗ.
Naginata dành cho đàn ông và các nhà sư chiến binh là ō-naginata. Loại được phụ nữ sử dụng được gọi là ko-naginata.
Thuật ngữ naginata lần đầu tiên xuất hiện trong các tài liệu lịch sử vào thời Heian (794-1185). Các tài liệu tham khảo rõ ràng nhất về naginata có niên đại từ năm 1146.
Người ta cho rằng naginata được phát triển từ hoko yari (thương) một loại vũ khí có từ thiên niên kỷ 1 sau Công nguyên. Một giả thiết khác cho rằng naginata được phát triển bằng cách kéo dài chuôi của tachi (太 刀 thái đao) vào cuối thời Heian, và không chắc lý thuyết nào là đúng. Điều rõ ràng là chúng được thiết kế dựa trên các nông cụ mà nông dân Nhật Bản đã quen thuộc. Chi phí chế tạo naginata tương đối rẻ hơn so với các loại vũ khí khác, vì vậy nó được chế tạo với số lượng lớn để cung cấp cho quân đội.
Vào thời Heian, trong Chiến tranh Genpei (1180–1185), giữa gia tộc Taira và gia tộc Minamoto, naginata đã trở thành một vũ khí được đánh giá cao, được các chiến binh coi là cực kỳ hiệu quả.
Trong thời kỳ này, kể từ khi các trận chiến trên bộ gia tăng, tầm quan trọng của naginata cũng tăng lên. Naginata có thể duy trì khoảng cách tối ưu với kẻ thù khi cận chiến và tỏ ra xuất sắc trong việc hạ gục hoặc vô hiệu hóa kỵ binh. Trong tay bộ binh, naginata có thể chém trúng đầu kỵ sĩ, ở tầm thấp nó có thể chém gãy chân người hoặc ngựa. Trong chiến đấu, tầm quan trọng của nó còn hơn cả kiếm bởi vì kiếm chỉ được sử dụng khi naginata bị gãy, hoặc khi kẻ địch áp quá sát. Tỷ lệ xuất hiện và sử dụng của naginata cao hơn rất nhiều so với kiếm.
Sự nguy hiểm của naginata đã buộc người ta phải trang bị thêm miếng bọc chân cho bộ áo giáp Nhật Bản.
Cũng trong thời kỳ Heian, naginata được các nhà sư và binh lính sử dụng để bảo vệ các đền chùa.
Tăng sĩ và binh lính Nhật Bản là những người rất mạnh mẽ. Bởi vì đền chùa Nhật Bản nói chung là giàu có, vì vậy để bảo vệ tài sản trong chùa, họ sẽ cần rất nhiều võ tăng và binh lính. Những người này không giống với các nhà sư Thiếu Lâm Trung Quốc. Mặc dù các nhà sư luyện võ cũng có lý do để bảo vệ tài sản trong chùa, nhưng các nhà sư Thiếu Lâm – cũng thường sử dụng đao và gậy dài – rất ít khi giết người. Các nhà sư Nhật Bản thì khác, với mỗi nhát quét bằng thanh đao naginata của họ, nhiều bàn tay và bàn chân bị đứt lìa, đầu và mình bị cắt rời.
Trong thời kỳ khó khăn, các nhà sư và binh lính với niềm tin tôn giáo, đặc biệt là những người thuộc giáo phái Phật giáo tên là Nhất Hướng Tông, đã tỏ ra mạnh mẽ hơn các võ sĩ bình thường.
Naginata trở nên thông dụng từ khoảng năm 1000 (Thời kỳ Heian). Trong những thế kỷ sau đó, sự nổi tiếng của Naginata trải qua nhiều thăng trầm, khi các chiến thuật sử dụng trong trận chiến ngày càng phát triển.
Tất nhiên, kỹ thuật sử dụng naginata, gọi là naginatajutsu (長刀術 trường đao thuật) có lịch sử lâu đời và không chỉ dành riêng cho các nhà sư và binh lính.
Tầm quan trọng của naginata đối với samurai thể hiện bởi số lượng tương đối lớn các trường phái võ thuật đã kết hợp naginata trong chương trình giảng dạy của họ, có thể kể đến một số trường phái đó: Suio Ryu, Katori Shinto Ryu, Tendo Ryu, Toda-ha Buko ryu và Yoshin ryu.
Trong thời kỳ Tokugawa (1603–1868), naginata được biến thành một biểu tượng địa vị để phân biệt phụ nữ trong các gia đình samurai, cũng như là phương tiện chính để phụ nữ bảo vệ tổ ấm của mình khi người chồng đi vắng trong thời chiến. Thời kỳ này cũng chứng kiến việc truyền bá naginata như một nghệ thuật nữ tính, một biểu tượng cho sự tận tâm đối với gia đình của người phụ nữ, naginata cũng được xem là “vũ khí chính được sử dụng bởi phụ nữ” và thường là của hồi môn của phụ nữ trong giới quý tộc.
Với sự kết thúc của thời đại Samurai và khởi đầu của cuộc Duy tân Minh Trị vào năm 1868, Nhật Bản đã được hiện đại hóa và nhiều tập tục cũ không còn được sử dụng. Trong suốt thời kỳ Showa, Naginata đã trở thành một phần của chương trình giáo dục thể chất cho nữ sinh. Việc thực hành vào thời điểm này được gọi là Naginata-do 薙刀 道 (“trường đao đạo”).
Sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, kỹ thuật naginata được điều chỉnh lại, dẫn đến hai trường phái Naginata chính là Naginata Koryu (Naginata cổ điển) và Atarashi Naginata (Naginata mới).
Mặc dù có sự khác biệt nhưng hai trường phái thực hành Naginata có nhiều điểm chung, các kỹ thuật đều được hệ thống hóa theo truyền thống, các đòn đánh, đường chém và động tác trái phải theo nhiều hướng khác nhau, đề cao việc tập luyện chú trọng hình thức và nét đẹp của động tác.
Naginatajutsu ngày nay chủ yếu được thực hành ở dạng hiện đại hóa, có tổ chức thi đấu.
Katori Shinto ryu, a Martial Tradition, Shobukan Dojo
Federação Japonesa de Naguinata. “What’s Naginata”. September 28, 2007.
Wikipedia
