Lần đó mình làm ngành chăm sóc khách hàng, đơn hàng thì nhiều, khách hàng thì liên tục gọi để hối hàng, cấp trên thì liên tục thay đổi quy trình làm việc, cả nhóm tụi mình khi đó bị stress kinh khủng, khách có la cũng chỉ biết nhỏ giọng xin lỗi, vậy mà ngoại mình chỉ vừa hỏi “con ăn cơm không?” Mình đã sẵn giọng quay sang nói ngoại rằng “Con không ăn, con bận, con mệt lắm ngoại đừng hỏi nữa.” Lời vừa dứt mình lại cảm thấy có lỗi kinh khủng.
Có lẽ chúng ta ai cũng có một lần như thế, chúng ta nhỏ nhẹ với người ngoài, nhẫn nhịn với khách hàng và đồng nghiệp, nhưng lại không tiếc lời làm tổn thương những người chúng ta yêu quý. Thật ra, đó là một tâm lý hết sức bình thường của một con người, khi chúng ta ở cạnh người chúng ta yêu quý và tin tưởng thì sẽ bộc lộ tính cách và con người thật của bản thân, và vô tình chúng ta lại trút những cái tức giận, những cái áp lực của bản thân lên người họ, hay chính xác hơn là người thân của chúng ta, ông bà xưa nói, đấy chính là “giận cá chém thớt.”
Học cách bình tĩnh và kềm chế bản thân có lẽ là điều đầu tiên chúng ta cần học để thay đổi. Về lý thuyết đương nhiên rất dễ, ai cũng có thể nói được, nhưng bạn phải hiểu để thay đổi điều này là cả quá trình, nhanh thì cũng vài tháng còn chậm có khi lại là mấy năm. Một cách thực tế nhất mình muốn chia sẻ đến mọi người chính là hãy nhớ đến những điều tốt đẹp họ đã làm với ta để kềm chế cơn “giận” tự phát của bản thân mình. Bạn hãy nhớ lời nói ra thì dễ, nhưng sẽ để lại sự tổn thương sâu sắc vô cùng đến người nghe, vì vậy, chậm lại tí, bạn sẽ không phải hối hận với những lời mình nói ra.
Xin lỗi cũng là một kỹ năng bạn cần phải học. Nghĩ lại xem, bạn làm sai với sếp, với đồng nghiệp với khách hàng, bạn đâu tiếc chi lời xin lỗi, nhưng mấy ai nói lời xin lỗi với người thân của mình. Phải chăng chúng ta đang nghĩ rằng gia đình sẽ nao dung cho tất cả lỗi lầm của chúng ta mà không cần lời xin lỗi? Đúng, gia đình rất bao dung, nhưng xin lỗi cũng rất cần thiết, ít nhất nó sẽ xoa dịu phần nào sự tổn thương mà ta đã vô tình gây ra với những người thân yêu. Đừng tiếc lời xin lỗi, đến khi muốn xin lỗi đôi khi phải đánh đổi là sự ân hận cả đời này.
Ngoài xã hội, chúng ta phải sinh tồn bởi những lợi ích của bản thân, nhưng gia đình và người thân là nơi cho ta mọi thứ một cách vô điều kiện. Người thân của ta cũng có tổn thương, cũng cần được “khoẻ mạnh” về tâm lý, chúng ta có nhiệm vụ hãy yêu thương người thân ta vô điều kiện, hãy nhẹ nhàng với họ như cách bạn nhẹ nhàng với mọi người, hãy trân trọng người thân khi còn có thể, và hãy cảm thấy may mắn khi mỗi ngày bạn vẫn còn đó những người thân yêu để “trút giận”, bởi đời người nay vốn dĩ vô thường.