Truyện chuột tinh (THỬ TINH TRUYỆN)

Có anh con trai nhà nọ được cha mẹ cưới vợ cho vào năm hai mươi tuổi. Vợ có nhan sắc, anh rất yêu. Mới được nửa năm, người cha bảo anh rằng: 

– Người xưa nói: “Trẻ chẳng học, già làm gì?”. Mày đang tuổi xanh sức khỏe, chính là thời kỳ tu tiến. Nếu nặng tình chăn gối, uổng phí thì giờ, về sau hối lại cũng chẳng kịp nữa. Con nên đi học xa, một vài tháng về một lần cũng được. 

Nghe lời cha dạy, anh hăng hái từ biệt gia đình, cùng với một người đầy tớ đi phương xa tìm thầy theo học. Khi đi, vợ tiễn chân nói riêng với anh rằng: 

– Vợ chồng là duyên trăm năm, không phải duyên sớm tối. Chàng đi học xa, may ra đỗ đạt, trên thì cha mẹ vẻ vang, dưới thì vợ con sung sướng, sau này hưởng thụ còn nhiều. Mong chàng hãy tạm gác tình yêu thương thiếp, ra sức học hành; còn như việc phụng thờ cha mẹ, miếng ngon miếng ngọt, sớm hỏi, tối chào, thiếp xin đảm đương, mong chàng chớ ngại. 

Anh gật đầu từ biệt. 

Từ đó, vợ ở nhà phụng thờ bố mẹ chồng, nết ngoan ngoãn, không có điều gì đáng chê trách. Thấm thoắt đã được nửa năm. Bỗng một đêm đã khuya, vợ thấy chồng trèo tường về, vào ngay trong buồng. Vợ ngạc nhiên hỏi: 

– Ô! Lang quân, sao lại về đêm như thế? Từ xa trở về, chưa vào chào thầy mẹ, đã vội đến khuê phòng. Sáng mai thầy mẹ biết chuyện, chả hóa ra chàng là người coi tình yêu hơn đạo hiếu, không phải kẻ học thức, mà thiếp cũng mang tiếng là người chỉ biết ham vui. 

Chồng nói: 

– Ta nhớ hiền nương lắm, thường thường muốn về, nhưng chỉ sợ thầy mẹ không bằng lòng, cho nên phải đợi đêm khuya lẻn về, rồi gà gáy lại đi. Hiền nương nên giấu hộ ta. 

Vợ nín lặng. Rồi hai người cùng vào trong màn, ái ân đằm thắm. Đến gà gáy, quả nhiên chàng dậy từ biệt. 

Cách một đêm, đêm sau lại đến. Vợ ngờ hỏi rằng: 

– Nghe nói nhà chàng trọ học cách nhà ta hơn hai ngày đường, sao đi lại được luôn như thế? 

Chồng nói: 

– Ta vì hiền nương, đã dời chỗ trọ về gần, cách nhà ta độ mười dặm thôi. Vì muốn đi lại cho tiện, nên phải giấu giếm không dám lộ chuyện cho cha mẹ biết. 

Vợ cũng yêu chồng, nên tin lời không hỏi lại nữa. 

Cứ như thế hơn nửa năm, người ngoài không ai biết chuyện. Nhưng người vợ nhan sắc ngày một sút kém, tự hồ người ốm. 

Bố mẹ chồng ngờ là con dâu vì nhớ chồng mà đến nỗi như thế, bàn riêng với nhau rằng: 

– Đôi vợ chồng trẻ mà phải xa nhau kể cũng đáng thương. Từ khi con trai ta đi học đến nay, tính đốt ngón tay đã một năm tròn. Con dâu ở nhà công việc siêng năng, nhưng mặt buồn rười rượi. Ta nên viết thư cho con trai nên tạm về trong vòng một tháng. Một là yên lòng cha mẹ tựa cửa chờ mong, hai là thỏa lòng dâu con gối chăn trông đợi. 

Thế rồi người cha viết thư cho con. Con tiếp được thư xin phép thầy học ra về. Đến trưa hôm sau tới nhà, chàng vào ngay nhà trong, đến tận giường hỏi thăm sức khỏe cha mẹ.

Cha thong thả hỏi đến việc học hành. Anh đối đáp trôi chảy. Cha rất vui lòng. Một lát gọi con dâu ra, trỏ vào anh, cười mà nói rằng: 

– Con xem thầy tớ nó áo quần rách nát, tóc da gàu ghét. Thật là cảnh khổ của học trò kiết xa nhà. Sao con không lấy áo mới cho chồng thay, lấy nước cho chồng tắm? 

Con dâu vâng lời. 

Đến chiều, lại dọn cơm rượu cùng vui trong gia đình. Đêm đã khuya, anh xin phép về phòng nghỉ. Cùng ngồi với vợ, anh hỏi rằng: 

– Thầy mẹ nàng vẫn được mạnh khỏe cả chứ? 

Vợ nín lặng. Anh lại nói đùa rằng: 

– Tục ngữ có câu: “Vợ chồng mới cưới không bằng vắng lâu”, là ý thế nào nhỉ? 

Vợ không trả lời. 

Chồng lại nói: 

– Kinh Thi có câu: “Đêm nay là đêm nào? Thấy người lương nhân phải nghĩ thế nào với người lương nhân? Đêm nay là đêm nào? Thấy người đẹp phải nghĩ thế nào với người đẹp ấy?” Nàng với ta có đồng tình với cổ nhân không? 

Vợ cũng nín lặng. 

Chồng lại thong thả hồi lâu, vỗ vào lưng vợ bảo rằng: 

– Ta từ khi xa nhà đến nay, song gà (1) luyện tập, trí thức ngày một mở mang; án tuyết (2) gắng công, đức hạnh ngày một tu tiến. Mới biết “cha mẹ thương con lo lắng cho về lâu về dài”, lời cổ nhân không dối ta bao giờ. Ta tuy cách xa dưới gối, việc phụng dưỡng cha mẹ đã có người lo. Song chạnh nghĩ đến khuê phòng, niềm ái ân vẫn thường mộng tưởng. Ta có làm bài thơ như thế này: “Vắng tanh như nhạn (3), mịt mù tin ngư (4)”. 

– Người đàn bà trong thơ Tiểu nhung thức ngủ không yên (5). Người đàn ông trong thơ Đông Sơn một mình than thở (6). Xa nhau thì nhớ ai cũng như thế. Cớ sao ta rất nhớ nàng, mà nàng tuyệt nhiên không nhớ ta? Ba lần hỏi mà ba lần không đáp là cớ gì? Sao không xem chim cưu cái cầu tạnh để được gần chồng? Loài chim còn như thế, huống chi là người. Hay là đã cành chim lá gió, đưa người cửa trước rước người cửa sau có phải không? Tục ngữ có câu:Việc gì mà lại nằm không một mình”. Câu ấy đúng như tính nết của nàng đó. 

Vợ trợn mắt nhìn chồng, nói rằng: 

– Sao chàng nói càn như thế? Chàng đi học xa chưa tới nửa năm, đã giấu giếm cha mẹ rồi dời về trọ ở ấp gần. Đêm khuya trèo tường về, gà gáy mở cửa đi. Tính đến nay đã được nửa năm, đi lại với nhau tới hàng trăm lần. Lại còn nhớ nhung gì nữa? Thương chàng, yêu chàng, sợ chàng, cho nên vẫn giữ lời dặn, không dám tiết lộ. Bây giờ lại thêu nên điều phi nghĩa, buộc cho tiếng phi nghĩa, buộc cho tiếng nhơ nhuốc. Thân này đã điếm nhục, còn mặt mũi nào nhìn bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ nữa? 

Chồng lại càng giận, mắng rằng: 

– Suốt hơn năm trời, đã về nhìn mặt lần nào, có cả lão bộc cũng biết. Đến như việc dời nhà trọ, trèo tường về, ta có bao giờ làm thế? Chắc là đứa gian phu nào giả hình dạng ta, đêm hôm tối tăm, không phân biệt thật giả, dục tình động lên, vội vồ lấy nó. Mày sao dám nói càn là ta? 

Vợ khóc lên nói: 

– Vết đỏ ở cổ, mụn hạt cơm ở trong tai, không phải chàng thì ai? Tiếng nói như tiếng khánh, hai môi đỏ như son, không phải chàng thì ai? Tầm cao không sai một tấc, vóc lớn không kém một phân, không phải chàng thì ai. Dưới vận quần trắng, ngoài vận áo the, quần áo chàng đều do thiếp cắt may, lẽ nào lại lầm? Quạt lụa phe phẩy, khăn hồng vắt vai, những thứ chàng cần dùng đều là của thiếp đưa tặng, lẽ nào còn sai? Huống hồ lời nói bên gối, cách đây mới có một đêm, thiếp còn nhớ cả, sao lại bảo thiếp là nhận càn? 

Nói xong, lại khóc ầm lên. 

Bố mẹ chồng nghe tiếng, vội vàng chạy đến, hỏi vì duyên cớ gì. Người vợ vì bị chồng sỉ nhục nên tức giận, liền khóc và lạy phục xuống đất, thuật hết mọi chuyện, không nghĩ gì đến xấu hổ nữa. 

Xong lại nói tiếp: 

– Lời chồng con nói, nếu thực như thế, như thế, thì không những con mang tiếng phụ chồng mà còn làm nhục đến gia thanh nữa. Thân con còn sống làm gì. Từ nay trở đi, không dám đứng hầu thầy mẹ nữa. 

Nàng liền đập đầu vào cột, định tử tự. Chồng và bố mẹ cấp cứu, lấy lời ngọt ngào khuyên giải. Một lát nàng mới tỉnh lại. 

Bố mẹ mới bảo chàng rằng: 

– Từ ngày con đi học xa, vợ con ở nhà rất hiền lành đứng đắn, không có ngoại tình đâu. Nếu bị kẻ gian đánh lừa, thì nửa năm nay há không ai biết sao? Hay là ma quỷ yêu tinh ham mê nhan sắc nó mà nhũng nhiễu chăng? Con hãy cứ đi học, ta sẽ tìm phù chú trấn áp cho nó. 

Chàng vâng lời. Qua một tháng lại đem người lão bộc đến nhà trọ cũ. 

Bấy giờ, mẹ chồng dặn kín con dâu rằng: 

– Đêm nào nó đến, con nên giữ chặt lấy, kêu to lên, để ta đến xem 

Đến đêm hôm thứ ba, ông bố ở nhà trong nghe tiếng kêu. Lập tức mọi người đến bắt trói gian phu vào cột. Sáng mai bố mẹ đến nhìn kỹ thì đúng là con mình. Vợ cũng bảo đúng là chồng mình. Họ hàng gần xa đến xem, ai cũng nhận đúng là người làng người họ. Trong bọn ấy có người thức giả nói: 

– Nên sai người đến chỗ trọ hỏi anh ta có về hay không, thì mới biết đích là thật hay giả. 

Người cha theo lời. Hôm sau người con tiếp được tin, lập tức cùng lão bộc tất tả về nhà. Cha mẹ, người làng và người vợ đều nhìn, rõ ràng một người mà thành hai, hai người mà như một. Bèn bắt cả hai người đem thưa quan huyện. Quan huyện không biết xét xử thế nào, giải lên tỉnh. Quan tỉnh cũng không xử được, nên đem việc ấy tâu về triều đình.

Ta thấy thế, thân ra xét hỏi. Hai người đều đứng trong sân rồng. Ta sai thị vệ cởi áo ra xem, ngoài mặt đã giống nhau, mà trong mình, những chỗ kín, nốt ruồi đen, đỏ lại càng giống nhau như hệt. 

Có người tâu ta rằng: 

– Ban ngày thì đưa ra nắng, ban đêm thì soi trước đèn, có bóng là người, không có bóng là ma. 

Ta đem thí nghiệm cũng không ăn thua gì.

Cả triều đình chịu bó tay, không nghĩ được phép gì để xét xử vụ này. 

Ta bực mình tự nghĩ rằng: “Mình là người đứng đầu thần dân, nếu không xét cho ra cáián này, thì bố mẹ người thêm một đứa con ma, vợ người thêm một thằng chồng ma. Đã gọi là ma, sau này không khỏi sinh ra tai vạ khác”. 

Thế rồi ta thắp hương cầu khấn, nhờ Đổng Thiên Vương giúp sức. Hơi hương bốc lên, Thiên Vương nhập vào con đồng, bảo ta rằng: 

– Ma này là giống tinh chuột đấy. Chuột già lâu năm ăn nhiều tinh khí của các vật, thành giống quỷ quái này. Lửa không hại được, phù chú không trừ được. Thứ ma này thay hình đổi dạng trăm vẻ, biến hóa giỏi nhất xưa nay. Đời nhà Tống, nó biến là vua Nhân Tông giả, Long Đồ Lão Tử (7) tra án này cũng không có thuật gì khu trừ được, phải tâu Ngọc Hoàng Thượng Đế xin mượn con mèo mặt ngọc, nó mới không thể độn hình, bản tướng lộ ra, bị mèo kia cắn chết. Nay ở Thiên Đình kho sách rất nhiều, khó mượn được con mèo ấy. Tôi thử dùng kiếm khí trừ con ma ấy cho bệ hạ.

Hãy lấy hương thư phù vào hai đạo bùa, sai dán vào sau lưng hai người ấy. Dẫu ma muốn chạy thoát cũng không được. 

Đến hôm sau ta bắt hai người ra đứng giữa sân rồng, quay mặt vào nhau.Bỗng nhiên mây đen mù mịt, trong sân có một luồng khí sáng như chớp. Một lát mây tan thì thấy một con chuột ngũ sắc, râu trắng như tuyết, bốn chân huyền đề, nặng chừng ba mươi cân, bảy khiếu (

 chảy máu đen, chết gục ở sân. Còn người đứng bên kia thì vẫn tỉnh táo như cũ. Hai bên thị vệ trông thấy, ai cũng kinh khủng.Ta ngửng mặt lên trời tạ ân xong, truyền đốt con chuột ấy, đem tro ném xuống sông. 

Vợ người nhà kia uống thuốc hơn một năm, mới giải được cái độc tinh chuột. 

LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC (20): Lâu ngày thành yêu, vật nào cũng thế. Nhưng chỉ có giống khỉ, giống cáo và giống chuột là dữ nhất xưa nay. Tinh khỉ có khi dùng được việc, như Tôn Ngộ Không (9) trước làm Bật mã ôn cho Ngọc Hoàng, sau vì đùa bỡn quá trớn, Phật Tổ dùng thuật trấn áp. Năm trăm năm sau, cải tà quy thiện, đi theo Đường Tăng sang Thiên Trúc, yết kiến Phật Như Lai, xin được hơn tám mươi bộ kinh Phật. Đến nay các chùa Phật đều đắp tượng để thờ, mình người đầu khỉ mà rất anh linh. 

Tinh cáo tuy rất ác, cũng không đến nỗi biến hóa, giả hình, gian dâm vợ con người. Còn như chuột đời Xuân Thu ba lần ăn trộm trâu tế giao (10). Sau lại làm vua chuột, đêm ra ngày ẩn (11). Đời Thần Tông nhà Tống giáng sinh ở Kim Lăng, thay đổi phép cũ, làm loạn thiên hạ (12). Về sau, bọn Thái Kinh, Đồng Quân thừa cơ làm nhà Tống đến nỗi mất ngôi. 

Cho nên “Không nanh mà đục thủng tường ta” (13) câu ấy hình dung cái tàn bạo của chuột. “Chứa mày mà mày ăn lúa mạch của ta” (14), câu ấy hình dung cái tham lam của chuột. Câu thơ “có da có mình”, người làm thơ mượn để chế kẻ vô lễ (15), “mười ba mười bảy”, nằm với mẹ không giữ được yên lành. 

Quẻ Tấn đem thạch thử làm hệ từ (16), Tô Đông Pha lấy Hiệt thử làm đề phú (17). Xem những việc chép tản mát trong kinh truyện, thì vật đáng sợ nhất không giống gì bằng giống chuột, vật đáng ghét nhất cũng không giống gì hơn giống chuột. Rình vào hòm thì người ta đặt cạm để bắt, hóa ra chim giẽ (18) thì người ta căng lưới để vây; đào hang trong nền xã (19) thì dùng lửa hun, nước dội; ở ngoài cánh đồng thì cúng thần mèo để nhờ mèo ăn thịt. 

Con vật mà mọi người cần phải đuổi đánh, bắt giết, bao giờ cũng là giống chuột. Hỡi chuột, hỡi chuột! Ngấm ngầm mà độc, tinh ranh mà hiểm, đến thế ư? 

Chú thích: 

(1) Thơ La ẩn đời Đường: “Kê song dạ tĩnh khai thư quyển = song gà đêm vắng mở sách xem”. 

(2) Uyên giám loại hàm: “Tôn Khang nhà nghèo, không có đèn, soi sách vào tuyết để học”. Thơ Viên Khải. “Minh lai tuyết án đồng ôn tập = Tối đến cùng ôn trên án tuyết”. 

(3) Thư nhạn: Tô Vũ đời Hán đi sứ Hung Nô, bị Hung Nô giam lại, rồi bắt chăn dê ở Bắc Hải 19 năm. Vua Hán sai sứ sang hỏi, Hung Nô nói Vũ chết rồi. Sau sứ nhà Hán phải nói thác rằng vua Hán bắt được một con chim nhạn, chân có buộc lá thư của Tô Vũ nói Vũ còn sống. Hung Nô mới tha cho Vũ về. Do đó mà có chứ “Nhạn thư” (Thư nhạn). 

(4) Tin ngư: “Ngư” là cá. Theo sách Lang hoàn ký: “Đời xưa, người ta dùng thứ giấy bằng kén con tằm chế ra cái bao hình con cá, hai bên có hình vẩy cá, dưới bụng có chỗ để bỏ bức thư”. Do đó chữ “tin ngư” dùng để chỉ thư tín. 

(5) Ở bài thơ Tiểu Nhung trong Kinh Thi có đoạn nói về sự nhớ nhung đối với người ngồi xe ra chiến trận. 

(6) Đông Sơn, tên một bài thơ trong Kinh Thi, nội dung có nói đến lòng nhớ quê hương của người lính trên đường trở về hậu phương sau khi thắng trận. 

(7) Long Đồ Lão Tử: tên là Bao Chửng, người đời Tống, có tài xử án rất công minh. Ta thường gọi là Bao Công. 

(

 Bảy khiếu: hai mắt, hai lỗ tai, hai lỗi mũi và mồm. 

(9) Tôn Ngộ Không: Tề Thiên Đại Thánh là một con hầu đã thành đạo (Tây du ký). 

(10) Tế giao: tế trời đất. Tả truyện nói: “Con hề thử (chuột nhắt) gặm sừng trâu tế giao. Đổi trâu khác, hề thử lại gặm sừng, bèn bỏ trâu Tế giao”. 

(11) Vua chuột: Tây Vực có nước Thử Vương. Tương truyền ở đây, chuột lớn bằng con chó, hạng vừa bằng con thỏ, hạng nhỏ bằng loại chuột cống. Tục truyền chuột được ăn mắt người chết thì thành vua chuột. 

(12) Vương An Thạch làm tướng đời Tống Thần Tông, đổi hết phép cũ, thi hành phép mới. Các đại nho đời ấy ghét Thạch, bảo Thạch là con Thạch thử (chuột Thạch). 

(13) Trích ở thơ Hàn lộ trong Kinh Thi, ví những kẻ hay kiện tụng như con chuột hay đào tường khoét vách. 

(14) Trích ở thơ Thạc thử trong Kinh Thi. Bài thơ ví chính sách thuế nặng ở nước Ngụy như loại chuột tham lam và sợ người. 

(15) Thơ Tướng thử trong Kinh Thi chê người vô lễ không bằng con chuột. 

(16) Quẻ Tấn trong Kinh Dịch đem “thạch thử” gắn vào hào “cửu tứ”, ý nói thạch thử tham mà nhút nhát, ở không đáng ngôi, cho nên nguy hại. 

(17) Tô Đông Pha có bài phú Hiệt thử (con chuột ranh). 

(18) Thiên Nguyệt lệnh trong Kinh Lễ nói: chuột đồng hóa ra chim giẽ. 

(19) Nền xã: nền để tế thần đất. 

(20) Không rõ là ai, cụ này có vẻ là fan cứng của chàng Tư Thành. 

Note: Đây là truyện ngắn mà báo mạng ngỡ ngàng, ngơ ngác & bật ngửa trước tài xử án quỷ thần của chàng Tư Thành nhà t đấy các b ạ 

Theo: Thánh Tông Di Thảo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *