Có ba kiểu biết: cái biết bình thường, cái biết vượt trên bình thường, và cái biết tối thượng. Cái biết bình thường là tư duy biện biệt, phân tích mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Nó nhìn nhận thế gian như thể được tạo ra từ những thành phần cố định và tách rời. Bạn bè, con cái, cha mẹ của chúng ta, các đối tượng – tất cả được nhìn nhận tách rời khỏi nhau và khỏi chúng ta. Từ góc nhìn này, rất khó để có sự giao tiếp an bình hoặc để trao cho bản thân sự cống hiến trọn vẹn, sự một lòng với cuộc sống của người khác. Khi giúp con cái mình làm bài tập về nhà, tại sao bạn không giúp bằng toàn bộ sự tận tâm cống hiến, để khi ấy cuộc đời bạn được thấy trong chính cuộc đời của con cái? Nó là thời gian của bạn, nhưng thời gian của bạn không xuất hiện trên bề mặt; thời gian của con cái bạn mới xuất hiện trên bề mặt. Thời gian của bạn được tìm thấy trong thời gian của con cái. Phật giáo luôn dạy rằng bạn nên tìm thấy thời gian của mình trong thời gian của người khác. Đây được gọi là sự toàn tâm, đây được gọi là “giúp đỡ”. Không có sự phân chia. Bạn là đứa con, đứa con là bạn.
Cái biết thứ hai là cái biết vượt trên sự hiểu biết thông thường. Nó có nghĩa là cố gắng để biết chân lý – rằng thế gian là vô thường. Theo nghĩa thông thường, chúng ta nhìn nhận mọi thứ cố định. Nếu muốn biết sâu xa cuộc sống con người là gì, chúng ta nên chú tâm vào sự thật vô thường. Lập tức, chúng ta cảm nhận được điều gì đó từ vô thường. Có thể chúng ta cảm thấy tư lự, và nói: “Đừng nói rằng thế gian vô thường, vì như thế bi quan quá”. Nhưng, bất kế kinh nghiệm hay cảm xúc về vô thường của chúng ta là gì, thế gian là vô thường. Vậy chúng ta không nên bám vào cảm xúc hay kinh nghiệm của mình. Bạn nên thấy bạn, người luôn biến mất, biến mất trong thế giới của người khác. Khi giúp ai đó, bạn luôn được tìm thấy trong cuộc sống của người ấy; nhưng hình dáng cuộc đời bạn lại không được để lại dấu vết nào trong cuộc đời của người ấy. Đây giống như mối quan hệ giữa sóng và nước: Nếu nhận ra sự tồn tại của sóng, không có nghĩa sóng tồn tại tách rời khỏi nước; chúng luôn được tìm thấy trong cảnh giới của nước, liên tục vận động trong tầm vóc lớn hơn của cuộc sống gọi là nước. Nếu bạn hành thiền, thiền choán đầy cả thế gian. Các chúng sinh còn lại của thế gian hoàn toàn bị ẩn đằng sau việc bạn hành thiền. Khi giúp ai đó, bạn phải toàn tâm. Khi ấy, bạn choán đầy cả thế gian. Cuộc sống của người khác bị ẩn trong bạn. Đây được gọi là “giúp đỡ”.
Hãy đặt giá trị vào pháp, không phải vào kinh nghiệm hay cảm xúc cá nhân. Nghĩa là, hãy đặt giá trị vào tầm vóc lớn hơn của cuộc sống, và mở lòng; dù thấy tư lự, cũng hãy mở lòng. Khi ấy, nếu phải giúp, hãy giúp; nếu phải chăm lo cuộc sống của mình, hãy chăm lo. Dù cảm thấy gì, dù tư lự hay không, thích hay không, hãy mở lòng và làm điều phải làm. Từ lối sống này, bạn thực sự có thể chăm lo đến từng cảm xúc và kinh nghiệm cá biệt; cuộc sống của bạn sẽ nở hoa. Nó sẽ thực sự hữu ích.
Thứ ba là cái biết tối thượng. Cái biết tối thượng là biết làm thế nào sống trong thế gian, thấy rõ bức tranh tổng thể những chúng sinh đang hòa hợp với nhau. Điều này nghĩa là khi bạn giúp ai đó, có cùng một nền tảng và chỉ một nền tảng mà trên đó bạn có thể thấy hai cuộc sống liên tục hoán đổi cho nhau. Hai cuộc sống ấy không thể được thấy là tách rời. Nếu tôi nói “tôi”, cuộc sống của người khác cũng đồng thời ở đó. Nếu tôi nói “cuộc sống của người khác”, lập tức cuộc sống của người ấy được tìm thấy trong cuộc sống của tôi, bởi lẽ những gì chứa đựng trong cuộc sống của tôi không chỉ là của tôi, mà đồng thời bao gồm cuộc sống của người ấy. Tôi không thể phớt lờ cuộc sống của người ấy. Tự nhiên, cả hai được kết nối. Vì vậy, cuộc sống của người ấy không chỉ là của người ấy, mà cũng là của tôi. Với cái biết tối thượng, chúng ta có thể thấy một bức tranh đẹp đẽ, trong đó hai thứ đang liên tục hoán đổi cho nhau. Đây là nơi chúng ta phải an trụ. Cảnh giới Phật luôn cho chúng ta bức tranh tổng thể, nơi nhiều thứ đang liên tục hoán đổi cho nhau. Tôi không thể tồn tại, không thể sống còn nếu không có tất cả những người khác. Tôi có thể giúp bởi vì người khác không phải là khác; người khác là những gì thuộc về cuộc đời tôi, người khác hoàn toàn được ôm trọn trong cuộc đời tôi, cuộc sống của tôi được tìm thấy trong cuộc sống của người khác. Khi đó, tôi có thể làm với sự toàn tâm. Đây được gọi là cái biết tối thượng.
Đã hiểu ba cái biết khác nhau, và ý nghĩa của việc biết sự thật rằng mọi chúng sinh là Phật, tiếp theo chúng ta phải chấp nhận sự thật này. Chấp nhận sự thật nghĩa là hấp thu cái biết đã có. Hấp thu nghĩa là tiêu hoá cái biết ấy. Nếu có cái biết, bạn đã có thực phẩm tinh thần. Thực phẩm này giúp bạn sống còn, giúp bạn hiện hữu. Nhưng nếu thức ăn cứ ở nguyên trong dạ dày, bạn sẽ sinh bệnh. Vậy thức ăn phải được tiêu hóa. Điều đó rất rõ ràng. Nếu bạn có kiến thức nhất định về thế giới loài người, về cuộc sống con người, bạn phải dành thời gian tiêu hóa nó. Đây được gọi là “chấp nhận”. Sự chấp nhận đòi hỏi bạn dành thời gian hiểu làm thế nào đưa kiến thức, ý tưởng, hy vọng vào thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Điều này không dễ, nó đòi hỏi rất nhiều thời gian thực hiện. Nhưng chúng ta nên dành thời gian. Nếu cái biết được tiêu hóa hoàn toàn, khi ấy không có dấu vết của kiến thức, vì kiến thức chuyển thành năng lượng sống, thành chính cuộc sống. Tất cả những gì bạn thấy chỉ là năng lượng sống vận động hàng ngày. Thực chứng là như vậy.
– Trích TRỞ VỀ YÊN LẶNG – DAININ KATAGIRI