Ảnh: Thanh Huyên
Thời đi học, Trạng Trình kết thân với 3 người bạn:
– Bùi Ngu Dân: Nhà nghèo, mẹ làm thuê gặt mướn, cha đốn củi nuôi ông ăn học. Tuy nhiên, ông phải nghỉ học vì không đủ tiền mua giấy bút. Ngu Dân đến chùa Mép (chùa Thiên Hương, Hải Phòng) xin học và được sư cụ tiếp nhận. Đến tuổi trưởng thành, ông không tham gia khoa cử mà ở nhà mở trường dạy học.
– Văn Đàm: Mồ côi cha mẹ, vừa làm thuê vừa học. Khi trưởng thành, ông đỗ Hương Cống nhưng ở nhà làm ruộng với danh xưng mới: Cống Đàm. Ngoài ra, ông không muốn xa người yêu Trần Thị Thắng – cô gái mà ông không rước về dinh được do câu hộ đối môn đăng. Vì thế, ông bà ở vậy và vẫn xem nhau như những người bạn.
Trước việc những toán cướp hoạt động mạnh, Văn Đàm đứng ra tập hợp thanh niên trai tráng trong vùng lập đội hương binh để giữ gìn an ninh trật tự. Lúc này Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từ quan, ông khuyên bạn ngăn con sông Hóa dâng nước phá hoại mùa màng. Văn Đàm cùng mọi người hộ đê, ông xây căn nhà lá trên triền đê Đông Am, lấy đó làm chỉ huy sở và nơi nghỉ ngơi cho ông.
Vì công việc bộn bề, lo nghĩ nhiều nên sức khỏe của ông dần suy kiệt. Một hôm, ông đột quỵ trên mảnh chiếu rách. Sáng hôm sau, Trạng Trình dẫn mọi người đi tìm ông thì mối đã đùn thành mộ. Để tưởng niệm Văn Đàm, người dân xây đền thờ chỗ ông mất gọi là đền Vua cuốn chiếu.
– Trần Thị Thắng: Tiểu thư nhà giàu, ở vậy do không đến được với người thương. Sau khi Văn Đàm mất, Nguyễn Bỉnh Khiêm vận động Trần Thị Thắng tham gia đánh quân Lê – Trịnh đang ép Mạc Mậu Hợp chạy khỏi Đông Kinh. Bà tập hợp đội hương binh của Văn Đàm hợp với cánh quân của ông Đinh Thời Trung là học trò Trạng Trình buộc quân Lê – Trịnh rút chạy về Tam Điệp (Ninh Bình). Nhờ nhiều lộ quân, Mạc Mậu Hợp giữ được Đông Kinh.
Ngày chiến thắng, hoàng đế nhà Mạc phong Đinh Thời Trung làm Tổng Lãnh Binh, phong bà làm Quận chúa. Tương truyền, vua cho phép bà cưỡi voi từ nhà qua cánh đồng làng, đi đến chỗ voi không di chuyển được nữa thì đó là ruộng tứ của bà. Bà cưỡi voi từ nhà là Cổ Am, qua chùa Mép vòng qua Nam An (Vĩnh Bảo) đến làng Lôi Trạch thì voi không đi được nữa. Đó là ruộng tứ của bà, dân gọi cánh đồng bà Chúa.
Nguồn: Việt sử Những chuyện hay ít biết, Lê Thái Dũng