CẨN THẬN VỚI LỜI KHUYÊN, VÌ TƯỞNG TỐT NHƯNG HOÁ RA TẠO NGHIỆP

TH1: Chị ơi, em nghe nhiều người khuyên là làm việc nên nhảy liên tục thì mới học hỏi được nhiều kinh nghiệm để công việc được thăng tiến. Nhưng em nhảy cả chục công ty rồi mà cũng chẳng thấy thăng tiến gì, trái lại em càng ngày càng mệt mỏi và chán nản hơn chị ạ!

TH2: Chị ơi, em nghe nhiều người khuyên là làm việc nên ổn định một chỗ thì mới có cơ hội được thăng tiến đi lên, kiểu như làm càng lâu là sẽ càng có nhiều kinh nghiệm nên sẽ được cấp trên cân nhắc đề bạt, bổ nhiệm vị trí cao hơn. Nhưng em làm ở một công ty cả chục năm nay rồi mà vị trí em vẫn “ổn định” một chỗ, trong khi những người mới vào ít tuổi hơn em, ít kinh nghiệm hơn em thì lại được bổ nhiệm vị trí cao hơn em chỉ sau một thời gian làm việc ngắn. Em thật sự cảm thấy bất công và chán nản quá chị ạ!

Bạn đọc 2 chia sẻ trên có cảm thấy giống với những người đi làm và đang bị mắc kẹt bởi 2 luồng lời khuyên trái chiều như trên không ạ?

Thật ra, để công việc được phát triển sẽ không hề khó nếu như mình biết cách. Không phải cứ vào làm công ty to mình sẽ thăng tiến hay vào làm công ty nhỏ thì mình sẽ thụt lùi; cũng không phải nhảy việc liên tục hay ngồi mãi một nơi thì công việc mình mới được hanh thông. Điều quan trọng nhất là môi trường làm việc và khả năng nội lực của mình có phù hợp hay không mà thôi.

Lấy ví dụ:

Một người có thể được xem là nhân viên bình thường ở công ty A. Nhưng khi sang công ty B, người đó lại có thể là nhân viên xuất sắc. Lý do là gì?

– Nếu công việc cùng là chuyên môn, thì nguyên nhân là do môi trường công ty.

– Nếu công việc khác chuyên môn, thì nguyên nhân là do người đó được phát huy đúng sở trường.

Cũng giống như câu chuyện con khỉ với cái ao và cái cây. Nếu thả con khỉ xuống cái ao, nó sẽ bơi không tốt, nhưng nếu thả lên cái cây, nó trèo rất tốt.

Vậy nên, muốn phát triển được công việc, thì điều đầu tiên là hãy tìm hiểu về bản thân, quan sát và khám phá bản thân xem mình có tố chất gì nổi trội. Điều này cũng giống như việc xác định trước mình là con cá hay con khỉ, rồi sau đó hãy đi tìm cái ao hay cái cây cho phù hợp.

Có những con khỉ, 30 năm mải lo học bơi, thi bơi rồi thất bại khi làm huấn luyện viên bơi thì điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Bởi vì bơi không phải sở trường của con khỉ, và nó đã mệt mỏi, chán nản với việc bơi lội này lắm rồi nhưng nó cũng không biết phải làm gì ngoài việc phải cố gắng tiếp tục bơi.

Và nếu như, có ai đó nói với con khỉ rằng “Này khỉ, mày là khỉ và việc của mày là hãy trèo cây chứ không phải bơi như thế!” thì liệu rằng con khỉ có tin nó là khỉ và nó có khả năng trèo cây tốt hay không? Mà việc con khỉ có tin hay không tin là tuỳ vào nó, chứ chả ai có thể khiêng nó lên cây được cả.

Rồi ví dụ,

Con khỉ tin nó là khỉ, nó tới cái cây, làm sao nó leo lên cây được ngay cớ chứ? Vì trước giờ nó chưa hề leo. Vậy thì, nó phải học lại cách leo cây từ đầu.

Rồi người ta nhìn vào, chỉ trỏ “Con khỉ già đúng là ngu ngốc, tự nhiên giờ đổ tiền đi học leo cây, trong khi bao nhiêu năm nay vẫn đang bơi ngon lành”. Mà thật ra, việc bơi có ngon lành hay không thì tự nội tâm con khỉ biết, người ngoài cũng chỉ là đang nhìn thấy bên ngoài và so sánh nó với những con khỉ khác cũng đang ngụp lặn dưới cái ao mà thôi”.

Người ta cứ mãi lặp đi lặp lại cụm từ “Con khỉ già ngu ngốc” thì thử hỏi niềm tin của con khỉ có bị bào mòn hay không chứ? Mà suy cho cùng, niềm tin đó có bị bào mòn hay không thì cũng là tuỳ thuộc vào bản lĩnh, nội lực, sự quyết tâm và kiên định của nó.

Con khỉ nếu mà đánh mất niềm tin thì sẽ không chịu nổi, nản chí bỏ học leo cây thì sớm muộn gì cũng quay lại cái ao, rồi nó sẽ tự chấp nhận mình là “con khỉ già ngu ngốc” đúng theo những gì mà người ta đã nói về nó.

Con khỉ nếu mà giữ vững được niềm tin thì sẽ vượt qua được, nó dần dần biết cách leo cây và leo cây mỗi ngày mỗi tốt hơn. Đến khi đó, người ta sẽ bảo “Con khỉ già đúng là số hên”.

Thời buổi giờ,

Người muốn thay đổi bản thân có rất nhiều. Nhưng phần lớn là thường muốn đi theo quy trình dễ dàng, nhanh chóng, ít tốn sức và đạt kết quả cao. Ít ai chấp nhận rằng “Không có con đường tắt, chỉ có con đường đúng”. Và cũng chính vì nắm bắt được tâm lý này, nên từ đó phát sinh ra nhiều “chuyên gia cho lời khuyên”.

“Chuyên gia cho lời khuyên” cũng có nhiều cấp độ:

– Chuyên gia biết gì nói đó.

– Chuyên gia học bề nổi.

– Chuyên gia học chiều sâu.

– Chuyên gia học bề nổi + thực hành không tới.

– Chuyên gia học bề nổi + thực hành đến nơi đến chốn.

– Chuyên gia học chiều sâu + thực hành không tới.

– Chuyên gia học chiều sâu + thực hành đến nơi đến chốn.

Biết không tới, nói tầm bậy, gieo nghiệp.

Nghe không tới, đồn tầm bậy, gieo nghiệp.

Và đó là cái giá cho “những chuyên gia cho lời khuyên” và “những người đi rao tin đồn” mà không có sự hiểu biết đến nơi đến chốn.

Hãy cẩn thận với lời khuyên, vì tưởng tốt nhưng hoá ra tạo nghiệp.

———

Trương Vĩnh Thị Lê Hằng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *