Nếu như một tiểu hành tinh không đâm sầm vào Trái Đất hồi 66 triệu năm trước khiến khủng long bị quét sạch, liệu loài vật khổng lồ có cơ hội tiếp tục hiện diện trên Trái Đất ngày nay?
Hồi 66 triệu năm trước, một tiểu hành tinh với đường kính 15km đâm sầm vào Trái Đất với một lực tương đương với khoảng 10 tỷ quả bom Hiroshima, xóa sổ toàn bộ các sinh vật có trọng lượng trên 25kg; thực tế là khoảng 75% tất cả các chủng loài đã bị tuyệt chủng.
Nhưng nếu tiểu hành tinh đó bay trật mục tiêu hoặc đến sớm hơn, hoặc muộn hơn vài phút thì sao?
Các nhà khoa học này, trong đó có nhà địa chất học Sean Gulick thuộc Đại học Texas, cho rằng nếu tiểu hành tinh này chỉ đến sớm hoặc muộn hơn mấy khoảnh khắc, thay vì va vào vùng nước nông của bán đảo Yucatan ở Mexico, nó có lẽ sẽ lao sâu xuống vùng biển Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương, khiến lực tác động bị giảm và hạn chế việc phóng thích lưu huỳnh làm nghẽn bầu khí quyển trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.
Nếu điều đó xảy ra, thảm họa vẫn xảy ra và nhiều loại sẽ tuyệt chủng, nhưng một số loài khủng long lớn hơn biết đâu đã có cơ hội sống sót?
Và nếu vậy thì liệu những loài khủng long mới nào đã có thể xuất hiện? Liệu khủng long có phát triển trí thông minh giống con người? Động vật có vú liệu có trở nên loài kém ưu việt hơn? Con người liệu có tìm cách tồn tại song song với chúng như đã được miêu tả trong bộ phim năm 2015 của Disney – Chú khủng long tốt bụng?
Giả sử khủng long đã vượt qua được vài trăm nghìn năm qua, và sống cùng với con người, liệu chúng có thể sống sót cho đến ngày nay không?
Câu trả lời có vẻ là có. Nhưng cũng như khi con người săn bắt voi ma mút và quần thể động vật lớn khác đến tuyệt chủng, sự tăng trưởng dân số và công nghệ săn bắt của chúng ta chắc hẳn sẽ tiêu diệt phần lớn số lượng khủng long khi con người chúng ta dàn trải khắp toàn cầu.