MÁ – Câu chuyện hay

Năm hai mươi tuổi, tôi về làm dâu nhà má. Lúc đó má 40 tuổi. Nhà chồng tôi bé tí, đầu thừa đuôi thẹo. Tôi lấy ổng vì sự mai mối của người chị cùng chỗ làm. Lúc ổng đến nhà chơi, tôi còn đi chơi với bồ chưa về. Thế mà tôi quyết lấy ổng chỉ vì nhà ổng con một. Hơn nữa, mẹ tôi nói con gái lớn rồi, để lâu không lấy chồng dễ sinh hư. Một mẹ một con, bố ổng chết hồi nào không biết. Nhưng cái nhà một mẹ một con nhìn rất chán. Chật chội, như cái áo rách vá mãi vẫn thủng.

Má chồng tôi người miền Bắc. Bà rất đanh đá. Công việc của má là bán buôn ở chợ. Bà bán đủ thứ trên đời, gặp gì bán đó, lỗ cũng bán, rẻ cũng bán, đắt cũng bán mà đôi khi cho không. Nhiều lần theo má đi bán, thấy kỳ quá, tôi mới quạu:

– Má bán gì kỳ cục vậy?

Má trả lời:

– Cỡ nào cũng phải bán được, lỗ tao cũng bán, lấy tiền mua cái khác về bán lời hơn. Chứ vì chờ lãi hai nghìn bạc, rồi mãi mới bán được, làm sao xoay được vốn?

Biết là thế, nhưng đúng kiểu thần linh thiên địa ơi, bán trên trời dưới đất kiểu bả, tôi cười đau cả bụng. Mà công nhận, bả có giang buôn bán thiệt chứ, có khi bả mua đâu được gánh chuối, đi vòng cái chợ thôi đã thấy bán hết veo rồi.

Mà kiểu của bà, chả đi lấy hàng đâu xa, lấy đầu chợ bán cuối chợ, thế mà vẫn có lời.

Nhưng má bị thần kinh, cứ ngày nào nắng to là leo lên nóc nhà chửi búa xua, chửi tầm bậy tầm bạ, bà con lối xóm cười đau cả bụng. Má chửi văn hoa chữ nghĩa ì xèo, câu này nối câu kia, nghe không thấy nhục chỉ thấy tức cười.

Tôi ở với mẹ đẻ hai mươi năm thì ở với má bốn mươi năm.

Bốn mươi năm, mẹ chồng nàng dâu khắc khẩu chửi lộn không biết bao nhiêu lần. Mà tôi thì thương bả, nhưng vẫn bực. Cứ bán ế là về má kiếm chuyện chửi hết đứa này đứa kia.

Tôi thuộc lòng câu má chửi chồng tôi:

– Cha tiên sư nó, mới ngày nào còn ở trong đũng quần mà giờ chui ra nói chuyện nguyệt hoa. Suốt ngày úp mặt vào quần, nóc nhà xa hơn chợ. Đẻ con khôn mát cái quần rười rượi, đẻ con dại thảm hại cái quần.

Mỗi lần sắp cãi lộn, má sẽ phi ra trước cửa chửi vào. Cả xóm sẽ nghe thấy.

Có lần, bực quá, tôi đôi co với bả khi bả đuổi cổ tôi với ba đứa con ra khỏi nhà:

– Tiên sư chúng mày, xéo hết ra khỏi nhà.

– Tôi không đi, bà trả tiền sửa nhà cho tôi tôi mới đi.

– Mày đập nhà ra mà lấy.

– Tôi không đập, bà đập trước đi.

Thế mà sau này tôi vẫn thương bả và hối hận vì bao lần cãi nhau.

Chỉ vì…

Má chồng tôi đã vào tuổi bảy mươi rồi. Lưng bắt đầu gập xuống, những ngón chân quen đi đất toẽ ra, hầu như quanh năm dính cát dính đất. Bà có thói quen nhai trầu suốt ngày, lâu lâu lại nhổ đánh toẹt vào tường. Cả mảng tường loang lổ vì trầu bà nhổ. Các con tôi phàn nàn bà rất nhiều lần, nhưng bà chỉ cười, mắt lấp lánh như được khen chứ không phải vì bị càm ràm. Bà đặc biệt có một tình yêu cháu nội không ai sánh được. Thằng Minh là cháu đích tôn. Mỗi khi tôi hoặc chồng đánh nó vì Minh không nghe lời hay học dốt, chỉ cần thấy chồng tôi tay lăm lăm cái roi là mẹ chồng sẽ chạy ngay ra trước cửa, chỉ tay vào mặt chúng tôi, hét lên:

– Ối giời đất ôi, tao từ Thanh Hoá lặn lội vào Sài Gòn năm chục năm nay, lấy chồng đẻ năm đứa con chết mất bốn, còn mình mày, được mỗi thằng cháu đích tôn, tiên sư mày đánh nó thế hả?

Bà gào bà chửi, tay chỉ vào nhà không hạ xuống. Ngại quá, chồng tôi tảng lơ dắt xe ra ngõ đi mất hút. Cũng vì bênh thằng Minh mà có lần bà đi chợ mua về trái dưa hấu để chưng Tết, thằng cháu nội thèm ăn, lấy dao bổ ra làm đôi. Đêm giao thừa, cả nhà phải ăn dưa. Tôi thì bực, mẹ chồng lại xoa đầu thằng Minh khen đáo khen để.

– Cháu bà ngoan, nhờ mày mà đầu năm được ăn dưa đỏ, may mắn cả năm.

Tính bà thế, đã yêu ai thì yêu ngất trời, gặp cái có gì cho ngay cho luôn. Hàng xóm chị dì cô bác nào được lòng má chồng tôi, chỉ cần thấy bà thấy bóng họ thôi, bà sẽ gọi vào nhà bằng được, mời ăn hết cái này cái kia. Nhưng ai mà bà đã ghét thì bà chửi, bà chì bà chiết không thương tiếc. Bực cái tính bà, tiện lời là chửi là la là mắng, tôi chẳng bao giờ dám đưa bạn về chơi.

Bảy mươi tuổi. Nhưng mẹ chồng tôi vẫn đi bán. Đi chân đất, đầu đội nón, mặc cái áo có may hai túi đằng trước, đòn gánh hai sọt đi khắp Sài Gòn. Dù mưa hay nắng, bà vẫn đi. Ngày nào cũng tối mịt mới về.

Hôm ấy trời mưa, phố ngập lênh láng, má không về, cả nhà đứng ngồi không yên…

Chín giờ tối, má chồng tôi vẫn chưa thấy về. Thằng Minh bỏ ăn tối để chờ bà về mang bánh hỏi heo quay cho nó như đã hứa. Ruột tôi nóng như lửa, chồng tôi lâu lâu lại đi ra cửa rồi đi xuống bếp, bồn chồn. Sài Gòn đang giữa mùa mưa, cơn mưa đã kéo dài suốt từ hai giờ chiều, hầu như không hề nhỏ lại, nước không kịp rút. Cả xóm, nhà nào cũng lênh bênh nước, thau chậu bắt đầu bập bềnh trôi khắp các ngõ hẻm, cu Minh hò reo như đang được tham gia trò chơi mới. Hồi sáng má gánh hai gánh chuối nặng oằn vai quày quả lên đò để qua bên quận Năm. Giờ không biết bán hết chưa, mưa thế này. Bảy mươi tuổi, chân đất áo mỏng, trời mưa. Hàng ngày nóng nảy với má là thế, nhưng hôm nay, dù mưa to gió lớn, đổ rần rần xuống mái tôn, nhưng không được nghe giọng chửi oang oang của má, sao tôi thấy ngôi nhà này tĩnh lặng đến nghẹt thở. Không biết má đi đâu, chín giờ ba mươi phút rồi.

– Ông Định, đi tìm xem bả đâu chứ. Ngồi đó hoài.

Tôi đá văng cái chổi quét nhà, nước mưa bắn lên tung tóe khi chồng tôi cứ ngồi nghe cải lương từ chiếc radio. Bị nước bắn lên người, ổng nổi điên:

– Khùng hả, tự đi được thì tự về được. Mưa vầy, ngập nước, đi sao nổi mà đi.

Nghe chồng nói vậy, tôi càng khùng lên, phăm phăm dắt xe ra khỏi nhà. Tới đầu ngõ, nước đã ngập non bánh xe. Xe chết máy. Tôi đứng đạp mãi không chịu nổ. Thứ đàn ông mắc dịch. Mẹ đẻ ông chứ mẹ đẻ tui hả?

Đang lầm bầm thì bà cụ ở đâu xuất hiện. Giữa mưa, giọng vẫn oang oang:

– Mày đi đâu giờ này?

Tôi ngẩng phắt lên. Chiếc xe ngã chỏng vó xuống rãnh nước. Người tôi ướt sũng vì vội đi chả kịp mặc áo mưa. Người má cũng ướt, chiếc nón vẫn đội méo mó muốn rách. Chân má ngập trong nước. Quang gánh vẫn còn nhưng chuối đã hết.

Nhìn má, tôi vừa xót vừa bực:

– Bà đi gì mà đi dữ vậy. Làm tôi lo muốn chết.

Bà chẳng nói gì, vén quần cao tận bẹn, lò dò từng bước vào nhà.

Lòng tôi xót xa. Nhưng máu nóng vẫn bốc lên. Có phải tôi tệ đến mức để má phải đi buôn thúng bán bưng cả những ngày mưa như thế này đâu.

Má đã về. Cả nhà tôi thở phào. Con Lý con Hoài chị thằng Minh đều thở phào, dù hàng ngày chúng rất vô tâm, nội muốn nói gì làm gì thì tùy, chúng chỉ phàn nàn chuyện má hay nhổ bã trầu vào tường nhà. Cu Minh nhảy cẫng lên. Không phải vì nội đã về mà vì sắp được ăn bánh hỏi với heo quay. Giờ trời có mưa thì mặc, có ngập tới đâu cũng mặc. Má về là được. Chắc mệt quá nên không nghe má la lối như mọi khi. Hoặc do đã bán hết hàng nên má vui.

Thằng chồng tôi vẫn điềm nhiên trước mẹ của ổng, đang ướt sũng nước mưa. Vở cải lương chưa hết. Đang tới đoạn hay, chồng tôi ca rống lên:

– Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Đù, hay, mùi thiệt. Hết sẩy luôn.

Xuống ca, hắn vỗ đùi đánh đét.

Má tôi ngứa mắt, chỉ tay vô mặt chồng tôi, nhưng lại nói rất nhỏ nhẹ, đưa đẩy:

– Tao bảo mày đi mua dưa leo đã mua chưa? Đúng là đẻ con dại thảm cái đũng quần bà. Nhìn vợ mày đi, sáng làm tối làm, lo cho cháu tao con mày mà giờ mày ngồi ca cổ hả thằng trời đánh thánh vật kia. Túy ngọa với sa trường. Xưa nay ra trận chết hết nghe chưa, mình tao trở về nghe chưa?!

– Sao má biết hay vậy?

Biết chồng khen móc khen mói, xong bà vẫn có vẻ rưng rưng xúc động. Bà chẳng thèm thay quần áo, lại bếp, hất hàm cho tôi bày bánh hỏi với heo quay ra mâm.

– Cả nhà ăn rồi, bà mua làm chi.

– Tiên sư chúng mày. Tao đi bán buôn để cho chúng mày ăn ngập mặt, sướng cái lỗ mồm, được ăn được nói được gói được mở còn chê hả. Cháu bà đâu rồi?

Bà xăng xái thái thịt rồi bày ra ba cái dĩa be bé, bưng cho ba đứa cháu mỗi đứa một dĩa. Ánh mắt bà nhìn thằng cháu nội lấp lánh như có lửa. Mùi heo quay khiến chồng tôi quên cả ca với cổ, bay vô má, thong thả bày bánh bày thịt vô cái tô, để ăn.

Má thấy thế, chửi:

– Tao chẳng còn được bao lâu, lúc tao nghẻo rồi, chúng mày mà đánh mắng cháu nội tao thì tao về tao bóp cổ.

– Thôi, má nói hoài. Hai gánh chuối hồi sáng, má để đâu rồi? –  Tôi vặn.

– Mày hỏi làm gì, ăn đi.

– Má không nói, tôi không ăn.

– Tao bán hết rồi.

Má nói nhưng quay đi, lảng qua chuyện khác.

Tôi nuốt miếng bánh không trôi, chắc má đã đem cho khi mưa to, bán ế.

Tôi nhất định phải làm ra chuyện này.

Sáng rồi. Đêm qua cả nhà tôi ngủ muộn. Phần vì mưa quá ướt hết cả chăn chiếu, mái tôn đã lụp xụp còn bị bục bị nát, nước rỉ xuống nền nhà. Nằm chỗ này ướt chỗ kia. Má hầu như không ngủ, cứ trằn trọc, lâu lâu má lại chửi cộc lốc những câu vô nghĩa. Má than sao số tôi khổ thế này. Chồng chết, con khờ. Ừ thì con khờ. Trong mắt má, chồng tôi chỉ là gã xe ôm khờ khạo, bất tài vô dụng. Cả đời ổng không ăn của ai cái gì cũng như không ai ăn được của ổng cái gì. Má chồng kết luận về ổng: Mày là cái thằng dân ngu cu đen, rõ chưa?!

Mỗi khi lên cơn, thần linh thiên địa từ đâu như nhập vào má, mắt má chồng tôi long sòng sọc. Má leo lên cột điện ngay trước nhà, cứ nhằm trưa nắng là leo lên, má cứ thế lôi tên “thằng Định, thằng Định” ra mà mắng nhiếc. Chồng tôi lại dắt xe chuồn khỏi nhà. Cả đời ổng mỗi lần câm lặng dắt xe đi, là mỗi lần má la hét lên cơn phía sau lưng.

Hồi trẻ, mới về làm dâu. Má ngọt ngào với tôi lắm, mẹ mẹ con con. Thế mà sau này những lần lên cơn càng lúc càng dày đặc.

Tôi buồn lắm. Giận mẹ đẻ tôi đã ép tôi lấy ông Định, ham cái cảnh một mẹ một con. Đã vậy, bà bói còn nói sau này về cái nhà đó, chị sẽ cầm quyền cả nhà người ta luôn. Bà mẹ, tưởng cầm quân sung sướng thế nào. Ai dè khổ thấy mẹ. Đi làm công nhân viên nhà nước, một nách ba đứa con, nối nhau chui ra, nhỉnh hơn nhau như quả trứng gà trứng vịt. Gặp thằng chồng tối ngày đi nhậu, một mình tôi cáng đáng hết. Vừa lo con vừa lo sửa nhà.

Nhiều lần đi làm về, đón ba đứa con ở nhà trẻ, về cơm nước, đếu thấy thằng chồng đâu. Lại nhậu rồi. Tôi lại gửi con hàng xóm đi tìm ổng, biết ngay đang ngồi quán nhậu. Thấy ổng là tôi lủi về ngay. Về tới nhà, là xỉn. Lè nhè:

– Không say không về, say về sao nổi. Hả con mẹ mày, kêu tao về làm chi, tính làm tao xấu hổ với bạn bè hả?!

Nói xong, ổng vác cái đòn gánh đuổi đánh. Tôi dắt ba đứa con chạy té đái đi trốn. Ra cái bãi kho gần nhà, toàn cỏ lau um tùm ngồi đợi tới khuya thằng chồng mắc dịch ngủ say mới dẫn con rón rén về. Ba mẹ con chui xuống gầm giường ngủ, vì sợ nó thấy lại đánh. 

Trên gác xép, má chồng sau một ngày buôn thúng bán bưng, ngủ say tít, gáy ầm nhà, như đàn ông. Má chẳng bao giờ hay biết hoặc để ý những đêm say xỉn của con trai mình, và cảnh con dâu bồng ba đứa cháu nội của má đi trốn ngoài bãi kho.

Cay đắng trước gánh nặng gia đình, bao lần tôi đã cự nự tay đôi với má.

Lại ra trước cửa, lại chửi váng lên. Nào đũng quần, nào nguyệt nào hoa rồi lại còn hát Lưu Kim Đính, Dương Vân Nga… vừa hát vừa múa may quay cuồng như đang ở cõi khác.

Tôi tính bỏ cái nhà này mà đi. Cô Tư hàng xón, người má chồng quý lắm, có gì cũng cho, khuyên: Thôi vợ thằng Định, chấp bà ấy chi, bả bị thần kinh mà.

Ừ thì thôi, dù sao tôi cũng có con với con trai bà ấy rồi.

Mùa mưa sắp hết. Nhưng dường như trước khi kết thúc, để chuyển qua mùa khô, ông trời phải xối nước xuống thật nhiều. Tôi ghét mưa. Vì mưa Sài Gòn sẽ thành cống rãnh hết, những khu ổ chuột sẽ trở nên bẩn thỉu, nhếch nhác. Cái nhà của má và chúng tôi đang ở là một hình tam giác tù tù, bà bói nói đất ấy là dạng đầu thừa đuôi thẹo, sẽ có lộc. Lộc đâu chả thấy, thấy to tiếng quanh năm. Tôi đã bắt đầu nghĩ tới việc sửa nhà. Nhưng lấy tiền đâu ra. Bao nhiêu thứ giật gấu vá vai vẫn không đủ. Hầu như suốt đời chồng chỉ dành tiền cho việc ăn nhậu. Nhậu cho say về ngủ như chết, chả cần biết con học gì, ăn gì hay mẹ ổng đau ốm, bán mua ra sao. Hai người đàn bà và ba đứa trẻ trong một ngôi nhà tuềnh toàng chật hẹp, dù vất vả như nhau nhưng hễ gặp là cắn cấu nhau.

– Đ.m Sài Gòn, mày là dâu hay là mẹ tao hả?

Lúc đầu bà cứ chửi tôi kiểu như vậy. Nhưng sau dần thấy tôi đi sớm về khuya, vất vả lo toan bà dần bớt lời. Bà không nói không rằng, cứ lẩn mẩn với chợ với đò xuôi xuôi ngược ngược. Ngày nào mà sáu giờ tối tôi đi làm về thì năm rưỡi chiều bà đã đứng hóng chuyện với hàng xóm. Thấy tôi, má lủi lủi rồi cũng về nhà. Đó là những khi tâm tính bình thường. Còn lúc lên đồng lên cơn, thì tôi ái ngại vô cùng.

 Cái nhà này có hai “nền văn hóa” luôn đổi ca nhau, khi chồng tôi không nhậu và má chồng không bị cơn tâm thần chế ngự thì tôi là chủ tướng của cả nhà, hét ra lửa. Nhưng một khi chồng tôi say, thì má im re, còn tôi sẽ dẫn ba đứa con đi trốn. Hoặc lúc má trèo lên cột điện chửi những từ tục tĩu lẫn bay bướm thì cả tôi lẫn chồng đều muối mặt với bà con lối xóm.

Cuộc đời một là chết luôn đi, hai là phải thay đổi. Tôi cũng có tí ăn học. Và đã quyết sống như điều mình nghĩ. Thằng chồng kia có thể chết, vì loại thích nhậu không nên sống dai, nhưng còn ba đứa con, ít ra chúng phải có cái phòng riêng ngăn nắp sạch sẽ để ở.

Có nghị định bốn mốt hay ba chín gì đó, giảm biên chế công nhân viên chức, lãnh một cục rồi nghỉ luôn giùm cái. Tôi chả bàn với chồng, chả kể với bà má tâm thần, quyết cái rụp. Nghỉ việc, lĩnh tiền, sửa nhà.

Những ngày sửa nhà, là những ngày tôi mong lão chồng cứ đi đâu thì đi, đừng về. Và má muốn gánh bao nhiêu chuối, bao nhiêu xoài qua đò sang quận Năm bán thì bán, giờ nào về thì về. Miễn sao tôi được yên thân mà sửa nhà sửa cửa.

Má đi, đi miết. Chẳng nói chẳng rằng. Nhìn dáng má gầy gầy và chiếc đòn gánh bạc thếch nhẵn thín ở giữa oằn xuống vì gánh chuối, và má vừa gánh vừa bước xuống đò, lòng tôi cũng chênh vênh xót xa.

Nhưng cuộc đời má đã gắn với cái đò kia, với con sông kia, với cuối chợ, đầu chợ. Dù bán chẳng lời bao nhiêu nhưng má vẫn muốn đi. Vì không đi thì nhớ. Dù ốm dù cảm, một năm không có ngày nào má không đi. Sáng cảm ho đấy, cho cái đòn gánh lên vai, chiều về lại nói cười oang oang. Má có cái kiểu, mê tiền đến mờ mắt. Ngày nào chợ về cũng tha về một mớ tiền, mà toàn tiền kẻ không hà. Má cất vào trong cái ruột tượng để dành. Nói má đưa đây cho tôi sửa nhà, má nhất quyết không chịu, má nói ở bao nhiêu mà sửa. Tao để dành cho cháu tao.

Rồi cái nhà cũng xong. Tôi gánh thêm khoản nợ. Nhưng việc thì đã mất.

Xây nhà xong nhưng không có tiền để mời bà con xóm giềng tới mừng. Vì tiền hết, nợ nhiều. Chồng tôi buông một câu gọn lỏn:

– Rách việc. Đời ta coi bốn bể là nhà.

Bà già chồng nghe vậy, ngồi phe phẩy cái quạt làm bằng mo cau, trông rất kỳ cục, mồm vẫn nhai trầu, lần này bà nhổ toẹt ra cái sân mới. Một khoảng màu đục và bẩn loang loáng. Tôi khùng lên, quát:

– Trời đất ơi, cái nhà mới cất đẹp đẽ, sao bà không nuốt luôn đi, mắc mớ gì phun bừa bãi vậy hả?!

Bà không trả lời tôi, chỉ tay vào mặt con trai bà, không quên vén cái quần xa tanh đã cũ màu bạc phếch lên tận đùi.

– Mày dám cởi truồng đi ra đường không. Mới ngày nào nằm trong quần bà, giờ lại coi bốn bể là nhà hả? Loại dân ngu cu đen như mày, suốt đời áo mặc đéo qua khỏi đầu, mà bày đặt nói giọng trượng phu với hai con gái già này hả?

– Bình, lại đây. Bà chửi chồng tôi xong, hất mặt gọi tên tôi, rất nghiêm trọng:

– Đây, tao cho mẹ thằng Minh ít vốn làm ăn. Coi như tao góp cho cháu tao.

Bà cầm một gói vuông vuông bọc nhiều lớp giấy báo. Đưa cho tôi. Tôi biết đó là tiền lẻ đi chợ của bà. Tôi không thèm bóc ra, vì đoán chả được bao nhiêu.

– Tôi lấy của bà làm gì. Bà cất đi mà phòng thân.

– Thân tao của mẹ cha tao cho. Việc đéo gì phải phòng với bị. Giải phóng rồi, giờ phòng cái lỗ mồm thôi.

Bà cất tiền vào phòng ngủ của tôi, nhét sâu trong ruột gối và cần thận bỏ cái gối vào tủ, mấy sợi dây dù buộc hai mép tủ lại. Một kiểu tự vệ phòng thủ của cải rất độc đáo.

Ý là bà đã đưa thì từ giờ số tiền ấy là của tôi.

Rồi bà quày quả đi bán. Non trưa bà mới đi. Trời bắt đầu như bị rang như bị rang khô bởi cái nóng sau Tết. Nhưng cả đời má đi chân đất. Bàn chân như một thứ hộ vệ đắc lực, nứt nẻ và thô kệch cuốc cái thân già khắp ngõ khắp phố của quận Tám lẫn quận Năm.

Tôi mua dép cho bà, được hai hôm bà mang dép cho hàng xóm. Lý do, tao thích hạ thổ cho khỏe. Phương châm sức khỏe của bà là hãy chạm vào đất cả khi ngủ. Đi chân đất. Ngủ nằm đất. Gác đầu lên tay làm gối. Ngủ là ngáy như sấm rền. Đời bà hầu như không nằm giường bao giờ. Không giường không gối không chăn không chiếu. Thế mà ốm đau hầu như không bao giờ ghé thăm má.

Đợi má đi rồi. Tôi mới vào phòng ngủ, gỡ gói tiền trong gối ra, xem là bao nhiêu. Thì trời ơi. Một miếng vàng bốn số chín dầy cục, bọc nilon kín mít. Cả cây vàng chứ không ít. Má lấy đâu ra số vàng này, khi mà cái nón rách má kêu không dám mua vì sợ tốn, khi mà cái áo vá ba chỗ má vẫn mặc vì tiết kiệm không chịu mua áo mới. Trong khi mỗi ngày về má đều mua nào gà nào heo bào bánh nào đủ thứ đồ ăn cho các con tôi.

Hay là má có lời thật khi rắp tâm bán buôn kiểu mua đầu chợ bán cuối chợ. Hơn nữa, một người mê tiền như má, sao lại cho tôi cả cây vàng?

Hôm má đưa cho tôi một cây vàng cũng là ngày má đi tối mờ tối mịt mới về. Chồng tôi đi nhậu từ bốn giờ chiều sau một ngày trúng mánh. Tôi đi sục sạo khắp những chợ má từng bán mà không thấy bóng dáng bà già Bắc kì đâu cả. Tôi gọi má ơi, má ơi, bà nội cu Minh ơi, bà nội cu Minh ơi. Nhưng đáp lại là tiếng honda lao qua ào ào. Có thằng cha chết tiệt ở đâu nhao tới, tưởng tôi là gà, hỏi đi không em ơi. Đi đâu? Lại còn giả bộ hả? Địt bố mày, tao đi tìm mẹ chồng tao, không phải hạng phò phạch mà đi với không đi nghe chưa?

Được nước, tôi chửi thả phanh. Bao nhiêu vốn từ của má hàng ngày như nhập cả vào mồm tôi, tôi ném hết cả vào mặt thằng cha kia. Nhưng chửi xong, thì cũng chẳng thấy má. 

Trời Sài Gòn về đêm, những quán nhậu lên đèn. Đờn ca tài tử inh ỏi các ngõ phố quán xá. Xen lẫn tiếng cụng ly dô dô như bất tận. Đã đi tìm má bao nhiêu lần, nhưng lần nào tôi cũng hồi hộp run rẩy. Má có mệnh hệ gì tôi nhục với con tôi.

Khuya quá rồi, tôi ngồi trong công viên vô định. Bỗng điện thoại reo.

Giọng má lạc cả đi:

– Bình hả con, mày ra ngã tư Hòa Lân đón mẹ về.

Ôi giời đất ôi, từ quận Tám má đã thẳng tiến lên tận ngã tư Hòa Lân. Mười giờ đêm và hơn hai mươi cây số. Tôi chạy xe như điên. Bà già khùng điên này đi đâu mà mò lên tận đó.

Gặp được má. Bà ngồi co ro bên đường:

– Trời ạ, bà tính đi bụi thiệt hả?

– Tao… tao…

Má ấp úng đầy hối lỗi. Trên đường về tôi tra hỏi cỡ nào bả cũng không nói vì sao đi được tới đây. Càng ngày hành tung càng bí ẩn. Được rồi, đã có cách.

Sáng sớm hôm sau. Tôi đi làm cho một quán nhậu. Chồng tôi cũng đi sớm. Phải nhốt má ở nhà, cho bả khỏi đi. Tám mươi rồi. Lẩm cẩm rồi, cả cuộc đời thuộc chợ hơn thuộc mặt con cháu, giờ đi tiếp chắc tôi chết trước má vì hồi hộp.

Nghĩ vậy, tôi khóa cửa nhà, mua sẵn đồ ăn uống và để má chồng trong đó.

Tạm yên tâm, má sẽ không đi lang thang nữa.

Ai ngờ, tối tôi vừa đi làm về, má đã chờ sẵn ở cửa và lao đi.

Đi đâu giờ này. Má không nói,đi như chạy trốn. Chán quá, tôi thây kệ.

Sáng sớm hôm sau, má về, gọi tôi lên gác. Giọng đầy bí mật:

– Tao cho vợ thằng Định này.

– Gì nữa đây? Tôi hỏi cộc lốc

– Thì mày cầm đi, hỏi đéo gì lắm thế. Má cầm tay tôi ấn vào nắm tiền lẻ. Mấy ngày nay ngày nào má cũng làm vậy. Còn dặn, mày đừng nói cho chồng biết.

Không đi bán nữa. Vì chồng tôi đã chặt cái đòn gánh của má giấu đi. Thế nhưng má vẫn ra chợ, vẫn phải mua và bán đi được cái gì đó, thì bả mới vui. Cái nghiệp chợ bám lấy má như không muốn buông tha.

Chủ nợ bắt đầu đòi tiền vì nợ lâu quá, lãi mỗi ngày một dày thêm. Tôi bắt đầu nghĩ tới số tiền  vàng má đưa. Lấy cái đó trả nợ. Nhưng lòng tôi nặng trĩu. Tôi chỉ muốn giữ lại, cất đi cho má. Phòng khi có chuyện không lành. Một cây vàng, có lẽ được tính bằng cả ngàn cả vạn bước chân má rảo bộ khắp hang cùng ngõ hẻm, được ki cóp từ những ngày nắng ngày mưa. Và ở đó là kết quả của trăm ngàn lần má tiết kiệm không dám sắm sửa gì cho bản thân. Thậm chí, đôi dép má không dám mua, cái khăn mặt cũ và rách hơn cả khăn lau má vẫn cố dùng. Không được. Tôi không thể đụng vào khối tài sản của má, dù nó không nhiều, nhưng lại có một giá trị đặc biệt.

Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ ra cách trả nợ.

Tối nay lại có cái đám cưới ở quận Tư. Lâu lắm tôi không sắm sửa se sua gì cho bản thân. Mọi thứ dồn hết cho thằng Minh, con Lý, con Hoài ăn học hội hè…

Đứng trước gương, tôi thấy mình thật vô vị. Áo quần cũ cả rồi. Đi tiệc thế này, quê quá luôn. Tôi hậm hực đi ra khỏi nhà.

Má vẫn đi từ sáng tới tối mịt. Mỗi lần về vẫn mua đồ ăn. Nhưng trông má mệt mỏi, rã rời. Đợt này, mật độ những lần lên cơn của má ngày một dày đặc. Cả nhà từ vợ chồng con cái quyết không đụng đũa vào những gì má mua về vì vừa bỏ vô miệng một miếng, nuốt chưa trôi đã muốn ói ra ngoài, vì má chửi dữ quá. Má nói ăn cho sướng mồm đi, ăn xương ăn máu của tao  rồi úp mặt vào nguyệt vào hoa vào túy ngọa với sa trường đi. Chồng tôi giận má, không nói một câu. Tôi cũng giận. Không ăn, tôi nói với má:

– Tôi có kêu má mua đâu, mua về ăn thì má đay nghiến, không ăn thì má khóc lóc này nọ. Lần sau làm ơn má đừng mua gì về đây nữa.

Má buồn. Hôm sau không mua đồ ăn về thật. Đỡ nghe má nhiếc móc xỉa xói. Thế nhưng, nếu không mua cái này, má lại mua cái khác. Chợ đời như ăn vào não của má rồi. Bán với mua như hai kẻ thân thuộc nằm hai bên và má thì ở giữa.

Sau hôm tôi đi đám cưới một tuần với bộ đồ cũ xì, má đi chợ về, lại gọi tôi lên gác, giọng rất nghiêm trọng:

– Mẹ thằng Định, lên đây, tao bảo.

Má chia tay ra cái hộp nhựa màu đỏ. Má đưa tôi. Mở ra là sợi dây chuyền óng a óng ánh, rất đẹp mắt. Má chủ động đeo vô cổ tôi. Má nói: mày vì gia đình này mà khổ, tao mua cho mày để đi cưới hỏi nhà ai thì có cái mà khoe, kẻo người ta thấy mày xú xứa quá lại khinh cho.

Tôi há hốc mồm. Nhìn má đang sung sướng cài khóa sợi dây chuyền lên cổ cho tôi. Giống như chính má mới là người được tặng quà. Bàn tay nhăn nheo, bờ vai mảnh khảnh run run và đôi mắt đục mờ.

Tôi nén khóc. Mà nước mắt cứ trào ra. Tôi cố nói nhỏ nhẹ với má:

– Bà thương con dâu, bà nói đi con sẽ nhận. Bà lấy tiền đâu mà mua sợi dây này.

Má im luôn. Gặng hỏi mãi không nói. Tôi đòi trả lại sợi dây, nhưng má giãy nảy, đừng, đừng. Rồi má nói:

– Tao nói sợ mày chửi tao. Tao không ăn cắp của ai đâu mà mày sợ. Tao mua bằng tiền đi vay của con Huế đầu ngõ. Mỗi ngày tao trả dần cho nó 50 ngàn.

– Má lấy đâu ra 50 ngàn, còn tiền lời nữa? Tôi đang lo vì mụ Huế là dân giang hồ, chuyên cho vay nặng lãi, không từ một ai.

– Tao đi… ăn xin ở chợ đó. Con Huế nó không lấy lời. Tình làng nghĩa xóm, nó mà đòi tao xé xác nó ra.

Mắt tôi cay xè. Tôi khóc òa lên. Tôi chỉ biết đôi co với má bao năm nay, tôi đã bao giờ lo được gì cho má? Má ơi.

Tôi thật lòng không muốn má chạy chợ nữa. Cuộc sống đã dần bớt khó khăn đi một chút. Kệ chứ, nợ nần thì là quái gì. Còn người còn của, còn nợ còn trả, còn sống còn cày. Lo gì, một đời ta muôn vàn đời nó. Mỗi lần ăn uống phủ phê má vẫn chẳng nói thế là gì. Má hãy ở nhà đi, má già rồi. Lỡ xe pháo làm sao đôi chân má chống lại được. Má bảo, còn sống còn đi. Đời tao yêu nhất cái chợ, yêu nhì là thằng cháu đích nhôm của tao. Mai có chết hôm nay tao cũng phải ra chợ.

Ở cái chợ bẩn thỉu quanh năm rác rến và ngập nước ấy, có gì vui mà nó lấy hết cuộc đời của má? Vậy mà má có những người bạn chợ yêu quý má lắm. Một thứ tình cảm thân thương khó tả. Má cũng hay cãi lộn với họ. Cả chợ, có ai má từ đâu. Ai cũng đôi lần bị má ném những thứ tục tĩu vào mặt. Nhưng họ chả chấp. Có lẽ cái kiểu chửi như hát hay của má, ví von chất ngất, lên bổng xuống trầm lại là một kiểu bản sắc chẳng ai có. Người Sài Gòn thích vui, thích cái gì ấm áp chân thật. Má thì chẳng thiếu. Chửi người ta xong lát sau đã cười khơ khơ khơ như chả có mẹ gì đã xảy ra. Má còn hát đủ thứ âm nhạc. Suốt ngày ngoài chợ mà nhạc gì, vở cải lương gì má cũng rành. Buồn buồn, chợ ế, má lại hát hò nói nối xuống ca vài câu cho mấy cô mấy dì nghe. Ai cũng vỗ tay tán thưởng. Có phải vì thế mà má thèm chợ, nhớ chợ đến miệt mài?

Cấm một bà già năm mươi năm gắn với cái chợ đúng là điều khó hơn lên trời.

Thôi thì má cứ đi nếu thích.

Nhưng lạ thật, lâu rày má đâu còn bán. Má cũng ít ghé chợ cũ. Má đi đâu xa tít. Tôi chẳng rõ má đi đâu nữa. Mà sao không bán buôn má vẫn có tiền?

Chiều nay, tôi đi làm về sớm. Dì Tư hàng xóm chạy vô nhà, kêu tôi lên xe dì chở ra công viên gần nhà. Dì chỉ cho tôi phía xa xa kia. Trời ơi, là má chồng tôi. Má đi chân đất, đầu trần, tóc xổ tung, đang ngồi co ro giơ cái mũ rách ra xin tiền người qua lại. Té ra má vẫn đi xin mỗi ngày.

Tôi đau thắt ruột. Và xấu hổ với dì Tư vô cùng. Tôi đến bên má, gần như chắp tay lạy má:

– Má ơi, con lạy má má thương con thương cháu má đừng làm nhục con như vầy. Má về đi. Má còn đi ăn mày thế này mai… mai con chết cho má coi.

Nhìn thấy tôi, má đứng phắt dậy, bỏ đi. Vừa đi vừa lẩm bẩm:

– Địt bố nó, mình càng nhân nhượng nó càng lấn tới.

Rồi sau hôm đó, má không đi ăn xin nữa. Má lại đi bán. Má xuất hiện trở lại ở chợ, khiến mấy bà bạn già mừng rơn. Thấy má, họ như thấy có một sự mạnh mẽ vô hình tiếp sức.

Má nói: Mấy ngày rồi tôi đi thăm họ hàng xa, nay đi bán lại.

Thì ra má cũng sợ người ta biết, nói thác đi. Má lại gánh chuối đi bán. Nhưng không mua đầu chợ bán cuối chợ, má mang thẳng vô cổng khu chung cư mới xây ngay sau.ngay sau chợ bán. Mới nửa buổi, đám trật tự đô thị có lệnh “làm đẹp” đường phố, thế là hai gánh chuối của má bị hốt đi. Má đứng giữa phố chửi váng lên. Nhưng cái xe đã lăn bánh với đủ các thứ tịch thu được, trong đó có hai gánh chuối của má.

Má đứng bần thần, tiếc của. Hai gánh chuối mua bằng số vốn đi ăn xin cả tuần. Không được, phải lấy lại. Má cố chạy theo chiếc xe. Nhưng thân già xơ xác…

Má vấp té giữa phố.

Người qua lại nháo nhào. Họ đưa má về nhà. Đầu gối má tím bầm. Nhìn má, một nỗi ấm ức dấy lên trong tôi. Phía sau một gánh hàng rong, là miếng cơm của cả gia đình, mấy người có biết không?

– Thôi, dẹp, từ mai tao không đi bán gì nữa. Má nói.

Tưởng má chỉ nói vậy thôi. Ai dè má không đi bán nữa thật, sau cái hôm bị trật tự đô thị thu giữ hàng. Có lẽ không phải vì má sợ mấy ông sếp mặt búng ra sữa, chỉ cỡ tuổi thằng cháu nội của má, mà là vì cái chân đau, trật khớp sau cú ngã hôm rồi. Kéo theo bao nhiêu sức lực của má. Cả tuần liền má ở nhà rồi, không ghé chợ. Dù biết má đau nhưng tôi vẫn thấy nhẹ nhõm trong người. Mỗi ngày ra khỏi nhà của má, tôi không yên tâm chút nào. Kiểu gì cũng có chuyện. Hơn nữa, cuộc đời phải có lúc nghỉ ngơi chứ.

Mấy bà bạn già của má, không thấy má chạy chợ, rủ nhau tới tận nhà ghé thăm má. Họ chẳng mang theo đồ ăn gì, mỗi người góp một vài chục ngàn cho chung vào bao thư, nhét vô túi áo má, nói tụi tôi biếu chị để mua thuốc men.

Má vui ra mặt, không phải vì được cho tiền mà vì được gặp bạn bè. Một tuần ở nhà của má có lẽ phải dài bằng cả tháng trời.

Má nói với mấy người bạn, giọng rất quyết liệt:

– Mai tôi lại đi. Mấy dì đừng lo. Tôi khỏe như trâu, khỏi ốm ngay ấy mà.

Thế mà má đã không giữ được lời như đã hứa với bạn chợ của má. Sau hôm ấy, má bị té thêm lần nữa khi ra cửa và nằm luôn tại chỗ. Đến tối, người má tím tái, co giật liên hồi. Cả nhà đưa má vào viện. Bác sĩ khám, cau mày:

– Tôi nói thiệt, nếu còn tiền thì để bà cụ lại điều trị. Còn khó khăn thì nên đưa về. Chẳng còn được bao lâu.

Buồn. Chồng tôi vẫn có cái tật ngồi im trước mọi sự vui buồn, lớn nhỏ trong đời. Tôi nói:

– Còn nước còn tát, cả đời má chịu khổ rồi…

Ở viện được hai tuần, tôi bán cả cây vàng của má và sợi dây chuyền để thuốc thang. Má vẫn không thuyên giảm, má nằm bất động, chỉ đôi mắt là lúc nào cũng như muốn nói. Má vời tôi lại, đôi môi khô héo bập bẹ:

– V…ề…

Má muốn về. Chắc vì má sợ tốn kém. Đời má chưa lúc nào má hào phóng với bản thân.

Chồng tôi nói đưa má về thôi, còn tiền đâu mà cầm cự.

Tối ấy đưa má về, tôi buồn ngủ quá, dặn chồng canh má giùm mươi phút đi chợp mắt thì má đã ngủ thật sâu.

Một giấc ngủ dài nhất trong đời mỗi người.

Má đi thật rồi. Nhẹ nhàng thanh thản. Tôi nhào vào má, thế là từ rày không còn để nghe má la rầy nữa rồi. Tôi thật khốn nạn, tham giấc ngủ nên không ở bên má phút cuối.

Chồng tôi khóc òa lên, lần đầu tiên trong đời tôi thấy chồng khóc, ổng vục mặt lên hai bàn tay, bờ vai rung lên nức nở.

Lần trong túi áo má, một tờ giấy ghi nợ. Má ghi lại số tiền những ai nợ má. Chẳng được bao nhiêu. Má còn dặn trong đó: Đời tao nợ nần nhiều rồi. Người ta có khổ thì mới phải đi vay. Xóa hết cho họ.

Sao má khổ thế này, đó là cách má trả nợ cuộc đời đấy ư? Suốt đời má toàn cho tôi những bí mật, những bất ngờ. Mà điều nào cũng khiến tôi nhói đau.

Ngày má mất là ngày cu Minh đỗ đại học. Niềm vui và nỗi buồn đan xen. Nó là đứa đã thoát án tử giữa những đứa bạn đồng lứa đã chết vì nghiện hút của khu xóm này.

Sau này Minh được nhà trường cho du học bên Nhật. Nếu còn sống chắc má sẽ vui biết bao. Mười năm qua đi, cả khu xóm cũ đã bán nhà và đi hết. Nhưng ngôi nhà của má vẫn còn nguyên. Chồng tôi muốn bán đi, chia tiền cho các con làm ăn. Nhưng tôi không chịu, giữ lại ngôi nhà, để nhớ về má.

Mười năm rồi. Lòng tôi vẫn băn khoăn ân hận, ân hận vì bao nhiêu lần cãi tay đôi với má. Với tôi, má đâu chỉ là má chồng. Mà má là cuộc sống của cả nhà tôi.

Giờ tôi cũng có con dâu. Nhưng chúng là người thế hệ khác, hôm nay nhìn lên bàn thờ má, chúng đâu biết hết được chuyện ngày xưa?

Lê Nguyệt Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *