Tôi không phải CARBON!

“Áp lực thì tạo thành kim cương”. Người ta thường nói hay an ủi với người khác khi họ đang trong một giai đoạn khó khăn hoặc vì cũng chẳng biết nói gì khác để đối phương cảm thấy tốt hơn cả!

Với kinh nghiệm của một đứa 7 điểm Hoá lớp 8 và có lẽ điều mình đang nói không chắc có phải thuộc về Hoá học hay Vật lí 

 thì mình vẫn biết rằng: “Kim cương là từ carbon sau nhiều lần biến đổi khắc nghiệt thì mới được tạo ra”.

Thì đương nhiên! Chúng ta đều phát triển và thay đổi trong môi trường có áp lực, rèn luyện và kỷ cương. Từ đó tạo nên một con người khuôn mẫu rắn rỏi hay phù hợp với tiêu chuẩn của xã hội đang đề ra. Đó đã là bản năng “thích nghi” vốn có của con người thì mới có thể đi bằng hai chân như ngày nay.

Cứ thế mà có nhiều người “vô tình” đặt người khác vào trong hoàn cảnh vô cùng áp lực như bố mẹ ép con học 8-9 nơi một tuần, học đúng theo cầm-kì-thi-hoạ ngày xưa để con mình được toả sáng hay sếp ép thế vì nghĩ nhân viên buộc phải phát triển và sáng tạo hơn để phù hợp với hoàn cảnh.

Vậy liệu có đúng với con người hay chỉ với cacbon thôi?

Hãy tưởng tượng con người cũng như thanh kiếm vậy! Nếu chúng được rèn trong một nhiệt độ phù hợp, mức độ rèn giũa vừa phải và đều đặn thì sẽ cho ra một thanh kiếm sắc bén hết khả năng của nó. Đặc biệt trong thời gian rèn, thanh kiếm cũng có thời gian nghỉ, làm nguội trước khi chuyển sang công đoạn khác.

Con người cũng thế! Mỗi chúng ta là một cá thể với tính cách, hình dáng, tâm lí khác nhau thì cũng cần có mức độ giáo dục riêng, đều đặn và vừa phải thì sẽ phát huy hết khả năng của mình. 

Và mình thấy chúng ta sinh ra là một “cá thể” mà lại chết đi như “bản thể” của ai khác ?

Các tiêu chí được xây dựng từ “… nhà người ta” đã mặc định rằng nếu ta ép người khác thì họ cũng sẽ làm được như thế và nếu đã áp dụng được với họ thì chắc cũng sẽ áp dụng được với mình

Thực tế là mỗi chúng ta là một nguyên tố riêng trong bảng tuần hoàn nên không thể biến “Ôxi” thành “kim cương” theo cách của “carbon” được mà cũng chẳng bao giờ có kết quả ấy.

Mình không phủ nhận lợi ích của “kỷ luật”, “áp lực” sẽ khiến mình thay đổi, có thể là tiến bộ nhiều, nhưng một “áp lực” ĐÚNG sẽ đem lại hiệu quả và không ảnh hương đến người chịu áp lực.

Nói đến đây chắc chúng ta đều có liên tưởng có thể đến bản thân hoặc những người xung quanh cũng đang chịu “áp lực” mà bạn cho rằng là không ĐÚNG.

Còn nếu ở đây có anh chị, cô chú là sếp, giáo viên, phụ huynh…thì em cũng chỉ muốn nói rằng: “Cuộc sống vốn dĩ đã có nhiều áp lực. Việc tạo thêm chỉ đè nén và dồn đến bước đường cùng. Thực chất, bản thân em cũng cố gắng phát triển trong áp lực mà mọi người tạo ra và hiểu được mong muốn của mọi người mà. Bọn em cũng cần THỞ và enjoy the moment một lúc”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *