15 PHƯƠNG PHÁP CHỮA LÀNH ĐỨA TRẺ BÊN TRONG BẠN

Đã bao giờ bạn chú ý đến sự tồn tại của một tiếng nói bên trong chính mình – một tiếng nói khiến bạn nhớ về thời thơ ấu ngày xưa? Ngay cả khi đã trưởng thành, những đặc tính “trẻ con” xưa kia vẫn sẽ theo bạn từng ngày. Chẳng hạn, chúng ta cũng có lúc “hờn dỗi” như đứa trẻ lên 5 – khi người bạn thân nhất không nghe máy; hoặc như một đứa nhóc 15 tuổi, khi người đồng nghiệp không chịu nhìn thẳng vào mắt ta. Để làm chủ bản thân vào những thời điểm đó, điều quan trọng là bạn phải học cách “chữa lành đứa trẻ bên trong bạn”.

***

THẾ NÀO LÀ ĐỨA TRẺ BÊN TRONG BẠN?

Mỗi người đều có một đứa trẻ tồn tại bên trong mình (inner child). Đó là phần cá tính được hình thành từ những trải nghiệm thời thơ ấu – ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách sống của bạn khi tới tuổi trưởng thành.

Đứa trẻ bên trong này có thể là đại diện sống động cho chính bạn những năm đầu đời, một bộ sưu tập chắp vá về các giai đoạn phát triển mà bạn đã trải qua, hoặc tượng trưng cho những ước mơ và sự vui tươi của tuổi trẻ.

Về cơ bản, đó là trạng thái hồn nhiên thuở ban sơ – một đứa trẻ tinh nghịch, nhạy cảm, tò mò và mong muốn trải nghiệm thế giới.

Theo TS. Diana Raab, nhận thức về đứa trẻ bên trong sẽ giúp bạn hình dung lại những năm tháng nhẹ nhàng và vô tư thuở xưa. “Kết nối với niềm vui tuổi thơ là phương pháp tuyệt vời để bạn vượt qua những khoảng thời gian thử thách.”

***

VÌ SAO CẦN CHỮA LÀNH ĐỨA TRẺ BÊN TRONG BẠN?

Trong mỗi chúng ta đều tồn tại một đứa trẻ chưa bao giờ nhận được tình yêu thương xứng đáng khi còn nhỏ.

Nhà tâm lý học lâm sàng Trish Phillips, Psy.D.

Đặc điểm của đứa trẻ bên trong bạn là rất nhạy cảm và dễ dàng bị tổn thương – đặc biệt khi phải đối mặt với nỗi đau hay chấn thương tâm lý. Và hẳn bạn biết rất rõ điều này sẽ khiến cho quá trình trưởng thành trở nên đau đớn như thế nào!

Không phải ai cũng có một tuổi thơ “màu hồng”. Nếu bạn từng bị bỏ rơi, chấn thương hoặc trải qua tổn thương tâm lý, đứa trẻ bên trong bạn sẽ trở nên nhỏ bé, dễ bị thương tổn và cần được bảo vệ. Bạn có thể đã phải chôn sâu nỗi đau này để bảo vệ chính mình – cả con người hiện tại cũng như đứa trẻ bạn từng là trước kia.

Che giấu nỗi đau không thể chữa lành nó – những cảm giác đau thương này rồi sẽ xuất hiện lại ở tuổi trưởng thành, thể hiện như khi bạn cảm thấy đau khổ trong quan hệ cá nhân, hoặc không thể thỏa mãn được nhu cầu bản thân.

Nếu bạn thấy bản thân đang thực hiện những hành vi tự hủy hoại (ví dụ: tự ti về chính mình, phản ứng “quá mẫn” trước khó khăn, cảm thấy tức giận, thất vọng, ganh tị hoặc sợ hãi…), đó gần như là dấu hiệu cho thấy đứa trẻ bên trong bạn đang bị tổn thương.

Ngay cả những người yêu thương ta nhất cũng có thể nói/ làm những điều gây tổn thương và ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chúng ta. Những vết thương lòng này sẽ không biến mất – trừ khi bạn sẵn sàng thừa nhận và dành thời gian chữa lành đứa trẻ bên trong bạn.

***

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CHỮA LÀNH ĐỨA TRẺ BÊN TRON BẠN

Học cách chữa lành đứa trẻ bên trong chính là lúc bạn đang thỏa mãn nhu cầu chính đáng của bạn thuở thơ bé. Bằng cách đó, các đặc điểm tích cực của đứa trẻ bên trong bạn sẽ có cơ hội “tỏa sáng” – những năng khiếu tự nhiên, sự tò mò bên trong, khả năng yêu thương con người vô hạn, v.v…

Ngược lại, khi tránh đề cập đến nỗi đau quá khứ, những đau thương này sẽ biến đổi thành hành vi hủy hoại bản thân và mọi người xung quanh (ví dụ: nghiện công việc, nghiện rượu, phân biệt chủng tộc, v.v…).

Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn – chính là chữa lành cho các thế hệ mai sau. Là hàn gắn cả thế giới. Không ai tồn tại độc lập một mình cả.

Bằng cách tự chữa lành vết thương lòng, bạn sẽ có thể vượt qua những trở ngại đã ngăn cản bản thân phát huy toàn bộ tiềm năng – từ đó trở thành con người lý tưởng bạn hằng mong ước.

***

CHỮA VẾT THƯƠNG LÒN

Phản ứng quá “mẫn”: Dấu hiệu đứa trẻ bên trong đang bị tổn thương là khi bạn nhận thấy bản thân phản ứng quá “mãnh liệt” trước tình huống khó khăn – chẳng hạn như đột nhiên cảm thấy tách biệt hoặc cáu kỉnh vô cớ.

Quá đề cao tính độc lập: Đó là khi bạn lặp đi lặp lại những câu như “Tôi không cần đến ai cả”, và không cho phép bản thân yêu cầu bất kỳ sự giúp đỡ nào.

Hành vi đối phó có tính hủy hoại: Rượu chè, mua sắm, gian lận, cờ bạc, ăn uống, “lề mề kinh niên”, v.v… là một số ví dụ điển hình về các hành vi như vậy.

Sức khỏe tinh thần/ cảm xúc suy giảm: Một số dấu hiệu bao gồm trầm cảm, cảm thấy không có động lực, muốn ngày càng có nhiều thời gian ở một mình hoặc với bạn bè, v.v…

Sự lặp đi lặp lại trong các mối quan hệ: Bạn có thể thường xuyên “trốn tránh” khi xảy ra xung đột, hoặc khi đối tác bày tỏ cảm xúc. Nếu có vấn đề gì, bạn tự nhủ rằng chẳng có gì cần quan tâm. Trong quan hệ vợ/chồng, bạn luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi bị bỏ rơi hoặc bị từ chối, v.v…

***

BÍ QUYẾT CHỮA LÀNH ĐỨA TRẺ BÊN TRON BẠN

Hầu hết chúng ta đều sợ phải hồi tưởng lại những trải nghiệm đã khiến bản thân bị tổn thương sâu sắc khi còn nhỏ! Vì vậy, chúng ta tự nhủ hãy “trưởng thành đi” – hệ quả là ta tìm cách che giấu nỗi đau của mình, giả vờ như nó chưa từng xảy ra. Thực tế, đứa trẻ bên trong bạn vẫn đang cảm thấy bị tổn thương, sợ hãi và đau khổ – và điều đó ảnh hưởng đến hành động của bạn, ngăn cản bạn trải nghiệm hạnh phúc và sự viên mãn trong cuộc sống.

Theo chuyên gia tâm lý học Trish Phillips, phương pháp chữa lành đứa trẻ bên trong bạn là tạo ra một không gian cho phép tiềm thức hoạt động. Đó là khi bạn tập trung vào bên trong bản thân, để khám phá cảm xúc thực sự của chính mình – cùng những đặc điểm tính cách bị người khác chối bỏ, quy chụp là “không phù hợp” hoặc “quá đáng”.

Bằng cách dành thời gian thinh lặng nội tâm, bạn sẽ hình thành nhận thức sâu sắc hơn về phản ứng đối phó hàng ngày của mình (tránh né, làm tê liệt cảm xúc, v.v…) – từ đó học cách chấp nhận chính mình và kết nối tiềm thức với ý thức.

***

TỔNG HỢP 15 PHƯƠNG PHÁP GIÚP CHỮA LÀNH ĐỨA TRẺ BÊN TRON BẠN

1. Thừa nhận sự tồn tại của đứa trẻ này

Chuyên gia trị liệu tâm lý Kim Egel nhận định: bất kỳ ai cũng có thể kết nối với đứa trẻ bên trong họ – nếu họ đủ cởi mở để sẵn sàng khám phá mối quan hệ này. Sự hoài nghi hoặc không muốn nhớ lại quá khứ sẽ khiến bạn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu và khám phá bản thân.

Đừng quá để tâm đến sự tồn tại của đứa trẻ bên trong bạn – thay vào đó, hãy tập trung nghĩ về một vài trải nghiệm quan trọng thời thơ ấu. Có những niềm vui – và cũng có nỗi buồn, khi người khác làm bạn bị tổn thương hoặc khó chịu. Ngày hôm nay, hẳn bạn vẫn còn mang trong mình nỗi đau cảm xúc từ những sự kiện đó.

Thừa nhận đứa trẻ bên trong bạn hầu hết chỉ liên quan đến việc ý thức và chấp nhận những điều đã khiến bạn đau đớn thời thơ ấu. Suy ngẫm về những nỗi đau này sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc hơn tác động của chúng.

2. Lắng nghe tiếng nói của đứa trẻ bên trong bạn

Sau khi mở ra cánh cửa kết nối với đứa trẻ bên trong bạn, điều quan trọng là bạn phải tích cực lắng nghe những cảm xúc đang xâm nhập chính mình.

Egel giải thích: “Những cảm giác này thường xuất hiện trong những tình huống kích thích cảm xúc mạnh, sự khó chịu hoặc vết thương cũ.”

Bạn có thể sẽ cảm thấy:

– Tức giận vì những nhu cầu không được thỏa mãn;

bị bỏ rơi hoặc chối bỏ;

– Bất an;

– Dễ bị tổn thương;

– Tội lỗi hoặc xấu hổ;

– Lo lắng.

Nếu có thể hồi tưởng những cảm giác này trở lại các sự kiện cụ thể thời thơ ấu, bạn sẽ nhận ra một điều: những tình huống tương tự trong cuộc sống trưởng thành cũng “kích hoạt” các phản ứng tương tự.

Ví dụ: Vợ/ chồng bạn đột nhiên trở nên bận rộn với công việc và không có thời gian cho buổi tối vui vẻ mà bạn đã lên kế hoạch. Mặc dù bạn biết họ muốn dành thời gian cho bạn, nhưng bạn vẫn cảm thấy bị bỏ rơi và thất vọng. Hệ quả là bạn có thể hành động rất “trẻ con”, như bước rầm rầm vào phòng và đóng sầm cửa lại.

Hình dung lại những gì đã xảy ra qua “lăng kính” của đứa trẻ bên trong sẽ mang lại cho bạn cái nhìn sâu sắc về chính mình.

Tình huống trên đây cũng giống như khi bố mẹ bạn hủy kế hoạch đi chơi, không tổ chức sinh nhật cho bạn – với lý do quá bận rộn.

Lắng nghe tiếng nói của đứa trẻ bên trong bạn, đón nhận những cảm xúc đó bằng cả tâm hồn. Xác thực nỗi đau mà bạn đã trải qua là bước đầu tiên để vượt qua nó.

3. Thể hiện tình yêu bản thân

Được yêu thương là nhu cầu chung của tất cả trẻ em. Để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn, điều quan trọng là bạn phải thể hiện được mình yêu bản thân nhiều như thế nào.

Hãy hồi tưởng lại chính bạn khi mới 5, 6 hoặc 8 tuổi. Bạn thích làm gì vào thời điểm đó? Bạn đã mơ ước và hy vọng điều gì? Bạn muốn lớn lên trở thành người như thế nào? Bạn muốn có được những trải nghiệm gì?

Đứa trẻ đó vẫn là một phần của bạn, và nó xứng đáng nhận được tất cả tình yêu thương vô điều kiện trên thế giới này. Hãy chắc chắn rằng đứa trẻ bên trong của bạn biết điều đó.

Một cách đơn giản là nhìn vào gương mỗi tối trước khi đi ngủ và nói, “Tôi rất vui vì hôm nay bạn đã …”. Hoặc bạn có thể nhắm mắt lại, hồi tưởng lại bản sao của chính mình lúc bé – và tưởng tượng ra cảnh bạn đang nói điều tương tự với đứa trẻ đó.

4. Viết một lá thư

Bạn có thể viết về những kỷ niệm thời thơ ấu dưới góc nhìn của người lớn – để từ đó đưa ra cái nhìn/ lời giải thích cho những hoàn cảnh đau buồn mà bạn đã không thể hiểu được ở thời điểm đó.

Có thể bạn đã không hiểu tại sao anh trai luôn hét vào mặt bạn và đập phá đồ chơi của bạn – phản ứng tự nhiên của bạn khi ấy là sợ hãi và né tránh anh trai. Nếu bây giờ, bạn nhận ra rằng chính anh trai của bạn cũng từng trải qua nhiều năm tháng bị bắt nạt và lạm dụng, thì rõ ràng – thái độ của anh với bạn không phải không có cơ sở. Chia sẻ điều này với đứa trẻ bên trong bạn sẽ phần nào xoa dịu những nỗi đau ngày ấy.

Viết ra những điều này thành một lá thư – chính là cơ hội để bạn tự trấn an và xoa dịu chính mình. Hãy tự đặt cho đứa trẻ bên trong bạn những câu hỏi như:

– Bạn cảm thấy thế nào?

– Tôi có thể hỗ trợ bạn bằng cách nào?

– Bạn cần gì ở tôi?

– Suy ngẫm những câu hỏi này sẽ giúp bạn tìm thấy câu trả lời – tuy có thể sẽ mất một thời gian trước khi đứa trẻ bên trong bạn cảm thấy an toàn và sẵn sàng bày tỏ.

5. Thực hành thiền định

Sau khi tự vấn đứa trẻ bên trong bạn, thiền định là phương pháp tuyệt vời để tìm thấy câu trả lời cho chính bản thân.

Thông qua thiền định, bạn sẽ có cơ hội tăng cường nhận thức về bản thân, thực hành chánh niệm (mindfulness), nhận thức và học cách chấp nhận những cảm xúc hằng ngày.

Trẻ em thường gặp khó khăn khi nói về những cảm xúc không thoải mái – đặc biệt nếu chúng được nuôi dạy trong những môi trường không khuyến khích thể hiện bản thân. Trẻ có thể kìm nén hoặc chôn vùi những cảm xúc này – để tránh bị trừng phạt, hoặc để được khen ngợi là biết tự chủ.

Cảm xúc, dù tích cực hay tiêu cực, đều cần được trải nghiệm và thể hiện. Những cảm xúc bị kìm nén cuối cùng cũng sẽ xuất hiện, và thường sẽ gây ra những hậu quả xấu sau đó.

Thiền định giúp bạn sẵn sàng đón nhận cảm xúc cá nhân – đồng thời thể hiện những cảm xúc đó một cách lành mạnh. Đây là cơ sở để bạn từ đó học cách chữa lành đứa trẻ bên trong bạn.

6. Viết nhật ký

Viết nhật ký là phương pháp tuyệt vời để vượt qua những trải nghiệm khó khăn hoặc gây rối loạn cảm xúc.

Nếu như việc viết nhật ký giúp bạn nhận ra những khuôn mẫu trong cuộc sống mà bạn muốn thay đổi – thì tương tự vậy, việc ghi nhật ký từ quan điểm của đứa trẻ bên trong sẽ giúp bạn nhận ra những thói quen vô ích hình thành từ thời thơ ấu.

Điều quan trọng khi viết nhật ký là đặt con người hiện tại của bạn sang một bên – và để cho đứa trẻ bên trong bạn được lên tiếng. Hãy thử chụp ảnh hoặc thực hành một bài tập hình dung ngắn gọn – để có thể hồi tưởng lại cảm giác của bạn ở một thời điểm cụ thể trong quá khứ.

Một khi đã sẵn sàng, hãy viết ra một vài kỷ niệm và bất kỳ cảm xúc nào khiến bạn liên tưởng đến những kỷ niệm đó. Cố gắng không suy nghĩ quá sâu về những gì bạn đang viết. Chỉ cần để “hồn tràn ra đầu ngọn bút”. Bằng cách này, bạn sẽ có thể “chạm tới” tận cùng nỗi đau của đứa trẻ bên trong bạn.

7. Hồi tưởng lại niềm vui tuổi thơ

Tuổi trưởng thành chắc chắn đi kèm với nhiều trách nhiệm – thế nhưng, bạn cũng đừng quên thư giãn và vui chơi để duy trì sức khỏe cảm xúc tốt.

Nếu thời thơ ấu của bạn thiếu đi những ký ức tươi đẹp, việc trở lại là đứa trẻ ngày nào – và dành thời gian vui chơi sẽ phần nào chữa lành nỗi đau vì đã không được tận hưởng cuộc sống trọn vẹn nhất có thể.

Hãy tận hưởng những thú vui nhỏ nhoi, như ăn một cây kem sau khi đi dạo, chơi trò chơi với bạn đời/ con cái, chia sẻ những khoảnh khắc vui tươi với bạn bè…

Dù bạn làm gì, thường xuyên dành thời gian để cảm thấy vui vẻ và sảng khoái trong cuộc sống là chìa khóa “khơi dậy” những cảm xúc tích cực của tuổi trẻ.

8. Giữ mối dây kết nối

Một khi đã kết nối với đứa trẻ bên trong bạn, đây là lúc để bạn “nuôi dưỡng” nhận thức mới này và tiếp tục lắng nghe tiếng nói của đứa trẻ đó.

Không chỉ để hiểu rõ hơn những khó khăn trong quá khứ, bạn cũng sẽ học được cách trở nên tự chủ và vui tươi hơn, sẵn sàng đón nhận những “món quà” mỗi ngày của cuộc sống.

Hòa hợp với đứa trẻ bên trong bạn là cơ sở hoàn thiện nhận thức về bản thân, tăng cường sự tự tin và tạo động lực cho chính bạn. Hãy tiếp tục lắng nghe, thể hiện tình yêu thương, cũng như nỗ lực chữa lành những “vết thương” còn đó của quá khứ.

9. Tỏ ra nhẫn nại

Một điều mà tất cả trẻ em đều cần đến từ những người xung quanh là sự kiên nhẫn. Trẻ luôn trong tình trạng học hỏi – và quá trình này luôn đi kèm với những sai lầm.

Sai lầm là một phần tự nhiên của quá trình học tập. Vì vậy, nếu bạn đã từng tức giận/ thất vọng với bản thân vì những sai lầm đã mắc phải trong quá khứ, hoặc nếu bạn cảm thấy buồn vì không thể tiến xa hơn trong cuộc sống/ sự nghiệp, hãy tỏ ra kiên nhẫn hơn với chính mình.

Để đạt được mục tiêu thường mất nhiều thời gian hơn bạn mong muốn – thực tế, phần lớn chúng ta đều đặt thời hạn hoàn thành mục tiêu, mà không thực sự ý thức về những yêu cầu cần thiết cho quá trình này.

Nếu bạn đang cố gắng hết sức, hãy kiên nhẫn với chính mình. Bạn có thể sẽ phải tìm hiểu thêm thông tin, phát triển thêm kỹ năng và mối quan hệ mới nhiều hơn những gì bạn nghĩ.

10. Khẳng định tích cực

Những thành công nhỏ sẽ mang lại cho bạn sự tự tin – để từ đó dẫn đến nhiều thành công hơn. Thay vì nói những câu như “Chết tiệt” hoặc “Tôi không thể làm điều này” – điều mà hầu hết mọi người hay làm – hãy học cách thường xuyên nói ra những điều tích cực hơn.

Theo TS. Jack Canfield, Mike Tyson từng chia sẻ với ông bí quyết thành công của anh – đó là thực hành khẳng định tích cực hàng ngày, mỗi khi tập luyện cho các trận đấu quyền anh.

Mỗi ngày, trên mọi phương diện, tôi ngày càng trở nên tốt hơn. Đối với bản thân TS. Canfield, ông cũng thực hành tự kỷ ám thị trong suốt cuộc đời – bất cứ khi nào mắc phải một sai lầm nào đó.

Lấy ví dụ, khi trở về nhà từ Thái Lan – sau khi nói chuyện với Mike Tyson, ông đã vô tình lên sai chuyến bay – vì đã hiểu nhầm chuyến bay số 33 thành cổng số 33.

Thay vì tự trách bản thân về sai lầm đó, ông chỉ đơn thuần nói: “Ồ, vui quá,” đi đến quầy dịch vụ gần nhất để đặt lại vé máy bay.

Ông đã tốn mất 12 giờ do sai lầm ngớ ngẩn đó, nhưng tự trách bản thân thì có ích gì? Là con người, ai trong chúng ta cũng có lúc phạm sai lầm.

11. Chấp nhận sự không hoàn hảo

“Đừng cố gắng tự sửa đổi bản thân! Không ai là hoàn hảo cả.” Steve Maraboli

Thông thường, thái độ tự ti với bản thân xuất phát từ kỳ vọng quá lớn của cha mẹ dành cho bạn khi còn bé – và khi trưởng thành, phản ứng của bạn là tự đặt ra cho mình những kỳ vọng tương tự.

TS. Jack Canfield chia sẻ: trước đây ông từng gặp một cô gái tốt nghiệp đại học hạng 2 – một thành tích vô cùng đáng nể. Nhưng bạn có biết cha cô ấy đã nói gì với cô trong lễ tốt nghiệp không? Điều duy nhất ông lặp đi lặp lại với con gái suốt cả ngày là: “Tại sao con không đạt được hạng nhất?”.

Khi để cho những tiêu chuẩn và kỳ vọng đó trở thành một phần của chính mình, bạn sẽ phải sống trong căng thẳng và lo lắng thường xuyên. Thông thường, bạn sẽ hiếm khi cảm thấy hài lòng với bất kỳ điều gì mình làm. Hệ quả là bạn bị ám ảnh bởi một thứ chủ nghĩa hoàn hảo gây khó chịu với những người xung quanh – hoặc ngược lại, bạn không dám chấp nhận rủi ro cần thiết để thành công, với lý do sợ thất bại.

Chẳng có hệ quả nào trên đây là đáng vui mừng cả. Để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn, điều quan trọng là bạn phải học cách “vượt qua” những niềm tin thời thơ ấu này.

12. Tha thứ cho bản thân

Tất cả chúng ta – tại một thời điểm nào đó – đều đã cảm thấy xấu hổ, tức giận hoặc buồn bã về một điều gì đó mình đã làm/ không làm trong cuộc sống.

Nhưng quá khứ là quá khứ, và phạm sai lầm là cách để bạn học hỏ và phát triển! Vì vậy, dù bạn đã làm/ không làm điều gì, hãy tỏ ra rộng lượng với bản thân. Bạn đã cố gắng làm tốt nhất có thể vào thời điểm đó.

Hãy bước đi thôi – và đừng để quá khứ tiếp tục ám ảnh bạn mãi.

Let it go Hãy bước đi thôi Mặc kệ nó

13. Động viên chính mình

Sự động viên là điều mà tất cả trẻ em đều khao khát. Trẻ cần biết rằng ai đó luôn tin tưởng rằng chúng có những năng lực cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.

Vì vậy, hãy cho đứa trẻ bên trong bạn biết rằng: nó có khả năng hoàn thành bất cứ điều gì mà nó có thể tưởng tượng ra. Và sự thật đúng là như thế.

Niềm tin là chìa khóa giúp bạn hiện thực hóa ước mơ. Bạn chỉ cần thực hiện theo từng bước để biến mơ ước thành hiện thực – và không bao giờ bỏ cuộc. Đó là lý do tại sao sự động viên lại quan trọng như vậy.

14. Dành thời gian vui chơi

Vui chơi là cách trẻ em học hỏi, phát huy trí tưởng tượng và tìm hiểu thế giới. Hãy đảm bảo rằng đứa trẻ bên trong bạn có cơ hội được VUI VẺ trong cuộc sống.

Chú ý đến những điều khiến bạn thích thú – và làm những việc đó thường xuyên hơn. Hãy để niềm vui trở thành “kim chỉ nam” dẫn bạn đến với cuộc sống hằng yêu thích. Khi làm những gì mình yêu thích, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi – trái lại, niềm vui sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn trong công việc.

15. Tìm đến với coaching

Những trải nghiệm trong quá khứ có thể gây ra rất nhiều đau khổ. Huấn luyện (coaching) và khai vấn (mentoring) mang lại một không gian an toàn để bạn làm chủ cảm xúc, nhận ra phương thức chữa lành đứa trẻ bên trong bạn.

Hơn ai hết, các huấn luyện viên hiểu rõ những trải nghiệm thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, các mối quan hệ và sức khỏe tổng thể của bạn như thế nào. Nếu bạn muốn khám phá quá khứ và tìm hiểu đứa trẻ bên trong, hãy tìm đến một chuyên gia life coaching/ coaching tâm lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực.

***

LỜI KẾT

Khi các nhu cầu về tình yêu, sự công nhận, khen ngợi và các khía cạnh tình cảm khác không được đáp ứng trong thời thơ ấu, thì những tổn thương đó sẽ có thể kéo dài trong suốt cuộc đời trưởng thành của bạn. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn học cách chữa lành đứa trẻ bên trong bạn, thể hiện cảm xúc lành mạnh, yêu bản thân và mọi người xung quanh hơn.

(Nguồn ITD)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *