1. Quan tâm tới trước mắt không quan tâm tới lâu dài. Chi li cái lợi nhỏ, không nhìn ra con đường lớn.
Bản tính cố hữu của con người là cố gắng giải quyết các vấn đề tình thế. Nhìn thì có vẻ hiệu quả, thắng thế, nhưng thực chất chưa chắc đã phải vậy.
Có rất nhiều chuyện ở đời, khi ta cố gắng thắng trong cái nhỏ, lập tức cục diện bị đánh mất. Chúng ta có thể nhìn lại những lần cãi vã hơn thua, những lần gồng lên chiến thắng trong thị phi. Thường thì cảm giác khi đó rất “đã” nhưng rõ ràng có rất nhiều điều đã rạn nứt khi ta hơn thua những vấn đề nhỏ.
Ứng xử cố thắng thế trong cái nhỏ, làm việc tập trung vào lợi nhỏ, thực chất là đang thu hẹp và cô lập mình. Tâm có rộng, đường đi mới rộng. Nhìn được rộng thì từ “trí khôn” mới chuyển hóa thành “trí tuệ”.
2. Chỉ thích học lỏm, không có tư duy hệ thống.
Thường chúng ta bắt đầu bằng sự vô tri. Gặp cái gì thấy hay thì làm theo.
Trong sự học, chúng ta thích cái gì dễ mà có vẻ tốt. Thích tự suy luận. Điều này mặc nhiên chẳng có gì sai cả, nhưng lại khiến chúng ta không thể lớn được.
Những cái học lỏm được chỉ có tác dụng như những “mẹo vặt” tình thế. Con người lựa chọn học toàn những thứ tình thế thì sẽ liên tục rơi vào việc phải đi giải quyết tình thế. Tưởng chừng “vắt kiệt trí óc” mà giải quyết chẳng được bao nhiêu điều.
Rõ ràng, những vấn đề mà khi bắt đầu nó làm khó chúng ta thì về sau nó luôn khiến chúng ta dễ thở hơn. Khi mà cái khó ấy nó đúng theo chiều hướng sâu hơn và bản thân ta đã quen nó rồi.
Sự học là phải phát triển thành hệ thống. Biết một phải ham thích biết mười. Đây mới là con đường giúp bước đi nhẹ tênh, việc làm hiệu quả.
3. Chăm chỉ nhưng không cải tiến.
Câu chuyện về sự lười tư duy thực ra còn thường gặp hơn cả câu chuyện về sự lười lao động. Chúng ta thường bắt gặp trên mạng bức tranh vẽ một người nguyên thủy đưa cái bánh xe hình tròn bảo anh bạn của mình thay thế cho cái bánh xe hình tứ giác, và rồi nhận được câu trả lời:
“Tôi đang quá bận để thay đổi”.
Rõ ràng chỉ cần mất một chút thời gian để suy nghĩ, thử đổi bánh xe hình tứ giác thành bánh xe hình tròn, công việc của anh chàng kéo xe trong bức ảnh nêu trên đã xuôi thuận hơn rất nhiều. Nhưng anh ta lại đang cuốn vào và dành tất cả thì giờ cho thói quen của mình và ngại chuyện tư duy cái mới.
Vậy chăm chỉ mà không cải tiến, tư duy, thực chất chỉ là đang đánh lừa mình. Bạn đừng để bản thân rơi vào trạng thái đó.