PHƯƠNG PHÁP ELC- BẠN ĐÃ BIẾT HỌC ĐÚNG CÁCH?

Nghiên cứu chỉ ra rằng, bạn chỉ có thể tiếp nhận và ghi nhớ chưa đến 20% những gì được học nếu chỉ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Con số này có thể lên tới 75% nếu bạn chủ động học-hành và sẽ tăng lên một cách tối đa nếu bạn học thông qua việc làm.

Với kinh nghiệm mình đúc kết sau hơn 10 năm học và giảng dạy ngoại ngữ, thành thạo 3 thứ tiếng (Nga, Anh, Trung), mình sẽ chia sẻ về phương pháp ELC- khá hiệu quả để bạn áp dụng trong việc học bất cứ thứ gì đặc biệt là ngôn ngữ.

  1. Phương Pháp ELC Là Gì?

EXPERIENTIAL LEARNING CYCLE (ELC), là phương pháp học bằng trải nghiệm được phát triển dựa trên phát minh về phương pháp học của Tiến sĩ tâm lý xã hội học Đại học Harvard David A. Kolb vào năm 1984. Phương pháp này dựa trên mô hình Kim tự tháp học tập, trong đó thể hiện phần trăm hiệu quả ghi nhớ kiến thức và ứng dụng của người học của các hình thức đào tạo khác nhau.

  • Trải nghiệm (Experience)
  • Phản ánh và đối chiều (Reflect)
  • Rút ra quy luật (Conceptualize)
  • Áp dụng lại (Apply)

Tức là học tập hiệu quả được nhìn thấy khi một người tiến bộ qua một chu kỳ gồm bốn giai đoạn: (1) có trải nghiệm cụ thể, tiếp theo là (2) quan sát và suy ngẫm về trải nghiệm đó, dẫn đến (3) hình thành các khái niệm trừu tượng (phân tích) và khái quát hóa (kết luận) sau đó (4) được sử dụng để kiểm tra một giả thuyết trong các tình huống tương lai, dẫn đến những trải nghiệm mới.

Thông thường, giáo dục tại nước ta đang khiến tư duy theo lối mòn và đi ngược lại so với quy luật hình thành và phát triển tư duy, tiếp nhận trên: Chúng ta học quy luật (Conceptualize) sau đó đi luyện tập bằng giải quyết các bài toán trong sách. Như vậy chúng ta đang tiếp thu kiến thức một cách thụ động và não bộ không được kích thích về mặt trải nghiệm-kinh nghiệm đúc kết nên dễ gây ra tình trạng chậm tiếp thu hoặc quên những kiến thức đã được học một cách rất nhanh.

Vậy nên, khi tự học một ngôn ngữ mới hay hướng dẫn các bạn học viên của mình học ngôn ngữ, thay vì việc quăng cho một đống lý thuyết rồi một tập đề để luyện tập, việc đầu tiên mình cho các bạn đọc, nghe, xem,.. thật nhiều các nội dung mà các bạn thấy hứng thú, sau đó ghi nhớ và đối chiếu những từ vựng, mẫu câu các bạn mới chỉ đoán nghĩa chứ chưa thực sự hiệu rõ thông qua tra cứu hoặc thảo luận và sau đó mới đúc rút ra kinh nghiệm, lý thuyết về cách dùng và áp dụng vào những lần sau.

2. Hãy xem bản thân như một đứa trẻ khi bắt đầu học bất cứ thứ gì.

Vì sao một đứa trẻ 3 tuổi là có thể giao tiếp trong khi bạn thậm chí đã mất 12 năm mà tiếng anh mới bập bẹ. Mình biết sẽ có rất nhiều bạn khi học một ngôn ngữ hay bất cứ điều gì mới đều rất dễ nản, học giao tiếp nhưng ngại nói, sợ sai,…. Vậy nên, hiểu rộng ra của phương pháp ELC này khuyên bạn hãy “Như một đứa trẻ khi mới bắt đầu”. Bởi vì khi bạn buông bỏ mọi sự tự tin, mặc cảm sợ hãi, biết đặt mình vào môi trường sử dụng TA nhiều ( thông qua nghe/ xem/ đọc hoặc luyện tập với chính bản thân mình), luôn tò mò về mọi thứ xung quanh (Tất nhiên phải tự tìm sở thích/ cái mà bạn quan tâm, hứng thú) cũng như không sợ sai, ngại thử thì chắc chắn bản thân bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng.

3. ELC tốt nhưng không phải là tất cả

Việc bạn biết, hiểu và cảm thấy phù hợp với một phương pháp nào đó là quan trọng nhưng nên biết cách kết hợp và áp dụng nó với nhiều phương pháp khác nhau để có thể học tập hiệu quả hơn. Ví dụ học ngôn ngữ có thể dùng phương pháp ELC kết hợp với NPL, Mind map, lặp đi lặp lại, học bằng hình ảnh, tình huống,…

Và quan trọng hơn, không phải phương pháp nào cũng đúng cho tất cả mọi người. Hãy thử xem phương pháp nào phù hợp nhất với mình để áp dụng nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *