Lòng tốt đáng giá bao nhiêu?

Đây là một câu chuyện có thật mà chính bản thân tôi trải nghiệm. Tôi muốn chia sẻ lại vì một sự tích cực trong câu chuyện ấy , cũng như cố gắng mang năng lượng tích cực đến cho chúng ta yêu đời và ấm áp hơn giữa cái xã hội hiện đại nhưng thiếu tình người này. 

   Thằng Niểng rủ chúng tôi về nhà nó chơi , sẵn đang rảnh rỗi cả đám kéo nhau về Trà vinh chơi. Nhà của Niểng cũng dạng khá giả , cha Niễng thừa kế một phần ruộng ông bà để lại cũng khá rộng , chung khu đất là nhà chú Ba Lập em của cha Niểng. Chú Ba người thấp bé , bị tật bẩm sinh nơi chân trái , dáng đi khấp khểnh. Cả bọn qua chào chú , chú cười hiền rồi vào nhà mang ra cả rổ măng cụt mà chú vừa trẩy đãi tụi tôi. Đám sinh viên thành phố trố mắt nhìn cái sọt măng to đùng mà mắt chữ o mồm chữ ô rồi tranh nhau ăn lấy ăn để. Cái dòng ăn trái mới hái tại vườn nó thơm ngọt làm sao . Niểng kể , Chú Ba cưng nó lắm , gì cũng chừa cho nó cái vườn măng cụt cũng là do nó hảo ăn mà chú chặt dừa trồng măng cho nó có trái ăn. Đến mùa bói trái thì nó đi Sài Gòn học chú lật đật gửi xe lên cho nó. 

   Buổi chiều , chúng tôi bày ra vườn ăn lẩu , cha mẹ Niểng tế nhị để chúng tôi tự nhiên nên chỉ ăn sơ sài rồi vào nhà ,chú Ba cũng qua cho cả nhóm 2 con lóc to bự. Trong buổi nhậu , đang chuyện vui thì Niểng kể : Thật ra chú không phải con ruột nội Niễng , ngày xưa chú mồ côi lại bị tật nên lang thang khắp nơi rong ruỗi kiếm ăn , hơn mười tuổi mà đẹt lét như đứa nhỏ sáu bảy tuổi   , có đôi khi nhịn đói là thường . Chú hay lê la gần chợ ai sai gì làm đó rồi người ta cho tấm bánh , củ khoai hay bát cơm nguội chứ không ăn cắp ăn trộm giật dọc như những đứa trẻ khác. Phần vì chú nhỏ con thấp bé nên giành được với ai? Ngày đó Ông nội Niểng đi bán dừa ngang qua , ghé mua mấy cái bánh bao cho cha Niễng , sợ vội chuyến về cùng bạn nên vội vã rồi rơi mất túi tiền bán dừa , đến khi về ghe mới thấy mất tá hỏa đi kiếm , vì ngoài tiền còn giấy tờ tuỳ thân nữa( thời ấy rất khó đi đâu cũng kè kè giấy tờ ) . Rảo hết chợ vẫn không thấy nghĩ người ta lấy mất nên ông tiu nghỉu đi về thì một thằng nhỏ gọi với lại , nó hỏi ông tìm gì? Ông bảo tìm túi tiền . Lại hỏi ông túi tiền có gì ? Ông kể giấy tờ , tiền bạc . Thằng nhỏ nhìn một lượt trong túi rồi trả lại cho ông. Nó kể :

– Con nhặt hồi nãy , gần chỗ bánh bao mà không biết của ai.

Ngạc nhiên vì trông bộ dạng đã biết là trẻ không nhà  , ông hỏi nó tại sao không giấu đi nhiu đó tiền ăn cũng lâu lắm ? Nó trả lời gọn lỏn :

– Thôi ! Làm vậy ác lắm ! Của người ta sao mà lấy ?

Chính vì câu nói này mà ông Niễng quyết đưa thằng bé về theo nhà , nuôi dưỡng. Cũng vì thế mà nhà Niễng mới như ngày hôm nay. Số là về chưa bao lâu thì ba Niểng bị suy thận phải ghép thận , cả nhà chạy đôn chạy đáo nhưng không ai hợp ,ấy vậy mà chú Ba lại hợp . Nội dẫn chú ra ngoài sân nhà ( khi ấy chú mới mười bốn ) hỏi chú có chịu hiến thận không vì rất nguy hiểm , ông không muốn ép chú. Chú vẫn một mực đồng ý , nhờ trời thương mà ca ghép thành công, rồi cha Niễng cưới má Niễng , sinh ra Niễng. Rồi nội mất , những cột mốc trong nhà đều có chú Ba, chúlà thành viên của gia đình này. Nội mất , di chúc để lại chia hai phần tài sản , cha Niểng cũng không nề hà vì ông biết , một nửa đời sau của ông có là nhờ chú. Bây giờ cũng vậy , chú có vợ , sắp sinh em bé , hai nhà vẫn đùm bọc và thương yêu như ruột thịt. 

Đó là chuyện của chú Ba  Tôi tự hỏi , nếu như lúc ấy chú Ba lúc nhỏ tham lam mà không trả lại tiền cho Nội Niễng , hay trả lại mà nội Niễng không nhận nuôi mà chỉ cảm ơn qua quýt rồi nhét vài tờ tiền thì sao? Thì ai cứu cha Niễng? Ai đang sống hạnh phúc với hai nhà? Và chú Ba lúc nhỏ sẽ ra sao. Tôi luôn tib vào luật nhân quả có gieo cây lành ắt nhận trái ngọt , chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Bài Hieu Ngo(Lặng lẽ sống) 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *