Không internet, giao thông lại khó khăn, triều đình Trung Quốc ngày xưa phát bổng lộc cho quan lại cả nước như thế nào?

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cách mà chính phủ và các đơn vị doanh nghiệp trả công cho nhân viên đã có một sự biến chuyển vượt bậc, chuyển từ trả bằng tiền mặt như trước kia sang hình thức chuyển khoản “không tiền mặt, không tiếp xúc” như hiện nay. Nhìn tổng thể thì thật ra phát lương theo hình thức chuyển khoản an toàn và đáng tin cậy hơn rất nhiều so với phát trực tiếp cho công nhân viên.

Vậy thì, vào thời kỳ không có thẻ ngân hàng như Trung Quốc cổ đại, triều đình phát lương cho quan chức thời xưa như thế nào?

Lương thời xưa không nhất thiết là hiện kim.

Lương thời xưa được gọi là bổng lộc. Ở mỗi triều đại mỗi khác, nên cách nhận bổng lộc của quan lại cũng có điểm khác biệt. Tuy nhiên cách nhận bổng lộc ở các triều đại lớn của Trung Quốc cổ đại đều có một đặc điểm chung – hình thức vô cùng đa dạng. Nói cách khác, quan chức thời xưa nhận “lương”, không nhất định là hiện kim, mà còn có rất nhiều hình thức khác.

Thời Hán chủ yếu có hai cách phát lương cho quan lại, một cách là phát hiện kim, cách còn lại là phát hiện vật. Các hình thức này không có quy định cụ thể, giống như tùy theo sở thích vậy. Nói cụ thể thì cách quan viên thời Hán nhận lương đều tùy theo quyết định của Hoàng Đế. Đôi lúc chỉ phát hiện kim, có khi chỉ phát hiện vật, có khi phát cả hai.

Thời Hán Tuyên Đế có một người tên Cống Vũ, là một vị quan thanh liêm, chính trực. Cống Vũ là quan Chí Gián đại phu, bổng lộc 9000 hiện kim, Quan Chí Quang Lộc đại phu, bổng lộc là 12000 hiện kim. Thời Hán Tuyên Đế, triều đình chỉ trả hiện kim cho các quan lại, không có hiện vật hay lương thực. Nếu như Cống Vũ sống vào đời Hán Vũ Đến, bổng lộc của ông sẽ được trả gấp đôi bẳng cả hiện vật và hiện kim.

Triều đại nhà Đường là một đế quốc thống nhất hưng thịnh nối tiếp thời đại huy hoàng từ nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, thời Đường lương bổng dựa vào “Cửu Phẩm” (9 cấp bậc quan lại) để tiến hành ban phát của cải. Trong các hình thức phát lương, thông thường thời Hán có hai dạng lương là hiện kim và hiện vật, còn vào thời Đường triều đình phát cho quan lại gạo, hiện kim và đất đai vân vân.

Lấy Loạn An Sử làm ranh giới thì cách phát bổng lộc thời Đường được phân thành hai giai đoạn, trước Loạn An Sử, bổng lộc của quan lại thời Đường tiến hành phát hai quy chế “Bổng lộc theo năm và theo tháng”, nói theo cách hiện đại thì là vừa phát lương năm vừa phát lương tháng. Sau Loạn An Sử, triều đình chỉ còn phát lương tháng.

Đến thời Tống, do Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận thi hành quốc sách “Trọng văn khinh võ”, lương bổng của quan viên thời Tống cực kỳ hậu hĩnh, có một không hai trong các vương triều lớn của Trung Quốc cổ đại (Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh). Theo sử sách ghi chép, lương bổng quan lại thời Tống không chỉ bao gồm lương chính (hiện kim các quan cầm trực tiếp trong tay), mà còn vô vàn các bổng lộc khác ví dụ như gạo, tiền công, phụ cấp công vụ, đất đai v,v… Ngoài ra, triều đình còn phát cho quan lại một danh sách các phúc lợi ngoài luồng khác cho các quan lại chủ chốt của triều đình như thừa tướng, khu mật sứ rượu, lương thực v,v… Lương bổng của các quan địa phương có thấp hơn một chút, nhưng triều đình cũng ban thưởng các phúc lợi như trà lá, rượu v,v…

Điều kiện bổng lộc cao của các quan lại đã tạo nên một “thời đại Văn Trị” có một không hai trong lịch sử nhà Tống, giống như các nhà văn học và lịch sử học nhân dân Trung Quốc quen thuộc như Phạm Trung Yêm, Âu Dương Tu, Tăng Củng, Vương An Thạch, Tư Mã Quang đều là các quan lại có mức “lương cao” ở triều Tống. Còn các Sử Thư và Tống Thi họ đóng góp cũng làm phong phú đa dạng thêm cho kho tàng văn học Trung Hoa. Đến nay đó đều là những di sản quý giá, sáng lạn trong nền văn hóa Trung Hoa.

So với mức “phúc lợi khủng” của các quan viên nhà Tống, bổng lộc của quan viên nhà Minh có phần tiêu điều hơn rất nhiều. Sau khi Chu Nguyên Chương đăng cơ, triều đình trả bổng lộc cho quan viên bằng cả hiện kim và lương thực. Đương nhiên vào thời Hồng vũ hoàng đế Chu Nguyên Chương, do nhà Minh định đô ở Nam Kinh gần với khu vực Giang Nam, lương thực phong phú, dồi dào, cho nên tương đối dễ dàng “trả lương bằng lương thực”. Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ rời đô về Bắc Kinh, gặp khó khăn trong vận chuyển lương thực hơn, cộng thêm hiện kim mất giá, lương bổng của quan lại nhà Minh không đủ để duy trì chi tiêu trong cuộc sống thường nhật. Ví như Hải Thụy một vị quan nổi tiếng dưới thời Gia Tĩnh đế, bổng lộc chỉ đủ ba ngày ăn.

Bổng lộc của quan lại nhà Thanh căn bản vẫn dựa theo cách làm của nhà Minh, nhưng có nhân tính hơn triều Minh một chút. Nhằm nâng cao chất lượng đời sống cơ bản cho quan lại, triều đình đã tăng thêm cho quan chế độ “tiền Dưỡng Liêm” (tiền giữ sự thanh liêm). Ngoài nâng cao chất lượng đời sống, tiền Dưỡng Liêm còn có một mục đích khác – ngăn chặn quan viên lợi dụng quyền hanh tham ô tài sản.

Quan lại địa phương nhận bổng lộc bằng cách nào?

Vậy thì, quan lại thời xưa phát bổng lộc bằng cách nào? Thông thường, các quan lại ở Kinh Thành nhận lương dễ hơn so với nhưng nơi khác, nhưng vì phương tiện giao thông thời xưa tương đối lạc hậu, thô sơ, quan lại tại địa phương nhận lương tương đối khó khăn. Một số quan viên tại cái địa phương xa xôi chắc chắn không thể chạy lên Kinh Thành một chuyến chỉ để nhận lương rồi lại về. Nhằm giải quyết vấn đề này, Trung Quốc cổ đại đã nghĩ ra một cách tương đối trực tiếp và đơn giản – quốc khố tại địa phương.

Trung ương có quốc khố, mỗi châu, quận tại địa phương cũng đều có quốc khố, quốc khố này được xây lên có một tác dụng rất quan trọng là phát lương cho quan lại địa phương. Mỗi lần triều đình phát lương cho quan lại địa phương, quan lại địa phương chỉ cần đến thủ phủ của châu, quận tại thành phố mà mình đang sinh sống để nhận.

Tuy nhiên, quan lại địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi đến châu, quận để nhận lương. Đó là vì lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn, diện tích các châu, quận quản vô cùng lớn.

Dưới châu, quận còn đơn vị hành chính cấp cơ sở là “huyện”, có một số đơn vị hành chính cấp huyện cách thủ phủ châu, quận muôn trùng núi non, mà thời xưa lại chưa có xe hơi, mỗi lần đi đi về về châu, quận để lĩnh lương phải mất nhiều ngày đường. Không ít quan lại cấp huyện đến châu, quận đi lĩnh lương bỏ trống việc triều chính ở phủ huyện, bị triều đình truy cứu trách nhiệm.

Nếu vậy phải làm sao? Để giải quyết vấn đề các quan lại ở cấp huyện cơ sở nhất, triều đình đã nghĩ ra hai phương pháp:

Đầu tiên, thay đổi tần suất nhận lương, một số triều đại đổi từ phát lương một tháng một lần thành một năm một lần. Như vậy, cho dù quan lại cấp huyện phải đến thủ phủ của châu, quận nhận lương cũng chỉ phải đi một năm một lần, gánh nặng phải đi lấy lương một tháng một lần cũng nhẹ bớt.

Thứ hai, quan lại cấp huyện có thể phái người đi nhận thay, quan lại cấp huyện có thể viết giấy ủy quyền cho người đi nhận lương, triều đình còn thiết lập một cơ cấu chuyên biệt để thuận tiện cho các quan lại thuộc đơn vị hành chính cấp huyện lãnh lương. Thông qua hai cách này, triều đình cơ bản có thể giải quyết khó khắn trong việc nhận lương của các miền xa xôi.

Nói tóm lại, trong xã hội cổ đại vắng bóng thẻ ngân hàng, triều đình thông qua phát hiện kim, lương thực hoặc các hình thức phát thưởng khác để phát lương cho quan viên, đồng thời áp dụng cải biến tần suất nhận lương để giải quyết khó khăn trong việc nhận lương của các quan lại cấp cơ sở.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *