Tôi bị day dứt bởi hàng tá những câu hỏi đen tối và ám ảnh sau khi xem Toy Story 4 và không thể ngừng suy nghĩ về chúng

Bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi mẹ nó thậm chí còn chẳng biết bắt đầu chuyện này thế nào nữa.

Toy Story 4 có vẻ như lại là một sản phẩm vắt sữa làm tiền khác của Pixar, với kỹ xảo điêu luyện, dễ dàng được công chúng đón nhận và vô cùng ngọt ngào – thế nhưng sau cùng hóa ra lại chả có ý nghĩa mẹ gì. Có điều mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Toy Story đã biến một điều điên rồ và tưởng chừng như không thể thành phim, từ đó tạo tiền đề cho một series với cái vũ trụ kì quái và rồi lại để ngỏ cho khán giả quá nhiều câu hỏi. Ấy vậy mà, nhà làm phim đã cố tình phớt lờ chúng, bằng một cách vô cùng khôn khéo.

Dù sao thì bây giờ họ cũng sẽ không thể nào tránh né chúng được nữa đâu. Cùng khởi hành một cách đơn giản nhé.

Trong Toy Story 4, chúng ta có thể thấy Woody tự hỏi về quãng đời tiếp theo của mình sẽ ra sao và mục đích của mình với tư cách là một món đồ chơi “có chủ” sẽ như thế nào. Sau đó, anh lại cân nhắc đến việc làm một đồ chơi vô chủ lang thang, và rồi cuối cùng đi theo tiếng gọi nơi hoang dã. Thế nhưng…

Trước Andy thì ai là chủ của Woody? Đứa trẻ đầu tiên của Woody là ai? Woody là một món đồ chơi từ tận những năm 1950, vì thế rõ ràng là anh ta phải được sở hữu bởi ít nhất một đứa trẻ trước khi đến với Andy. Chẳng lẽ anh ta lại không có chút ký ức gì về chuyện đó ư? Nếu như có, thì đến bao giờ anh ta mới nhớ ra được? Ý thức của Woody có tính liên tục giữa hai đời chủ Andy và Bonnie, vì thế nên ở đây bạn phải đặt ra một câu hỏi rằng: đến khi nào thì đồ chơi mới có thể ghi nhớ mọi chuyện?

Ý thức của đồ chơi được vận hành như thế nào vậy? Có vẻ như độ ý thức của chúng có thể sánh ngang với con người, nhưng mà rõ ràng là không phải thế, bởi chúng ta có thể thấy Forky có được ý thức một cách rất tự nhiên trong tay của Bonnie. Thường thì có lẽ bạn sẽ xua tay rằng “Đm đây là phim cho trẻ con mà!”, thế nhưng bằng cách thể hiện đúng nghĩa hiện tượng Đồ Chơi Có Ý Thức trên màn ảnh, bộ phim đã đặt ra một dấu hỏi lớn hơn về cách vũ trụ của phim trình bày sự trải nghiệm của việc “là một món đồ chơi.”

Đồ chơi có được ý thức khi chúng được tạo ra, hay khi chúng được chơi cùng? Hoặc cũng có thể cả hai đều không phải? Chúng ta chưa từng nghe chuyện một món đồ chơi kể về quá khứ của nó lúc ở nhà máy, cũng như chúng ta có thể thấy rằng Stinky Pete the Prospector và những món đồ chơi ở Al’s Toy Barn đều hoàn toàn có ý thức và nhận thức ở một mức độ nào đó với vai trò là “một món đồ chơi”. Nhưng chúng chưa từng được ai chơi cùng cả; thậm chí hầu hết chúng còn chưa được khui hộp.

Một số đồ chơi thì lại tin rằng chúng thật sự là nhân vật mà chúng đại diện (ví dụ như Buzz), số khác lại hiểu rằng chúng là một “thực thể cống nạp” (như Duke Kaboom), nhưng phần lớn các đồ chơi dường như có tính cách hoàn toàn tách biệt với hình dạng vật lý mà chúng đại diện; Woody không đặc biệt “cao bồi” cho lắm và bị mất trí nhớ một cách kỳ lạ về thương hiệu Woody’s Round Up của chính mình. Tương tự với gấu Lotso Huggins, Rex, Bo Peep; đây đều là những đồ chơi có cá tính và lý tưởng hoàn toàn tách biệt với các nhân vật mà chúng được “dự định”.

Điều này hoàn toàn có thể trở nên vô cùng kì quái khi ta xem xét lại về bối cảnh của câu chuyện. Thế còn cái ghế trong tủ quần áo của Bonnie thì sao? Nó là một cái ghế đồ chơi, nhưng mà nó cũng “sống” nữa. Một cái ghế thu nhỏ bằng nhựa màu tím thì có thể có tính cách gì được chứ? Thứ sinh vật này, nếu như mà bạn có thể gọi nó là “sinh vật” ấy, có linh hồn – bởi vì đạo diễn bảo thế – hoàn toàn chả liên quan mẹ gì đến hình dạng vật lí của nó luôn.

Cùng bàn luận sâu hơn về cái ghế nhé, thực ra: Chúng ta có thể thấy rất nhiều ghế trong Toy Story, hay đúng hơn là rất nhiều nội thất luôn, không hề có dấu hiệu của việc “sống” hay có tri giác gì cả. Nhưng mà cái ghế đó thì có. Tại sao? Bởi vì nó là ghế đồ chơi. Điều gì làm nên một cái ghế đồ chơi? Nó được vẽ mắt với mồm.

Tương tự với đó, cái ý tưởng mà Forky chào đời ấy, liên quan trực tiếp đến sự hiện diện của mắt và mồm nó luôn, biến nó từ một cái Thĩa (Trans: bản gốc là Spork, thìa lai dĩa – Thĩa) thành một thực thể na ná dáng vẻ của con người.

Vụ này lại làm dấy lên một vài câu hỏi nữa.

Câu hỏi đầu tiên, một câu to đùng tổ chảng luôn: Nếu tôi, một người lớn, vẽ mắt và mồm cho một cái dĩa ở nhà tôi, thì liệu nó có sống dậy lúc tôi không xuất hiện ở đó không? Liệu nó có di chuyển xung quanh và cố nhảy vào máy rửa bát hay ngăn kéo, như cái cách Forky cố gắng ném mình vào thùng rác không?

Từ cái khoảnh khắc mà Forky bắt đầu tồn tại, tất cả những gì nó muốn là được làm “rác”, cái quan niệm trừu tượng về cái chết của nó. Chúng ta đã được thấy điều gì sẽ xảy ra với rác rồi, trong Toy Story 3 ấy: chúng bị thiêu hủy. Vì vậy, việc trở nên có ý thức theo cách này gây bối rối và đau đớn về mặt tâm lý cho các đồ vật ban đầu không được coi là đồ chơi ư? Như chúng ta thấy trong phim, những đồ vật vô tri vô giác không được coi là đồ chơi không thể hiểu được mục đích cũng như vai trò rộng lớn của chúng đối với thế giới này.

Bây giờ cùng nói về mục đích nhé.

Đồ chơi luôn nói rằng chúng muốn được một đứa trẻ chơi cùng. Trong ba phần đầu tiên của Toy Story, nơi mà đồ chơi luôn được giới thiệu là người bạn sánh vai cùng trẻ nhỏ, điều này nghe không có gì lạ lẫm cả. Thế nhưng trong Toy Story 4, nơi chúng ta có thể thấy đồ chơi như một vật thể sống độc lập ngoài tự nhiên, khiến cho toàn bộ chức năng này bị thay đổi và gây khó hiểu. Tại sao những đồ chơi này, những đồ vật có ý thức như một người trưởng thành về cả mặt xã hội lẫn cảm xúc, lại cần tình yêu từ trẻ em? Mục đích nào khiến chúng phục tùng vậy?

Phải chăng cái hiện tượng “cần được chơi cùng” này đơn giản chỉ là văn hóa giữa những món đồ chơi? Rõ ràng là chúng ta có thể thấy ở trong series có rất nhiều đồ chơi không có cái quan niệm cần hay thậm chí là muốn được trẻ em chơi cùng. Trong ba phần đầu tiên của Toy Story, đây có lẽ chỉ là một yếu tố khác biệt đôi chút của đồ chơi mà thôi, nhưng ở phần phim thứ tư, với đủ các thể loại đồ chơi như đồ chơi hoang dã, đồ chơi vô chủ, đồ chơi biết âm mưu và đồ chơi có thể tự sinh tồn, đã buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi này.

Có một tình tiết trong phần một của Toy Story như sau: Woody và đống đồ chơi bị “Mash-Up” của Sid đã sống dậy và làm thằng cu bị dọa sợ. Đây chính là cái khoảnh khắc khiến cho cuộc chơi trong bộ phim bị thay đổi, một khoảnh khắc mà người xem hoàn toàn không ngờ tới và thách thức cái ý tưởng lỏng lẻo của họ về “quy luật của thế giới” mà bộ phim đã tạo ra. Đống đồ chơi này không phải hàng trong tưởng tượng; câu chuyện này lấy bối cảnh ở thế giới thật, thế giới của chúng ta, và cách các nhân vật phản ứng với chuyện đồ chơi “sống dậy” cũng giống như cái cách mà người thật phản ứng với chuyện đó, nếu như nó xảy ra vậy.*

Điều này đưa chúng ta tới dấu hỏi lớn nhất mà Toy Story 4 không thể né tránh: Hãy cùng bàn luận về cơ quan, triết lý và ý thức của đồ chơi – thứ liên quan cụ thể đến Con người.

Rõ ràng là đồ chơi khá là vị tha, hay ít nhất là khá lành trong mối quan hệ giữa ta và chúng. Vì một lí do nào đó thì đồ chơi luôn buộc phải “đóng băng” và giả vờ vô tri khi có sự xuất hiện của con người, nhưng đây chẳng phải là một “phản ứng mang tính sinh học” hay là một điều kiện bắt buộc gì hết; đồ chơi hoàn toàn có thể cử động trước mắt các dạng sống hữu cơ, và Woody thậm chí còn “sống dậy” trong tay Sid.

Quan niệm này đạt đến một điểm đột phá trong Toy Story 4, mà trong đó có một cảnh đồ chơi đã suýt thì gây ra một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng (thậm chí có khả năng gây chết người) và vô tình khiến con người rơi vào vòng lao lí một cách hợp pháp. Điều này cho thấy đồ chơi hoàn toàn có khả năng chứa đựng những ý nghĩ xấu xa hay thậm chí là bạo lực đối với con người – một đề xuất cực kỳ phức tạp đi kèm với một làn sóng những câu hỏi và giả định.

Một lần nữa thì cái này nghe có vẻ hơi bị overthinking, nhưng trong Toy Story 4, mấy món đồ chơi của Bonnie đã cố gắng làm nhiễu và chặn cái xe lại để cứu Woody và Forky, bất chấp sự thật rằng việc này có thể khiến cho chủ của chúng gặp nguy hiểm.

Vì vậy điều này đã cho thấy rằng cái khái niệm “giả vờ vô tri” của đồ chơi về cơ bản thật ra chỉ là một thứ gì đó như kiểu mê tín hay tuân thủ tôn giáo mà thôi, và chúng có thể dễ dàng vi phạm để thực hiện ước muốn của mình. Vậy thì, trách nhiệm của đồ chơi đối với con người là gì?

Tưởng tượng nhé: Nếu như đồ chơi chứng kiến một đứa trẻ bị bạo hành, liệu chúng có can thiệp hay không? Nếu như đồ chơi chứng kiến một tội ác chẳng hạn, ví dụ như một đứa trẻ bị bắt cóc, hoặc bị giết, hay thậm chí là tệ hơn thì sao? Liệu đồ chơi sẽ chẳng thấy tội lỗi hay hổ thẹn vì không can thiệp chứ? Woody dường như vô cùng lo lắng cho Bonnie trong Toy Story 4 và sẵn sàng can thiệp để giúp cô bé trong ngày đầu tiên tới trường. Và chắc hẳn là mấy nỗi lo của Woody dành cho Bonnie chỉ là chuyện vặt nếu so sánh với việc cô bé có thể bị chó lớn tấn công, bị dụ lên một cái xe tải đầy kẹo, hay thậm chí là tệ hơn.

Vậy thì, lòng trung thành của đồ chơi nằm ở đâu nếu Woody cứ thế từ bỏ Bonnie? Và nếu những món đồ chơi “hoang dã” như Bo Peep bắt gặp một kẻ giết người hàng loạt, thì liệu chúng có nghĩa vụ về mặt đạo đức phải can thiệp hay không? Thế nếu như kẻ giết người hàng loạt đó cũng có đồ chơi thì sao? Chúng ta đã biết rằng ý thức hệ giữa các đồ chơi dường như rất khác nhau; vậy thì có lẽ đồ chơi của những kẻ giết người hàng loạt cũng có thể là đồng lõa hoặc thậm chí hỗ trợ chúng giết người? Chúng liệu có chiến đấu với những đồ chơi hoang dã ngay thẳng về mặt đạo đức để bảo vệ bí mật đen tối của mình hay không?

Đây chính là bộ phim mà tôi muốn xem đấy đm, nhưng mà vẫn, kiểu, wtf?

Giờ thì những tình huống này bắt đầu vượt ra khỏi những gì mà nhà làm phim xây dựng trong Toy Story rồi đó. Nhưng tin tôi đi, chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi.

Nếu như đồ chơi có thể tự sinh tồn trong tự nhiên, như những gì bộ phim đã thể hiện, thì mối quan hệ của chúng với động vật là gì vậy? Như ở trong phim, đồ chơi không hề “đóng băng” khi ở bên động vật, và động vật (ví dụ như chú chó trong TS1, chú chim trong TS3 và con mèo trong TS4) vẫn tương tác với chúng như một con vật bình thường sẽ làm. Phải chăng ở đó có cả một hệ sinh thái chưa được khám phá liên quan đến việc những đồ chơi “hoang dã” tương tác với động vật hay không? Hay đồ chơi chỉ là một yếu tố bí mật, vô hình đối với thế giới động vật, môi trường và chuỗi thức ăn trong vũ trụ này?

Văn hóa “xê dịch” của đồ chơi vô chủ tại công viên trong Toy Story 4 có vẻ như không bền vững cho lắm; như chúng ta đã thấy, về cơ bản là đồ chơi trong phim được nhà sản xuất mô phỏng 1:1 so với thực tế. Do đó, theo tôi cho rằng chúng hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết, và có thể bị camera bắt gặp trong lúc đi lại hay nói chuyện, v.v… (TS3). Và tất nhiên là với sự phổ biến của camera trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, khó mà đồ chơi có thể tránh khỏi tầm mắt của chúng được.

Và có lẽ điều điên rồ nhất trong những phần phim này là *có vẻ như chúng còn có cả luật lệ…* điều mà nhà làm phim chỉ đơn giản là từ chối giải thích. Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi cuối cùng, quay trở lại với câu chuyện khó hiểu về mặt bản thể ở trung tâm của cốt truyện Toy Story 4:

Đồ chơi là gì?

…và đồ vật là gì? Kiểu như tôi vẽ một bức tranh hình con khỉ, sau đó gắn mắt nhựa và mồm cho nó rồi vê lại cho nó giống một con rối, thì bây giờ đống giấy đó sẽ “sống dậy” hả? Thế nếu như gắn mắt nhựa lên súng thì sao? Hoặc là lên bom? Bể cá?

Thế nếu cứ theo quy luật đó, thì ví dụ như có một cái xác người như thế này, và bạn dán mắt nhựa cả vẽ mồm cho nó, sau đó để nó vào một căn phòng có đồ chơi xung quanh… thì liệu nó có “sống dậy” không? Và nếu nó sống dậy, liệu nó có còn ký ức của kiếp con người không hay lại trở thành một sinh vật vừa mới chào đời và đầy bối rối? Hay liệu nó nghĩ rằng nó được làm ra để mô phỏng con người trước của nó?

…hay là để khiến cho nó sống lại… bạn cần phải để trẻ con chơi cùng nó?

Hình ảnh đen tối nhất mà tôi có thể tưởng tượng là phòng thí nghiệm siêu quân đội của chính phủ, với hàng dài những căn buồng được làm bằng kính, nơi mà trẻ con chơi đùa với những cái xác để tạo nên một đội quân bất tử; “Đồ chơi” thi hành nhiệm vụ ở Moscow; Một buổi lễ tình yêu đen tối đưa tình nhân trở về, với sét đánh trên bầu trời và một gã trong chiếc áo choàng đỏ kéo cái dây đằng sau xác vợ mình để cổ thốt lên: “There’s a Snake In My Boot” trước khi run rẩy đứng dậy từ bàn thờ của mình với đôi mắt con người trừng trừng trong khi con mắt nhựa đỏ ngầu trên trán đảo như rang lạc.

Và đây – chính là bộ phim đã từng được công chúng dễ dàng đón nhận thế nhưng cuối cùng hóa ra chả có ý nghĩa mẹ gì – Toy Story 4: Một mê cung ngoằn ngoèo những câu hỏi không thể trả lời về bản chất của ý thức và làm dấy lên những cuộc tranh luận kinh hoàng về bản chất của sự tồn tại.

(((*FOOTNOTE: Mấy món đồ chơi của Sid được vận hành thế nào thế? Râu ông nọ cắm cằm bà kia hết rồi mà. Chẳng lẽ ý thức của chúng bị trộn lẫn với nhau à? Bằng cách nào đó thì chắc là linh hồn của chúng được sát nhập huh? Có thể bạn sẽ nghĩ rằng linh hồn của chúng tồn tại ở “đầu” của chúng bởi ta đã thấy Bo Peep gắn lại cánh tay bị gãy của cổ và nó không thể hoạt động động lập nếu thiếu cô ấy được… Nhưng mà mấy bộ phận của Quý Ngài Khoai Tây vẫn họat động được nếu gắn lên thứ khác mà, như ở trong Toy Story 3 lúc chúng bị gắn nhầm vào Quý Bà Khoai Tây ấy, chúng vẫn “sống” đấy thôi. Nhưng mà đm kiểu, một trong những món đồ chơi của Sid đúng nghĩa là một cái cần câu có chân ấy, nhưng bằng cách nào đó nó vẫn “sống” và hoạt động được thế? Chắc là kiểu một dạng của địa ngục trần gian huh? Rồi nó sẽ nhận thức như thế nào vậy? Thực ra để nhắc lại thì tôi sẽ nói “Chỉ là phim thôi mà” nhưng trong Toy Story 4 chúng ta có thể thấy một món đồ chơi bị xé làm hai; phần trên thì vẫn “sống” nhưng phần dưới thì “chết”. Thế nếu nó được khâu lại với một món đồ chơi khác, liệu nó có sống lại không? Hay liệu nó sẽ có ý thức như một món đồ mới hẳn luôn nếu bạn dán mắt nhựa lên nó? Dù sao thì cũng kệ mẹ đi.))))

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *