Sự kiện không may nào đã tạo nên một bước đột phá trong khoa học?

Dịch tả trên phố Broad vào năm 1854 tại quận Soho, Luân Đôn đã đánh dấu sự bắt đầu của ngành dịch tễ học và có tác động to lớn đến thế giới hiện đại ngày nay. Nó đã dẫn chúng ta tới với những thành tựu to lớn nhất của y tế cộng đồng hiện đại: sự xác nhận thuyết mầm bệnh (germ theory), và sự thiết lập nên hệ thống thoát nước thải tập trung và các tiêu chuẩn về nước. Nó cũng đã thay đổi cách nghĩ của người Luân Đôn vào thời kỳ Victoria về vấn đề vệ sinh như một lợi ích chung của tập thể xã hội, và không phải thứ dành cho các tập đoàn tư nhân.

Luân Đôn vào đầu thế kỷ 19 có sự tăng trưởng thành chóng và đã biến thành một thành phố đông đúc, ô nhiễm và dơ bẩn, không có những kiến trúc hạ tầng mà chúng ta coi là chuyện đương nhiên trong thế giới hiện đại ngày nay. Chất thải của người và động vật ngập ngụa khắp các con đường ở Luân Đôn. Không khí thì đầy bồ hóng và khói. Mùi hôi thối của phân động vật và con người trộn lẫn với mùi phân hủy của rác thải ngập trong không gian. Không khác mấy so với những thành phố lớn tại những nước nghèo ngày nay.

Hệ thống cấp nước của Luân Đôn lúc bấy giờ bao gồm các giếng nước cạn công cộng nơi mà người dân có thể tự bơm nước lên rồi đem về nhà và hàng tá công ty cung cấp nước dẫn đường ống nước từ sông Thames đến các ngôi nhà cao cấp hơn.

Hệ thống cống thải của Luân Đôn lúc đấy lại rất sơ sài, các nhà vệ sinh thường đổ chất thải vào các bể phốt hoặc các thùng chứa hơn là đổ thằng vào các đường ống dẫn chất thải. Ở khu vực trung tâm Luân Đôn và các khu vực đông dân khác, thường sẽ có các bể phốt dưới tầng hầm.

Bể phốt được xây dựng với những lỗ thông giúp phần nước thải thấm vào đất. Lúc đấy chưa có kiến thức nào về việc nhiễm khuẩn là cơ sở để lan truyền bệnh dịch. Phần chất thải rắn còn lại sẽ được múc bỏ bởi những người làm nghề dọn phốt.

Với dân số tăng lên nhanh chống, các bể phốt trở nên quá tải và chính phủ Luân Đôn lúc bấy giờ đổ hết chất thải xuống sông Thames, làm ô nhiễm cả hệ thống cấp nước. Các đường ống dẫn chất thải đồng thời cũng rò rỉ vào các giếng nước trong thành phố. Một điều kiện môi trường thích hợp để lan truyền các căn bệnh như thương hàn và dịch tả.

Đợt bùng dịch vào nửa đầu thế kỷ 19 đã giết chết 10 ngàn người. John Snow, một bác sĩ, đặt giả thuyết rằng nước nhiễm mầm bệnh là nguyên nhân của dịch tả, khác biệt với một giả thuyết phổ biến lúc bấy giờ là dịch tả bắt nguồn từ các phân tử sinh ra trong quá trình phân hủy tồn tại trong không khí (“giả thuyết chướng khí”).

Trong đợt bùng dịch năm 1848, bác sĩ Snow bắt đầu thăm khám các bệnh nhân và phát hiện ra rằng các triệu chứng ban đầu của họ luôn luôn liên quan đến hệ tiêu hóa. Ông lý luận rằng, nếu dịch tả phát tán qua đường không khí, thì các triệu chứng ban đầu sẽ xuất hiện ở hệ hô hấp, nhưng bởi vì các triệu chứng thường có liên quan đến hệ tiêu hóa, có lẽ dịch bệnh được lan truyền qua nước uống hoặc thức ăn.

Snow giả thuyết rằng tiêu chảy cấp, một đặc trứng của dịch tả, có thể là cơ chế lây nhiễm từ người này sang người khác. Nếu mầm bệnh nhiễm vào hệ thống cấp nước công cộng, căn bệnh có thể lây nhiễm đến hàng tá nạn nhân khác. Với cách nhìn nhận sâu sắc này, John Snow đã trở thành cha đẻ của ngành dịch tễ học hiện đại. Louis Pasteur mãi một thập kỷ sau mới đề xuất một giả thuyết tương tự.

Snow cũng có một quan sát xuất sắc về việc các khu dân cứ sử dụng nguồn nước từ các công ty lọc và cung cấp nước sạch thường có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Tình cờ, ông đọc được một thí nghiệm mù- đôi (double-blind) ở một trăm ngàn người. Ông tiếp tục chứng minh giả thuyết của mình một cách thuyết phục ở các nhà lao Luân Đôn, nơi dịch tả ngưng phát tán sau khi thay nguồn nước sạch hơn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, giả thuyết của ông chưa được chấp nhận rộng rãi.

Khi đợt bùng dịch tả tại phố Broad vào năm 1854 diễn ra, ông so sánh tương quan giữ tỉ lệ mắc bệnh tả với nguồn nước trong khu vực và xác định nguồn gốc của đợt bùng dịch là một giếng nước công cộng trên phố Broad. Hóa ra, một bể phốt đã bị rò rỉ vào giếng nước và bị ô nhiễm bởi chất thải của một trẻ sơ sinh mắc bệnh vào thời điểm đó.

Bơm nước bị niêm phong và việc này có thể đã dẫn đến sự chấm dứt của dịch tả tại Luân Đôn. (Một điều thú vị là, các bệnh nhân trong dịch tả năm đó được mang đến bệnh viện và chăm sóc với Florence Nightingale, một nhà cải cách xã hội và một nhà thống kê người Anh, và đồng thời là người sáng lập nên ngành điều dưỡng hiện đại. Cũng như John Snow, bà trở thành người tiên phong trong việc sử dụng đồ họa thông tin (infographics), một cách hiệu quả để trình bày số liệu thống kê.)

Bất chấp sự hoài nghi ban đầu và sự phản đối của các nhà chức trách, khám phá của John Snow cuối cùng đã dẫn đến việc xây dựng các công trình vệ sinh tốt hơn. Người dân dần dần chấp nhận rằng nhà nước có vai trò trong việc quản lý và xử lý chất thải. Đây là một trong những động lực lớn nhất dẫn đến việc cải cách vấn đề vệ sinh ở thế kỷ 19.

Sau sự kiện Dòng sông thối (The Great Stink) vào năm 1858, quốc hội nhận ra tính cấp bách của vấn đề và tiến hành xây dựng hệ thống cống thải hiện đại, thứ giúp cắt giảm rõ rệt các bệnh dịch lây nhiễm qua đường nước và giảm thiểu mùi hôi thối. Xe ngựa được thay thế bằng xe ô tô, điều này giúp giảm thiểu rõ rệt lượng chất thải rắn.

Nhà vệ sinh công cộng đầu tiên được giới thiệu bởi kỹ sư George Jennings ở sự kiện The Great Exhibition tại The Crystal Palace, trở thành triễn lãm toàn cầu lần đầu tiên tổ chức tại Hyde Park vào năm 1851. Các nhà vệ sinh công cộng sau đó bắt đầu được xây dựng ở khắp thành phố Luân Đôn.

Đạo luật Nước Đô thị(The Metropolis Water Act) năm 1852 được thực hiện nhằm “việc đảm bảo cung cấp nước tinh khiết và lành mạnh cho Thủ đô.” Theo Đạo luật, bất kỳ công ty nước nào khai thác nước để sử dụng trong sinh hoạt từ sông Thames sau ngày 31 tháng 8 năm 1855 trở nên bất hợp pháp và từ ngày 31 tháng 12 năm 1855, tất cả nước đó phải được “lọc hiệu quả”. Các đợt dịch tả ở châu u và Hoa Kỳ trong thế kỷ 19 đã chấm dứt sau khi các thành phố cuối cùng cũng đã cải thiện điều kiện vệ sinh trong cấp thoát nước.

Năm 1883, John Snow cuối cùng đã được minh oan khi một bác sĩ người Đức, Robert Koch, đã phân lập thành công vi khuẩn Vibrio cholerae, thủ phạm gây ra bệnh tả.

Mỗi khi bạn mở vòi để lấy nước sạch, hay khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng và dội nước sau đó, hoặc thậm chí khi bạn nhìn thấy các bản đồ cùng với các con số thống kê trên báo chí, hãy nhớ đến việc chúng là những đổi mới tuyệt vời thế nào đối với đời sống của chúng ta ngày nay. Nhờ vào những nhà tiên phong ở thế kỷ 19, cuộc sống chúng ta nay đã đỡ dơ bẩn và tàn khốc hơn, cũng như tuổi thọ cũng đỡ ngắn hơn ngày trước.

Theo: Khám Phá Thế Giới

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *