Tôi có một người bạn Facebook tên là Hoàng Mai, làm việc ở Viện Vật Lý, Đại học Huboldt Berlin. Nhân dịp tôi sang Hanover, Mai mời tôi đến chơi.
Một sáng chủ nhật, tôi ra ga Hanover lên chuyến tàu đi Berlin. Khoảng 10h30 tàu đến. Vợ chồng Mai đón tôi ở Hauptbahnhof Berlin.
Mai ngồi trên xe lăn, Henrik, chồng Mai đứng đằng sau. Tôi biết, trước đấy gần 2 tháng, Mai bị ngã trong nhà tắm, gãy xương đùi, phải mổ, nẹp đinh, đến hôm nay vẫn chưa tự đi được. Năm trước cũng đã một lần như vậy. Oái oăm rằng Mai bị ngã gãy xương khi lịch nghỉ phép, đi du lịch đã định sẵn rồi. Thế mà với chiếc xe lăn, Henrik đã đưa Mai đi cùng trời cuối đất, từ châu Âu sang châu Mỹ, rồi về vùng trời Á, hai vợ chồng vẫn vui vẻ hạnh phúc như đi tuần trăng mật.
Đón được tôi, Henrik đỡ Mai lên xe ô tô, cho Mai ngồi ở ghế sau, rồi mời tôi lên ghế trước cạnh anh. Để nói chuyện được với cả hai người, tôi phải nói tiếng Anh. Nhưng Henrik bảo:
– Hôm nay tôi muốn nhường cho Mai nói tiếng Việt với thầy. Vì không mấy khi có dịp như thế này, Mai thèm nói tiếng Việt lắm. Còn tôi, hôm nay cho phép tôi được làm bếp trưởng. Thầy thích ăn phở hay bún thang?
– Bạn cũng biết nấu món bún thang ư? Thế bạn có biết ăn mắm tôm không?
– Biết chứ thầy. Không có “mam tom” thì không thành bún thang thầy ạ.
– Tuyệt vời. Đúng là chàng rể Việt Nam rồi. Nhưng thôi, làm phở cho đơn giản,
Henrik nhé.
Henrik gật đầu rồi đẩy xe Mai ra vườn sau, nơi có bộ bàn ghế dưới gốc cây Anh Đào để chúng tôi nói chuyện, còn anh xin phép vào bếp thực thi nhiệm vụ bếp trưởng của mình.
Mai mở đầu câu chuyện:
– Thầy biết không, từ hồi bé em luôn mặc cảm mình là người tàn tật.
Tôi ngạc nhiên:
– Tôi tưởng Mai bị ngã gẫy chân mới phải đi xe lăn, chứ bình thường Mai vẫn đi lại được chứ?
– Vâng, vẫn đi lại được ạ. Nhưng em bị nhiễm virus bại liệt từ khi mới 6 tháng tuổi. Dạo ấy, người ta tiêm phòng bại liệt theo từng đợt. Khi họ đến tiêm thì em chưa đủ 6 tháng tuổi nên không được tiêm. Khi đủ tuổi thì lại qua mất rồi. Trong khi chờ đợt tiêm sau thì em đã bị dính bệnh, bị liệt cả hai chân. Bệnh viện bảo không chữa được, nhưng bố mẹ em vẫn tìm thầy chữa chạy khắp nơi. Đến 5 tuổi thì em đi lại được, nhưng vẫn không bình thường như mọi người, vẫn đi hơi tập tễnh. Vì thế, suốt thời học sinh, em luôn nghĩ mình không giống mọi người, mình không thể hòa nhập được với bạn bè. Thế là em sống khép kín, lúc nào cũng chỉ biết có học mà thôi. Em không có tuổi thơ. Em cũng không có tình yêu học trò. Ai tốt với mình, em cũng nghĩ là người ta thương hại mình thôi. Tốt nghiệp đại học, đi làm được 5 năm, rồi thi đỗ nghiên cứu sinh, sang Đức khi em 28 tuổi, mà chưa hề có một mảnh tình vắt vai. Của đáng tội, thời ấy, cũng có lần, em thích một anh. Nhưng vừa mới làm quen thì em biết anh ấy đã có người khác, một chị rất xinh. Thế là em từ biệt hẳn. Sau đó, cũng có đôi anh ngỏ lời, nhưng em biết, họ muốn em cái khác chứ không phải tình yêu. Em lại càng khép kín.
Em gặp Henrik khi đến nhận trường, nhận thầy, nhận đề tài. Khi đó Henrik đã làm nghiên cứu sinh được một năm rồi. Thầy giao nhiệm vụ cho Henrik dẫn em đi các bộ phận làm thủ tục: Mở tài khoản và làm thẻ ngân hàng, đăng ký với phòng tài vụ để họ chuyển học bổng hàng tháng vào tài khoản, nhận phòng ở ký túc xá, làm thẻ thư viện và học cách tìm tài liệu. v.v. Henrik rất nhiệt tình và chu đáo. Nhưng cũng như những trường hợp trước đây, em cứ cho rằng người tốt với mình như thế vì thương hại mình thôi.
– Thế rồi sao? – Tôi hỏi – Chắc khi chuyển sang tình yêu thì rắc rối với sứ quán lắm. Mai đã chẳng nói phải vượt qua rất nhiều sóng gió là gì?
– Không thầy ạ. Thời của bọn em, sau vụ cô Vũ Anh, con ông Lê Duẩn, lấy Tây, thì đã thoáng hơn nhiều. Không có cái cảnh bị đuổi về nước khi dính đến yêu đương như ngày xưa nữa, tuy tai mắt sứ quán ở các trường hàng tháng vẫn báo cáo về tình hình học tập, sinh hoạt, tình cảm của sinh viên, nghiên cứu sinh. Nhưng khó khăn mà em phải vượt qua lại là những khó khăn trong chính lòng mình. Em phải khó khăn lắm mới vượt qua được chính mình thầy ạ.
(Chà, vượt qua chính mình là cái khó khăn nhất. Mặc dù tôi đã từng được nghe kể về những thiên tình sử, đôi nam nữ phải vượt qua vô vàn những khó khăn về gia đình, bộ tộc, tôn giáo, định kiến xã hội… để đến được với nhau, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe một chuyện tình mà khó khăn lớn nhất lại là vượt qua chính mình).
– Em quý Henrik, nhưng luôn coi là bạn học cùng ngành, cùng thầy, bạn đồng nghiệp, và đặc biệt là có cùng sở thích yêu âm nhạc. Henrik có một chiếc máy quay đĩa rất tốt, với một bộ sưu tập đĩa than tuyệt vời. Buổi chiều, khi hết giờ làm việc ở phòng thí nghiệm, Henrik thường mời em cùng nghe những đĩa nhạc yêu thích. Những khi nhắm mắt nghe nhạc, em mơ màng như thấy mình bay bổng với đôi cánh nhẹ bẫng, chứ không còn cặp chân tập tễnh nữa. Em thấy mình hạnh phúc biết bao.
Cho đến một hôm Henrik ngỏ lời yêu em. Em biết thời khắc ấy trước sau rồi cũng đến, cho nên em đã chuẩn bị sẵn câu trả lời rồi. Em nói:
– Cảm ơn Henrik. Cảm ơn tình cảm của bạn. Nhưng tôi chỉ coi Henrik là bạn đồng nghiệp, cùng thầy, bạn âm nhạc thôi. Lúc nào gặp ai đó phù hợp với tiêu chí của mình thì tôi mới nhận lời yêu đương.
Henrik vô cùng ngạc nhiên:
– Tại sao bạn lại có kiểu tư duy kỳ lạ đến như vây? Tư duy như thế là tư duy ngược bạn ạ. Bạn chưa yêu, chưa sống cùng với người ta, thì làm sao bạn biết người ấy có hợp, có xứng đáng làm chồng của bạn hay không. Bạn căn cứ vào những tiêu chí gì để kết luận là người ấy hợp, người ấy xứng đáng?
Em không bác bỏ được lập luận của Henrik, chỉ nói:
– Văn hóa Việt Nam như vậy bạn ạ.
– Tôi không hiểu được cái văn hóa của dân tộc bạn. Nhưng thôi được, tôi sẽ đợi cho đến khi bạn thấy tôi xứng đáng, hoặc đến khi bạn thay đổi tư duy. Và tôi vẫn sẽ là bạn của bạn nhé.
Tối hôm ấy, về phòng mình, em cứ suy nghĩ mãi về lập luận của Henrik, về văn hóa của dân tộc mình. Nhớ lời bố mẹ dặn từ hồi mới lớn: Phải giữ gìn trinh tiết, đừng dễ dàng cho đi cái ngàn vàng. Khi người ta thỏa mãn rồi, thì người ta sẽ chán, sẽ bỏ rơi con, và con sẽ là người thiệt thòi nhất. Nhưng nếu chưa sống với nhau, làm sao biết được người đó có hợp với ta không nhỉ? Khi chỉ coi nhau là bạn đồng nghiệp, từ lời ăn tiếng nói phải giữ gìn, tránh nói đến những chuyện nhạy cảm. Nhưng khi sống với nhau mới biết được nếp ăn nếp ngủ của người đó chứ. Đợi đến khi chính thức lấy nhau rồi, mới biết các tính cách ấy, mới phát hiện những điều bất cập, thì đã muộn rồi. Mà lấy tiêu chí gì để đánh giá hợp hay không hợp? Nếu chỉ đứng ngoài mà xét thì đánh giá tài năng, trình độ, địa vị ư? Khả năng tài chính ư? Những cái đó để quyết định tình yêu ư? Có vẻ không đúng nhỉ? Vả lại, tại sao cứ quan niệm người con gái “cho” đi cái ngàn vàng, là mất mát, là thiệt thòi? Khi hai người nam nữ yêu nhau, xúc cảm dẫn đến cả hai cùng thăng hoa, thì hai người cùng “được” chứ, ai bị thiệt thòi?
Em cảm thấy lập luận của người nhà mình có vẻ không đúng. Nhưng cứ tưởng tượng mình theo quan niệm phương Tây, yêu Henrik, sống cùng bạn ấy, rồi một ngày kia tin đồn về đến tai bố mẹ mình, đến bạn bè của bố mẹ, thì, … trời ơi, có lẽ bố mẹ sẽ xấu hổ, muốn chui đầu xuống đất, không dám nhìn mặt ai. Rồi những lời nói bóng gió, xa gần, mỉa mai, ác ý… sẽ làm bố mẹ mình chết mất trong nỗi nhục ở quê.
Cứ như thế, em giữ quan điểm của mình trong suốt 3 năm. Henrik cũng thầm lặng yêu em trong từng ấy ngày. Chúng em thực sự gắn bó với nhau, nhưng không vượt qua được rào cản về quan điểm. Rồi một hôm khi đang nghe nhạc cùng nhau, em tự cảm thấy buồn vô hạn, em nhắm mắt lại và có lẽ hơi có ngấn nước mắt nơi khóe mi. Henrik cầm lòng không đặng, đã thốt lên:
– Mai ơi! Tại sao bạn cứ phải nén mình mãi như thế. Tôi yêu Mai thực lòng, và tôi cảm thấy Mai cũng yêu tôi. Nhưng Mai cứ phải ghìm mình, Mai không dám mở lòng để sống như Mai muốn sống. Mai ơi, hãy yêu tôi đi! …
Henrik nói một hơi rồi chảy hai dòng nước mắt. Trời ơi, em chưa bao giờ trông thấy một người thanh niên phải khóc trước một người bạn gái. Em cũng muốn khóc òa. Nhưng em cố ghìm, ngoảnh mặt đi và dường như bỏ chạy, chỉ nhắn lại được một câu:
– Đừng thất vọng quá Henrik. Hãy chờ tôi thêm chút nữa…
Và em chạy về phòng mình ôm gối khóc òa. Em mở chiếc máy nghe nhạc để nghe đi nghe lại bài “Người đàn bà đang yêu” với điệp khúc: “Em là người đàn bà đang yêu. Em sẽ làm bất kỳ điều gì để đưa anh vào thế giới của mình và giữ anh trong vòng tay”. Bài hát đã làm trái tim em tan chảy và hỏi mình “tại sao mình không dám đáp lại tình yêu chân thành này?”. Sau hôm đó hai người bạn đồng nghiệp đã trở thành một đôi sau giờ làm….
Chúng em còn sống như thế thêm 3 năm nữa trước khi chính thức là vợ chồng. Khó khăn lớn nhất là chính mình, còn tiếp đó em phải vượt qua định kiến của cộng đồng người Việt ở đây, thì cũng không có gì đáng kể. Em chỉ kể cho thầy nghe vài mẩu chuyện cỏn con thôi.
Học bổng của em được 500 Mark. Tiền thuê phòng trong ký túc xá rất rẻ, chỉ 20M/tháng thôi. Ăn tiêu tất cả chỉ hết 200M/tháng. Chủ nhật em đi làm thêm trong xưởng được 50M/ngày, thành ra tiền học bổng vẫn còn nguyên. Trong khi đó Henrik ăn tiêu 500M/tháng vừa xoẳn, hoặc thậm chí hơi thiếu. Bố Henrik có địa vị và thu nhập rất khá. Nhưng người Đức có tính độc lập cao. Khi đã trên 18 tuổi, sống tự lập rồi thì không xin tiền bố mẹ nữa. Em rủ Henrik đi làm trong xưởng với em. Henrik rất vui: vừa được làm cùng, lại vừa có thêm tiền tiêu. Các bạn Việt Nam cự nự em: “Tại sao cậu lại để lộ cho bọn Đức biết cậu đi làm thêm vào chủ nhật? Lại còn rủ nó đi làm cùng nữa chứ. Bọn tớ cứ phải giấu, kẻo chúng nó coi thường mình”. Em thấy lạ. Mình đi làm đàng hoàng, chính đáng, tại sao lại phải giấu? Ngay cả với giáo sư hướng dẫn, em cũng không giấu. Khi biết em cần làm thêm để có tiền gửi về giúp gia đình, thầy còn thương, bảo rằng giá như còn chế độ như ngày trước, giáo sư có quyền đề nghị cho sinh viên giỏi được hưởng thêm 200M/tháng thì tôi sẽ đề nghị cho em ngay.
Rồi một chuyện nữa, khi một anh nghiên cứu sinh bảo vệ xong, về nước, muốn để lại cho em chiếc máy nghe nhạc cực tốt với bộ sưu tập rất quý, với giá 400M, em mua ngay. Bọn bạn lại kêu lên: “Trời! 400M! Cậu có thể mua được 5 chiếc xe đạp Mifa để gửi về nhà. Rồi từ 5 chiếc xe Mifa ấy lại thành ra bao nhiêu triệu…”. Nhưng thầy biết đấy, xe đạp được sản xuất ra bao nhiêu thì người Việt Nam hứng hết bấy nhiêu. Làm sao mà em lùng mua được 5 chiếc Mifa? Và có mua được rồi thì làm sao gửi về được? Em không biết đường. Nhưng chiếc máy nghe nhạc với những bản nhạc này là cuộc đời của em, là hạnh phúc của em. Từ nay em có thể nghe nhạc với Henrik bên phòng bạn ấy, và Henrik cũng có thể sang phòng em nghe những bản nhạc mới mua.
Một lần, nhân sinh nhật em, Henrik muốn mua tặng em một món quà gì đó. Chúng em vào một cửa hàng nữ trang. Henrik thích một chiếc dây chuyền bạc có mặt đá hình trái tim rất đẹp, nhưng giá 150M, đắt quá, chàng không đủ tiền, nên đứng tần ngần mãi. Em đề nghị: “Bạn muốn tặng tôi chiếc dây chuyền này nhưng không đủ tiền phải không? Tôi cũng thích. Vậy ta chung nhé. Tôi chịu một nửa”. Henrik đồng ý liền. Em đưa cho bạn 75M, Henrik trả tiền rồi nhận sợi dây chuyền, đeo vào cổ em, với một nụ cười rạng rỡ như Hoàng tử vừa tặng cho Công nương một tòa lâu đài. Chuyện này em không dám kể với ai, cho dù vẫn đeo sợi dây chuyền đó cho đến ngày nay. Kể cho ai đó nghe, họ lại nói rằng người đâu mà ki bo thế, chẳng ga lăng chút nào. Nếu thiếu tiền thì cũng phải chắt chiu, hoặc vay mượn bạn bè để tặng cả sợi dây, chứ ai lại tặng một nửa bao giờ. Nhưng em thấy lối sống của người Đức như thế là rất hay: sòng phẳng, thẳng thắn, không hề câu nệ.
Không biết có phải hợp nhau về những cá tính ấy không, mà cuộc sống của chúng em gắn bó 32 năm rồi. Hai cô con gái 28 và 24 tuổi, cũng thấy cha mẹ rất hạnh phúc. Cho đến giờ chàng vẫn hay nói: ” Nụ cười của em vẫn làm tôi mê mẩn mỗi ngày”. Nhưng em nghĩ nụ cười của em không đẹp, chẳng có gì hấp dẫn, mà phải nói rằng tình yêu của em, tình yêu của chàng, đã làm mê mẩn quyến rũ cả hai mỗi ngày…
PV (12/2021) Pháp Vân
Hình minh họa chỉ để đánh dấu bài: Tháp truyền hình Berlin