MÌNH ĐÃ TIẾT KIỆM CHI TIÊU ĂN UỐNG THẾ NÀO KHI CÒN LÀ SINH VIÊN?

Người đời có câu “Cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày” là sướng như tiên, ấy nhưng tiền ở đâu để mà ăn ba bữa với sắm quần áo thì người ta không chịu nói. Vậy để mình mách bạn những cách mình biết và đã thử để tiết kiệm chi tiêu ăn uống khi còn là sinh viên nhé.

Ăn uống được xếp vào nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người nên các bạn không nên quá tiết kiệm mà làm lơ sức khỏe của bản thân, nhất là đối với các bạn sinh viên đang ở tuổi ăn, tuổi học. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách tiết kiệm hợp lý thì bạn vẫn có được những bữa ăn tươm tất mà lại tiết kiệm và những mẹo sau đây sẽ giúp bạn làm điều đó.

1. LÊN NGÂN SÁCH CHO VIỆC ĂN UỐNG

Bí kíp của việc tiết kiệm là bạn hiểu rõ được mình có thể chi bao nhiêu và chi đúng trong khoản ngân sách mà mình đã dành cho nó. Chắc hẳn bạn còn nhớ quy tắc 6 chiếc lọ, trong đó chúng ta sẽ dành 55% thu nhập của bạn cho nhu cầu thiết yếu, sinh hoạt cuộc sống hàng ngày bao gồm các khoản chi cho việc thuê nhà, ăn uống, mua sắm đồ dùng sinh hoạt hàng tháng, di chuyển đi lại,v.v. Dựa trên thu nhập của bản thân và cân đối giữa các khoản chi và nhu cầu cá nhân, bạn hãy tính toán một ngày, mỗi tuần, mỗi tháng mình sẽ cần bao nhiêu cho việc ăn uống. Đây chính là giới hạn mà bạn không thể vượt quá mỗi lần đi chợ hoặc mở hầu bao cho việc ăn uống. Con số đầu tiên bạn đặt ra không phải là con số mà bạn phải áp dụng mãi mãi, hãy áp dụng, đánh giá việc chi tiêu và điều chỉnh sao cho phù hợp.

2. KHÔNG MANG THEO QUÁ NHIỀU TIỀN MẶT THEO NGƯỜI

Khi mang theo sẵn tiền trong túi, bạn thường có xu hướng chi tiêu mạnh tay hơn. Bởi vậy, hãy thử cân nhắc việc lưu trữ tiền trong thẻ hoặc chỉ mang một khoản đủ như mức giới hạn mà bạn đã đặt ra. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế việc tiêu xài nhiều hơn mức cho phép mà vẫn đảm bảo việc bạn có thẻ để rút tiền trong những tình huống bất ngờ.

3. QUẢN LÝ CHI TIÊU BẰNG ỨNG DỤNG ĐIỆN THOẠI

Quản lý chi tiêu cá nhân là quá trình lập kế hoạch tài chính cho bản thân. Bao gồm theo dõi, đánh giá, điều chỉnh tình trạng tài chính của cá nhân mỗi người. Quá trình này được chia theo cấp độ thời gian từ hàng ngày, hàng tuần cho đến hàng tháng và hàng năm. Trên thực tế, có nhiều hình thức bạn có thể áp dụng để quản lý chi tiêu cá nhân của mình, ví dụ bảng tính excel, sổ sách và những ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên, trong những hình thức hiện có này, quản lý bằng ứng dụng điện thoại là phương pháp dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và tối ưu nhất cho những người mới bắt đầu. Một số ứng dụng hoàn toàn miễn phí mà bạn có thể cân nhắc là: Money Lover, HomeBudget và PocketGuard. Mỗi ứng dụng có một ưu điểm riêng, hãy sử dụng và xem ứng dụng nào đáp ứng được nhu cầu của bạn nhé.

4. KHÔNG LÃNG PHÍ THỨC ĂN

Đã bao giờ bạn nấu thừa cơm để hôm sau bị thiu và phải bỏ đi? Đã bao giờ bạn mua bánh mì, sữa tươi mà để quá hạn sử dụng trước khi dùng hết? Đã bao giờ bạn nấu canh thừa và bỏ đi? hay đã bao giờ bạn order quá nhiều đồ và không thể ăn hết tại quán? Lãng phí thực phẩm dù cách này hay cách khác đều tiêu tốn tiền của bạn, chưa kể, nó còn gây lãng phí tài nguyên và nhiều tác hại xấu cho môi trường. Để hạn chế điều này, bạn cần lưu ý quá trình mua thực phẩm, khi chế biến, bảo quản và khi ăn uống ở bên ngoài.

Khi mua thực phẩm, luôn luôn kiểm tra hạn sử dụng của chúng và tính toán xem mình có thể tiêu thụ hết trước hạn hay không. Khi chế biến, hãy cố gắng chế biến vừa đủ và ăn hết. Trong quá trình bảo quản thực phẩm, bạn cần ghi chú lại hạn sử dụng hoặc đặt nhắc nhở để tránh để thực phẩm hết hạn. Ngoài ra, hãy đọc thêm các mẹo bảo quản rau củ, thịt cá,v.v. ở trên mạng để biết cách giữ cho thực phẩm tươi lâu và an toàn khi sử dụng. Và cuối cùng, khi ăn ở quán, bạn nên gọi dần các món thay vì gọi tất cả đồ cùng một lúc để cân đối với sức tiêu thụ của mình. Nhiều nhà hàng còn có chính sách thu tiền nếu khách hàng ăn để thừa, bởi vậy, việc ăn hết đồ mình đã gọi chắc chắn sẽ giúp bạn không bị lãng phí tiền bạc.

5. TẬN DỤNG NHỮNG GÌ CÓ SẴN ĐỂ CHẾ BIẾN THỨC ĂN

Bạn có thực phẩm sẵn ở nhà nhưng không biết chế biến ra sao? Thay vì đi chợ mua đồ mới ngay, hãy thử tìm sự trợ giúp của google hoặc những ứng dụng gợi ý công thức nấu ăn từ thực phẩm có sẵn như Cookbook, Kitchen Rock, NoWaste. Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến cơm nguội – một nguyên liệu “thần thánh” có thể biến tấu thành nhiều món hấp dẫn như pizza, tokbokki hay snack giòn rụm. Đây chính là lúc mà bạn cần vận dụng một chút khả năng sáng tạo của mình để bữa ăn từ những thực phẩm quen thuộc cũng không trở lên nhàm chán đồng thời thể tiết kiệm được một khoản tiền đi chợ đáng kể.

6. TỰ TRỒNG THÊM RAU XANH

Nhiều bạn đọc đến đây có lẽ sẽ lắc đầu, ngán ngẩm rằng làm gì có đất hay không gian mà trồng hay mình trồng cây gì cũng không sống được vì không biết cách chăm. Thực tế thì việc trồng rau đúng là không dễ dàng nhưng không quá khó nếu bạn có một chút kiên nhẫn và biết cách lựa chọn loại rau nào phù hợp. Nếu bạn là một thành viên của hội Yêu bếp thì chắc hẳn bạn sẽ không còn xa lạ với trend trồng giá đỗ bằng vỏ hộp sữa hay trồng hành lá trong nước,v.v. – đây đều là những phương pháp trồng đơn giản và dễ dàng mà bạn có thể áp dụng ngay. Vậy tại sao lại không thử nhỉ?

7. MUA RAU, CỦ, QUẢ ĐÚNG MÙA

Một mẹo mà các bà, các mẹ thường hay nhắc đến đó là mua “mùa nào thức ấy”. Mỗi mùa với khí hậu khác biệt sẽ tạo điều kiện khác nhau cho những loại thực vật rau củ quả khác nhau phát triển. Việc lựa chọn rau củ quả theo mùa không chỉ đảm bảo hương vị, chất dinh dưỡng, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cả gia đình mà còn tối ưu hóa chi phí bởi rau củ trái mùa thường sẽ có giá cao hơn. Ví dụ, những rau củ mùa xuân bao gồm rau cải, măng tây, xà lách, các món giá đậu, súp lơ trắng. Hay trái cây giải nhiệt mùa hè thì có dưa hấu, dưa chuột, xoài, nhãn, đu đủ. Lưu ý rằng bên cạnh trái cây rau củ quả theo mùa thì cũng sẽ có những thực phẩm quanh năm như cam, bơ, hành. Do đó, hãy tham khảo trên các trang thông tin uy tín hoặc học kinh nghiệm từ các bà, các mẹ để biết cách chọn thực phẩm thông minh nhé.

Hy vọng rằng các bài viết này đã mang đến cho bạn một góc nhìn mới về đề tài quản lý tài chính cá nhân. Cảm ơn bạn đã đọc và chúc bạn sớm đạt được mục tiêu tài chính của bản thân trong thời gian tới!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *