Có quá nhiều những câu chuyện diễn ra trong bệnh viện làm người khác xót xa trong lòng, nghĩ tới chuyện nào thì nói chuyện đó vậy, sau này có cơ hội sẽ update thêm.
Gần đây là ở khoa huyết học, tôi được giữ lại làm việc ở tổ đông máu. Đại khái chính là điều trị cho những bệnh nhân bị chảy máu da niêm mạc, đường tiêu hóa, niệu đạo không rõ nguyên nhân và các bệnh liên quan đến máu. Hầu hết họ đều là bệnh nhân giảm tiểu cầu miễn dịch (ICP) và bệnh nhân giảm tiểu cầu huyết khối (TTP). Mặc dù không phải là ung thư máu nhưng việc điều trị cũng tốn kém không ít.
Tổ bên cạnh tiếp nhận những bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác nhau, ví dụ như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và các loại bệnh tương tự. Chuyện kể rằng, mấy năm trước tổ kế bên tiếp nhận một đứa trẻ không may mắc bệnh ung thư máu ác tính. Gia đình cậu bé ở nông thôn, điều kiện kinh tế không được tốt, trên cậu bé còn có bốn người chị gái.
Trước mỗi lần cậu bé nhập viện điều trị (tôi nghĩ chắc là hóa trị), gia đình sẽ “bán” đi một người chị gái.
Tại sao lại bán đi?
Có nghĩa là, ba mẹ cậu bé không cần biết tính cách và gia cảnh của gia đình người đàn ông đó như thế nào, chỉ cần đối phương có thể trả đủ tiền sính lễ thì có thể gả chị gái của cậu đi, và tiền sính lễ sẽ được sử dụng để chi trả chi phí điều trị.
Đứa nhỏ đó rất ngoan, lần cuối cùng nhập viện điều trị, cậu bé vừa khóc vừa bảo, chị gái đều bị bán đi hết rồi.
Thế giới này luôn khổ sở, rất nhiều người đã khổ sở khi chỉ vừa mới nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Khoa tiêu hóa trước đây tiếp nhận một bệnh nhân nam tuổi trung niên, nói thế nào nhỉ, có lẽ là chỉ cần nhìn vẻ bên ngoài của chú ấy thì liền biết được chú ấy chính là dốc hết sức lực nuôi sống gia đình. Đơn giản, chân chất, lúc nhập viên còn tươi cười vui vẻ hỏi thăm chúng tôi, chú ấy còn rất lạc quan. Nếu như không phải nhìn thấy hồ sơ bệnh lí, tôi hoàn toàn không biết chú ấy là một bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Cấp trên thở dài nói với chúng tôi, người như chú ấy thật sự không dễ dàng gì. Vợ qua đời từ sớm, để lại hai đứa con bị bệnh ngốc, không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Khó khăn lắm mới đi đến ngày hôm nay, lại phát hiện mình mắc bệnh ung thư.
Hoàn cảnh bi đát của chú ấy khiến lòng tôi chua xót, người ngoài làm sao có thể đồng cảm sâu sắc được nổi đau của người khác.
Khoa hô hấp tiếp nhận một ông lão người cao tuổi. Khi tôi hỏi ông ấy về việc hút thuốc, ông ấy đưa lên hai ngón tay, đắc ý nói với tôi: “Tôi bỏ thuốc được hai năm rồi! Hahaha thật lợi hại!
Niềm tự hào của ông ấy giống như một đứa trẻ đang chờ đợi được khen thưởng.
Nhưng tôi không tài nào cười nổi, trước lúc tôi đến hỏi ông ấy về tiền sử bệnh, cấp trên nói với tôi, bệnh nhân này được đưa vào khoa gấp sau khi có báo cáo chụp CT phổi, nghi ngờ mắc bệnh liên quan đến phổi rất cao. Sau khi kết hợp với những thứ tôi hỏi ông ấy lúc nãy, tôi phỏng đoán 90% chính là ung thư phổi.
Ngày thứ hai kiểm tra phòng bệnh, chúng tôi bình tĩnh đứng trước mặt ông, dặn dò ông ấy cố gắng nghỉ ngơi, đừng nghĩ gì nhiều, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài hành lang, người nhà sau khi hiểu được tình trạng bệnh tình của ông đã cùng cấp trên tôi thương lượng, ngụ ý của gia đình là không muốn tiếp tục điều trị, tránh tổn thất tiền của và thời gian. Lúc này, tôi ngoảnh đầu nhìn về phía sau, cách đó không xa, ông ấy đứng trước cửa phòng, ánh mắt u buồn lãnh đạm nhìn về phía chúng tôi, không biết ông ấy có nghe thấy những lời chúng tôi bàn bạc khi nãy hay không.
Ánh mắt đó hình dung thế nào nhỉ, hoài nghi, bi thương, sợ hãi, tuyệt vọng.
Tôi không thể nhớ lại lần nào nữa về biểu hiện đắc ý của ông khi thành công cai được thuốc lá. Tôi chẳng còn nhớ nữa…