Trong ngôn ngữ đời sống sinh hoạt của người Việt, nhiều người thường sử dụng các thành ngữ, tục ngữ quen thuộc để biểu thị một nội dung, một hàm ý nào đó trong suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng đúng các thành ngữ, tục ngữ tưởng chừng như đã quá quen thuộc trong cuộc sống.
Ví dụ điển hình cho câu chuyện này chính là trường hợp đa số mọi người đều sử dụng thành ngữ “đều như vắt chanh”. Nhưng thực sự thành ngữ “đều như vắt tranh” mới là chính xác. Đây là một sự thật thú vị, một sự nhầm lẫn gây ra ít nhiều bất ngờ cho mọi người.
“Vắt tranh” trong câu thành ngữ này là một thao tác trong quá trình làm những tấm bằng cỏ tranh để sử dụng khi làm nhà. Cỏ tranh còn có tên gọi khác là bạch mao căn, cỏ tranh săng, nhả cà, lạc cà… thuộc họ nhà lúa phân bố từ đồng bằng đến vùng trung du, miền núi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam nước ta.
Ngày xưa, cỏ tranh là vật liệu phổ biến được sử dụng để làm nhà. Người ta thường bện cỏ tranh thành từng tấm (để lợp mái hoặc dựng vách) theo kích thước phù hợp với quy mô của nhà, quy trình này được gọi là “đánh tranh”.
Đánh tranh là một kỹ thuật khó, yêu cầu tính thẩm mỹ cao, các nắm sợi tranh (hay còn gọi là một vắt) phải đều tăm tắp để khi lợp lên mái trông đẹp và sẽ không bị thấm nước mưa. Mỗi khi đánh tranh phải dùng một tay nắm đống sợi tranh thành một vắt, muốn cho đều tăm tắp mười vắt như chục thì lượng sợi tranh trong tay phải vừa vặn sao cho ngón cái cụng với ngón trỏ, nếu ít hơn thì phải thêm vào và ngược lại. Nếu các vắt tranh lỏi chỏi không đều thì khi lợp lên, ngôi nhà sẽ dễ bị thấm nước mưa và đứng trong nhà nhìn lên sẽ không được đẹp. Trong lúc tay này nắm vắt tranh thì tay kia phải khéo léo “bắt” vắt tranh đưa vào hom (ba thanh tre ngâm được vót thành sợi có chiều dài bằng tấm tranh) và chỉnh sửa cho đều.
Như thế, “vắt tranh” trong thành ngữ trên không phải động từ mà là một danh từ. Và “vắt” là một danh từ chỉ đơn vị, như trong câu “Mang mấy vắt cơm đi ăn đường” hay “Mỗi đùm hai vắt xôi” (theo Từ điển tiếng Việt). “Đều như vắt tranh” ý nói làm một cái gì đấy rất đồng đều.
Giờ ta quay lại thành ngữ “đều như vắt chanh” mà ngày nay đại đa số người Việt vẫn hay dùng. Rõ ràng rằng ngày nay nhiều người quen với hành động “vắt chanh” hơn là từ “vắt tranh”. Bởi cỏ tranh để lợp mái nhà từ lâu đã không được sử dụng nhiều nữa, trẻ con sinh ra giờ không hiểu cỏ tranh là cái gì. Thế nên thành ngữ “đều như vắt tranh” bỗng trở nên khó hiểu và vô hình trung nó đã phản lại quy tắc của thành ngữ là dễ nhớ, dễ hiểu và thuận mồm thuận tai.
Trong khi ngày nay thì quả chanh là quả rất phổ biến, nó có mặt ở khắp mọi nơi, từ chợ cóc đến siêu thị, và cũng có vô số các sản phẩm đồ ăn đồ uống, mỹ phẩm làm từ chanh. Có lẽ cũng vì sự phổ biến đó mà một đứa trẻ lên 5 cũng hiểu thế nào là “vắt chanh” và thành ngữ “đều như vắt chanh” trở nên quen thuộc và dễ hiểu hơn, không cần một học giả uyên bác nào giải thích cho câu thành ngữ ấy cả.
Lâu dần, thành ngữ này đã thế chỗ cho phiên bản đúng “đều như vắt tranh”. Ngày nay không chỉ người nói dùng “đều như vắt chanh” mà ngay cả các báo điện tử cũng thường đăng các title có chứa thành ngữ này.
Bài viết là tổng hợp các nguồn tài liệu ngôn ngữ chính thống, không thể hiện quan điểm của tác giả.
Ký ức Việt Nam – Memories Of Vietnam