Vậy nên, câu hỏi đường dài là “Lòng ta hẹp, hay cuộc đời quá chật”? Không chỉ là học cách ăn nhiều, mà tìm cách ăn ngon nhiều món hơn: hay làm sao để mở rộng đam mê của mình hơn.
1. Có lẽ sự tử tế nhất bạn có thể làm cho đam mê của mình là đừng kiếm tiền bằng nó. Tất nhiên sẽ luôn có vài kẻ may mắn hay quá giỏi để có thể vừa sống đúng với sở thích, vừa không bị đồng tiền tha hoá nó. Nhưng với phần lớn, khi phải phục vụ cho ham muốn cho người khác, bạn sẽ luôn phải hy sinh mong muốn của mình.
Và đến khi phải sống trái với “khẩu vị” của mình quá nhiều và quá lâu (bạn phải viết thứ bạn nghĩ rằng mình không nên viết), bạn sẽ quay lại căm thù chính đam mê từng nuôi dưỡng mình. Nếu trước đây nó đã từng là nguồn cung cấp năng lượng sống, khiến bạn cảm thấy muốn tỉnh dậy và làm, thì bây giờ nó trở thành một gánh nặng, một cực nhọc, một vấn đề cần phải giải quyết.
Một khi “chơi” trở thành “trò chơi” và có khán giả đến xem, thì nó bắt đầu mất vui rồi.
2. Vậy nên, có lẽ hạnh phúc hơn cả người sống và kiếm sống bằng đam mê là người có thể sống bằng một nghề khác, và vẫn giữ đam mê của mình như một con thú cưng yêu quý trong khoảng sân vườn. Hoặc bạn có thể có một vài đam mê: 1 số bạn phải bán chúng cho thị trường, và 1 số thì bạn chỉ làm nó vì bạn thực sự thích, lúc nào muốn, không cần buộc phải làm hài lòng ai. (Mình vui là được).
Thứ người lớn nên giữ gìn nhất có lẽ là ham muốn của mình: dù là mê giày, mê game, mê ăn, mê sách… Vì thứ đáng sợ nhất khi lớn lên và già đi là người ta chẳng còn thích nhiều thứ nữa. Không phải thế giới bớt vui vẻ, mà lòng họ trở nên dần lạnh nhạt: thử hết rồi, biết hết rồi, làm mãi rồi… nên chán rồi.
Giống như bạn còn ăn ngon, vì còn cảm giác thèm ăn; chúng ta còn yêu đời, hoặc ít nhất không chán đời, vì những đam mê với cuộc đời của ta còn chưa bị suy thoái, khô héo, hay mất lửa. Càng già, càng hết sự ngạc nhiên với cuộc đời, càng thân thuộc với mọi thứ, bạn sẽ càng thấy quý trọng những gì mà mình làm không thấy chán. Vì nó là thứ giữ cuộc đời này trở nên đáng sống và khiến bạn tiếp tục sống trong sự thú vị.
3. Bởi thế, nếu bạn đang không làm công việc mình yêu thích, và muốn chuyển hẳn sang việc dùng đam mê của mình làm cần câu cơm, bạn có thể dừng lại một chút để thử xem liệu có đáng hy sinh những ham muốn ít ỏi còn lại của mình đi không.
Bởi càng lớn, chúng ta càng mất khả năng hứng thú với nhiều thứ, vì thế mà đời trở nên nhạt vị và dần vô vị. Trẻ con có thể thích được vô số thứ (nó có thể ăn cả siêu thị), nhưng người lớn lại hay mắc kẹt trong những cá tính của mình (tớ chỉ có thể ăn món này, nghe nhạc này, yêu mẫu người này, đọc loại sách này…).
Rất, rất, rất khó để ngạc nhiên với chính mình (trừ khi bạn sẵn sàng cởi mở các khuôn khổ do chính mình lập ra), vì các đam mê của chúng ta vừa là ngôi nhà nuôi dưỡng, nhưng vừa là nhà tù giam cầm. (Nếu bạn chỉ có 10 món ăn yêu thích nhất, thì bạn sẽ bị mất sự phấn khích với 1000 món còn lại).
Vậy nên, câu hỏi đường dài là “Lòng ta hẹp, hay cuộc đời quá chật”? Không chỉ là học cách ăn nhiều, mà tìm cách ăn ngon nhiều món hơn: hay làm sao để mở rộng đam mê của mình hơn.
(Nguồn: Trạm đọc)
Nhưng có một điều bạn cần nhớ rằng: Đừng ném giấc mơ của mình vào thùng rác!
Hãy lấy giấc mơ của bạn ra, phủi bụi và làm điều gì đó đi!
Và dù kết quả cuối cùng thế nào, vẫn có thể nói… “Tôi vui vì mình đã làm.”
Đồng ý chứ?