THÀNH PHỐ LẠNH NHẤT THẾ GIỚI

Thành phố có mùa đông lạnh nhất thế giới -64C Yakutsk 

Nhiều vùng hẻo lánh ở Nga được biết đến là những miền đất lạnh giá, ít nơi nào khắc nghiệt như Yakutia. Thủ đô của Yakutia là Yakutsk, được biết đến là thành phố lạnh nhất thế giới. Nhiệt độ lạnh kỷ lục là âm 64 độ C vào năm 1891.

Mùa đông ở thành phố bắt đầu sớm hơn so với nhiều nơi khác, với nhiệt độ trung bình vào mùa đông khoảng âm 40 độ C. Vào những ngày đầu tháng 10, nhiệt độ đã xuống dưới 0 độ C. Thời gian này, nhiệt độ ở Yakutsk hạ thấp tới mức âm 38 độ C. 

Nếu có việc phải ra đường, người dân Yakutsk phải hết sức cẩn thận để che chắn từ đầu đến chân và mặc càng nhiều quần áo càng tốt. Thứ duy nhất có khả năng giữ ấm cơ thể con người ở đây là lông thú, họ cũng không thể đeo kính vì khung kính sẽ bám chặt vào da mặt. 

Mọi chuyến đi ra ngoài đều phải tính toán cẩn thận, nghĩa là không đi đường vòng, không ngắm nghía những cửa hàng bên lề. Người dân vào mùa đông hạn chế đi bộ và thường ngồi trong ô tô, taxi tới bất kỳ nơi nào khi phải ra ngoài. Họ để ô tô nổ máy trong lúc dừng lại mua sắm, vì nếu động cơ bị đóng băng thì gần không thể khởi động lại xe. Rất nhiều khách phương xa đến Yakutsk đã không thể chụp được ảnh, vì dầu mỡ bôi trơn trên camera bị đông cứng.

Yakutsk nằm ở vùng vô cùng hẻo lánh, cách Moskva 6 múi giờ. Cách đây hai thế kỷ, một chuyến đi từ thủ đô nước Nga tới đây mất khoảng ba tháng. Ngày nay, thành phố có hai sân bay, với các chuyến bay phần lớn kết nối với sân bay tại Moskva. Dù vậy, du khách vẫn phải làm quen với tình trạng các chuyến bay thường xuyên bị hoãn, hủy do thời tiết xấu, nhiều sương mù vào mùa lạnh. 

Hầu hết du khách thường bị mắc kẹt ở Magadan, cách Yakutsk gần 2.000 m, trên đường cao tốc Kolyma. Con đường này còn biết đến với biệt danh “con đường xương người”, gợi nhớ đến hàng nghìn tù nhân đã bỏ mạng khi xây dựng công trình này dưới trời lạnh tới -50 độ C vào những năm 1930 – 1950.

Một lựa chọn khác là bạn có thể lái xe xuống đường cao tốc Lena. Tuy vậy, con đường này đã cũ, với biệt danh “con đường tệ nhất thế giới”. Lựa chọn cuối là đi bằng phà qua sông Lena, nhưng bạn chỉ có thể thực hiện điều đó vào mùa hè, khi nước chưa đóng băng. Vào mùa đông, người ta sẽ lái xe qua sông trên lớp băng dày. Vào thời điểm giao mùa, mọi nỗ lực di chuyển trên sông là vô vọng khi lớp băng chưa đủ dày cho xe ôtô đi, và không có đường rõ ràng cho những chiếc phà.

Vậy tại sao mọi người lại vẫn sống ở một nơi khắc nghiệt như vậy? Đó là vì kim cương, vàng, bạc và khí đốt cùng nhiều khoáng sản quý giá. Khu vực này rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Theo truyền thuyết của người dân địa phương, một vị thần bay vòng quanh thế giới để ban phát tài nguyên thiên nhiên. Khi bay qua vùng Yakutia, do tiết trời quá lạnh giá, đôi bàn tay của vị thần bị tê cứng và đánh rơi tất cả túi thần. 99% kim cương của Nga và 20% kim cương trên toàn thế giới được khai thác ở nơi này.

Yakutsk ban đầu chỉ là một tiền đồn quân sự nhỏ, thành lập năm 1632. Giống như nhiều thị trấn ở Siberia, nó cũng từng là nhà tù, nơi các tù nhân chính trị bị lưu đày. Vào những năm 1880, trữ lượng vàng và khoáng sản khổng lồ mới được phát hiện. Theo thời gian, Yakutsk phát triển thành thành phố với các khách sạn, rạp chiếu phim, nhà hát opera, trường đại học, và thậm chí cả một sở thú…

trong cuốn sách The Siberian Curse, tác giả Clifford Gaddy, đồng thời là viện sĩ viện nghiên cứu Brookings, Mỹ ước tính mỗi năm những chuyến vận chuyển nhiên liệu khẩn cấp cho các thị trấn Siberia tốn khoảng 470 triệu USD. Con số này sẽ ít hơn rất nhiều nếu chính phủ đưa người tới đây khai thác mỏ, thay vì để cả một thành phố hoạt động đầy đủ các chức năng trong điều kiện khắc nghiệt như vậy. Gaddy cũng cho rằng sở dĩ những vùng lạnh giá như Yakutsk vẫn tồn tại đến ngày nay và có người sinh sống là “do bản tính kiêu ngạo của người Nga và tư tưởng từ thế kỷ 19: bạn không thực sự sở hữu đất đai nếu bạn không có người sống ở đó”. 

Tuy nhiên, Amusing Planet phủ nhận quan điểm trên, và chỉ ra còn có nhiều điều về vùng đất lạnh giá nhất thế giới này mà Gaddy chưa thấy hết. Bởi, hàng nghìn năm trước khi kim loại quý chưa được phát hiện, Yakutia đã có người định cư. Người bản địa Yakut đã sống ở vùng đất này từ thế kỷ 13-14, và có khả năng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt. 

Henry Lansdell, một du khách người Anh trong thế kỷ 19, dừng chân ở Yakutsk trên đường khám phá Siberia. Anh nhìn thấy những phụ nữ Yakut bản địa không đeo găng tay, đứng ở chợ ngoài trời, trò chuyện và đùa giỡn như thể tiết trời đang là mùa xuân. Nếu bạn không sợ lạnh, Yakutsk có rất nhiều điều thú vị để khám phá như bảo tàng voi Mammoth, bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia…

Theo: Du hoc Nga 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *