THỰC SỰ ĐÃ CÓ BAO NHIÊU CÔNG DÂN LIÊN XÔ CHẾT TRONG THẾ CHIẾN II?

Trong Thế chiến II, Liên Xô đã chịu tổn thất nhân mạng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác nhưng số nạn nhân chính xác tới giờ vẫn còn tranh cãi.

Thông tin chính thức đầu tiên của Liên Xô về thương vong trong chiến tranh đến từ miệng của Joseph Stalin năm 1946 với con số đưa ra khoảng 7 triệu người. Và đó chắc chắn 100% là con số bịp bợm.

Trên thực tế Stalin đã nhận được báo cáo thống kê ngay từ đầu năm 1946 là 15 triệu người. Giáo sư Viktor Zemskov của Viện Lịch sử Nga cho rằng Stalin rất muốn che giấu quy mô tổn thất thực sự để không thể hiện Liên Xô là một quốc gia suy yếu do chiến tranh.

Năm 1965, Nikita Khrushchev, người kế nhiệm Stalin làm lãnh đạo Liên Xô, đã đề cập đến một con số cao hơn: 20 triệu. Tới thời kỳ Leonid Brezhnev cũng giữ con số đó, nhưng đã thêm vào 'nhiều hơn 20 triệu'. Cả Khrushchev và Brezhnev đều gộp tất cả mọi người lại với nhau, không tách rời những người đã chết trên chiến trường, nạn nhân của sự chiếm đóng của Đức, những người chết đói, v.v. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, con số ước tính đã tăng trở lại. Theo các tuyên bố mới nhất mà chính quyền Nga chính thức thừa nhận, tổng thiệt hại (cả trong số binh sĩ và dân thường) lên tới 26,6 triệu người.

Năm 2015 Bộ Quốc phòng Nga tách số thiệt hại (26,6 triệu người) thành hai loại:

– Khoảng 12 triệu binh sĩ đã bị giết trên chiến trường, bị bắt (không trở về) hoặc mất tích.

– Phần còn lại (khoảng 14,6 triệu người) là thường dân đã chết trong khu vực chiếm đóng, bị buộc chuyển đến Đức (và không quay trở lại) hoặc mất mạng vì đói, bệnh tật v.v..

Mặc dù Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã kết thúc 75 năm trước, cuộc chiến tranh cãi số liệu vẫn tiếp diễn với các nhà sử học khác nhau đề xuất những cách khác nhau để đo lường số lượng tổn thất. Mặc dù tranh luận có thể kéo dài mãi mãi, nhưng có hai điều không thể phủ nhận là 1/ Liên Xô là nước có số lượng người chết cao nhất trong chiến tranh và 2/ các con số thống kê ở Liên Xô hoàn toàn có thể bị 'phù phép' vì các mục đích chính trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *