Xã hội chỉ dạy bảo mọi người để thích hợp với đời sống tập đoàn. Giáo dục được đặt ra để giúp học sinh có thể tìm kế sinh nhai theo một khuôn mẫu nhất định chứ không hề giúp họ nhìn thấy khía cạnh rộng lớn hơn cuộc sống. Nó làm con người rơi vào trạng thái bối rối vì không biết làm gì.
Cuộc đời là như vậy, đã là người ai lại không đau khổ. Bất cứ hạnh phúc nào hôm nay cũng dọn đường cho sự đau khổ ngày mai và cứ thế tiếp diễn mãi không thôi. Sinh ra đã khổ. Già cũng khổ, bệnh tật cũng khổ và dĩ nhiên chết là một điều ai cũng sợ hãi. Phải sống với người mình không ưa đã là khổ, phải xa lìa người mình yêu mến cũng là một điều khổ nữa. Ham muốn mà không toại nguyện đã là khổ, nhưng toại nguyện rồi cũng vẫn còn khổ vì được cái này lại mất cái kia hoặc còn ham muốn cái khác nữa.
Nhưng có đau khổ thực sự thì mới mong đi tìm con đường diệt khổ, chưa có đau khổ thì cuộc đời còn đẹp lắm, có nếm mùi đau khổ người ta mới tỉnh ngộ và nhận thức một cách đúng đắn hơn về mục đích của cuộc đời.
Để trả lời cho câu hỏi: “Mục đích cuộc đời là gì?” thì mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau vì mỗi người có hoàn cảnh không giống nhau. Không một giải đáp nào có thể xem là chính xác, hay có thể áp dụng chung cho mọi người.
Thực ra đây là câu hỏi chúng ta chỉ nên đặt với chính mình và tự tìm lấy câu trả lời. Không ai có thể bắt người khác phải nghe theo mình được vì không lời giải đáp nào tốt hơn lời giải đáp nào. Dĩ nhiên, tôi có thể thuyết phục anh bằng những lý thuyết, phương pháp, biện bác hoặc hứa hẹn nhưng điều đó đâu thực sự giúp ích gì cho anh vì cuộc sống là của anh chứ đâu phải của tôi.