THƯƠNG THÌ NÊN HIỂU

Fb Nguyễn Tiến Long

Vừa thấy tôi đến, ông mừng quýnh, loay hoay mở cổng một hồi. Tôi ôm ông mừng rỡ như những ngày ở quê hương. 

– Bác buồn quá con à ! Nghe theo con trai, giờ vô ở đây ri đây. Con nhớ thường xuyên đến chơi với bác cho vui nhé ! Ông nói rồi nhìn xa xăm, đôi mắt đùng đục, khuôn mặt khắc khổ nửa trách nửa buông xuôi. 

– Tôi nhìn ông không biết phải an ủi thế nào cho ông vơi bớt nỗi niềm. Như sực nhớ ra ngày xưa ông hay uống rượu đế và hút thuốc lá tuy không nhiều nhưng là 2 món thân thiết của ông. Tôi vội nói : Để con đi kiếm xị rượu về bác cháu mình lai rai chờ vợ chồng Thanh về nhé. 

– Ông sốt sắng và nhanh nhảu ngay: Được đó con, nhớ mua luôn bác gói thuốc lá nhé. Ở đây chắc kiếm thuốc rê không ra đâu hỉ. Chúng có cho bác dùng đâu. Tranh thủ bác cháu làm tí cho vui chứ lát tụi nó về la om sòm hết. 

– Tôi nói khích lệ cho ông an tâm: Có con đây chúng không dám nói đâu, lâu lâu dùng tí giải mỏi, giải sầu chết chóc gì đâu. 

Tôi quay về với 1 chai rượu vodka Hà Nội, gói thuốc Hero, vài khô mực và ít thịt gà trộn rau răm, món mà ở quê tôi ai cũng thích. 

– Khề khà vài chung nhỏ, ông hoạt bát hẳn lên. Ông bắt đầu kể chuyện huyên thuyên không khác chi ngày còn ở quê. 

Ông mất bà nhiều năm trước, nuôi bạn tôi thành tài như ngày hôm nay. Ở quê, tôi hay đến nhà bạn chơi, ở lại thân thiết nên ông xem như người nhà. Ông làm mấy sào ruộng, lúc nông nhàn thì đan rổ, làm vườn rất giỏi. 

Sau đó chúng tôi ra trường vào nam lập nghiệp. Thanh cũng có gia đình, công việc ổn, định cư luôn trong này. Nhiều lần  về quê thấy cha sống một mình đơn chiếc nên anh áp lực cho ông bán nhà vào ở với con cháu để tiện chăm sóc cho ông. Ngày vào nam, nước mắt chảy trên khuôn mặt ông già 70 tuổi. Ra thắp hương mộ bà, ông lẩm nhẩm gì đó như là hứa hẹn ngày trở về bên bà. Ông chu đáo mua luôn huyệt mộ bên cạnh bà để dành hậu sự. 

Bán nhà được một số tiền ông đưa luôn cho con đổi căn nhà rộng hơn. Nhưng lúc vào ở khoảng 2 tuần là ông thấy mình sai lầm lớn. Không phải con cái đối xử không tốt nhưng cả ngày chúng đi làm, 2 đứa cháu thì đi học suốt.  Kéo cửa lại, ông ở trong 4 bức tường nhà cô độc. Chúng hay dặn dò ông không được mở cửa cho bất kì người lạ nào. Ở đây cướp, giết, trộm cắp…cứ như mở cửa ra là dễ gặp nên ông không dám đi đâu. Nhiều lúc muốn sang hàng xóm cũng không quen, không cùng trang lứa, đường thì xe chạy bất kể ngày đêm, coi tivi cả ngày cũng chán. 

Rít một hơi thuốc sảng khoái ông cười buồn:

– Ở quê, chiều chiều có mấy ông bạn già tâm sự với nhau, khi cốc rượu, điếu thuốc, người khỏe re. Ở đây bác muốn bệnh. Rảnh cháu qua chơi với bác nhé. Nhìn ông tôi thương quá nhưng chỉ biết an ủi ông giữ sức khỏe vui với con cháu. 

Có tiếng chuông cổng reo ting ting. Ông ra mở cổng.

– Vợ của Thanh chở con học về trước. Vào nhà chị chào tôi vui vẻ nhưng nhìn lên bàn thấy chai rượu và gói thuốc, chị nghiêm mặt:  Ba mà cứ uống rượu với hút thuốc lá là không được. Đổ bịnh xuống là khổ vợ chồng con. Ba muốn ăn gì, uống gì trong tủ lạnh nhà mình không thiếu.

– Nhìn ông buồn rượi, mặt xụ xuống lặng thinh. Tôi đỡ lời : Bác cháu uống 1, 2 cốc cho vui, 1 vài điếu thuốc không sao đâu em. Ở quê, bác cũng lai rai mà, thói quen thôi. Thanh cũng nên lâu lâu lai rai với bác cho đỡ buồn chứ.

– Chị ta cau mặt: Rượu, thuốc lá hàng năm giết chết hàng trăm ngàn người. Ít cũng không nên dùng ba à, ba không khỏe như hồi thanh niên được. Nhà lại có trẻ nhỏ, khói thuốc cũng có hại không kém đâu. Quay sang tôi chị nói :  Anh muốn nhậu lát nữa anh Thanh về thì nhậu với ảnh chứ ba em không được. Già rồi giữ sức khỏe sống với con cháu. Ông nhìn tôi buồn hiu lắc đầu.

– Tôi cũng không biết nói gì hơn nhìn ông im lặng, trong lòng thương ông quá nhưng là chuyện của gia đình riêng khó nói được.

Ngày ở quê ông khỏe lắm, cởi trần trùng trục, việc gì ông làm cũng nhanh nhẹn, xốc vác. Vậy mà chỉ mấy tháng vào ở với con trông ông xuống cấp hẳn dù ông không thiếu thứ gì như vợ chồng Thanh nói. 

– Ông nói vu vơ với tôi vài câu, rồi giấu nỗi buồn sau đôi mắt mệt mỏi, già nua. Ông bảo tôi ngồi chơi chờ Thanh về, rồi ông đi vào trong phòng nằm, mang theo nỗi niềm rưng rưng. 

Chờ lâu quá,Thanh chưa về. Tôi cáo từ ra về mà lòng cứ ray rứt, thương ông quá, phải chi ông ở ngoài quê dù có 1 mình tuổi già cũng vui biết mấy. Giờ vào đây đến 1 cốc rượu, 1 điếu thuốc cũng bị quản như thế, tồn tại trong 4 bức tường thì còn ý nghĩa gì nữa. 

Bẵng đi 2 tháng sau, tôi lu bu công việc chưa ghé lại chơi với ông được, Thanh gọi điện báo ba mất rồi. Tôi thảng thốt hỏi ông bệnh gì mà đột ngột vậy. Trước 2 tháng ông còn khỏe mà. – – – -Thanh nghẹn ngào : Mình không biết nữa, gần đây ông không chịu ăn uống gì nhiều. Đưa ông đi bệnh viện khám cũng không có gì nghiêm trọng. Không hiểu sao tối qua ông ngủ rồi đi luôn. 

Tôi cố ngăn 2 dòng nước mắt chực trào ra. Thương sự cô độc trong ông khi sống cùng con cháu.  Cuộc sống thị thành, cái tình người đều gác lại cho mưu sinh và nguyên tắc nên ông ra đi như sự giải thoát mà sao day dứt quá. Tình thương, báo hiếu cho cha mẹ là việc phải làm nhưng nên hiểu tâm lý người già. Chúng ta đừng tước đi thói quen, niềm vui nho nhỏ của họ để khỏi ân hận khi họ vĩnh viễn ra đi. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *