Đâu là vũ khí, thiết bị hay phương tiện kỳ lạ nhất từng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam?

A: Duc Quyen

===================

Cho đến nay, thứ phương tiện gây ấn tượng và có ảnh hưởng to lớn nhất đến kết quả của trận Điện Phủ (trận đánh then chốt kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam thứ nhất từ 1946 tới 1954) giữa lực lượng Việt Minh và quân đội viễn chinh Pháp (được viện trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ) lại chính là những chiếc xe đạp cũ kỹ này (Hình). 

Vào thời điểm đó, số lượng xe tải của lực lượng Việt Minh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Để có thể vận chuyển một số lượng khổng lồ lương thực và đạn dược cho 50,000 lính chiến đấu trong 2 tháng ròng rã tại khu vực rừng núi hiểm trở của Điện Biên Phủ, những nhà lãnh đạo của Việt Minh đã huy động hơn 300,000 nhân công cùng 20,000 chiếc xe đạp thồ. Những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm này đã vận chuyển thành công hàng trăm tấn nhu yếu phẩm trong hàng tháng trời, vượt qua địa hình rừng núi vô cùng hiểm trở cùng với đó là các đợt pháo kích và đánh bom thường xuyên của quân đội viễn chinh Pháp. Những chiếc xe đạp thồ được ví như những chú “ngựa sắt” với sức chở 80 – 100 kg. Kỷ lục vận chuyển lương thực bằng xe đạp thồ phải kể đến dân công Trịnh Ngọc, người ở thị xã Thanh Hóa với 345,5kg/chuyến. Sự kiện này được xem là một trong những kỳ tích vận tải đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. 

Để so sánh, quân đội viễn chinh Pháp – với viện trợ mạnh mẽ bởi chính phủ Hoa Kỳ – tiếp nhận nhu yếu phẩm thông qua đường không vận thay vì phải vận chuyển bằng đường núi hiểm trở như các lực lượng Việt Minh.

Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, tình báo Pháp và Hoa Kỳ đã tính toán dựa trên số lượng các phương tiện cơ giới vận tải của Việt Minh và kết luận rằng kẻ thù của họ sẽ không tài nào huy động nổi một số lượng lớn lương thực và đạn dược trên địa bàn rừng núi và thung lũng hiểm trở như vậy. Đó là một sai lầm chết người. Về cuối cuộc chiến, lực lượng Việt Minh gần như làm chủ bầu trời tại trận địa Điện Biên Phủ, lúc này đây chính quân đội Pháp mới là những kẻ thiếu thốn nhu yếu phẩm và thiết bị. Cuốn “Nhật ký chiến sự” của Jean Pouget ghi nhận: “Có tới 50% kiện hàng rơi ngoài bãi thả. Ngày 1-4, hơn một nửa số hàng thả rơi ngoài vị trí. Ngày 6-4, hơn mười khẩu pháo không giật 75mm thả xuống Điện Biên, lính Pháp chỉ thu được hai khẩu, số còn lại coi như làm quà cho Việt Minh. Ngày 9-4, trong tổng số 195 tấn hàng tiếp tế đã thả chỉ thu được… 6 tấn. Ngày 13-4, máy bay C-119 của Mỹ đã “trút toàn bộ số đạn pháo 105mm xuống trận địa Việt Minh, coi như tiếp tế đạn cho đối phương!”. Ngày 18-4, hơn 30 tấn hàng “rơi lạc” sang trận địa Việt Minh. Ngày 27-4, có tới 70% số dù hàng rơi lạc mục tiêu. Ngày 5-5, hầu hết số hàng do C-119 thả xuống đều rơi xuống trận địa Việt Minh”

Một điều mỉa mai đó là những chiếc xe đạp thồ đó không được sản xuất ở Việt Nam. Đất nước tôi lúc đó rất nghèo và về căn bản là không có một nền công nghiệp đủ mạnh để sản xuất ra 20,000 chiếc xe đạp thồ. Nếu bạn nghĩ chúng được viện trợ bởi Trung Quốc và Liên Xô thì cũng sai luôn. Chính người Pháp, trong suốt hơn 80 năm đô hộ đất nước tôi, đã đem những chiếc xe đạp của họ đến đây. Để rồi cuối cùng chính những chiếc xe đạp đó đã tiễn đưa người Pháp rời khỏi Việt Nam mãi mãi. 

Tôi đoán là nước Pháp chắc không thể nhìn thấy trước điều này.

Theo: Quang Nhat

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *