NGHỀ VÁC CỪ TRÀM THUÊ Ở MIỆT VÙNG U MINH HẠ

Có một nghề tại xứ tràm không chỉ giúp nhiều hộ ăn nên làm ra mà còn vực dậy kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động chưa qua đào tạo. Bên cạnh các nghề nuôi tôm, cua, trồng lúa, buôn bán nhỏ…, nghề vựa cừ tràm còn là thế mạnh riêng của xã Nguyễn Phích.

Tràm cừ là loại tràm phân bố chính ở các vùng ngập mặn, khu vực ven sông, nơi nhiều phù sa ở nhiều tỉnh thành phía nam của Việt Nam như Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An,…

Cây này được sử dụng với mục đích để bảo vệ đất, ngăn ngừa tình trạng nước bào mòn đất nhờ khả năng cắm rễ rất sâu của loài cây này. Ngoài ra, thân tràm còn được dùng để làm nguyên liệu phục vụ xây dựng và đưa vào các công trình thủy lợi.

Xã Nguyễn Phích với lợi thế nằm ngay trục lộ chính, giao thông thuận tiện, cứ cách 1 cây số là có một con kênh, nên việc trồng tràm hay vận chuyển tràm sau khi thu hoạch khá dễ dàng. Mặt khác, người dân tại đây ngoài trồng tràm còn trồng lúa, nuôi tôm, cua, hoặc nếu không vốn, không tư liệu sản xuất có thể nhờ vào vựa tràm mà sinh sống. Nhờ vậy mà nghề vác, bốc xếp cừ tràm cũng là một trong những nghề thu hút nhiều lao động tại xứ này.

Chợ tràm U Minh đã có chừng 10 năm qua, nằm ven đường dọc theo xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Chợ đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó có nghề vác tràm với thu nhập ổn định. Có ít nhất 20 điểm tập kết cừ tràm ở vùng này, hoạt động khá nhộn nhịp. Mỗi ngày có nhiều tàu, xe… của các thương lái đến thu mua cừ tràm, sau đó tiêu thụ ở nhiều nơi, chủ yếu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông thường, chủ của các điểm tập kết cho người vào vườn tràm của dân hoặc công ty lâm nghiệp để thu mua, sau đó chặt tràm rồi vận chuyển ra điểm tập kết. Khi có ghe đến chở tràm, người lao động vác cây lên rồi phân loại theo kích thước. Có những cây tràm nặng từ 50 – 60kg, 2 người phải hỗ trợ nhau mới vác nổi. Tiếp đó, có người lo việc đưa tràm lên bờ, phân loại kích cỡ rồi đưa lên xe, xuống tàu của thương lái đến mua. Giá tràm thì tùy loại cây, giao động từ 28.000 – 35.000 đồng/cây.

Số lao động ở mỗi điểm tập kết thường không cố định vì có thể làm ở điểm này, rồi sang điểm khác. Tuy nhiên, trung bình mỗi điểm có từ 5 đến 6 người làm thuê.

Theo nhiều người làm nghề vác tràm thuê tại chợ tràm, đa số những người đi làm đều mang theo cơm để tiết kiệm chi phí. Tuy công việc vất vả nhưng đây là nghề có thu nhập khá ổn đối với những hộ không đất sản xuất hoặc lúc nông nhàn.Cho dù công việc có nặng nhọc, nhưng chỉ cần nhận được điện thoại là các anh đến làm ngay. Tất cả đều mong có việc làm thường xuyên để có tiền lo cho con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình.

Giữa trời trưa nắng, một số anh lấy chiếc nón tai bèo úp vào mặt và tranh thủ chợp mắt đôi ba phút để lấy sức, tiếp tục phần việc còn lại buổi chiều. Nhìn các anh, tôi thầm mong đôi chân và bờ vai các anh luôn cứng cỏi, mạnh khoẻ để làm nghề và có thu nhập chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *