NGÀY NÀY NĂM ẤY

Ông không nhớ nổi chuyến xe định mệnh ấy mất lái thế nào. 

   Đó là một buổi sáng đẹp trời, cả gia đình ông mướn xe lên sân bay để đón con gái lấy chồng xa về thăm. Cũng đã năm năm kể từ ngày gả đi, con gái ông mới thu xếp cuộc sống bộn bề xứ người về thăm nhà dịp Tết. Cháu ngoại của ông cũng về.

 Suốt mấy năm qua, ông chỉ nhìn thấy con gái và cháu trai qua ứng dụng gọi video của chiếc điện thoại di động đắt tiền mà ông và bà phải bán đi lứa heo giống mới mua được. Vườn ông rộng, đất ông dài nhưng tuổi già không chăm lo được, trời thương thì cho huê lợi, bán được đồng nào hay đồng nấy, bằng không thì để cho con nít trong xóm đến trèo hái.

Hôm ấy bà dậy từ sáng sớm, xuống bếp nấu nồi xôi gấc dẻo thơm, vừa để ông bà mang đi đường dằn bụng, vừa để con gái về nhà có thứ ăn ngay. Đó cũng là món mà con gái ông bà thèm ăn nhất. Xứ người không có gấc và nếp quê mình – bà nghe con nói mà thương đứt ruột.

Chiếc xe đang chạy thì bỗng dưng mất lái. Khi tỉnh lại ông thấy mình nằm trong phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Bên cạnh ông không có một ai. Tay ông bó bột, chân cũng bó bột, khắp người ê ẩm, đau đớn. Ông chỉ nhớ nhiêu đó rồi lại thiếp đi.

Lần ấy gia đình ông mất con gái và cháu ngoại. Chuyến xe ấy ông bà may mắn thoát nạn, nhưng khi ra viện thì trời cũng chuyển sang mùa mưa. Nhà cửa hoang hoác.

Tai nạn ấy được công an điều tra. Lỗi tất cả là ở tài xế, nhưng… tài xế cũng ra đi, để lại người vợ trẻ và hai đứa con bị bại não. 

   Lẽ nào ông đành lòng đi đòi đền bù từ những con người khốn khổ ấy?

Nhiều người nghe được câu chuyện nên tìm đến cả hai gia đình giúp đỡ. Người vợ trẻ nọ dò hỏi rồi tìm đến nhà ông bà đưa từng chút tiền ít ỏi mà các mạnh thường quân giúp đỡ để chuộc lỗi thay chồng, nhưng – ông nhất quyết không nhận. 

   Ông nói: “Chị cầm về lo cho hai cháu. Ông trời không có mắt, gieo họa đúng hai gia đình hoàn cảnh”. Người vợ trẻ cầm tiền trên tay, nước mắt giàn giụa.

Bà không thể nhìn thấy gì sau tai nạn. Ông trở thành đôi mắt cho bà. Bà muốn đi đâu ông cũng dẫn bà đi. Bà nói: muốn đi máy bay thăm con gái với cháu ngoại. Bà muốn ra vườn trồng gấc để nấu xôi, muốn gầy đàn heo giống rồi bán dành tiền để con gái về đi Đà Lạt chơi. Bà giận mình không nên thân, ngày con gái về tự nhiên ngất lịm rồi không thể nhìn thấy nữa.

– Chắc con Mến nó giận tui lắm hả ông?

– Nó chăm bà suốt trong viện cho đến ngày về nhà chồng mới thôi đó. Nó định hủy vé ở lại mà tui không cho. Cháu ngoại cũng biết gọi ông bà rồi mới lên máy bay.

***

Ông đành nói dối bà vậy. Còn hơn là để bà biết, liệu bà có chịu đựng nổi mà sống tiếp qua những tháng ngày còn lại? Giờ nhà chỉ còn hai người già côi cút nương tựa nhau. Nếu bà mà có mệnh hệ gì làm sao ông sống nổi.

Ông nhớ thời ông bà còn trẻ, vất vả lắm mới đến được với nhau. Rồi sau năm tháng loạn lạc, ông bà dắt díu nhau vào vùng kinh tế mới. Sướng khổ cả hai cùng nhau nếm trải. Tai họa lần này ông ước gì chỉ mình ông gánh.

Hổm rày bà cứ đòi ông gọi điện cho con gái để nói chuyện như mọi lần, “Mắt bà có nhìn thấy được đâu, con gái thấy càng thêm đau lòng”- ông cố lảng tránh như vậy. Rồi trong những lúc ưu thương lú lẫn, ông lại buột miệng nói con gái năm sau sẽ về thăm bà.

Chiều chiều khi ánh mặt trời khuất sau tán cây mận rậm rạp, bà kêu ông dắt bà đi ươm những cây gấc mới, trồng thật nhiều để khi con gái về có thể mang sang xứ người với ít gạo nếp thật ngon để thỉnh thoảng nấu món xôi Việt Nam cho nhà chồng ăn, cho cháu ngoại nữa, để cháu không chỉ biết gọi bà bằng tiếng Việt mà có thể hát mấy bài hát tiếng Việt luôn. Ông không đoán được viễn cảnh tươi đẹp ấy le lói trong tâm trí bà tự bao giờ, nhưng ông vẫn giúp bà thực hiện.

Vườn gấc sau nhà gặp mưa vươn mình tốt um. Ông miêu tả kỹ càng từng cây, từng trái gấc để bà nghe, từng chi tiết dù là rất nhỏ. Bà ngồi nghe mà đôi mắt ráo hoảnh, vô định nhìn vào một điểm nào đó và không bao giờ chớp mắt. Ông đoán được trong lòng bà vui lắm, háo hức lắm.

– Còn 8 tháng nữa là con Mến với cháu ngoại tui về ông ơi.

Mỗi ngày bà đều nói như vậy. Thời gian có lúc trôi đi thiệt chậm, lúc lại như mèo rượt chuột sau vườn, nhanh thoăn thoắt khiến người ta chẳng kịp trở tay.

 Ông đã chuẩn bị được gì đâu, ngoài những lời nói dối ông thoa vào vết thương bà mỗi ngày. Để vết thương ấy chóng lành, để mỗi đêm bà ngủ ngon giấc, tiếng thở phát ra đều đặn, để ông nằm cạnh bà mà có thể an tâm.

Năm nay mưa ít hơn. Bà cũng cảm nhận được. Chưa khi nào bà thấy lo như vậy. Bà gặng hỏi ông về vườn gấc miết. Ông đành nói trái đã ra, nhưng mưa không nhiều nên không được lớn lắm. Với lại đất vườn giờ cũng bạc đi nhiều rồi. Cây với cây tranh giành nhau, trái gấc không chắc như ý bà được. Ông giải thích hợp lý như vậy. Bà lắng nghe, thở dài. Cả đêm không ngủ ngon giấc.

Sáng lại bà nhờ ông chạy xe tìm nhà nào nuôi bò mua ít phân về để ủ, đem bón vào gốc cây, còn hơn 3 tháng, chắc là kịp để trái gấc to đều. Ông đi và làm theo lời bà dặn. Biết đâu cầm được trái gấc nằng nặng trong tay, lòng bà sẽ vui.

– Còn nhiêu ngày nữa con Mến về hả ông? Tôi đếm rồi, tháng này 31 ngày. Mười bốn ngày nữa ông ơi. Gấc có chín kịp không?

– Vậy chắc kịp, có hơn chục trái qua tuần là hái được rồi.

– Thế thì mừng quá. Vui quá ông à!

Ông không biết nói thêm gì, nắm tay bà thật chặt, đâu đó trên gương mặt ông có vài giọt nước mắt len lỏi.

***

– Con Mến làm sao. Lẽ ra bữa nay nó phải về rồi chứ.

– Cháu ngoại bệnh nên con phải đổi lịch bay, đợi thằng bé đỡ bệnh mới đưa về cùng được.

– Ông nói dối tui. Con gái với cháu ngoại tui mất rồi đúng không? Ông nói đi. Cả năm nay tui chiêm bao thấy như con Mến với cháu ngoại về nói thèm ăn xôi gấc tui nấu, nói nhớ nhà muốn về…

Bà òa khóc, nhào tới níu lấy ông thật chặt. Ông cũng ôm bà, nghẹn ngào biết bao lâu mới nói tròn một câu:

Tôi chỉ còn bà thôi. Bà đừng bỏ tôi đi.

Bà chợt như ngây dại, bần thần nhưng tay vẫn không buông tay ông.

***

Hôm nay ngày giỗ của con gái và cháu ngoại. Ông gọi bà dậy từ tảng sáng để bà nấu nồi xôi gấc. Bà vo nếp rồi nhờ ông lọc gấc. Nồi xôi chẳng mấy chốc mà dậy mùi. Bí quyết nấu xôi của bà bao năm chẳng ai biết được.

Ông lấy xe chở bà ra nghĩa trang. Bà ngồi sau xe ông, đi gặp con gái và cháu ngoại. Ông đợi ngày này từ lâu lắm rồi.

SONG NINH

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *