Putin đã động binh và hành động ấy càng làm rõ nét thêm về chủ nghĩa bá quyền. Chúng ta có thể bày tỏ quan điểm chống lại chủ nghĩa bá quyền nhưng thực chất, chúng ta cần hiểu, chủ nghĩa bá quyền là một thuộc tính của loài người. Cạnh tranh sinh tồn đã tạo ra một giống loài dùng sức mạnh áp chế đối thủ làm phương tiện chủ đạo và giống loài ấy chính là con người chúng ta, đứng thẳng đi bằng hai chân và tự cho mình là thông minh.
Nếu nhìn vào một gia đình, bạn sẽ thấy cái mầm của chủ nghĩa bá quyền nằm trong đó. Coi gia đình như một cộng đồng nhỏ thì trong chính cộng đồng đó luôn phải có 1 người nổi trội đầu đàn, ấn định cho mình cái quyền gọi là “nhà phải có nóc”. Trong một đại gia đình, nếu đông anh em, tất sẽ có một đứa lấn lên để dẫn đầu. Có thể nó là trưởng, là út, hoặc là đứa giàu mạnh nhất, khôn ngoan nhất. Trong nhóm bạn bè chơi với nhau cũng vậy, sẽ luôn có 1 đứa nổi trội, làm đàn anh, hoặc như thủ lĩnh của nhóm. Đó chính là dấu ấn thuộc tính bá quyền của giống loài mà chúng ta không thể gột rửa được.
Bá quyền là để cai trị, để áp đặt, để dẫn dắt và mặc nhiên coi những thành phần còn lại là đàn em, là chư hầu, hoặc là đám bị cai trị. Và trong một thế giới hình cầu méo mó, hữu hạn về diện tích, hữu hạn về tài nguyên, thì sự lấn lướt của một số quốc gia so với các quốc gia khác sẽ là cơ sở để chủ nghĩa bá quyền phát huy hết độc lực của nó. Chiến tranh xảy ra trong lịch sử loài người thực tế không vì mục đích nào khác ngoài hai chữ bá quyền này. Từ những cuộc chiến nhỏ nhất thời sơ khai với các thị tộc sống lân cận nhau cho tới cuộc chiến lớn nhất giữa các đế chế, cường quốc thời hiện đại.
Nga — sau chiến dịch quân sự ở Syria — đã trở nên khác biệt rất nhiều. Trước đó, một nước Nga luôn trong thế bị chiếu tướng liên tục bởi NATO và Mỹ không thể nào thoải mái vươn dậy cho đúng vị thế của mình. Đây là hậu quả cực tồi của sự cả tin, ngây thơ từ thời Gorbachev khi đặt trọn niềm tin cho phương Tây trong lời hứa suông “NATO không tiến về Đông một inch nào”. Thực tế, NATO đã và vẫn tiến về Đông, mạnh hơn nhanh hơn, và đó cũng chính là hành vi của bá quyền.
Ở Syria, phương Tây đều đánh giá Nga sẽ sa lầy nhưng rốt cuộc họ đã lầm. Sau khi cứu vãn được tình thế cho tổng thống Bashar al-Assad, Putin đã có một đối tác tận trung với mình. Tầm ảnh hưởng của Nga ở khu vực đã lớn hơn rất nhiều. Chiến dịch Syria mang lại cho Nga được mấy lợi thế.
— Thứ nhất, quân đội được tham gia thực chiến để kiểm tra năng lực thực tế.
— Thứ hai, Nga tạo vị thế mới trên bản đồ chính trị thế giới.
— Thứ ba, Nga có được những đối tác chiến lược quan trọng ở Trung Đông.
Sau khi có được thành công ở đó, Nga lập tức phải suy nghĩ về phía Tây của mình, nơi mà Ukraine đang bị cuốn hút bởi phương Tây, Mỹ và ngày càng rời xa Nga với một thái độ thù ghét rõ rệt. Nhưng tại sao lại phải gây chiến mà không dùng các chiến lược ngoại giao khác? Thực chất, Ukraine sắp sửa ký kết một hiệp định quân sự chiến lược tay ba với Anh và Ba Lan. Nếu hiệp định này được ký kết, trên đất Ukraine sẽ có sự có mặt của lực lượng quân sự Anh. Putin không thích điều này.
Và Putin đã hành động nhanh. Chỉ xét riêng về chính trị, dẹp vấn đề đạo đức, luân lý sang một bên, đây là nước cờ cao tay của Putin. Ông ta đặt cả Mỹ lẫn NATO vào thế khó xử. Không thể nào đưa quân vào giúp Ukraine bởi đó chưa phải đồng minh chiến lược. Càng không thể nào bơm khí tài vào Ukraine khi chiến dịch quân sự của Nga khống chế hoàn toàn các sân bay của Ukraine và phong toả toàn bộ cửa vào từ biển Đen. Ở thế khó, Mỹ và NATO chỉ có thể phản ứng thận trọng bằng đòn kinh tế. Cú cấm vận ngặt nghèo này có thể bóp chết một quốc gia trong 2 năm nhưng với Nga thì cần thời gian lâu dài hơn nhiều vì Nga là một đế chế có tự cường rất cao, có tiềm lực và dự trữ rất tốt.
Không khó để nhận thấy Kiev rồi cũng sẽ thất thủ nhanh thôi. Zelensky ngây thơ bây giờ chỉ còn có thể chiến đấu bằng lời thề. Lời thề không khiến quân địch phải lui lại hay thương vong, mà nó chỉ khiến hình ảnh của Zelensky thảm thương hơn. Nói thẳng, nạn nhân lớn nhất là người dân Ukraine, những người chỉ mong sống yên ổn và làm ăn. Và thủ phạm lớn nhất, ngoài một Putin bá quyền, còn là cả EU, Mỹ và NATO bá quyền không kém. Chính việc họ kích động bạo loạn ở Ukraine hồi 2013-2014 (Maidan) đã khiến Ukraine tan nát. Miền đông Ukraine ly khai cũng từ ngày đó, Crimea mất về tay Nga cũng từ ngày đó. Nói thẳng, trong cuộc chiến giành bá quyền kéo dài này, tình báo phương Tây đã cho thấy họ kém cỏi đến thế nào so với đối thủ. Ngay cả các dự đoán về những gì xảy ra ở Ukraine mấy hôm vừa rồi cũng luôn muộn hơn so với hành động của Nga rất nhiều.
Có một nhận xét của giới tinh hoa phương Tây về Putin cực hay và chính xác sau khi Putin đổ quân vào Ukraine. Đó là “Putin đã chọn đặt mình vào sai phía trong lịch sử”. Nó ám chỉ Putin đã tự đặt mình vào bên của những nhà độc tài như Hitler trước đây. Và nhận xét ấy là đúng hoàn toàn.
Quyết định đánh Ukraine của Putin khiến uy tín của ông mất đi rất nhiều trên trường quốc tế. Sẽ chỉ còn đa số là những cái nhìn dành cho ông như một quỷ dữ. Nhưng nếu chiến dịch Ukraine thành công, Nga có thể kéo Ukraine trở thành chư hầu để nâng sức mạnh đối trọng của mình với NATO, việc Putin mất hình ảnh cá nhân cũng không còn quan trọng nữa với nước Nga. Putin đã già, đã có những quyết sách tàn bạo hơn là khôn ngoan như trước kia và nếu ông chết, di sản Nga ông để lại cho đội ngũ kế cận sẽ là gì? Là một nước Nga tiếp tục bị o ép bởi phương Tây ư? Chính vì thế, ông ta đã quyết vội vã cho cuộc chiến này, như một nước cờ liều lĩnh, chấp nhận đánh mất cả uy tín cá nhân lẫn một phần uy tín nào đó của nước Nga, đánh mất các cơ hội giao thương của Nga và dẫn tới một quãng thời gian dài người Nga sẽ phải sống thắt lưng buộc bụng hơn. Nhưng nếu đổi lại là một vị thế Đại Nga trong tương lai chắc chắn hơn, khiến phương Tây phải e sợ nhiều hơn, sự đánh đổi ấy, nếu chỉ xét hẹp trong nội bộ nước Nga, nó là xứng đáng.
Suy cho cùng, cái cách Putin gây chiến đáng lên án này cũng chỉ là gì? Dùng bá quyền chống lại bá quyền. Nạn nhân thì muôn đời vẫn thế: luôn là nhân dân.
© Góc nhìn của anh HQM (Rất đáng để suy ngẫm)