“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”
Chắc chẳng có món ăn nào đi vào ca dao, tục ngữ hay văn học hiện thực nhiều như món bánh đúc. Vì tầng lớp nào từng sống trong xã hội Việt như nghèo đói như bà cụ trong “một bữa no” của nhà văn Nam Cao cũng có thể sống sót bằng 3 tấm bánh đúc một ngày hay những người tạo nên câu ca dao: “Bánh đúc làng Điền góp tiền mà mua.” thì món ăn này cũng từng nuôi dưỡng suốt nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp từng sống trên mảnh đất Việt Nam. (Làng Điền thuộc xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội nổi tiếng với nghề làm bánh đúc)
Đối với những người con đất Việt, bánh đúc có lẽ là một món ăn không còn xa lạ gì nữa. Bởi với chất bánh mát, mịn, ăn no mà lại dễ tiêu, giá thành lại rẻ; bánh đúc đã trở thành món ăn dân gian phổ biến khắp ba miền.
Ở miền Bắc và miền Trung, bánh đúc thường được chế biến từ bột gạo và một số loại gia vị khác. Nhưng người miền Nam lại làm nó bằng bột năng. Dù làm từ bột gì thì thành phẩm sau khi “ra lò” cũng làm người ta khen ngon tấm tắc. Bánh được đúc trong một khuôn to, khi ăn sẽ cắt nhỏ ra thành miếng tùy ý.
Trên khắp đất nước, biết bao nhiêu vùng đất nhận quê mình có đặc sản là món ăn dân dã này:
– Rau cần kẻ Trúc, bánh đúc chợ Chay.
Nâu kẻ Sặt, vải kẻ Núc, bánh đúc lại Đổng.
– Ngô Xá kéo sợi xè xè
Bánh đúc chợ Nội, nước chè Đồng Du
– Bánh đúc kẻ Go, bánh tày to Quán Lào
– Sa Nam trên chợ dưới đò
Bánh đúc hai dãy, thịt bò mê thiên
– Ngói lò Cói, bánh quán Đanh
Địa danh kẻ Trúc và chợ Chay thuộc vùng Hà Tây cũ. Đổng thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Chợ Nội thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam. Kẻ Go là một làng thuộc Thiệu Châu, Thiệu Đô, Thanh Hóa. Đanh là tên một làng ở Vĩnh Phúc. Sa Nam là tên cũ của thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An ( quê của Bác).
Là một trong những món ăn chơi mộc mạc, giản dị nhưng đủ sức để làm siêu lòng vị giác của cả người sành ăn. Khi ăn bánh đúc chay bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được từng miếng bánh vô cùng mềm mịn hòa quyện cùng vị thơm ngon, bùi bùi nơi nước vừng lạc, và ở đâu đó phảng phất mùi thơm ngát đặc trưng của các loại rau sống, tất cả mọi thứ cùng hòa quyện với nhau trở thành một hương vị vô cùng nhẹ nhàng:
– Bánh đúc, bánh đỗ
Ai chộ cũng thèm
Chồng hay đánh em
Cũng vì đúc, đỗ
– Bánh đúc cá kho
Bán bò trả nợ
-Bánh đúc bẻ ba, mắm tôm quệt ngược
– Quà đói bánh giò, quà no bánh đúc.
…
Thi thoảng bánh đúc được hình tượng hóa cho các vấn đề xã hội như câu:
“Bánh đúc mà đổ ra sàng
Thuận anh, anh bán, thuận nàng, nàng mua.”
Đây là cách nói bóng bẩy ủng hộ chuyện gái trai của lớp trẻ. Dùng để đáp lại người nào tuổi đã già, thời trẻ đã qua, thấy mình thiệt thòi, hay lên giọng phê phán dạy đời. Bánh đúc đã đổ ra sàng thì mời cả làng, ai ăn chẳng được. Con gái, con trai đến thì đến lứa thì phải có chuyện yêu đương, miễn là thuận lòng, thuận ý, cớ gì cứ phải “nâng tầm quan điểm”
Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ và kêu gào ầm ĩ.
Lời bình luận về món bánh đúc của nhà văn Vũ Bằng trong cuốn Món ngon Hà Nội.
( bài viết được tham khảo và sao chép từ nhiều bài viết khác trên internet, chỉ thuần tính chia sẻ văn hóa và ẩm thực nước nhà )