Dạo gần đây, Kimetsu no Yaiba ss2 đã ra mắt với Arc Kỹ viện trấn. Và main boss của arc này là Warabihime aka Daki – Quỷ Thượng huyền đội lốt Oiran. Ngay từ những tập đầu tiên người xem có thể thấy thông tin sơ lược về cụm từ “Hoa khôi”. Vậy Oiran là gì?
Oiran (花魁/ Hoa Khôi) là những kỹ nữ hạng sang, được xem là một kiểu dạng của Yujo (遊女/ Du nữ hay gái mại d*m) tại Nhật Bản. Tuy nhiên khác với gái mại dâm thông thường, Oiran lại trở thành một nét văn hoá truyền thống đặc trưng của Nhật Bản và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Oiran bắt đầu vào thời kì Edo, nổi bật nhất là ở yukaku (遊廓/phố đèn đỏ) nức tiếng Yoshiwara (Tokyo) với hàng loạt nhà chứa mại d*m được hợp pháp hoá lúc bấy giờ. Cụm từ Oiran được rút gọn từ câu: “Oira no tokoro no nee-san” (おいらの所の姉さん/ Các chị đại nơi chúng ta) dùng để chỉ những Yujo đã đạt đến thứ hạng cao nhất của Yukaku đó.
Hành trình để trở thành Oiran không hề đơn giản. Bắt đầu từ Kamuro (禿) là những bé gái 10 tuổi mặc Kimono đỏ tượng trưng cho màu của Vu nữ Thần đạo (Miko) với nhiệm vụ làm những việc vặt. Trong thời gian này kamuro sẽ được học qua về Yujo, sau đó sẽ dần nâng tới cấp bậc cao hơn là Shinzou. Shinzou (新造) được phân làm 4 loại:
- Bandoushinzo ( những cô gái không hấp dẫn hoặc những yujo già quá tuổi phục vụ cho Oiran)
- Furisodeshinzo ( là những cô gái 15-16 tuổi, được coi là Yujo tập sự được cho là có tiềm năng để trở thành Oiran tương lai)
- Tomesodeshinzo ( Họ bằng tuổi Furisodeshinzo nhưng chỉ có thể trở thành Yujo bình thường và được tiếp khách)
- Taikoshinzo ( các Yujo không mạnh về mảng mại d*m nhưng rất giỏi trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí)
Quá trình này diễn ra rất lâu và tốn kém, số tiền được chi trả thông qua thu nhập của Oiran đứng đầu phụ trách họ. Khác với Yujo thông thường, Oiran được đào tạo rất bài bản cầm kì thi hoạ, từ văn học, hát múa, chơi đàn Shamisen, Koto, trống tay Tsuzumi,… viết thư pháp, cắm hoa Ikebana, trà đạo Sado, đánh cờ Igo (cờ tướng Nhật),… cho tới cách ăn nói và ứng xử tao nhã, văn hoá, tri thức. Vì Oiran là những cô gái đến từ khắp Nhật Bản nên họ đã sáng tạo ra tiếng nói riêng, mỗi khi kết thúc câu thường thêm từ arinsu (ありんす) để ẩn đi quê hương của mình. Càng có nhan sắc xinh đẹp, tính cách tốt, có học vấn tri thức văn hoá cao và năng khiếu nghệ thuật thì danh tiếng của Oiran đó càng cao. Cấp bậc cao nhất của một Oiran là Tayuu (太夫/ Thái Phu), tiếp đó là Koshi (格子/Cách Tử). Riêng với Tayuu, họ đủ quyền lực cũng như vị thế cao trong xã hội để từ chối khách hàng. Oiran không phục vụ trực tiếp như Yujo. Một người nếu muốn gọi được Oiran phục vụ trước hết phải chứng minh được họ rất giàu có, nhiều tiền, quyền lực và sức mạnh thông qua việc nhiều lần lui tới yukaku và tiêu tiền phóng khoáng. Sau đó họ sẽ nhờ những người trung gian liên lạc với Oiran . Oiran thông qua đó sẽ quyết định có gặp mặt khách hàng hay không, nếu đồng ý, cuộc diễu hành Oiran Dochuu sẽ diễn ra.
Oiran Dochuu (花魁道中/ Trên đường đi) là cuộc diễu hành hào nhoáng nhằm chào đón và hộ tống khách hàng. Oiran sẽ mặc bộ Kimono lộng lẫy, với đặc trưng là phần Obi ở phía trước thay vì phía sau như Kimono thông thường, phần tóc được búi Hyogo, với đặc trưng là 2 búi tóc tách nhau như cánh bướm, trên đỉnh đầu được cài rất nhiều trâm lược quý giá làm từ san hô và mai rùa. Đôi guốc Geta của Oiran cao từ 15-20cm cùng toàn bộ phần trên nặng 27-30kg khiến cho việc di chuyển hết sức khó khăn. Do đó phía trước thường có một người đàn ông để Oiran có thể níu vào hỗ trợ quá trình này, phía sau có thêm người khác che ô. Khi bước Oiran thường đánh chân một vòng vào phía trong thành hình chữ bát (八). Đi cùng là đoàn tuỳ tùng, một vài người đàn ông đi trước , tiếp đó là 2 kamuro mang tư trang của Oiran, theo sau Oiran là đoàn Shinzou. (Rất nhiều người nhầm lẫn và chia sẻ cuộc diễu hành này thành lễ “rước dâu”, người ta diễu hành gái mại d*m đó má ơi :)))
Kết thúc Oiran Dochuu, Oiran sẽ gặp mặt khách hàng, tuy nhiên cô sẽ không phục vụ ngay mà phải trải qua ba lần. Lần thứ nhất Oiran sẽ ngồi trên Thượng toạ (kamiza/上座) cách xa khách hàng đang ở Hạ toạ (shimoza/下座) và không ăn, uống hay nói chuyện, chỉ quan sát xem khách hàng xứng đáng với sự phục vụ của cô hay không qua việc người đó phô trương vị thế của mình. Lần thứ hai y hệt lần thứ nhất nhưng Oiran sẽ ngồi gần khách hàng hơn một chút. Lần thứ ba Oiran mới phục vụ, khi này khách hàng đó sẽ trở thành khách quen với một cái khay và đôi đũa đã khắc tên của mình ở trên và phải chi trả một số tiền rất lớn. Số tiền này sẽ được Oiran sử dụng cho quá trình đào tạo, nuôi dưỡng Kamuro, Shinzou cũng như trả tiền mặt bằng, chăm sóc cho bản thân,… Ngoài ra một khách hàng nếu đã trở thành khách quen thì họ không được phép lui tới với Yujo hay các nhà chứa khác, cho dù yukaku có rất nhiều quán nhưng chỉ cần vị khách đó tới quán khác thì Oiran đều sẽ biết. Điển hình là khu Yoshiwara. Đồng thời nếu đã là khách quen thì không cần 3 lần gặp mặt và mỗi lần khách hàng tới đều sẽ được tiếp đón bằng Oiran Dochuu.
Theo sự phát triển của lịch sử, Oiran không còn phù hợp và dần mất vị thế của mình. Cách nói chuyện mang tính lễ nghi trang trọng hơn là bình dân, yêu cầu cũng như vị thế phô trương cầu kì của Oiran cũng trở nên cách biệt với xã hội, lượng khách ngày một giảm đi. Đặc biệt sự xuất hiện, nổi lên và phổ biến của Geisha, một hình thức giải trí mới bình dân, đơn giản hơn, dễ dàng tiếp cận cũng như làm hài lòng khách hàng đã thay thế hoàn toàn vị trí của Oiran. Năm 1761, Tayuu cuối cùng đã về hưu, chấm dứt sự phân bậc, cụm từ Oiran được sử dụng chung với các kỹ nữ cao cấp còn sót lại. Trong Thế chiến 2 dù Oiran vẫn phục vụ nhưng mọi hành vi, biểu hiện sang trọng bị phản đối và Luật chống mại d*m năm 1958 đã giáng một đòn mạnh lên nét văn hoá này. Cuối thế kỉ 20, Oiran chính thức suy tàn và mất vị trí trước Geisha. Kỹ viện đào tạo Tayuu cuối cùng ở Hoa thị Shimabara đã trở thành khu Geisha. Ngày nay vẫn còn những Oiran được công nhận là Tayuu, tuy nhiên công việc của họ tương tự Geisha, mua vui cho khách nhưng không bán thân như một cách để bảo tồn nét văn hoá truyền thống hơn là vì lối sống nghề nghiệp. Hàng năm trên khắp Nhật Bản nhiều nơi vẫn tổ chức các lễ hội Oiran Dochuu với quy mô lớn, thu hút rất đông người tham gia và du khách chiêm ngưỡng nhằm lưu giữ nét văn hoá Oiran, ngoài ra tại công viên Nikko Edomura Wonderland tỉnh Tochigi, diễu hành Oiran Dochuu diễn ra liên tục với quy mô nhỏ hơn nhằm quảng bá văn hoá thời Edo. Tại Việt Nam, Oiran đã trình diễn vài lần trong lễ hội Feel Japan in Vietnam được tổ chức hàng năm tại thành phố Hồ Chí Minh khi chưa có dịch.
Chính vì có nhiều nét khá giống nhau nên nhiều người nhầm lẫn giữa Oiran và Geisha và gọi Oiran là “Geisha phiên bản lỗi”. Tuy nhiên điều này là không đúng bởi tuy hiện nay công việc của họ là như nhau nhưng nếu xét trên khái niệm thực tế và lịch sử phát triển thì Geisha là “Nghệ giả” là người làm nghệ thuật chứ không bán thân còn Oiran thì có. Đơn giản chúng ta vẫn có thể dễ dàng phân biệt thông qua trang phục (obi phía trước hay phía sau, đơn giản hay phô trương), kiểu tóc, geta,…. Thông qua những điều trên, mong mọi người biết thêm về một nét văn hoá truyền thống Nhật Bản cũng như phân biệt rõ Oiran và Geisha để tránh bị nhầm lẫn giữa hai văn hoá khác biệt này