TITANOBOA CERREJONENSIS – SIÊU TRĂN KHỔNG LỒ THỜI CỔ ĐẠI

Tầm 50-60 triệu năm trước, nhiều triệu năm sau cuộc đại diệt chủng đã quét sạch các giống loài khủng long to lớn vào cuối kỷ Phấn Trắng, vẫn còn có một sinh vật bò sát khổng lồ sống sót và bắt đầu tiến hóa đứng đầu hệ sinh thái ở vùng đất Nam Mỹ ngày nay và đã trở thành loài săn mồi lớn nhất và hung dữ nhất hành tinh vào thế Cổ Tân. Sinh vật ấy chính là Titanoboa cerrejonensis, hay còn được mệnh danh là loài trăn to lớn nhất mọi thời đại, cụ tổ của loài trăn khét tiếng Anaconda ngày nay.

Vào thời điểm ấy, khí hậu Trái Đất bắt đầu ấm dần lên sau cuộc đại diệt chủng của kỷ Phấn Trắng và với kích thước siêu khủng, ánh mắt sắc lẻm, bản năng săn mồi tàn độc và cực kỳ điêu luyện, có thể nói vào thời điểm ấy, hầu như không có loài vật nào đủ sức đối đầu với siêu trăn này. Titanoboa chính là loài động vật có xương sống trên cạn lớn nhất sau thời đại của các loài khủng long. Bằng cách so sánh kích thước và hình dáng cột sống đã hóa thạch của nó với cột sống của các loài rắn hiện đại, các nhà nghiên cứu ước tính rằng Titanoboa cerrejonensis dài khoảng 13 m, cân nặng khoảng 1,135 kg và rộng khoảng 1 m tại điểm dày nhất trên cơ thể nó, tức là tức là dài hơn cả một chiếc xe buýt và nặng hơn cả một chiếc xe hơi ngày nay. Các hóa thạch của 28 cá thể Titanoboa cerrejonensis đã được tìm thấy trong các mỏ than tại Cerrejón, miền Bắc Colombia vào năm 2009. Các hóa thạch này được phát hiện trong chuyến thám hiểm của một đội các nhà khoa học quốc tế dưới sự chỉ đạo của Jonathan Bloch, một nhà cổ sinh học chuyên về động vật có xương sống của Đại học Florida và Carlos Jaramillo, một nhà cổ thực vật học từ Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian ở Panama. Do rắn là động vật máu lạnh, phát hiện này hàm ý rằng khu vực nhiệt đới, môi trường sinh sống của sinh vật này khi đó phải ấm hơn so với các nhà khoa học đã nghĩ trước đó, trung bình khoảng 32 °C. Khí hậu ấm áp hơn của Trái Đất trong thời kỳ của Titanoboa đã cho phép các loài rắn máu lạnh có được kích thước to lớn hơn so với kích thước của rắn ngày nay. Con to lớn nhất trong số 28 con rắn này dài khoảng 12-15 m. Để so sánh, những loài rắn to lớn nhất còn sinh tồn ngày nay là trăn gấm (Python reticulatus) với chiều dài khoảng 9 m và trăn Anaconda xanh (Eunectes murinus) với chiều dài khoảng 7.5 m. Để dễ tưởng tượng hơn nữa thì kỷ lục thế giới hiện nay về con trăn khủng nhất đang thuộc về một con Anaconda xanh dài 11 m, nặng 500 kg, có nghĩa là Titanoboa còn dài hơn và nặng hơn nhiều so với con trăn khủng nhất thế giới hiện nay.

Những dấu tích này cũng cho phép giới nghiên cứu hiểu rõ thêm về tập tính và môi trường sống của siêu trăn Titanoboa chủ yếu là trong những khu rừng rậm rạp, hoặc những vùng đầm lầy ẩm thấp ở Colombia nói riêng và Nam Mỹ nói chung cách đây 60 triệu năm. Theo nhiều chuyên gia, lý do loài trăn này có kích cỡ khủng khiếp như vậy một phần là vì khí hậu. 60 triệu năm trước là thời điểm khí hậu rất ấm, làm tăng lượng oxy có trong không khí và khiến cho nhiều loài bò sát phát triển đột biến. Không chỉ sở hữu bộ hàm siêu to siêu khỏe cùng khung xương rắn chắc, Titanoboa còn có thể xiết chặt những con mồi tới mức tan xương nát thịt hoặc bất cứ thứ gì nó cảm thấy gai mắt chỉ trong tích tắc. Ân huệ duy nhất mà chúng ban cho con mồi trước khi nhắm mắt xuôi tay chính là cơ hội duy nhất trong đời được nghe chính tiếng xương của mình gãy răng rắc từng cái một. Theo suy đoán của các nhà khoa học, thực đơn của loài trăn khổng lồ này là những loài rắn nhỏ hơn, rùa, cá sấu khổng lồ và thậm chí cả những loài động vật có vú trên cạn. Và theo một nghiên cứu thuộc trường Đại học Florida (Mỹ), với bộ hàm cực lớn và uy lực của cú cắn được mệnh danh là “cú táp chết người”, trăn Titanoboa có thể xơi tái một con rùa khổng lồ còn nguyên mai một cách dễ dàng, trước đó con mồi có thể phải trải qua lực siết siêu khủng với áp lực gấp 10 lần loài trăn Anaconda thông thường ngày nay.

Phương thức săn mồi của chúng cũng rất linh hoạt. Không khác nào một con Anaconda ngày nay, chúng cũng dành phần lớn thời gian của mình dưới nước. Là một chuyên gia phục kích và một khi đã nhắm được con mồi, Titanoboa sẽ từ từ tiếp cận kẻ xấu số từ một vị trí không tưởng, thường là phía sau hoặc hai bên hông, rồi lao thẳng đến cùng cú táp trực diện và nhanh như cắt, rồi dùng cả thân mình to xác của mình cuộn tròn và siết chặt con mồi cho đến khi chúng tắt thở. Một điều nữa chứng tỏ sự kinh dị của Titanoboa đó là sức mạnh phi thường, cơ thể khổng lồ và bản tính hung ác, Titanoboa rất hung hăng và sẵn sàng tấn công cả bất cứ con vật nào mà chúng nhìn thấy, kể cả những loài thú có kích thước lớn hơn. Bởi vậy nên dù không có trong thực đơn của chúng, nhưng các loài vật khác cũng rất ít khi muốn chạm trán với chúng. Có thể nói, trong thời đại của mình, siêu trăn khổng lồ Titanoboa gần như không có đối thủ xứng tầm.

Vì không có đối thủ xứng tầm, nên không hề có loài động vật cạnh tranh nào khiến chúng có thể tuyệt chủng trong hàng triệu năm thống trị, ngoại trừ Mẹ Thiên Nhiên. Đầu tiên là do sự thay đổi nhiệt độ rõ rệt trên toàn bộ hành tinh chúng ta thời ấy. Điều này một lần nữa chứng minh rõ ràng cho sự liên quan giữa kích thước của các loài bò sát, khí hậu và nhiệt độ của môi trường xung quanh. Vì là loài máu lạnh nên những loài bò sát phải sống trong những vùng nước ấm, đặc biệt là những loài có kích thước cơ thể lớn như Titanoboa thì điều kiện môi trường nóng ẩm này càng phải được đáp ứng một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, vào cuối thế Cổ Tân, đã có sự biến động địa chất luân phiên làm cho nhiệt độ trung bình trên Trái Đất bắt đầu thay đổi, dẫn đến sự xáo trộn của nhiều loài động vật lớn trên cạn. Vì nhiệt độ bắt đầu giảm, làm cho những khu vực, cánh rừng nhiệt đới gần đường xích đạo trở thành nơi trú ẩn duy nhất cho các loài động vật nói chung và bò sát nói riêng. Nhiệt độ môi trường xung quanh gần như là điều kiện sống tối ưu để các loài bò sát có thể trao đổi chất, tức là điều kiện cần để chúng tồn tại và phát triển.Tuy nhiên, việc di chuyển đến những khu rừng mưa nhiệt đới mới đối với Titanoboa lại là chuyện không hề đơn giản vì kích thước cơ thể quá khủng của chúng. Trong khi loài này vẫn còn vật vã tìm phương án sinh tồn thì các loài vật khác nhỏ hơn đã di cư đến nơi khác, vô tình khiến nguồn thức ăn của chúng bị thiếu hụt trầm trọng. Nhiều người cho rằng, vào thời đó, loài thống trị to lớn này đã vô tình bị mất đi lợi thế sinh tồn so với các loài nhỏ hơn bởi lí do trên. Bằng chứng là các nhà khoa học đã tìm thấy khá nhiều hóa thạch về các loài rắn khác, nhỏ hơn vẫn có thể hoạt động và thích nghi trong điều kiện nhiệt độ môi trường thấp hơn sau khi loài Titanoboa biến mất khoảng 20 triệu năm sau đó. Rõ ràng, giả thuyết nhiệt độ bị suy giảm đã khiến số lượng loài Titanoboa bị suy giảm mạnh đang là giả thuyết nhận được nhiều sự đồng tình nhất.

Một giả thuyết khác giải thích sự tuyệt chủng của Titanoboa là do sự thay đổi môi trường sống. Khoảng 60 triệu năm trước, địa chất liên tục biến đổi, mực nước biển cũng tăng giảm không ngừng, chưa kể sự tách rời của hai mảng lục địa kiến tạo lớn khiến đất liền vắng dần các cánh rừng nhiệt đới, làm cho môi trường sống của các loài sinh vật khổng lồ như Titanoboa dần bị thu hẹp, trong khi loài này lại không kịp thích nghi với điều kiện sống mới nên đã bị đào thải dần trước khi biến mất hoàn toàn trước quy luật tiến hóa khắc nghiệt của hệ sinh thái. Sau khi Titanoboa tuyệt chủng khoảng 20 triệu năm cũng đã có thêm một siêu trăn khác là Gigantophis garstini. Chúng sống ở thế Thủy Tân ở Bắc Phi, có cơ thể ngắn cũng như là nhẹ kí hơn Titanoboa (dài gần 11 m và nặng hơn 450 kg), tuy nhiên hai loài này không có quan hệ họ hàng gì với nhau và loài này cũng đã từng nắm giữ danh hiệu loài trăn/rắn lớn nhất lịch sử trong hàng thế kỷ, trước khi người ta phát hiện ra Titanoboa.

Cách đây vài năm, một mô hình Titanoboa dài hơn 14 m, nặng hơn 1.1 tấn, đã được Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian ở New York, Mỹ tái hiện trong một show truyền hình. Mô hình con trăn Titanoboa đang nuốt mồi này đã được phục dựng sống động như thật. Nó sinh động đến nỗi các du khách phải đứng từ xa nhìn thật lâu mới dám tiến tới gần, thậm chí nhiều người đa nghi còn phải tự tay sờ vào bức tượng để chắc chắc rằng đây không phải là một con trăn khổng lồ đang còn sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *