NHỮNG CUỐN SÁCH GIÚP BẠN HIỂU HƠN VỀ NGƯỜI DA ĐEN TRÊN ĐẤT MỸ

Chẳng phải mỗi người da đen, mà bất cứ chủng tộc nào cũng đều đáng sống cả.

Dưới đây là những cuốn sách viết về vấn đề của người da đen/da màu đã được xuất bản ở Việt Nam mà mình đã được đọc.

1/ Giết con chim nhại – Harper Lee

Một luật sư người da trắng biện hộ cho một người da đen bị buộc tội đã cưỡng bức một cô gái da trắng. Những bài học mà Atticus dạy cho 2 đứa trẻ Jem và Scout vẫn còn quan trọng đến tận bây giờ:

“Mấy con chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên bẹ ngô, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải vì sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”

2/ Người giúp việc – Kathryn Stockett

Một nữ nhà báo người da trắng làm bạn với một người giúp việc da đen, cố gắng thấu hiểu câu chuyện của những người da màu trong quận để hướng tới chính những người chủ da trắng hãy biết ơn và đối xử tử tế với họ.

Ðối với các cây viết miền Nam, không có đề tài nào hóc búa hơn tình cảm giữa một người da đen và một người da trắng trong thế giới bất công của phân biệt chủng tộc. Bởi chính sự giả dối đã tạo nên nền tảng cho xã hội đó khiến mọi cảm xúc đều trở nên đáng ngờ, và người ta không thể biết được những gì tồn tại giữa hai con người là cảm xúc chân thực hay chỉ là sự thương hại và toan tính thực dụng. – Kathryn Stockett

3/ 12 năm nô lệ – Solomon Northup

Cuốn hồi ký của một người Mỹ gốc Phi sinh ra tự do ở tiểu bang New York thế kỷ 19 bị bắt làm nô lệ và cuối cùng được phóng thích.

“Nước Mỹ hay bất cứ nơi đâu trên thế giới đều thuộc về tất cả những ai sống ở đó, dù Trắng hay Đen.”

4/ Nguồn gốc của ngoại tộc – Toni Morrison

Cuốn sách tập hợp những bài diễn văn của Morrison về những chủ đề ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trên bản đồ chính trị thế giới: nạn phân biệt chủng tộc, nỗi sợ hãi, ranh giới, những cuộc đại di cư, niềm khao khát thuộc về nơi nào đó.

Toni Morrison đã nói cuốn sách này không viết về sự khác biệt chủng tộc mà viết về khả năng và trách nhiệm của văn chương với một chủng tộc duy nhất: chủng tộc người.

5/ Những điều vĩ đại nhỏ bé – Jodi Picoult

Một nữ y tá hộ sinh người Mỹ gốc Phi tìm cách chứng minh mình vô tội khi bị kiện vì tội giết một đứa trẻ sơ sinh trong khi cha đứa bé yêu cầu không để y tá người Mỹ gốc Phi chăm sóc con mình.

Cuốn sách là một câu chuyện sâu sắc về vấn đề kỳ thị chủng tộc, sự lựa chọn, nỗi lo sợ và niềm hy vọng.

6/ Túp lều bác Tom – Harriet Beecher Stowe

Cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là bác Tom với chuỗi ngày đen tối, đầy tủi nhục.

“Tôi muốn được là dòng giống người châu Phi, những người bị đàn áp, giống người nô lệ ấy. Nếu có thể phát biểu nguyện vọng, tôi mong ước được đen hơn thế này, chứ không muốn được trắng hơn.”

7/ Tuyến hỏa xa ngầm – Colson Whitehead

Hành trình tìm tự do của nô lệ Mỹ thông qua mạng lưới đường trốn và những ngôi nhà an toàn được xây dựng bởi những người theo chủ nghĩa bãi nô gọi là “tuyến hỏa xa ngầm”.

“Khi chết người da đen trở thành con người, chỉ khi đó họ mới ngang bằng với người da trắng.”

8/ Mặt trời cũng là một vì sao – Nicola Yoon

Một gia đình người Mỹ gốc Jamaica, sau một sự kiện bất cẩn của người cha mà bị phát hiện là cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất khỏi nước Mỹ.

Nói về vấn đề chủng tộc thì cuốn này tương đối nhẹ nhàng, nhưng việc nhân vật chính phải chạy khắp mọi nơi, cố gắng tìm người giúp đỡ để được ở lại Mỹ cũng khiến người đọc phải xót xa.

9-10/ Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer/Huckleberry Finn – Mark Twain

Lấy bối cảnh ở miền nam nước Mỹ, dọc con sông Mississippi, những cuộc phiêu lưu của Tom và Huck gắn liền với vấn đề nô lệ da đen tại đây. Chính những cuộc phiêu lưu giúp 2 cậu bé trưởng thành và nhận ra xã hội đầy rẫy những hủ tục, sự ngu dốt và bất công như thế nào.

11/ Yêu dấu – Toni Morrison

Hai người phụ nữ da màu chịu cảnh nô lệ trên đất Mỹ với vòng xoay cuộc đời nghiệt ngã “không trốn được thì bị người ta treo cổ, bị người ta thuê, làm cái cho vay, bị bán đi, rồi lại quay về, làm của dự trữ, rồi lại bị đem cầm cố, bị chiếm đoạt, cướp bóc hay cầm giữ”.

12/ Màu của nước – James McBride

Cuốn tự truyện viết về một phụ nữ gốc Do Thái da trắng kết hôn với những người đàn ông da đen, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn và những phân biệt đối xử để nuôi dạy mười hai đứa con trở thành các bác sĩ, giáo sư, giáo viên, nhà khoa học.

Cuốn sách cũng là câu chuyện về hành trình đi tìm cội nguồn, cái tôi, sự tự tin và ý nghĩa cuộc sống của một đứa con lai da đen, đại diện cho hàng triệu người da đen ở Mỹ.

===

Văn học chỉ góp 1 phần nhỏ trong việc xóa bỏ đi nạn phân biệt chủng tộc với người da đen/da màu trên thế giới. Nhưng đấy đâu phải là lý do mà chúng ta từ bỏ, phải không?

Giống như Atticus Finch đã nói “cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *