Tôi làm tại một bảo tàng tư nhân dành cho giới nhà giàu và người nổi tiếng. Tôi cuối cùng cũng mở được cánh cửa khóa. (HỒI KẾT)
Chapter 5: Hướng dẫn viên kế nhiệm
Tôi nhổ đầy những vụn đất ra từ mồm khi về đến bảo tàng qua đường hầm của Earnie. Mùi vị đất bám kín trên lưỡi và trong họng tôi; dính cả vào khuỷu tay bị trầy xước.
Khi tôi cuối cùng cũng trồi lên được trong ánh sáng ban đêm xuyên qua cửa sổ tòa nhà, Earnie đang hít ngửi, chiếc mũi hếch khụt khịt khụt khịt, và tôi vỗ vỗ vào cái đầu nó màu nâu lông lá.
Tiếng cười khùng khục vẫy gọi tôi từ hành lang – cái kiểu cười tự cao tự đại của bọn nhà giàu khi chúng ngửa cái đầu béo ụ, nặng nề về sau. Tôi chùi những vết bẩn trên mặt đồng hồ và thấy đã 9 giờ. Bọn khách tệ hại đã lang thang trong bảo tàng những 3 tiếng – tôi chẳng muốn nghĩ xem chúng đã gây ra những thiệt hại kinh khủng nào.
Vừa lúc tôi chuẩn bị ra ngoài khu Động vật và Tiến hóa để đến tiền sảnh và cánh cửa khóa, nó đột ngột bắt đầu, và tim tôi chùng xuống như thể ngừng đập.
Hết cái này đến cái khác, hàng loạt tủ trưng bày từng giam giữ những hiện vật nổ tung thành những đám mây mảnh vụn. Vô số tiếng đổ vỡ vang dọc các hành lang, từ những tầng phía trên, và cả khu nhà vườn. Những tiếng nổ điểm một khúc giao hưởng xuyên khắp tòa nhà, kính vỡ loảng xoảng, một bản tạp âm báo hiệu sự điên loạn sắp đến.
Không khí trong bảo tàng thật căng thẳng, sôi sục. Tôi, người hướng dẫn viên của nó – là tai mắt của nơi này – đang cố rời đi mãi mãi, và tòa nhà trả đũa bằng cơn cuồng nộ bùng lên. Bảo tàng điên tiết, căm hận tôi vì đã cố trốn thoát, và thế là các vật trưng bày được thả.
Từ những hành lang: Mấy tên khách vừa cười sằng sặc trước đó lặng đi bối rối, và sự yên ắng nhanh chóng biến thành tiếng gào thét khi cơn mê nảy nở thành nỗi sợ mù quáng, chúng không biết mình phải làm gì. Những tủ kính vẫn vỡ tan tành từ đâu đó đằng xa, sàn đá cẩm vọng lên tiếng rơi như mưa đá lạch cạch.
Trong khoảnh khắc kinh hoàng đó, tôi chợt nhận ra bản thân bảo tàng cũng chính là một vật trưng bày – một chiếc hộp pandora của những kẻ giàu có. Và, khi nhìn chằm chằm xung quanh, những lồng kính chứa vô số hiện vật quý giá nổ tung dữ dội, thông điệp của nó thật rõ ràng, thật ám ảnh: Nếu nó không thể có được tôi, thì không một ai khác có thể.
Hai gã đàn ông điên cuồng phi vào phòng, chạy trốn khỏi một nỗi kinh hoàng chúng không thấy được. Hai khuôn mặt thể hiện những biểu cảm trái ngược nhau: Một tên đang kinh hãi cực độ với đôi lông mày nhíu lại, tên còn lại có quai hàm siết chặt bởi những sợi dây khinh bỉ vô hình. Gọi chúng là quý ngài Kinh Hãi và quý ngài Bực Bội – một phép phân đôi chính xác cho hai chiều cảm xúc tương phản khi đối mặt với cái chết. Ở nơi này, giữa mồ chôn những tên nhà giàu khả ố, chúng biết mình sẽ chết, rồi khi nghe án tử của bảo tàng đang đến gần với mỗi tiếng kính nổ, chúng càng thêm phấn khích tột độ.
“Chuyện gì đang xảy ra vậy?” Giọng của Kinh Hãi đều đều, vô vọng. “Cậu đã ở đâu đấy?”
“Tôi đã-” tôi nín thở.
Chúng dần bình tĩnh lại, rõ ràng là đang khá thoải mái trong khu động vật có vẻ buồn tẻ này của bảo tàng. Tôi cũng sẽ thấy vậy, nếu tôi không liếc thấy con Tắc kè hoa dài cỡ ngón tay đang bò lên cổ tay tên Bực Bội.
Gã còn lại nhận ra thứ tôi đang nhìn. Hắn nhòm xuống cẳng tay Bực Bội, đôi mắt trợn to đến nỗi có thể rơi ra ngoài.
“Chúa ơi.” Tên đàn ông với con tắc kè đang bò đến khuỷu tay kêu lên, “Tôi đã đọc về những thứ này. Trên bảng tên. Sao nó lại lên được-” Giọng hắn run rẩy.
Tôi chùi lòng bàn tay ướt đẫm vào chân và bắt đầu lùi lại. Chuyện này… Tất cả những chuyện này chẳng khiến tôi bận tâm. Tôi phải thoát khỏi đây, tôi phải tìm ra thứ đằng sau cánh cửa thép.
“Nó sẽ cắn, phải k-không? Nó có độc, đúng không hướng dẫn viên?” Hắn rú lên. “Gỡ con mẹ thứ này ra khỏi tao!”
Tôi nói xen vào, và lùi một chân ra sau, rồi lùi tiếp chân kia. “Không, mặc dù vậy nó-”
Bất thình lình, gã đàn ông lột con vật khỏi da, ngón tay cái chẹn vào cổ con Tắc kè khiến những cái nanh lộ ra. Bực Bội quệt con bò sát vào tên còn lại thật mạnh, và miệng nó găm vào gã kia như một chiếc phi tiêu. Và hắn cười phá lên.
Những kẻ giàu có nổi tiếng đến đây chẳng bao giờ thay đổi. Tôi thầm nghĩ, nhìn Kinh Hãi vặn vẹo và cố cầm máu đang từ từ rỉ ra từ những lỗ thủng mới trên cổ hắn. Chẳng bao giờ thay đổi.
Trong một lúc, gã đàn ông vừa bị cắn nhìn y hệt con tắc kè hoa. Ít nhất thì một phần của hắn trông như thế. Vùng cổ chỗ bị thương bùng ra những vệt màu cam, tím. Lớp da dưới quai hàm đóng vảy óng ánh dưới ánh trăng. Tế bào con người không phù hợp để ngụy trang, và hắn đang sớm trở thành minh chứng cho điều đó. Kinh Hãi im thin thít, duy chỉ có khuôn mặt hắn quằn quại, nhăn nhó vì hàng loạt tế bào da đang rộ ra những màu xanh xám, rồi lại xanh dương. Cơn đau thật thống khổ, đủ khiến hắn phát điên phát dại, đủ khiến hắn muốn tự móc con ngươi đỏ ngầu khỏi hốc mắt. Thế nhưng, phần tệ nhất quá trình tởm lợm này vẫn chưa đến.
Dù chẳng kịch độc đến chết người, vết cắn đang chuyển hóa da hắn. Khi thân xác con người tới cực hạn dưới áp lực sự tiến hóa tắc kè hoa, những đốm vảy trên da hắn sẽ sớm trở nên trong như thủy tinh. Những vùng da trong suốt nở rộng ra trong vô số vòng tròn, to dần và dễ dàng hệt như nước mưa đọng thành vũng.
Tên khách vịn lên lan can với bàn tay trong như pha lê quái dị, nhưng hắn không biết rằng, sắc tố da tắc kè truyền nhiễm khiến da hắn mỏng như tờ giấy. Khi gã đàn ông chạm vào thanh gỗ, xương đầu ngón tay nhọn hoắt chọc xuyên qua lớp da mỏng manh, như đinh ghim trắng đâm thủng một mảnh giấy, và hắn hét và hét lên. Kinh Hãi khuỵu một gối xuống, phần chân duy nhất trên người gã vẫn còn màu da nguyên bản.
Khi hắn đổ gục xuống, tôi thấy cả tim gan. Toàn bộ nội tạng máu me trưng ra khi tôi nhìn chằm chằm thấu qua lưng hắn, giờ đây trông như một tấm màn mỏng hay con sứa.
Bằng một cách thần kỳ, sắc tố con Tắc kè hoa bắt đầu lan đến đốt cổ và hộp sọ, rồi da và xương hắn trong veo như ô cửa kính. Tên khách gào thét, nhưng không có lấy một tiếng thoát ra từ miệng, chỉ âm thanh rách toạc ghê tởm vang lên khi chiếc cổ trong suốt, giòn tan, gãy vụn dưới sức nặng của bộ não.
Đầu hắn nát tung tóe khi nó tách khỏi vai và rơi xuống sàn đá. Nhìn những mảng da mặt tan dần thành bụi mờ, tôi liên tưởng đến những con Bướm Thủy tinh kịch độc chúng tôi nuôi trong Khu triển lãm Côn trùng. Chẳng ngạc nhiên lắm nếu đây chính là cách chúng được tạo ra.
Có một khắc thư giãn ngắn khi tôi nhìn tên nhà giàu hấp hối. Khi tim tôi trấn tĩnh, những sợi lông dựng đứng trên hai tay run rẩy nằm xuống, tôi nhớ lại hắn đã trông yếu ớt như nào với các nội tạng lộ ra; hắn đã kinh hãi ra sao ngay trước lúc đầu lìa khỏi cổ. Những ký ức, hy vọng, nỗi sợ, cái tôi giàu sang tự phụ, tất cả đều đi tong khi cái đầu thịt bong bóng của hắn chạm xuống sàn. Thật hài lòng.
Gã còn lại lôi tôi ra khỏi cơn mê, như thể hắn vừa dìm tôi vào một bồn nước lạnh. Tên Bực Bội vung một cây búa điên loạn trước mặt, suýt nữa đã vạng trúng sống mũi tôi.
“Chúng ta ăn cứt rồi, tại mày cả!” Giọng hắn đả kích, xỉ vả tôi nhức nhối. Hắn vung búa, và lại trượt vì tôi đã kịp di chuyển.
Tôi cắm mặt phi ra cửa; bàn chân trượt trên sàn khi tôi chạy vào hành lang về phía tiền sảnh.
Những tên khách điên tiết, tủ chứa thì nổ khắp nơi – Có nhiều thứ quá, Sophia. Tôi thầm nghĩ. Bố biết con đang dõi theo bố, con yêu. Bố sắp được tự do rồi.
Tôi đành bất đắc dĩ chạy qua cánh cửa thép và nhanh chóng leo lên cầu thang lớn ở tiền sảnh. Tôi định tối nay sẽ mở nó, để tìm sự tự do như Johnny đã nói, nhưng trước đó tôi phải rũ bỏ tên khốn giàu có cáu bẳn đang bám đuôi mình.
Trên sàn Khu triển lãm Nghệ thuật vương vãi mảnh thủy tinh từ tủ kính của những vật trưng bày đã trốn thoát, và khi phi vào phòng, tôi lập tức hướng thẳng đến bức tường phía sau. Ở trên tôi, một tấm biển vàng ghi: TIÊN RĂNG.
Gã Bực bội theo sau tôi vào gian phòng tăm tối, tay nắm chặt chiếc búa đặt trên một bên vai. “Chạy đi đâu được, hướng dẫn viên.”
Hắn nhìn sang trái, rồi lại phải. “Cũng chẳng có thứ quỷ quái nào ở đây để mày sai khiến, nhỉ?” Đôi mắt hắn quét trên sàn nhà để tìm những mảnh vỡ – phần còn sót lại của bất kỳ hiện vật nào thoát được.
Nhưng Tiên răng không tuân theo lệnh của tôi, và nó cũng chẳng cần đập vỡ tủ kính để thoát – chỉ cần cơn đói cồn cào, nôn nao là đủ để nó thức tỉnh, cơn đói khát, thèm thuồng những mẩu xương từ miệng gã khách, sôi sục trong chiếc bụng chính là nền vải khung tranh. Một bàn tay đen như tro toác ra từ bức vẽ bên cạnh tôi, chậm rãi vươn tới, hau háu. Chất tranh sơn dầu kết thành vô số sợi dài, hệt như nhựa cây hay xi-rô màu máu, bám vào tay, cổ khi nó tự kéo mình ra khỏi tấm nền. Thứ đó không có mắt; cái đầu chỉ còn một nửa – hàm, miệng và má còn sót lại bên dưới đường viền lởm chởm của da đầu bị cắt.
Gã kia quay người định chạy, nhưng những ngón tay Tiên răng dài, và cơn háu đói của nó còn hơn thế. Nó bật khỏi tấm vải nền và đè chặt hắn xuống sàn. Tay hắn mềm uột ra, rồi chiếc búa đang cầm cũng tuột mất.
Tim đập loạn xạ, khắp người nổi da gà, nhưng tôi thấy say sưa khi quan sát bức họa được tái sinh nhổ bật răng gã khách. Từ bên trong, một sự khoái chí hèn hạ bùng lên khi tôi đếm số răng con quái vật sẽ nhổ, trước khi lời nói tên kia biến thành một mớ nhèm nhẹp không thể nghe được. Sáu, bảy.
Khi không còn cái răng nào, nó lại tiếp tục từ môi hắn – lột bong những con đỉa màu hồng, những sợi cơ và dây thần kinh be bét như xi-rô.
“Cứ’ vớ’, là’ ơ’…” Tên khách kêu ồng ộc.
Tôi mỉm cười đáp lại, vì người hướng dẫn viên bị tra tấn, người hướng dẫn viên tôi từng là, sẽ không cứu hắn ta – có lẽ chỉ răng giả mới có thể. Và như vậy, tôi nhặt chiếc búa và mặc hắn ở đó chết.
Tiền sảnh bên ngoài vẫn như mọi khi – được trang hoàng công phu và hoành tráng. Tôi nhìn lên trần nhà khảm mờ và cười khi đi xuống cầu thang; một dàn giao hưởng tiếng tủ trưng bày vỡ tung lẫn tiếng gào thét át đi tiếng tôi cười khúc khích như một dòng xoáy hỗn loạn. Viện bảo tàng kinh hoàng dành cho giới nhà giàu và người nổi tiếng, nghe thật lố bịch, và tôi thấy nực cười.
Tôi đã có chìa cánh cửa thép, và với nó, sự khốn cùng này sẽ kết thúc. Bố có thể cảm thấy con cũng đang cười, Sophia. Bố rời đi đây.
Hành lang không còn xa lắm – cánh cửa thép không còn xa nữa. Sớm thôi, Sophia. Con sẽ rất tự hào về bố con.
Bụng tôi chùng xuống.
Tôi không đoán trước được rằng tên quản lý sẽ đứng ngay ngoài cánh cửa kim loại; hai cái chân khẳng khiu bên dưới của hắn trông thật vất vả khi phải gánh cái vóc người tròn như quả nho ở trên, những đường chỉ dường như đang bung ra.
“Michael,” Hắn nói cứng đanh, lưng dựa vào cánh cửa kim loại lạnh lẽo đằng sau gần như thẳng. “Xin cậu đấy, đừng làm điều này.”
Đầu chiếc búa kim loại trong tay tôi léo lên sáng chói ở một góc nghiêng phù hợp. Tôi bước về phía tên quản lý và cánh cửa.
“Oh, nhóc-c à.” Hắn nói. “Cậu điên rồi! Nụ cười đó,” Hắn lắc đầu. “Bảo tàng đã tóm được cậu rồi, phải không?”
Tôi đưa ngón tay lên vỗ nhẹ vào môi, cảm thấy như chúng đang tê dại dần. Chúa ơi. Tôi đã cười suốt bao lâu rồi? Bao lâu…
“Nếu cậu quay đầu và rời đi,” Giọng hắn khàn khàn, run rẩy. “Chúng tôi sẽ không đuổi theo. Cậu có quyền chọn, Mike.”
Tôi trầm ngâm một lúc. Băng giá từ gió tuyết bên ngoài tràn qua cửa sổ tiền sảnh vỡ toang, khiến xương tôi ớn lạnh, và tôi nhìn khói bốc lên từ hơi thở mình.
“Nghỉ hưu, tự do tự tại đi. Sống những năm còn lại. Hoặc là đi vào cửa, và cậu sẽ không bao giờ rời đi được. Nó sẽ khiến cậu tan nát, nhóc-c à. Nó sẽ khiến… cô ấy tan nát.” Hắn giơ hai tay đầu hàng. “Làm ơn đấy, Michael. Cậu có muốn rời khỏi đây không?”
Tôi muốn trả lời.
Tôi muốn nói ‘Có’, nhưng bảo tàng đã giữ chặt lưỡi và cánh tay tôi.
Và chiếc búa vung lên và vung lên.
Mỗi cú vụt có một nửa của Michael, một nửa của bảo tàng, nhưng tất cả – mỗi vết nứt trên sọ tên quản lý, mỗi phát não hắn văng tung tóe dưới đầu búa tôi, là sự nhức nhối từ 15 năm dày vò cam chịu.
Đập hộp sọ hắn nát thành những mẩu xương vụn và một vòi máu róc rách thật dễ dàng, dễ đến đáng kinh ngạc. Máu chảy lênh láng trên nền nhà trắng sang trọng như những con giun dài phân nhánh. Trong bức màn xám lờ mờ của tối nay, chất lỏng sinh mệnh tên quản lý nổi lên thật sống động, một vũng đỏ trên những mảng màu ảm đạm, mờ nhạt xung quanh.
Tôi mỉm cười, thở hổn hển qua hàm răng lốm đốm những chấm đỏ. Hắn chết rồi. Hắn thực sự chết rồi.
Tôi phải mất một lúc lâu mới lấy lại được nhịp thở, nhưng ngay khi đó, tôi lục trong túi tìm chiếc chìa rồi tra nó vào ổ thật trơn tru. Trơn tru đến bất ngờ, như thể cánh cửa hay được mở thường xuyên. Không thể nào, tuần nào tôi cũng ở đây một lần và nó luôn luôn bị khóa chặt.
Cánh cửa thép mở ra. Đèn tròn xếp thành hàng trang trí một hành lang kim loại ngắn, dẫn đến cánh cửa thứ hai bằng gỗ cách đó vài bước. Phía trên cửa đặt một tấm bảng vàng. Nó ghi: HƯỚNG DẪN-
Bụng tôi thắt lại.
Dòng chữ in đậm: HƯỚNG DẪN VIÊN KẾ NHIỆM.
Tôi bất đắc dĩ đi tới và kéo cánh cửa thứ hai mở. Nếu tôi đã lại cười lại trước đó, nụ cười ấy đã sớm tan biến.
Bên trong, giấy dán tường màu hồng dán kín các phía, đôi chỗ bị xé ra theo những đường cong, chỉ duy một mặt tường được giữ gìn cẩn thận – rất có thể vì nó được trang trí bằng vô số tấm ảnh polaroid*. Những chiếc kệ ngổn ngang gấu bông, quần áo vương dưới sàn, và trần nhà treo những dây đèn chùm nhỏ.
Tôi lại gần bức tường dán ảnh và chống một tay lên đó để quan sát kỹ hơn. Khi cầm một bức lên, tôi thoáng ngửi thấy mùi sắt tanh nồng từ vết máu khô trên tay.
Nó được chụp vào 3 năm trước. Tên quản lý đứng chính giữa, thanh mảnh hơn bây giờ, và cạnh hắn có một cô gái trẻ, mái tóc vàng cột đuôi ngựa tươm tất. Họ đang mỉm cười.
Một tấm khác rời ra khỏi tường khi tôi kéo. Trên đường viền màu trắng dưới bức tranh, một dòng chữ nguệch ngoạc được viết thật sinh động: SINH NHẬT CÂY BẪY RUỒI. Chụp từ vài năm trước, bức ảnh ghi lại tên quản lý và cô gái kia, lần này trẻ hơn, đứng cạnh cây bẫy ruồi Venus khổng lồ chúng tôi giữ trong nhà kính. Nó được chụp tại bảo tàng khi tôi đã đến đây làm việc.
Nơi nào đây?
Đi hết đến cuối mặt tường, tôi cầm lên bức ảnh đầu tiên nhất. Nó được ghi ngày là 15 năm trước. Tên quản lý đang ngồi cạnh một chiếc giường bệnh, hắn mảnh khảnh nhất trong tất cả những bức tôi đã thấy, và đầu hắn vẫn còn tóc. Bên dưới tấm ảnh có thêm chữ: CHỮA KHỎI UNG THƯ! Bên phải trong tấm hình, nằm trên chiếc giường đặt cạnh tên quản lý, vẫn là cô gái trẻ kia, có khi chỉ mới 5, 6 tuổi. Cô bé có đôi mắt xanh dương sáng ngời và-
Sophia.
Căn phòng màu hồng quay cuồng, choáng váng, tôi thấy như muốn nôn.
Điều này không thể xảy ra. Đang không xảy ra. Tên quản lý nói đúng, tôi đang phát điên. Tôi đang phát điên. Tôi chỉ đang phát điê-
“Bố?”
Tiếng con bé thật lặng lẽ, xa cách, và sợ hãi. Giọng nói đấy bẻ tôi vỡ thành hai mảnh.
Tôi quay lại.
Vẫn chính đôi mắt, nụ cười ấy. Con gái yêu của tôi giờ đã lớn hơn, mới chỉ ngoài đôi mươi. Rốt cuộc, đã 15 năm kể từ lần cuối tôi được nghe giọng nó.
“Sophia?” Môi tôi run rẩy bật ra.
Suốt một hồi, tôi nức nở khi con bé ôm tôi. Tôi nghĩ lại về cách tên quản lý làm giả giấy báo tử từ bệnh viện tôi nhận được nhiều năm trước. Tôi nghĩ lại về việc Sophia đã ở dưới chân tôi suốt thời gian qua như nào, bị giam nhốt như thú vật và bị nô dịch hóa thành quân tốt tương lai cho những kẻ giàu có. Rồi sau một lúc, tôi chỉ nghĩ về nụ cười con gái.
Khi con bé buông tôi ra, nó nhìn thấy những mảnh vụn từ xương sọ tên quản lý bắn vào áo gile tôi màu hạt dẻ. Chúng tôi vẫn cần bắt kịp với nhau; có vô vàn thứ để nói về. Nhưng sau khi thấy những gì đang dính trên áo tôi, nụ cười con bé tắt lịm và tia lấp lánh trong mắt nó tan biến.
Vẫn còn thổn thức, con bé ngồi lên giường. “Bố đã ở đâu vậy?” Nó hỏi.
“Ngay đây, ngay bảo tàng này, con yêu. Mỗi tuần đúng một lần. Những ngày còn lại bố dành thời gian ở bên ngoài, không xa đây lắm”. Tôi trả lời. “Chúng không cho bố đến bảo tàng những hôm nghỉ, vì có rất nhiều thứ phải lau dọn.”
Sophia nấc nghẹn lên khi con bé nói, những câu từ phải mất một lúc mới bật ra khỏi miệng được. “Không, không phải thế.” Nó sụt sịt. “Bố, ông quản lý sẽ cho con xem và dạy con về bảo tàng trong 6 ngày đó.” Con bé run rẩy chỉ một ngón tay vào những bức hình trên tường phòng. “Ông ấy nói con sẽ trở thành một hướng dẫn viên tham quan cực đỉnh, và sẽ yêu từng giây phút được làm việc ở đây, giống như bố con vậy.”
Tôi nhớ lại tấm biển vàng trên tường. HƯỚNG DẪN VIÊN KẾ NHIỆM.
Tôi thấy như tim mình không chịu được nữa.
Thế giới này bị nguyền rủa. Thật tàn nhẫn.
“Con yêu, dù hắn nói gì đi nữa thì cũng không quan trọng, đó là một thằng khốn tồi tệ. Hắn đang nuôi dạy con trở thành-” Tôi nhắm chặt mắt, hít một hơi thật sâu. Tôi không muốn nói cho con gái biết hắn là kẻ như thế nào, tôi không muốn nói với con rằng cuộc đời nó suốt bấy lâu nay chỉ là một sự dối trá, và người chăm sóc con bé là một con quái vật. “Hắn đang chuẩn bị cho con. Y hệt con gia súc vỗ béo để giết mổ. Con sẽ trở thành quân tốt thí trong tay chúng, giống như bố vậy.”
Con bé lắc đầu. “Không!” Sụt sịt. “Đó không phải sự thật! Không thể như thế!” Nó đứng dậy khỏi giường và đi ra cửa. “Ông quản lý là bạn con; ông ấy sẽ không làm vậy.”
Tôi gào lên. “Hắn cũng tệ như đám còn lại, con yêu. Nghe bố này. Chúng đều là quái vật, tất cả bọn chúng. Tất cả những tên khách giàu có, nổi tiếng ghé thăm cái nơi chết tiệt đã bị Chúa bỏ quên này!”
Không đời nào con bé từng thấy bọn nhà giàu – nó bị giấu đi, nhốt sau cánh cửa vào những đêm tôi dẫn chúng tham quan. Con bé không biết phải bắt đầu từ đâu để làm sáng tỏ những lời tôi lan man, lảm nhảm, và nó chỉ biết nức nở.
Tôi lại gần, định nắm tay trấn tĩnh con bé, nhưng nó hét lên.
“Tránh xa con ra!”
Tôi thấy thật bất lực. “Nghe lời bố, làm ơn” tôi nói. “Đám nhà giàu rất tồi tệ, chúng đến đây mỗi tuần một lần, và con không thấy vì đã bị nhốt-“
Nó lao ra cửa.
“Sophia, đừng-“
Chiếc dép con bé đạp trúng vũng màu nâu còn đọng lại bên ngoài, và máu văng tóe lên.
Nó gào hét và gào hét, không chỉ mỗi vì bản thân đang ở sát khuôn mặt tên quản lý bị tôi dùng búa nghiền nát bét thành một đống bột máu và thịt, mà còn vì ngay lúc đó, nó nhận ra bố mình là một con-
“Quái vật…” Môi nó run rẩy, “Bố là m… Bố là một c… quái vật, bố!”
Tôi bước đến, định nắm lấy cánh tay và ôm Sophia và nói với con bé rằng mọi chuyện không sao cả và rằng chúng ta tự do rồi, nhưng nó hất tay tôi ra và thét lên.
Giọng tôi nhỏ nhẹ, van nài. “Bố không phải là quái vật, con yêu, bố-“
Sophia đang lùi lại dần, xa khỏi tôi. Ánh trăng nhạt tràn vào và tô những bước chân đẫm máu trên sàn đá cẩm thạch, chỗ đôi dép con bé từng đặt lên.
Khi nhìn xuống, nó không thấy một gã kinh tởm nằm đó, một thằng khốn đã hành hạ tôi suốt 15 năm, hay tên đàn ông đã bắt cóc và chuẩn bị để nó làm hướng dẫn viên kế tiếp. Tất cả những gì con bé thấy từ cái xác vô hồn của tên quản lý là phần còn lại của một người tử tế đã thay bố nuôi dưỡng mình. Và tôi vừa dùng búa đập não hắn vương vãi khắp sàn đá.
Sophia cắm đầu chạy xuống hành lang, vòng qua nhiều góc tường và xuống những bậc thang nó đã từng đi qua vô số lần trước đó.
Tôi hét lên và đuổi theo con bé. Cuối cùng, khi tôi thấy nó, Sophia đang đứng giữa tiền sảnh chỉ cách cửa vài bước.
Beezlebub và Tiên răng đang đi tuần dọc các hành lang, chậm rãi tiến về phía chúng tôi. Những dị vật của bảo tàng không đi lang thang trong vô hướng, không, chúng đang tìm kiếm tôi. Bảo tàng đang tìm kiếm tôi. Nó sẽ không để tôi chạy thoát.
Phần sau mái tóc vàng con bé quay về phía tôi khi nó vật lộn với ổ khóa cửa. Sophia thét lên khi tôi bước qua con bé và nhét chiếc chìa chính vào ổ, rồi vặn.
Tim tôi đập loạn nhịp. Chiếc chìa đã hoạt động suốt 15 năm qua, bây giờ lại không mở được. Tôi cố vặn và xoay cổ tay, và chửi thề khi những hiện vật trưng bày thấp thoáng, ẩn hiện dần đến.
Nó sẽ không mở ra, phải rồi. Không phải tối nay.
Vì có gì đó không đúng.
Bảo tàng không có hướng dẫn viên.
Trong tiền sảnh, Beezlebub vỗ vỗ một bên cánh bị gãy, nó hút cái miệng ống tởm lởm của mình, vào, rồi lại ra như một cái núm vú giả.
Khi đến được đây, chúng sẽ rút răng và hút thịt tôi rời khỏi xương, dễ như thịt đã bị luộc chín. Rồi sẽ đến lượt Sophia.
Không, con gái tôi sẽ được tự do.
Sàn nhà bị xước khi Beezlebub lê một bên chân đầy gai méo mó trên nền đá. Đến gần, gần hơn.
Và đó là lúc tôi biết mình phải làm gì.
Hai tay tôi dang rộng. “Tôi sẽ tiếp tục chuyến tham quan lúc 10 giờ, vui lòng để lại áo khoác của mọi người trên giá treo ở tiền sảnh.” – Tôi nói, giọng vang vọng khắp bảo tàng.
Không còn tiếng tủ kính đổ vỡ lạo xạo nữa.
“Đó là những gì mày muốn nghe chứ gì?” Tôi hét vào bảo tàng. Hai vật trưng bày kia đứng trong tiền sảnh, đông cứng lại.
“Đó là những gì mày muốn-” Tôi hét nhỏ dần, khuỵu xuống. Nước mắt tôi đầm đìa lăn xuống má và rơi trên sàn đá được chạm khắc công phu.
Bảo tàng có thể bằng lòng với một trong hai chúng tôi làm hướng dẫn viên, nhưng nó là định mệnh luôn dành cho tôi. Luôn luôn vậy.
Một tiếng ‘clack’ vang lên từ cánh cửa phía sau, tôi và Sophia đều quay lại.
Nhìn qua khung cửa lớn ra khuôn viên bảo tàng, tuyết đang rơi thật chậm xuống mặt đất. Tôi lờ mờ nhìn ra hình bóng chiếc sedan màu đen của tên quản lý ẩn dưới lớp tuyết dày đang chất cao, chiếc xe đỗ gần các bậc thềm bên ngoài.
“Con có thấy không?” Tôi nói.
Tôi cầm lấy tay Sophia, và nắm chặt bàn tay con bé lạnh ngắt.
“Bảo tàng này bị nguyền rủa; những kẻ ghé thăm nó bị nguyền rủa.”
Đưa tay lên trước, tôi đặt lên má con bé nhợt nhạt trước khi nó có thể giãy đi. “Nhìn vào thứ bố đã trở thành này.”
“Nhìn bố này.”
Ngắm con bé không rời mắt, tôi thấy con gái yêu của tôi, thế giới của tôi, tất cả mọi thứ của tôi. Sophia đang ở đây, con bé là thật. Con bé còn sống.
“Nhìn bố này, con yêu.”
Nước mắt tuôn xuống mặt tôi và rơi lã chã trên cổ áo.
“Bố có thể không phải bố con,” tôi thì thầm. “Không phải đối với con, không còn nữa,” tôi gạt tóc khỏi lông mày con bé. “Nhưng bố muốn con biết rằng bố yêu con, Sophia.”
Khi đôi mắt con bé, ướt, chạm mắt tôi, tôi biết nó chưa từng thấy Bố nó. Con bé nhìn thấy bảo tàng. Và tôi mừng vì nó đã làm vậy, vì nếu không thì con bé đã ở lại.
“Bố sẽ luôn luôn, luôn luôn yêu con, con gái của bố.”
Tôi thích nhớ lại cách con bé mỉm cười trong khoảnh khắc đó, nhưng cũng có thể đó chỉ là một ảo ảnh. Tôi buông tay, và đặt chiếc chìa khóa xe hơi tên quản lý vào lòng bàn tay con bé đang run rẩy.
“Con lên xe đó, và con rời khỏi đây.” Tôi nói.
Con bé sụt sịt và gật đầu.
“Cứ đi và đi và đừng dừng lại cho đến khi con được an toàn, con yêu.”
Johnny đã đúng khi nói rằng tự do được tìm thấy thông qua cánh cửa, mặc dù nó chưa từng dành cho tôi. Bảo tàng đã chiếm hữu tôi, hệt như nó đã có được Mariette, và tôi chẳng bao giờ có thể rời đi nữa.
Nhưng Sophia thì có thể.
“Tạm biệt, Bố.”
Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi mỉm cười thật chân thành, ấm áp.
Những ký ức sai lệch về tương lai con bé vụt qua trước mắt khi tôi nhìn nó hít thở bầu không khí lạnh lẽo trên bậc thềm bên ngoài.
Tôi thấy ngày đầu tiên Sophia với công việc thực sự của nó. Nụ cười trên môi con bé trong đám cưới mình. Các con của nó bắt đầu đi học.
Mắt tôi dõi theo khi con bé khuất dần vào đêm đen đầy tuyết trong chiếc xe tên quản lý.
Khi tôi quay lại bảo tàng, các vật trưng bày đã lang thang đi chỗ khác, và tòa nhà thật yên ắng.
Tôi bật lên một điệu Valse khiêu vũ, trước khi bắt đầu quét các mảnh kính trên mặt sàn lạnh lẽo.
Các vật trưng bày đã được thả tự do, chắc chắn rồi, nhưng chẳng có gì bí mật về làm sao tôi đã sống sót tận 15 năm khổ cực. Bảo tàng đã bảo vệ tôi, khỏi những hiện vật, vì tôi là hướng dẫn viên của nó.
Khi vòng qua tầng trệt của tòa nhà, tôi để ý một tủ kính còn nguyên vẹn trong buổi tối hỗn loạn. Chính là lúc đi ngang cánh siêu nhiên, tôi trông thấy cô ấy.
Bàn tay cô ấy tựa lên mặt kính lồng giam của mình, và những ngón tay trượt xuống với một tiếng rít.
“Này, thôi nào, Mariette.” Tôi vừa nói vừa tra chìa vào tủ kính vừa khít.
Tiếng nhạc từ máy hát vang lên như một giai điệu thần thánh của những sợi dây và linh hồn. Một dạ khúc để khiêu vũ. Tôi cảm thấy mỗi bước chân có một chút nhún nhảy, khi tôi và người hướng dẫn viên cũ cùng đi đến tiền sảnh bảo tàng.
Vô vàn vì sao đêm tuyệt đẹp phía trên trần nhà khảm kính tô xuống tiền sảnh đá cẩm thạch một không gian xanh dương tráng lệ. Bàn tay tôi đan qua những ngón tay Mariette bằng nhựa, lạnh lẽo, cho đến khi chúng tôi cùng nắm tay dưới khoảng trời khuya trên cao. Khuôn mặt cô ấy vẫn trông như một con búp bê bóng loáng, nhưng điều đó không quan trọng – Mariette vẫn có linh hồn của một thiếu nữ, một thiếu nữ từng dạo bước trong những hành lang này, và cô ấy thật lộng lẫy. Tối nay là khoảng thời gian để cô ấy cảm thấy mình trẻ trung và sống lại.
Dẫn nhịp, cầm bàn tay cô ấy, cùng nhau, tôi và Mariette khiêu vũ chậm trong ánh trăng.
“Mariette, con gái tôi tự do rồi. Sophia tự do rồi. Con bé đang ở đâu đó ngoài kia, đang bắt đầu một cuộc sống mới.”
Mặt trăng, nền đá cẩm thạch bảo tàng, và trái tim tôi: Đều một màu bờ môi lạnh lẽo.
Người hướng dẫn viên cũ và tôi lướt một điệu Valse, sang trái, rồi lại phải. “Thật đáng yêu, nhỉ Mariette?”
Chúng tôi xoay vòng dưới những vì sao.
“Mariette?”
(T/N: *Polaroid là một loại ảnh được chụp và in ra ngay từ máy ảnh chuyên dụng. Thường có kích cỡ khoảng 5.8cm x 8.7cm và một khung viền trắng bao quanh hình, những tấm polaroid có màu sắc khá vintage và được sử dụng để dán vào sổ, treo tường trang trí hoặc làm bưu thiếp)
_____________________
Tôi thật sự… vui buồn lẫn lộn.
_____________________
u/Paddled-Penny (16 points)
Cuối cùng thì, ông cũng tìm được một chút… bình yên.
_____________________
u/DementedForever (52 points)
Có lẽ một ngày nào đó con gái sẽ quay lại để cứu ông, với tất cả kiến thức của cô ấy về bảo tảng.
_____________________
u/ostentia (105 points – x1 wholesome – x1 all-seeing upvote)
Thật sự phi thường. Cảm ơn rất nhiều vì đã chia sẻ nó, Michael. Tôi thật mãn nguyện vì con gái bạn Sophia đã được tự do!
_____________________
Đến tận những dòng cuối này, mình vẫn không thể nắm rõ được mối quan hệ giữa Mariette và Michael. Ở Chapter 1 mình từng để nhân vật chính xưng “ta” và gọi Mariette là “em”, nhưng đến các chap sau, khi ông ấy giới thiệu thêm về bản thân (đã lập gia đình, có con, và trẻ hơn Mariette) đổi lại thành “tôi” và “cô”. Nhưng rõ ràng là qua những chap gần cuối, hai nhân vật này có gì đó nhiều hơn chỉ thế, Michael cũng chưa từng nghĩ đến hay hỏi con gái về vợ mình (có thể là không có thời gian). Một phần tiền truyện về thời Mariette làm hướng dẫn viên đang được tác giả viết (đã có 1 chap post từ 3 tháng trước nên mình cũng phân vân là đợi hết xong mới dịch một thể để mọi người đỡ chờ). Và hy vọng sẽ có lời giải đáp về mối quan hệ hai người.
Có thắc mắc là vì sao nhân vật chính không trốn đi cùng con gái sau khi cửa mở, nhưng theo mình là ông ấy quá day dứt về những gì đã làm, nên chọn cách ở lại cũng để chuộc lỗi và để con gái tự do thực sự (không còn liên hệ gì với bảo tàng). Cũng khá liều nếu làm vậy vì không biết bảo tàng sẽ phản ứng thế nào.
Và một câu hỏi sau cuối là vì sao Sophia chưa từng học lái xe (tên quản lý chắc hẳn sẽ không dạy cô bé) mà vẫn có thể lái đi được?
_____________________
Dịch bởi NPWL