Khi tìm kiếm những điều kiện bên ngoài để thỏa mãn mình, sự tìm kiếm không bao giờ dừng lại, mà chỉ khiến mỗi người lạc mất con đường trở về chính mình. Vì sự thỏa mãn cái tôi không bao giờ có điểm dừng. Con người sẽ không bao giờ tìm thấy một người phù hợp với chính họ, vì ngay cả chính họ và các điều kiện bên ngoài luôn luôn thay đổi. Người ta chỉ tìm thấy sự phù hợp trong lý tưởng mà họ tạo ra. Không có một sự phù hợp nào là đúng như chân như thật.
“Tìm tri kỷ, thấy tình yêu” là một cái tên nom vẻ lãng mạn, nhưng thông điệp của nó đơn giản là khuyến khích mỗi người hãy sống thật với chính mình, để nhận ra tình yêu vốn có sẵn bên trong họ chứ không thể “nở hoa” vững bền từ một mối nhân duyên nào. Ai ai tìm kiếm hạnh phúc và tình yêu từ bên ngoài đều phải đối đầu với đau khổ.
Vốn dĩ, tất cả đều tự trong ta khởi sinh ra, và để có được một sự lan tỏa yêu thương và an lạc đúng nghĩa, họ cần sống chánh niệm – tỉnh giác trong mỗi phút giây đời thường, để không buông lung, phóng dật theo tạo tác của bản ngã tham, sân, si.
Ai ai trong cuộc sống cũng mong muốn tìm thấy một tri kỷ để sớt chia vui buồn, nhưng hành trình ấy bao giờ cũng mang đến cho con người quá nhiều đau khổ. Bởi họ luôn phó thác hạnh phúc của mình vào tay kẻ khác, mà hiếm khi nhận ra tri kỷ vốn đã sẵn có bên trong mình. Nếu hành trình tìm tri kỷ của họ thay vì hướng ra bên ngoài, mà ngược vào bên trong, họ sẽ chợt ngộ ra tình yêu cũng đã vốn ngay nội tâm mình. Tôi cho rằng đó là một cuộc cách mạng nội tâm mà chúng ta nên thực hiện ngay từ bây giờ. Và cuốn sách là một chỉ dẫn để mỗi người từ đó có thể tạo ra sự giải phóng cho tâm hồn mình. Khi tâm hồn được giải phóng khỏi mọi lý tưởng, mọi khuôn mẫu, họ sẽ không tự tạo ra bất cứ một ảo tưởng nào về mẫu hình người yêu, về một tương lai, về một cuộc sống lý tưởng. Họ sẽ nhận ra tương lai phải được xây dựng trên nền tảng trọn vẹn với hiện tại. Chỉ lúc này, họ mới chuyển hóa được những tập khí tham, sân và si đã được huân tập sâu dày từ nhiều đời kiếp, thứ dẫn dắt họ trầm mình trong vô minh ái dục, nguồn cơn của phiền não, khổ đau.
Nhưng để chạm đến tình yêu thật sự, thì con người không còn cách nào khác là phải sống can đảm, phải đối diện với muôn mặt đời sống. Thành hay bại, vinh hay nhục, đau khổ hay hạnh phúc,… là bản chất thế gian, mà mỗi người cần phải tỉnh táo để không đắm chìm hay buông xuôi. Làm sao ta có thể nếm mùi thương yêu vô lượng khi bên trong ta còn chọn lựa việc dễ dàng mà bỏ việc gian lao, hay toan tính được hơn giữa đời và đạo, trách nhiệm hay bổn phận,… Bởi vậy, khi viết Phần 1: “Mở lòng mà trải nghiệm”, tôi đã nhấn mạnh được tính tự do trải nghiệm đời sống để thấy ra sự thật bằng một thứ ngôn ngữ hết sức giản dị đời thường. Dù thế giới có biết bao nhiêu cuốn sách rất tuyệt vời về những mẫu hình giác ngộ lý tưởng nhưng nếu vin vào đó mà sống với, chúng ta có nguy cơ rời xa chính mình. Mỗi người là mỗi pháp duy nhất không thể lặp lại, vì thế, việc ngộ sự thật bao giờ cũng phải dám dấn thân, phải dám đương đầu, nhưng nhất quyết phải bằng một thái độ tỉnh táo. Đó là nguyên lý sống tùy duyên thuận pháp, mà tôi đã viết trong Phần 2: Chánh niệm – tỉnh giác trong đời sống. Và Phần 3 có thể gói gọn bằng “Yêu thương trong chánh niệm” để mỗi người làm sao để thương người nhưng vẫn hướng tâm về mình để nới rộng yêu thương đó thêm trong lành mát mẻ.
Tôi trích một câu nói của thầy Viên Minh: “Tình yêu và hạnh phúc chỉ xuất phát từ tâm hồn vị tha nên chỉ trao ra chứ không phải nhận vào. Càng muốn nhận được tình yêu và hạnh phúc, càng thấy nó vuột khỏi tầm tay. Vì tình yêu và hạnh phúc không thể có trong tâm hồn vị kỷ. Nhưng khi cho mà không cần đền đáp thì lại được đền đáp thật nhiều. Và sau cùng, tình yêu và hạnh phúc phải sung mãn từ bên trong chứ không nên lệ thuộc bên ngoài. Còn nương tựa hãy còn dao động!”
Nguồn: Trang PS