Bạn có lời nào muốn nói với ba mẹ không?

Lần đầu tiên ở Zhihu nói ra tiếng lòng mình. 

Lúc tôi lên cấp hai, có lẽ vận không tốt, mệnh không đủ cho nên một triệu tệ (~3,5 tỷ) tiền vay mượn đem đi đầu tư không cánh mà bay, tiêu hết số tiền tiết kiệm có trong nhà, số tiền lãi mỗi quý vài ngàn tệ đều trông chờ vào số tiền lương ít ỏi của mẹ tôi, cả gia đình dường như rơi xuống vực sâu muôn trượng. Còn nhớ lúc đó, mua một hộp sữa phải tiêu tốn mấy tệ mấy đồng, giương mắt nhìn số dư trong thẻ cơm ngày một giảm đi, đi đến nhà ăn trong trường chỉ dám dùng 2 tệ mua một phần rau, không dám trước mặt gia đình nhắc đến những món đắt tiền bởi vì tôi biết hoàn cảnh khó khăn hiện tại của gia đình, nói cách khác, bắt đầu từ lúc đó, tôi từ một đứa chưa từng đắn đo suy nghĩ về kết bạn thành một người muốn kết bạn phải xem đến khác biệt hoàn cảnh gia đình và giai cấp. Trong nhà không có xe đến đón, mỗi lần được nghỉ tôi chỉ có thể giương mắt nhìn người khác được xe đón về nhà. Nghỉ lễ đối với tôi mà nói không phải là vui vẻ mà là khát vọng xa xỉ được ai đó đón về nhà. 

Kí ức sâu sắc của tôi đối với ba hình như được mấy lần. Có một lần, tôi đột nhiên bị sốt cao ở trường, buổi trưa gọi điện thoại cho ba nói rõ sự tình, tôi cứ nghĩ ba sẽ không đón tôi về nhưng khi ăn cơm chiều, ba chạy xe máy đến ngôi trường cách nhà hơn 30km để đưa thuốc hạ sốt và quần áo ấm cho tôi. Trên gương mặt ba là một nụ cười giản dị và nhân hậu, nụ cười ấy suốt mấy chục năm qua dường như chưa từng thay đổi. Có lẽ bởi vì dáng vẻ hiền lành này mà ba thích hợp làm một chỗ dựa tình thương vững chắc hơn là làm một người thương nhân thành đạt. 

Tôi mãi mãi chẳng thể nào quên được hình ảnh ba đứng trước cổng kí túc xá trường ngày hôm đó. 

Không phải tôi chưa từng trách ba, bởi vì làm ăn thất bại khiến tôi bắt đầu cảm thấy tự ti và chưa từng có cảm giác tự hào về gia đình mình. Nhưng trong tim tôi, ba vẫn luôn là một người ba sẵn sàng che mưa chắn gió cho tôi từ lúc sinh ra cho đến tận bây giờ. 

Bây giờ trưởng thành rồi, học đại học ở một trường đại học phía Nam Trung Quốc. Năm ngoái, lúc đậu đại học, tôi không hề khóc; một mình đi học xa nhà hơn 1000km cũng chẳng khóc nhưng khi kết thúc kì nghỉ hè, sau khi ba tiễn tôi ra sân bay, buổi tối một mình trong kí túc xá, lúc đem tiền phí sách vở đưa cho lớp trường, tôi lặng người rưng rưng nước mắt. 183 tệ (~640k) đối với ba mà nói, nó rất đắt, rất đắt nhưng trong mắt một sinh viên đại học, sau khi dùng hết học kì thì những quyển sách đó chỉ là một đống giấy vụn mà thôi. 

Tôi đang nghĩ về những gì chúng ta thấy được khi đứng lên bờ vai của ba mẹ mà nhìn thế giới tươi đẹp này? Chính là sau khi nhìn được thế giới bên ngoài khung cửa, đưa mắt lại nhìn, lại phát hiện bờ vai ba mẹ không đủ cao, không thể đưa ta chạm tới bậc thềm danh vọng như người khác. Tôi nằm trên giường, nghĩ tới tuổi già đã cao, tai nghe không rõ, mắt nhìn không thấy, bộ dáng ngờ nghệch của ba mà rơi nước mắt. Nghĩ đến dáng vẻ ghi nhớ giá rau mấy tệ mấy đồng, món hàng trị giá bao nhiêu, tôi thực sự chẳng cầm lòng được nữa. Nghĩ đến cả đời này ba không ngừng bôn ba xuôi ngược đổi lấy sự không cảm thông của vợ và con gái, tôi khóc càng to hơn. Khoảnh khắc này tôi mới hiểu được sự nhẫn nhịn của ba suốt ngần ấy năm qua, cảm nhận được sống lưng của ba càng ngày càng cong xuống, hiểu được nụ cười và dáng vẻ ôn hòa của ba với những kẻ trước người sau, thấy rõ được sự đáng thương và lòng tự trọng của chính mình. Tôi cũng không biết tôi khóc vì điều gì? Là đồng cảm cho ba hay hối hận vì không chịu hiểu cho ba? 

Thật ra ba không làm gì sai cả, ba chỉ muốn cho vợ con mình có được một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống ấm no. 

Nếu như ba bạn không còn là một người ba vĩ đại nữa, xin mọi người hay tha thứ cho ông ấy. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *